Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam duy trì đà tăng trưởng mạnh
(PetroTimes) - Chủ động trong việc tích trữ nguyên liệu từ những ngày đầu năm, tận dụng sự hỗ trợ của Chính phủ và Bộ Công Thương, các doanh nghiệp xuất khẩu tại các ngành chủ lực như điện tử, nông sản chế biến, dệt may da giày đều có chuyển biến tích cực.
Sự phục hồi và tăng trưởng của nhiều nhóm ngành chủ đạo đã khiến hoạt động xuất khẩu hàng hóa đầu năm 2022 ổn định và có sự tăng trưởng. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2/2022 ước đạt 22,95 tỷ USD. Tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 53,79 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu Việt Nam chuẩn bị bứt tốc trong quý II/2022. |
Đáng chú ý, sau một thời gian gián đoạn, gặp nhiều khó khăn về sản xuất và xuất khẩu, khối doanh nghiệp nội địa đã và đang nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đã đạt 14,29 tỷ USD, tăng 24,1%. Mức tăng trưởng này cao gấp hơn 4 lần mức tăng của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (5,9%).
Trong 2 tháng đầu năm, có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 71,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; tiếp theo là Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN. Đáng chú ý, dù tình hình căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine đang leo thang, ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu, song trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn xuất siêu 109,1 triệu USD sang thị trường Nga và xuất siêu 49,1 triệu USD sang Ukraine.
Để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu hàng hóa, Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành tăng cường hướng dẫn các doanh nghiệp tận dụng hơn nữa các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, đặc biệt là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Hội nghị tuyên truyền và phổ biến về những lợi ích về RCEP sẽ được Bộ Công Thương tổ chức ngay trong tháng 3/2022 để doanh nghiệp kịp thời nắm bắt những lợi thế của khu vực thị trường này, gia tăng xuất khẩu.
Riêng với hoạt động xuất khẩu qua cửa khẩu, từ đề xuất của Bộ Công Thương, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã giao Bộ Y tế chủ trì, cùng với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và các địa phương có cửa khẩu, trao đổi với cơ quan hữu quan phía Trung Quốc thiết lập ngay mô hình "vùng xanh", "luồng xanh" kiểm soát dịch Covid-19 tại khu vực cửa khẩu. Đây được đánh giá là giải pháp thiết thực, giúp gỡ khó cho xuất khẩu qua khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc thời gian tới.
Bên cạnh việc khuyến khích các địa phương và thương lái đảm bảo "an toàn để xuất khẩu, xuất khẩu phải an toàn", Bộ Công Thương cũng phối hợp với các bộ, ngành xây dựng tiêu chuẩn cho hàng hóa xuất khẩu qua tiểu ngạch và điều kiện, chất lượng đối với hàng hóa xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới; cơ chế, chính sách khuyến khích xuất khẩu chính ngạch đối với một số hàng hóa hiện đang ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới. Bộ tiêu chuẩn này được kỳ vọng sẽ giúp hoạt động xuất khẩu qua biên giới được thực hiện bài bản và hạn chế tối đa rủi ro.
Có thể thấy rằng, là một trong những nền kinh tế mở hàng đầu thế giới, dòng chảy nguyên liệu - hàng hóa qua hoạt động xuất nhập khẩu đã phần nào thể hiện được sức khỏe của kinh tế Việt Nam. Đáng mừng hơn nữa là chúng ta càng ngày càng có nhiều ngành, sản phẩm được chế biến sâu hơn, có giá trị cao hơn. Đây chính là minh chứng cho sự phục hồi và phát triển kinh tế mạnh mẽ trong năm 2022.
Tháng 2/2022, cả nước ước tính nhập siêu 2,33 tỷ USD. Tính chung 2 tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa ước tính nhập siêu 937 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,6 tỷ USD). |
Tùng Dương