"Cây đinh ba" áp lực và nguy cơ vào "vết xe đổ" đè nặng kinh tế Trung Quốc
Năm 2021 tưởng chừng thuận lợi với Trung Quốc. Nhưng càng về những tháng cuối năm, số liệu kinh tế của quốc gia này càng ảm đạm. Nền kinh tế thứ hai thế giới đối mặt với không ít áp lực...
Ở thời điểm năm 2022 đang cận kề, đây chính là thời điểm phù hợp nhất để nhìn lại những thăng trầm của nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2021 và cùng nhau đánh giá về triển vọng cho năm mới.
Trong những phiên họp gần đây của Bộ chính trị Trung Quốc và Hội nghị kinh tế Trung ương, nơi các nhà lập pháp có nhiệm vụ phải vạch ra kế hoạch phát triển kinh tế vĩ mô cho năm mới, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhấn mạnh mục tiêu giữ vững ổn định nền kinh tế, đồng thời theo đuổi tăng trưởng trong năm 2022.
"Ổn định" đã trở thành khẩu hiệu trong các phiên họp chính sách kinh tế, và cách thức đạt được mục tiêu đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai.
Hội nghị kinh tế Trung ương Trung Quốc được tổ chức hàng năm nhằm hoạch định chiến lược phát triển cho năm mới (Ảnh: Getty). |
Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ đạt 4,9% trong quý III/2021, theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê nước này. Và chỉ số này trong quý cuối cùng của năm 2021 được dự báo thậm chí sẽ còn thấp hơn quý trước đó. Nền kinh tế Trung Quốc đã bùng nổ mạnh mẽ giai đoạn đầu của năm nhưng sau đó đã mất dần đi động lực. Có nhiều yếu tố đứng sau đà giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc như tình trạng lũ lụt, dịch bệnh Covid-19…
Chúng ta cũng cần nhắc đến những vấn đề kinh tế mang tính chất cấu trúc, ví dụ như đà phục hồi chậm của tiêu dùng. Bên cạnh đó, những ảnh hưởng tiêu cực từ các biện pháp kiểm soát thị trường bất động sản, cục khủng hoảng năng lượng cũng không nên bị lãng quên khi nói về nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2021.
Trung Quốc đang rất cần các chính sách ổn định nền kinh tế. Nếu không, nền kinh tế số 2 thế giới có thể sẽ sớm đi theo vết xe đổ của Nhật Bản của những năm 1980s.
CHI TIÊU TIÊU DÙNG PHỤC HỒI CHẬM
Nền kinh tế Trung Quốc đã bật tăng mạnh mẽ khi các cơ quan chức năng kiểm soát thành công dịch bệnh Covid-19, thông qua các biện pháp cách ly xã hội và phong tỏa biên giới nghiêm ngặt, nhưng đà phụchồi đang dần mất đi "quán tính" trong năm 2021.
Các chuyên gia kinh tế cho biết việc số ca lây nhiễm Covid-19 đang ngày một gia tăng, nhất là khi có sự xuất hiện của biến chủng Delta và gần đây là Omicron, đã khiến cho người tiêu dùng ngày một trở nên thận trọng, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản tại quốc gia này đang gặp khó.
Doanh thu bán lẻ trong tháng 11/2021 chỉ tăng trưởng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, theo Cục thống kê quốc gia Trung Quốc, thấp hơn con số 4,9% ghi nhận trong tháng trước đó.
Nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với "cây đinh ba áp lực", trong đó bao gồm các cú sốc cung - cầu và kỳ vọng không mấy khả quan từ phía người dân.
Các chuyên gia kinh tế Sheana Yue and Mark Williams đến từ Capital Economics cho biết trong một báo cáo nghiên cứu rằng dịch bệnh "vẫn là nguyên nhân chính kìm chân đà phục hồi kinh tế", thị trường lao động cũng không cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực, theo ghi nhận của AFP.
Tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực đô thị đã tăng tới 5% trong tháng 11 vừa qua.
William cho biết những dữ liệu ghi nhận gần đây cho thấy người dân sẽ ít đi du lịch hơn khi số ca bệnh tăng lên, trong khi những dấu hiệu cảnh báo khác cũng xuất hiện ví dụ như sự tăng trưởng doanh thu chậm trong kỳ lễ hội mua sắm độc thân, kéo dài từ ngày 1/11 tới ngày 11/11, một "đối trọng" lớn đối với ngày thứ 6 đen tối (Black Friday) tại các quốc gia phương Tây.
LŨ LỤT TRẦM TRỌNG
Những cơn mưa lớn bất thường xuất hiện tại tỉnh Hà Nam trong tháng 7 chính là dấu hiệu cho một năm 2021 đầy chông gai đối với nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2021, sau khi phải đương đầu với những tác động tiêu cực từ dịch bệnh trong năm 2020.
Trong 3 quý đầu năm, diễn biến của các thảm họa thiên nhiên tại Trung Quốc là tương đối phức tạp và khó lường, với việc các hình thái thời tiết cực đoan liên tiếp xảy ra.
Các thảm họa thiên nhiên trong 9 tháng đầu năm 2021 đã ảnh hưởng tới cuộc sống của hơn 94 triệu dân, và gây ra khoản thiệt hại kinh tế lên tới 44.5 tỷ USD. Chỉ tại tỉnh Hà Nam, 792 người đã mất đi mạng sống, và hơn 5 triệu người dân phải di tản tới nơi lưu trú an toàn. Thêm vào đó, 157.000 ngôi nhà đã bị phá hủy hoàn toàn, 1,7 triệu ngôi nhà khác bị hư hỏng một phần. 10,58 triệu ha đất trồng cây nông nghiệp cũng đã bị tàn phá.
Lũ lụt nghiêm trọng tại Trung Quốc khiến cho cuộc sống người dân và hoạt động sản xuất bị xáo trộn (Ảnh: The New York Times). |
Tại tỉnh Sơn Tây, hệ thống giao thông đường sắt bị chia cắt. Các mỏ than, vốn thường ở khu vực nông thôn, cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Hà Nam là tỉnh đặt nhiều nhà máy sản xuất, do đó, người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với một số xáo trộn trong các chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, vốn đã bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch Covid-19. Các nhà máy của Apple và Nissan được ghi nhận là những "nạn nhân" của tình trạng lũ lụt. Quá trình phân phối lúa mạch và than đá cũng bị ảnh hưởng do hệ thống giao thông bị chia cắt.
CUỘC KHỦNG HOẢNG NĂNG LƯỢNG
Hơn một nửa số tỉnh thành tại Trung Quốc đã phải thực hiện cắt điện luân phiên trong vòng một vài tháng qua, khiến cho cuộc sống của hàng trăm triệu người dân Trung Quốc đảo lộn. Hệ thống thang máy phải ngưng hoạt động, thời gian mở cửa các cửa hàng cũng bị rút ngắn. Các nhà máy phải giảm số ngày làm việc cũng như công suất tiêu thụ điện. Một vài địa phương còn phải đối mặt với tình trạng mất điện trên diện rộng. Tổng sản lượng công nghiệp trong tháng 9 của Trung Quốc đã sụt giảm lần đầu tiên kể từ khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi sau đại dịch.
Đây chính là cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất mà Trung Quốc phải đối mặt trong vòng một thập kỷ trở lại đây. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này xuất phát từ việc Trung Quốc quá phụ thuộc vào than đá, nguyên liệu đóng góp tới 70% tổng sản lượng điện sản xuất tại quốc gia này.
Giá điện chi trả cho các công ty sản xuất điện được quản lý chặt chẽ bởi chính phủ, trong khi giá than lại được thả nổi theo thị trường. Khi giá than tăng, trừ khi cơ quan quản lý nâng giá điện, các nhà máy nhiệt điện chạy than sẽ không thể kinh doanh có lãi nếu như tiếp tục hoạt động. Các nhà máy sẽ dừng sản xuất và viện cớ họ gặp trục trặc về mặt kỹ thuật hoặc không thể mua đủ lượng than họ cần. Và cả hai điều này đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng hiện tại.
Cuộc khủng hoảng này cũng bắt nguồn từ một loạt các sai lầm chính sách và sự can thiệp thiếu kịp thời của chính phủ sau khi đại dịch bùng nổ. Nó đã góp phần vạch trần sự phụ thuộc quá lớn của Trung Quốc vào than đá, cho dù sản lượng các dạng năng lượng tái tạo và điện hạt nhân của quốc gia này tiếp tục gia tăng trong những năm vừa qua.
Trung Quốc lâm vào cảnh thiếu điện trầm trọng trong thời gian qua (Ảnh: SCMP). |
Việc kiểm soát giá điện được thực hiện với mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng trước những rủi ro về giá. Bắc Kinh thường rất "chần chừ" trong việc tăng giá điện vì lo ngại những phản ứng thái quá từ phía người dân.
Đà phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc sau cú sốc dịch bệnh phụ thuộc rất lớn vào lĩnh vực xây dựng và công nghiệp nặng, nguyên nhân khiến cho nhu cầu sử dụng than đá đã tăng tới 11% trong nửa đầu năm 2021. Xu hướng ngắn hạn này hoàn toàn đối nghịch với lời kêu gọi của Bắc Kinh về một "quá trình phục hồi xanh", và những cam kết của quốc gia này nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN "LÂM NGUY"
Tác động của cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản lên phần còn lại của nền kinh tế được đánh giá là tương đối nghiêm trọng. Thị trường bất động sản và lĩnh vực xây dựng chiếm tới 15% tổng GDP của Trung Quốc, và thậm chí từ 25% tới 30% nếu chúng ta gộp cả những ngành công nghiệp có liên quan như vật liệu xây dựng và nội, ngoại thất.
Về phần lực cầu: tốc độ tăng trưởng đầu tư nội địa được dự báo sẽ chậm lại, khi mà đầu tư bất động sản chiếm tới 1/4 tổng nguồn vốn đầu tư. Chi tiêu chính quyền địa phương cũng sẽ ở mức thấp khi mà nguồn thu từ thị trường bất động sản giảm sút. Các hộ gia đình cũng sẽ phải đối mặt với những tác động tài sản tiêu cực khi bất động sản chiếm tới 60% tổng giá trị tài sản của họ.
Và cuối cùng, rủi ro tác động lan tỏa từ thị trường bất động sản sang phần còn lại của nền kinh tế thông qua các kênh tài chính cũng đang ngày một tăng lên. Một cuộc khủng hoảng có hệ thống là điều không dễ xảy ra khi các cơ quan chức năng tiếp tục hành động nhằm duy trì sự ổn định thanh khoản trong lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, các đơn vị cung cấp vốn cũng nên có sự chọn lọc kỹ lưỡng, và đó chính là "đòn chí mạng" đánh vào những lĩnh vực có tỷ lệ nợ cao và không được hưởng lợi từ các biện pháp hỗ trợ chính sách.
Yếu tố then chốt khơi mào nên cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng đó chính là sự siết chặt các điều kiện tín dụng và khung quản lý pháp lý áp dụng bởi chính phủ Trung Quốc kể từ mùa hè năm 2020.
Sự thật là, các cơ quan chức năng mong muốn giảm tỷ lệ nợ trong lĩnh vực bất động sản sau hơn một thập kỷ phát triển nóng, thông qua những quy định giới hạn tài chính. Do đó, các nhà phát triển bất động sản phải đối mặt với một làn sóng thoái nợ bắt buộc, sau đó, họ còn phải đối mặt với xu hướng giảm giá nhà kể từ tháng 7/2020. Vấn đề dòng tiền là cơn đau đầu mới đối với các doanh nghiệp bất động sản.
Trong tháng 9, Evergrande và một vài nhà phát triển bất động sản khác đã phải cho trì hoãn các nghĩa vụ thanh toán của mình. Tình thế khó khăn của họ đã nhanh chóng lan sang các nhà cung cấp, các nhà đầu tư và khách hàng. Các dự án đang xây dựng đã sụt giảm mạnh về số lượng trong quý III/2021, và giá nhà cũng đã có dấu hiệu giảm xuống.
Trong ngắn hạn, sự điều chỉnh trên thị trường bất động sản được dự báo sẽ còn tiếp diễn. Đà giảm tốc của nền kinh tế gần đây đã phản ánh rõ rủi ro liên quan tới những thay đổi chính sách lớn và bất ngờ từ phía chính phủ. Do đó, các cơ quan chức năng sẽ có ít hơn các thay đổi nhằm kiểm soát cuộc khủng hoảng này. Một vài điều chỉnh đã được thông báo trong khoảng thời gian gần đây, trong đó bao gồm việc từ từ nới lỏng các điều kiện cho vay thế chấp và sự ra đời mức giá bất động sản sàn tại một số tỉnh thành.
Một khu trung tâm thương mại bỏ hoang tại Trung Quốc (Ảnh: Business Insider). |
Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này, Bắc Kinh vẫn được dự báo sẽ duy trì các mục tiêu tái cân bằng thị trường bất động sản và giảm thiểu các rủi ro tài chính. Điều kiện tín dụng vẫn nên được siết chặt. Hơn nữa, luật đánh thuế bất động sản đã được gia hạn và điều đó sẽ giúp giảm thiểu tình trạng đầu cơ trên thị trường. Cuối cùng, sự dịch chuyển yếu tố nhân khẩu học cũng sẽ góp phần vào đà giảm tốc của thị trường bất động sản tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
TRÓI MÌNH VỚI "ZERO-COVID"?
Khi mà ngày càng có nhiều hơn các quốc gia thực hiện "sống chung với Covid-19", Trung Quốc vẫn "tự trói mình" với chiến lược Zero-Covid, tuy mang lại nhiều hiệu quả nhưng cũng có không ít những bất cập. Trung Quốc sẽ sớm chạm tới điểm giới hạn, khi mà chi phí bỏ ra để thực hiện Zero-Covid sẽ vượt qua những lợi ích mà nó mang lại.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng của Trung Quốc từ giữa năm 2020 chính là "trái ngọt" của chiến lược Zero-Covid. Chiến lược này cho phép hoạt động sản xuất tại Trung Quốc có thể quay lại trạng thái bình thường một cách nhanh chóng, và có thể đáp ứng được nhu cầu hàng hóa của toàn thế giới, đặc biệt là các mặt hàng bảo hộ y tế và phục vụ làm việc từ xa, ở một thời điểm mà phần lớn hoạt động sản xuất trên toàn cầu bị đình trệ. Thống kê xuất khẩu ấn tượng, ngược lại, đã thúc đẩy quá trình sản xuất và giải ngân vốn.
Tuy nhiên, với việc có tới 80% người dân Trung Quốc đã được tiêm phòng vaccine Covid-19 đầy đủ, những lợi ích liên quan tới việc bảo vệ tính mạng con người đang có xu hướng giảm xuống. Các lợi ích kinh tế thu về từ đà tăng trưởng xuất khẩu mạnh trong thời gian qua cũng không còn nhiều khi mà hoạt động sản xuất đang hồi phục trở lại trên quy mô toàn thế giới, và nhu cầu hàng hóa, dịch của Trung Quốc cũng không còn quá lớn như trước.
Trong khi đó, chi phí để duy trì chiến lược này lại ngày một tăng cao. Khi nhiều quốc gia khác chấp nhận sống chung với dịch bệnh và cho mở cửa lại nền kinh tế, Zero-Covid lại khiến Trung Quốc đứng ngoài dòng chảy thương mại dịch vụ toàn cầu ví dụ như ngành du lịch. Người dân Trung Quốc đang ngày một cảm thấy kiệt quệ trước những đợt phong tỏa và lệnh cấm đi lại trên toàn quốc. Zero-Covid đã ảnh hưởng nặng tới các lĩnh vực dịch vụ và tiêu dùng, làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và vắt kiệt tiền tiết kiệm của người dân.
Trung Quốc quyết tâm theo đuổi Zero-Covid thông qua việc đóng cửa biên giới, cách ly bắt buộc và truy vết thần tốc (Ảnh: Reuters). |
Chi tiêu phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh sẽ góp phần làm giảm nguồn vốn đầu tư của Bắc Kinh vào các lĩnh vực khác. Việc đóng cửa biên giới trong thời gian dài sẽ trở thành vật cản đối với dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng tới tham vọng vào một vị thế cao hơn trên thang giá trị gia tăng và mục tiêu phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao của nền kinh tế số 2 thế giới.
Các biện pháp được thực hiện dưới chiến lược Zero-Covid đang cản trở sự phát triển của các lĩnh vực dịch vụ, tiêu dùng. Đó là nguyên nhân lý giải tại sao đà phục hồi tiêu dùng tại Trung Quốc đang diễn ra khá chậm.
Tất cả những điều này đang ảnh hưởng tới kỳ vọng lạm phát, khiến các nhà đầu tư nghĩ rằng lạm phát sẽ được duy trì ở mức cao và trong thời gian dài. Những quan ngại về tình trạng lạm phát kèm suy thoái đã nhen nhóm xuất hiện.
VẾT XE ĐỔ CỦA NHẬT BẢN
Trung Quốc rất có thể sẽ phải đối mặt với một quãng thời gian trì trệ kéo dài trong nhiều thập kỷ, giống như Nhật Bản trong những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, ngay sau khi bong bóng chứng khoán và bất động sản tại quốc gia này phát nổ.
Đã từng có thời gian các quốc gia trên thế giới phải ganh tị với Nhật Bản. Đó là vào những năm 1980s, khi mà nền kinh tế quốc gia này có những bước đại nhảy vọt, nhờ vào khả năng xuất khẩu và giải ngân vốn vượt trội.
Chỉ số Nikkei 225 đã tăng mạnh từ 6500 điểm vào năm 1980 lên xấp xỉ 40.000 điểm vào năm 1989. Bên cạnh đó, giá trị bất động sản cũng tăng khoảng 7 lần cùng trong giai đoạn đó. Giá một mảnh đất có diện tích tương đương một chiếc khăn mùi soa tại thành phố Tokyo cũng có giá lên tới vài ngàn USD.
Và cũng giống như các trường hợp bong bóng khác, "không khí" được bơm vào các bong bóng chính là nguồn tiền tới từ ngân hàng Trung ương. Và sau thỏa ước Plaza năm 1985, ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã cắt giảm lãi suất ngắn hạn từ 5,5% trong năm 1985 xuống còn 2,5% trong năm 1987. Và kết quả là, giá trị thị trường chứng khoán và bất động sản không còn cách nào khác ngoài việc ngày một phình to.
Giá trị bất động sản tại Nhật tăng vọt trong giai đoạn bong bóng (Ảnh: Nippon.com). |
Đó chính là mặt tích cực của bong bóng. Nhưng nó cũng có mặt tối của nó. Giá trị bất động sản tăng lên chính là nguyên nhân kéo tụt tỷ lệ kết hôn tại Nhật Bản, vốn bắt đầu từ những năm 1970. Người trẻ khó có thể mua được nhà, sống một cuộc sống độc lập, lập gia đình.
Nhật Bản không thể đuổi kịp, chứ chưa nói đến là vượt qua Mỹ. Thay vào đó, đà tăng trưởng như vũ bão của quốc gia này đã sớm "tàn" khi bong bóng bất động sản và chứng khoán vỡ vụn vào năm 1989. Sau đó, quốc gia này đã sa vào 3 thập kỷ trì trệ, ngập trong nợ nần mà không tìm ra "lối thoát".
Và điều đó hoàn toàn có thể xảy ra đối với Trung Quốc. Sự tương đồng giữa hai quốc gia này là điều khó có thể khiến chúng ta lờ đi.
Cũng giống như Nhật Bản, Trung Quốc đã có một giai đoạn phát triển thịnh vượng, kéo dài tới 2 thập kỷ, từ năm 1990 tới năm 2008. Trong giai đoạn này, nền kinh tế Trung Quốc cũng trở thành một thế lực mới, tăng trưởng nhanh như vũ bão nhờ vào năng lực xuất khẩu và một loạt các chính sách hỗ trợ.
Sau đó, nguồn vốn đầu tư cho các công trình xây dựng, từ các tòa nhà dân cư cho tới cầu đường, cảng biển và đường cao tốc. Một phần các công trình xây dựng đó là cần thiết để giúp Trung Quốc hiện đại hóa nền kinh tế, thu hẹp khoảng cách với các quốc gia phát triển. Nhưng cũng có những công trình rơi vào trạng thái dư thừa, giống như những tòa nhà được ví von với tên gọi "thị trấn ma", và điều đó làm lãng phí nguồn lực của quốc gia. Có nhiều khu căn hộ phức hợp được xây lên rồi bỏ không, chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu đầu cơ của một tầng lớp nhà đầu tư, hơn là nhắm trúng mục tiêu cung cấp chỗ ở cho bộ phận người dân có thu nhập trung bình.
Trung Quốc cũng cho xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng tại nhiều quốc gia Đông Nam Á, châu Phi, và nguồn tiền đó được đài thọ bởi các ngân hàng quốc doanh. Họ tạo ra những dự án dành riêng cho các công ty xây dựng của nhà nước, nhưng những việc làm như vậy không giúp thúc đẩy nền kinh tế trong nước.
Trung Quốc đã tạo ra bong bóng bất động sản không chỉ ở trong nước, mà còn ở nhiều quốc gia khác. Những bong bóng đó được được hậu thuẫn bởi những ngân hàng quốc doanh- cánh tay đắc lực của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, thông qua các chính sách tiền tệ nới lỏng.
Cũng giống như trường hợp của Nhật Bản, giá trị bất động sản tăng mạnh đã gián tiếp đẩy những người trẻ ra khỏi thị trường. Và hệ quả là tỷ lệ kết hôn tại Trung Quốc cũng đang giảm xuống, gây tác động tiêu cực tới khả năng cạnh tranh của quốc gia này với các quốc gia Đông Nam Á và châu Mỹ La-tin trong dài hạn.
Bong bóng thị trường bất động sản tại Trung Quốc đang chuyển dần từ động lực thúc đẩy sang một vật ngáng đường đối với nền kinh tế, dồn các nhà lập pháp vào thế khó.
Các tổ chức xếp hạng tín dụng lớn như Fitch và S&P đã tuyên bố Evergrande vỡ nợ (Ảnh: Reuters). |
"Các nhà lập pháp cần xây dựng sự cân bằng giữa các quy định pháp lý và các biện pháp hỗ trợ khi bước vào năm 2022, giữa bối cảnh những rắc rối trong lĩnh vực công nghệ và bất động sản có thể ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế trong tương lai", theo tiến sĩ Guo Yu, chuyên gia phân tích trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Sibylline Ltd. "Việc mất đi đà tăng trưởng trong tương lai có thể sẽ khiến cho các nhà hoạch định chính sách "nương tay" với chính sách cắt giảm nợ và tăng cường đầu tư công, cơ sở hạ tầng trong một vài tháng tới, dẫn tới việc duy trì các biện pháp tiền tệ nới lỏng", theo ghi nhận của IBTimes.
Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản đã theo đuổi các chính sách như trên, sáng tạo ra cái gọi là nới lỏng định lượng, một chính sách tiền tệ hiện đại giúp đưa lãi suất về gần với 0%. Bên cạnh đó, họ duy trì sự hoạt động của các ngân hàng đang ngập chìm trong nợ xấu. Nhưng điều đó không thể cản bong bóng nổ và ba thập kỷ trì trệ chính là hậu quả mà Nhật Bản phải hứng chịu.
Nếu không thận trọng, Trung Quốc hoàn toàn có thể đi theo vết xe đổ của Nhật Bản.
TÂM THÁI LẠC QUAN
2021 là một năm khó khăn đối với toàn thế giới. Sự trỗi dậy của dịch bệnh Covid-19 phần nào đó đã làm suy yếu kế hoạch phục hồi của nhiều nền kinh tế lớn. Nhưng Trung Quốc, dù còn nhiều khó khăn ngăn trở, vẫn là quốc gia có "màn trình diễn" tốt nhất, đặc biệt là khi so sánh với đối trong Hoa Kỳ.
Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu chiến lược quan trọng. Sức mạnh kinh tế của quốc gia này đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, trong khi ghi nhận những mặt tích cực, Hội nghị kinh tế Trung ương cũng chỉ ra một cách thẳng thắn rằng tình hình kinh tế hiện tại của Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực từ sự sụt giảm lực cầu, kỳ vọng người dân và các cú sốc nguồn cung.
Tuy nhiên, điểm mạnh của chính phủ Trung Quốc đó chính là khả năng giải quyết vấn đề. Khi vấn đề đó được "vạch mặt chỉ tên", cả hệ thống chính trị sẽ tham gia vào quá trình "sửa chữa" hoặc xoa dịu vấn đề đó.
Không có gì có thể hạ gục Trung Quốc. Những vấn đề đã được phát hiện, xác nhận bởi Bộ chính trị và chính phủ Trung Quốc, không phải là những chướng ngại vật không thể vượt qua. Một khi Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính phủ có niềm tin, người dân Trung Quốc hoàn toàn có lý do để duy trì sự lạc quan về quãng đường phía trước.
Theo Dân trí