"Đứa con của Covid-19" xuất hiện và "mối nguy thứ 4" với kinh tế toàn cầu
Đã qua rồi cái thời "Covid-19 là bá chủ", nhiều nước đang dần trở lại trạng thái bình thường. Thế nhưng, sự xuất hiện của "đứa con của đại dịch" và "mối nguy" kế tiếp lại đang phủ bóng lên kinh tế toàn cầu.
Sau Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu thì giờ đây kinh tế thế giới lại đang đối mặt với một vấn đề mới...
QUA RỒI CÁI THỜI "COVID-19 LÀ BÁ CHỦ", NHƯNG...
Đến giờ, những tác động trực tiếp của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế thế giới đang ngày một giảm nhẹ. Tại Mỹ, tốc độ tăng trưởng việc làm mới và chi tiêu tiêu dùng đã đạt được những thành quả tương đối ấn tượng ngay trong bối cảnh số ca nhiễm liên tục đạt đỉnh. Các bang New York, Massachusetts và nhiều địa phương khác trên toàn nước Mỹ đang bắt đầu cho gỡ bỏ các biện pháp hạn chế, ví dụ như quy định bắt buộc phải đeo khẩu trang trong không gian trong nhà. Bang California thậm chí còn triển khai một kế hoạch tiếp cận hoàn toàn mới đối với đại dịch, qua đó coi Covid-19 là một rủi ro hoàn toàn có thể kiểm soát được.
Nói cách khác, chúng ta đã qua cái thời mà "Covid-19 là bá chủ", theo lời chia sẻ của Austan Goolsbee, một nhà kinh tế học tới từ Đại học Chicago, Mỹ, ghi nhận bởi The New York Times.
Thế nhưng, nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa thể quay lại trạng thái bình thường giống như trước. Các khía cạnh của xã hội, cuộc sống, công việc đã bị gián đoạn bởi đại dịch trong một khoảng thời gian dài, và tất nhiên, chúng ta cần thời gian để có thể "tái hòa nhập".
Tác động của cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng cũng đang có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng vẫn còn quá sớm để có thể kết luận rằng "giông tố" đã đi qua. Giá cả hàng hóa đang gia tăng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 4 thập kỷ qua, và tác động của lạm phát đang len lỏi vào nhiều ngóc ngách của cuộc sống hàng ngày. Trong các cuộc khảo sát đã được thực hiện, người dân Mỹ cho biết họ cảm thấy tình hình hiện tại "u ám" hơn so với thời điểm đầu của đại dịch, khi mà các biện pháp phong tỏa được áp dụng rộng rãi và số lượng người thất nghiệp tăng cao.
"Sống chung với Covid" hiện tại đang là các tiếp cận mới mẻ của nhiều quốc gia trên toàn thế giới, khi mà các hoạt động sản xuất kinh doanh được cho phép hoạt động bình thường trở lại, và nút thắt suy thoái kinh tế dường như dần được cởi bỏ. Với việc đón nhận không ít thông tin tích cực trong suốt thời gian qua, nhiều người cho rằng nền kinh tế toàn cầu đã hoàn toàn thoát ra khỏi cái bóng của Covid-19 sau 2 năm trời ròng rã và đang băng băng trên con đường phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên, có một sự thật không mấy vui vẻ rằng trong khi những hệ quả của đại dịch vẫn đang dai dẳng đeo bám, "cản chân" đà hồi phục của nền kinh tế thế giới, thì những thử thách mới đã bắt đầu lộ diện.
"ĐỨA CON" CỦA ĐẠI DỊCH XUẤT HIỆN
Quỹ tiền tệ quốc tế IMF đã phát hành bản cập nhật Báo cáo triển vọng kinh tế Thế giới vào cuối tháng 1 vừa qua, qua đó, cơ quan này đã hạ dự báo tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu thấp hơn 0,5% so với trước đó, với quan điểm thận trọng hơn đối với hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 được IMF đưa ra rơi vào khoảng 4,4% và đã được tính toán dựa trên những quan ngại liên quan tới tình trạng tăng giá hàng hóa đang diễn ra trên quy mô toàn cầu. "Tỷ lệ lạm phát tăng mạnh được dự báo sẽ kéo dài hơn so với dự báo trước đó của chúng tôi", IMF giải thích. "Đà tăng giá năng lượng và sự đứt gãy chuỗi cung ứng đã khiến cho lạm phát nhảy vọt ra ngoài những nhận định trước đó, đặc biệt là tại Mỹ, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển", theo chia sẻ của tổ chức này.
Giá xăng dầu tại Mỹ tăng cao lên mốc kỷ lục, gây ra nhiều xáo trộn trong cuộc sống của người dân (Ảnh: AP News). |
Trên thực tế, tỷ lệ lạm phát hàng năm của Mỹ đã tăng tới 7% trong tháng 12/2021 và 7,5% trong tháng 1 vừa qua - cũng chính là tháng Mỹ có tốc độ gia tăng lạm phát lớn nhất trong vòng 40 năm, kể từ tháng 2/1982. Core Personal Consumption Expenditures (PCE) Price Index - một chỉ số đo lường lạm phát và được quản lý bởi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) - đã tăng lần lượt 4,9% và 5,2% cũng trong khoảng thời gian kể trên.
Đà tăng giá năng lượng là một nguyên nhân lớn dẫn tới tình trạng lạm phát tăng cao tại Mỹ cũng như nhiều khu vực khác trên toàn thế giới. Theo dữ liệu từ Cục Thống kê lao động Mỹ, chi phí năng lượng chính là động cơ thúc đẩy lạm phát tăng cao trong năm 2021, cao hơn 29% so với năm 2020. Tại Mỹ, giá xăng đã tăng tới 50% và chi phí dầu nhiên liệu cũng đã nhảy vọt 41%.
Khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng chứng kiến tình trạng lạm phát tăng cao kỷ lục, với mức tăng 5% ghi nhận trong tháng 12/2021 và 5,1% trong tháng 1 năm nay. Đà tăng giá năng lượng, mà đặc biệt là giá khí đốt, cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ra tình trạng này và thậm chí nó còn rõ ràng hơn so với Mỹ. Khi lạm phát tăng quá cao, nhiều người cho rằng lạm phát đã đạt đỉnh và sẽ hạ nhiệt trong phần còn lại của năm 2022. Nhưng liệu điều đó đã thực sự xảy ra? Nó phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến giá khí đốt trong tương lai.
Bên cạnh đà tăng giá năng lượng, cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu cũng góp phần không nhỏ khiến lạm phát tăng mạnh. Tình trạng thiếu hụt người lao động trong bối cảnh làn sóng biến chủng Omicron lan rộng đồng nghĩa với việc những điểm nghẽn ảnh hưởng tới mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu từ năm 2021 vẫn sẽ tiếp tục tồn tại trong năm 2022 và có thể là lâu hơn nữa.
Chủ tịch Fed Jerome Powell đã lên tiếng thừa nhận rằng các vấn đề chuỗi cung ứng đang tồn tại lâu hơn so với dự báo trước đó của cơ quan này, cho dù trước đó, ông đã từng khẳng định rằng áp lực nguồn cung đang có phần lắng xuống. Theo dữ liệu từ Flexport, một công ty môi giới vận tải, hàng hóa từ Trung Quốc bình quân mất tới 113 ngày mới có thể được vận chuyển tới Mỹ. "Tôi không cho rằng có điều gì chắc chắn ở thời điểm hiện tại", Phil Levy, nhà kinh tế học của Flexport, chia sẻ với tờ Washington Post.
Sự bất ổn liên quan tới dịch bệnh, các sự kiện địa chính trị đã khiến cho việc dự báo lạm phát toàn cầu trong năm nay trở nên vô cùng khó khăn. Đà tăng giá vẫn sẽ tiếp diễn, ít nhất là trong nửa đầu năm. Nhưng liệu lạm phát có phá hỏng hết những triển vọng tăng trưởng của toàn bộ năm 2022? Điều này sẽ phụ thuộc vào quá trình vượt qua đại dịch của toàn thế giới, vào kết quả của những căng thẳng địa chính trị và những chính sách lãi suất tới từ các ngân hàng trung ương lớn.
"Trong trường hợp kỳ vọng lạm phát ổn định, lạm phát sẽ có thể giảm dần khi tình trạng mất cân đối cung - cầu dần được cải thiện trong năm 2022, bên cạnh đó là phản ứng chính sách tới từ các nền kinh tế lớn. Chính sách tiền tệ tại nhiều quốc gia sẽ cần phải được thắt chặt nhằm kiểm soát lạm phát", theo IMF.
Tuy nhiên, không phải tất cả các chuyên gia đều chung quan điểm rằng lạm phát sẽ hạ nhiệt vào năm nay.
Trong cuộc khảo sát hàng quý mới nhất của Reuters, 500 nhà kinh tế học đã nâng mức dự báo lạm phát trong năm 2022 tại 46 nền kinh tế. Gần 40% số này nhận định lạm phát đang là rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế thế giới trong năm nay. Trong khi đó, số người chọn đại dịch Covid-19 là 35% và số chọn phương án tốc độ hành động nhanh của các ngân hàng trung ương là 22%.
Lạm phát tại châu Âu đang tăng cao (Ảnh: AFP). |
IHS Markit cũng dự báo lạm phát sẽ gia tăng trong giai đoạn 2021-2022, cho dù công ty này dự báo đà tăng giá sẽ diễn biến chậm lại vào cuối năm nay. "Lạm phát giá tiêu dùng toàn cầu đã chạm ngưỡng 5,2% trong tháng 11 và 12/2021, mức cao nhất kể từ tháng 9/2008. Lạm phát toàn cầu sẽ duy trì ở ngưỡng gần 5% trong cả năm 2022 trước khi bắt đầu giảm xuống cùng chiều với giá cả hàng hóa công, nông nghiệp. Markit đưa ra dự báo cụ thể rằng lạm phát trong năm 2022 sẽ dao động quanh ngưỡng 4,1% trong năm 2022 trước khi giảm xuống còn 2,8% trong năm 2023.
Nhưng một sự kiện gần đây có thể khiến cho tất cả những dự báo nói trên mất đi hoàn toàn sự chính xác.
"MỐI NGUY THỨ 4" MỚI
Giá cả hàng hóa tăng vọt, hàng loạt các lệnh trừng phạt tài chính và lệnh cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga sau khi quốc gia này gia tăng hoạt động quân sự trên lãnh thổ Ukraine được coi là những mối đe dọa nghiêm trọng tới toàn bộ nền kinh tế toàn cầu, vốn vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi bóng đen của đại dịch Covid-19. Sự kiện này cũng khiến các ngân hàng trung ương đối mặt với nhiều hơn những khó khăn, trong bối cảnh họ đang hối hả chuẩn bị cho quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ của mình.
Ở hai bờ Đại Tây Dương, lạm phát đang diễn biến ở một mức độ chưa từng có trong nhiều thập kỷ, và vẫn đang tiếp tục tăng cao. Các thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo và đồng USD tăng giá mạnh so với các đồng tiền khác khi các nhà đầu tư đổ dồn vào các loại hình tài sản an toàn trên đất Mỹ.
Các chuyên gia kinh tế liên tục đưa ra cảnh báo về khả năng trì trệ đi liền với lạm phát, đặc biệt là tại khu vực châu Âu, nơi tình trạng tương tự đã từng xảy ra trong những năm 70 của thế kỷ trước. Khi đó, các ngân hàng Trung ương phản ứng lại một giai đoạn gia tăng giá dầu với việc nới lỏng các chính sách tiền tệ, và hệ quả là một vòng xoáy tiền lương - giá cả đã xuất hiện. Hiện tại, một vài ngân hàng Trung ương có thể sẽ phải từ bỏ kế hoạch gia tăng lãi suất của mình sau một thời gian dài ghim lãi suất ở mức thấp nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
"Thật khó để chúng ta có thể lờ đi những điểm tương đồng giữa thời điểm hiện tại và những năm 1970s", chiến lược gia tại Deutsche Bank, chia sẻ với The Wall Street Journal.
Trung tâm của cuộc khủng hoảng địa chính trị lần này là Nga - nền kinh tế đứng thứ 11 thế giới, đồng thời là nhà cung cấp năng lượng quan trọng đối với phần lớn các quốc gia châu Âu. Các quốc gia phương Tây trong vài ngày qua đã áp dụng một loạt các biện pháp trừng phạt về kinh tế sau khi Nga đẩy mạnh hoạt động quân sự trên lãnh thổ Ukraine.
Châu Âu, với vị trí tiếp giáp Ukraine và phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung năng lượng của Nga, hoàn toàn có thể sẽ lâm vào tình trạng suy thoái lần thứ ba trong 2 năm trở lại đây. Nền kinh tế Mỹ có thể sẽ ít bị ảnh hưởng hơn khi quốc gia này cũng là một nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn của thế giới, bên cạnh đó là tỷ lệ tiết kiệm người dân rất lớn, nhưng họ cũng đang đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao, vốn đang gây ảnh hưởng tiêu cực tới chi tiêu tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế của quốc gia này.
Chiến sự Nga - Ukraine được dự báo tác động không nhỏ đến kinh tế toàn cầu (Ảnh: CNBC). |
Đồng euro đã giảm xuống mốc 1,08 euro đổi 1 USD, ngưỡng thấp nhất trong vòng 5 năm qua. MSCI EMU- một chỉ số thị trường cổ phiếu doanh nghiệp vừa và trung bình tại châu Âu - đã giảm khoảng 20% kể từ tháng 1. Chỉ số S&P 500 cũng sụt giảm tới 10%. Giá cổ phiếu các ngân hàng thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu đã bị ảnh hưởng nặng nề, cho dù họ không có nhiều liên hệ với Nga.
Trước khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine nổ ra, đà phục hồi kinh tế của khu vực châu Âu cũng đã không thể mạnh mẽ như tại Mỹ, một phần là do chi tiêu chính phủ không cao. Chi tiêu tiêu dùng và đầu tư tại lục địa già cũng chưa thể quay trở lại ngưỡng trước đại dịch, theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Các thị trường mới nổi như Ai Cập đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh lương thực trong bối cảnh giá cả leo thang và nguồn cung lúa mì và dầu hướng dương hạn chế từ Nga, theo Middle East Institute, một công ty tư vấn có trụ sở tại Washington, Mỹ.
Tại Nga, các chuyên gia kinh tế dự đoán nền kinh tế quốc gia này có thể sụt giảm tới 10%, điều chưa từng xảy ra trong giai đoạn hậu Xô Viết. Sau đó, Nga có thể rơi vào một giai đoạn tăng trưởng thấp hoặc trì trệ đi kèm lạm phát kéo dài khi rơi vào thế bị cô lập kinh tế, theo Capital Economics.
Tại Trung Quốc, nơi các nhà lãnh đạo cấp cao đang nhóm họp nhằm vạch ra những ưu tiên chính sách cho thời gian tới, tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng đang có xu hướng chậm lại, và giá năng lượng cũng đang là một vấn đề đáng lo ngại.
Nền kinh tế số 2 thế giới là một trong số ít ỏi các quốc gia trên thế giới vẫn đang áp dụng chiến lược Zero-Covid, và tiêu dùng hộ gia đình vẫn đang ở mức thấp, trong khi các nhà hoạch định chính sách đã và đang tiến hành kế hoạch "thanh trừng" đối với lĩnh vực công nghệ và bất động sản. Chủ tịch Tập Cận Bình từng phát biểu rằng quốc gia này cần phải đảm bảo nguồn cung thực phẩm và chú trọng phát triển thị trường nội địa nhằm duy trì sản xuất, theo CCTV.
Cuộc khủng hoảng tại Ukraine có thể kéo tụt tốc độ tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung châu Âu tới 2%, theo Capital Economics. Những lệnh cấm vận của phương Tây nhắm vào các doanh nghiệp của Nga sẽ gián tiếp cắt đứt mối liên hệ kinh doanh, và cuộc suy thoái tại Nga cũng sẽ khiến cho kim ngạch xuất khẩu của châu Âu tới quốc gia này giảm xuống rõ rệt.
Tình hình căng thẳng tại Ukraine sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên tốc độ tăng trưởng của Italy trong năm 2022, theo lời của thủ tướng Mario Draghi. "Những sự kiện tương tự chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng trong năm nay", ông Draghi phát biểu sau một cuộc họp với chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Brussels, vương quốc Bỉ, theo ghi nhận của The Wall Street Journal.
Trong khi ECB có thể quyết định trì hoãn kế hoạch tăng lãi suất sang năm 2023, bên cạnh đó là gia hạn chương trình thu mua trái phiếu. Fed, Bank of England và Bank of Canada vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu nâng lãi suất, nhưng với một tốc độ "từ tốn" hơn so với trước thời điểm căng thẳng nổ ra, Iain Stealey, giám đốc danh mục đầu tư tại J.P. Morgan Asset Management, trụ sở London chia sẻ với WSJ.
Thủ tướng Italy Mario Draghi nhóm họp với chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 7/3 vừa qua (Ảnh: Twitter). |
Mức độ tự tin của nhà đầu tư tại châu Âu đã giảm mạnh trong tháng 3 này xuống mức thấp nhất trong vòng một năm rưỡi qua, tương đương với giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19.
"Chúng tôi cho rằng giá hàng hóa sẽ duy trì ở ngưỡng cao và sẽ khiến lạm phát tăng cao hơn, đi kèm với tốc độ tăng trưởng chậm lại", Salman Ahmed, giám đốc chiến lược vĩ mô tại Fidelity International, chia sẻ với WSJ.
"Điều đó đồng nghĩa với việc rủi ro suy thoái tại châu Âu đang ngày một tăng lên, đặc biệt nếu như dòng hàng hóa từ Nga bị cắt đứt trong thời gian tới", ông nói.
"BÓNG MA" CŨ VẪN RÌNH RẬP
Dịch bệnh Covid-19 đã đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu rơi vào một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất, gây ra tình trạng thiếu hụt một loạt các sản phẩm trên thị trường, đồng thời đẩy giá của chúng lên cao. Khi dịch bệnh mới chỉ vừa lắng xuống, việc Nga đẩy mạnh hoạt động quân sự trên lãnh thổ của Ukraine một lần nữa đặt chuỗi cung ứng toàn cầu trước một tương lai không hề sáng sủa.
Nga là quốc gia sản xuất lớn một số loại hàng hóa, từ dầu mỏ, khí tự nhiên cho tới lúa mì và palladium. Ukraine cũng là quốc gia xuất khẩu neon để sản xuất chip và lúa mì lớn trên thế giới. Cuộc khủng hoảng này làm dấy lên không ít lo ngại về nguồn cung các loại hàng hóa quan trọng nói trên.
Rủi ro lớn nhất mà chuỗi cung ứng toàn cầu đang phải đối mặt đã dịch chuyển từ đại dịch Covid-19 sang cuộc xung đột Nga - Ukraine. Moody's đưa ra cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng này sẽ chỉ làm tồi tệ thêm tình hình đối với các doanh nghiệp và ngành công nghiệp phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Đặc biệt, châu Âu sẽ là khu vực chịu tổn hại nặng nề nhất từ tình trạng giá năng lượng leo thang, vì họ phụ thuộc rất lớn vào nguồn khí tự nhiên từ Nga. Giá dầu thô cũng đã bật tăng trên quy mô toàn cầu, kéo theo sau là giá xăng và chi phí nhiên liệu trong một loạt các ngành công nghiệp như hàng không và sản xuất nhựa.
Moody's cho biết Nga cung cấp tới 40% lượng palladium toàn cầu, một nguyên liệu quan trọng được sử dụng trong ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn. Ukraine cũng là quốc gia sản xuất tới 70% lượng neon của thế giới, vốn được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất chip máy tính. Tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn toàn cầu có thể sẽ kéo dài hơn, gây ảnh hưởng không nhỏ tới một loạt các lĩnh vực sản xuất quan trọng.
Một công nhân đang làm việc trong nhà máy Nadezhda Metallurgical thuộc tập đoàn Nornickel, nhà sản xuất niken và palladium lớn nhất thế giới, có trụ sở tại thành phố Norilsk, Nga (Ảnh: Reuters). |
Giá neon đã tăng phi mã trong giai đoạn 2014 - 2015 khi Nga tuyên bố chủ quyền với bán đảo Crimea. Cho dù các nhà sản xuất chip đã gia tăng dự trữ, khối lượng dự trữ này vẫn chưa đủ để giúp họ trong một khoảng thời gian dài.
Nếu như một thỏa thuận hòa bình không thể đạt được trong một vài tháng tới, chắc chắn cuộc khủng hoảng chip sẽ diễn biến xấu đi. Điều này sẽ là một mối đe dọa lớn tới các nhà sản xuất xe hơi, hàng điện tử, điện thoại và nhiều ngành công nghiệp khác.
CĂNG THẲNG LEO THANG, TRIỂN VỌNG ĐI XUỐNG
Các nhà dự báo kinh tế đang bắt đầu tích hợp những tác động của cuộc khủng hoảng Nga -Ukraine vào trong mô hình của họ. Cuộc chiến này là tin không hề tích cực, đặc biệt là với châu Âu.
Tại sao? Phần lớn các quốc gia trên thế giới sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng của mình thấp hơn và tình trạng lạm phát diễn biến phức tạp hơn. Thậm chí đó là trong hoàn cảnh một vài khả năng nghiêm trọng hơn khi tình hình căng thẳng leo thang không trở thành hiện thực.
Giá năng lượng liên tục leo thang chính là mối đe dọa lớn nhất tới nền kinh tế toàn cầu. Chưa dừng lại ở đó, đà tăng giá nhiều hàng hóa khác cũng sẽ khiến cho lạm phát tăng cao và chuỗi cung ứng toàn cầu một lần nữa bị đứt gãy.
Các chuyên gia kinh tế tại JPMorgan hôm 4/3 cho biết họ dự báo nền kinh tế toàn cầu năm 2022 sẽ tăng trưởng thấp hơn 0,8% so với nhận định trước đó vào ngày 18/2. Họ cũng hạ 0,1% dự báo tăng trưởng của Mỹ, trong khi con số này của khu vực đồng tiền chung châu Âu là 2,1%.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay ra sao là một câu hỏi lớn (Ảnh: FT). |
Tại Goldman Sachs, các nhà kinh tế học nhận định đà tăng giá dầu sẽ khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ giảm 0,2% trong năm 2022, trong khi, giá thực phẩm tăng cũng sẽ lấy đi thêm 0,1%. Những con số này sẽ còn gia tăng nếu như tình trạng giá cả leo thang không được kiểm soát.
Tình hình hiện tại mang tính chất bất ổn rất cao, và nếu như mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang, rủi ro kinh tế mà nó mang lại sẽ rất khó lường. Chúng ta cũng không cần chờ đợi khi ở thời điểm hiện tại, cuộc chiến giữa hai quốc gia Đông Âu này đã minh chứng nó chính là một "cơn gió chướng" đối với nền kinh tế toàn cầu trong năm 2022.
Hoàng Đại (tổng hợp)
Theo Dân trí