Áp lực gì khiến giá dầu sụt giảm?
Giá dầu liên tục sụt giảm sau khi Trung Quốc phong tỏa Thượng Hải và nhiều quốc gia trên thế giới đồng ý giải phóng lượng dầu từ nguồn dự trữ khẩn cấp.
Sáng nay (11/4), giá dầu ở châu Á giảm 2 USD/thùng sau khi Trung Quốc phong tỏa Thượng Hải và nhiều quốc gia trên thế giới đồng ý giải phóng lượng dầu từ nguồn dự trữ nhằm hạ nhiệt giá dầu do cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Cụ thể, dầu Brent giảm 2,04 USD (tương đương 2%) xuống 100,74 USD/thùng, dầu WTI giảm 1,94 USD (tương đương 2%) xuống 96,32 USD/thùng.
Theo giới chuyên gia, thị trường đang bám sát diễn biến ở Trung Quốc khi giới chức trách Thượng Hải quyết tâm thực hiện chính sách "Zero Covid-19" trong khi Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Giá dầu liên tục giảm sau khi Trung Quốc phong tỏa Thượng Hải và nhiều quốc gia trên thế giới đồng ý giải phóng lượng dầu từ nguồn dự trữ khẩn cấp (Ảnh: Reuters). |
Cùng với tuyên bố "xả" 180 triệu thùng dầu dự trữ chiến lược của Mỹ, các quốc gia thành viên thuộc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng cam kết giải phóng 60 triệu thùng dầu nhằm hạ nhiệt giá nhiên liệu. Động thái này nhằm bù đắp vào lượng dầu thô thiếu hụt từ Nga sau khi Moscow bị áp các lệnh trừng phạt nặng nề từ phương Tây.
Ông Tina Teng từ CMC Markets cho rằng: "Giá dầu sụt giảm là nhờ nỗ lực giải phóng kho dự trữ dầu của Mỹ và các nước thành viên IEA, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc phong tỏa 2 trung tâm sản xuất lớn là Thẩm Dương và Thượng Hải".
Theo chuyên gia CMC Markets, việc "xả" 240 thùng dầu là sự kiện lớn chưa từng có để "dập tắt" đà tăng giá của nhiên liệu. Tuy nhiên, hành động trên có thể bù đắp được sự thiếu hụt nguồn dầu từ Nga hay không vẫn chưa chắc chắn.
Giới phân tích cho rằng, ngay cả khi áp các lệnh trừng phạt dầu mỏ, khí đốt lên Nga, Mỹ và EU có thể cũng không thu được kết quả như mong đợi vì một số nước, nổi bật là Ấn Độ khó có thể kiềm chế được sức hút từ dầu thô của Nga với mức giá ưu đãi.
Hôm nay (11/4), Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có cuộc nói chuyện trực tuyến với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong bối cảnh Nhà Trắng không muốn Ấn Độ nhập khẩu năng lượng từ Nga.
Theo thống kê, sản lượng dầu và khí đốt của Nga đã giảm xuống 10,52 triệu thùng/ngày trong giai đoạn từ 1/4 đến 6/4 so với mức trung bình tháng 3 là 11,01 triệu thùng/ngày.
Theo Dân trí