Liên minh, tổ chức đại diện hơn 200 nhà khoa học Việt Nam kiến nghị về Quy hoạch điện VIII
(PetroTimes) - Liên quan đến Dự thảo Quy hoạch điện VIII mà Bộ Công Thương đang lấy ý kiến, trình Chính phủ phê duyệt, 10 Liên minh, tổ chức đại diện hơn 200 nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, chống biến đổi khí hậu vừa phát đi Tuyên bố về khát vọng điện sạch, phát triển xanh.
Theo đó, các Liên minh, tổ chức tiếp tục khẳng định bản dự thảo Quy hoạch điện VIII mới ngày 5/9/2021 thể hiện sự tụt hậu so với xu hướng phát triển năng lượng xanh, sạch của thế giới khi vẫn tiếp tục định hình tương lai năng lượng của Việt Nam phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời kìm hãm sự phát triển của năng lượng tái tạo.
Dự thảo Quy hoạch điện VIII mới này chưa phản ánh được và có phần đi ngược lại với chủ trương lớn đã nêu trong Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển năng lượng của quốc gia; phát ngôn của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong chuyến thăm và làm việc tại châu Âu vừa qua và phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Thủ tướng tại các diễn đàn quốc tế.
Các Liên minh, tổ chức kiến nghị tăng cơ cấu điện tái tạo. |
Bên cạnh đó, việc tiếp tục phát triển mạnh điện than mới trong 10 năm tới đặt Việt Nam vào nhóm số ít các quốc gia đi ngược với nỗ lực chung của toàn cầu trong cắt giảm nhiên liệu hóa thạch để đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu. Trong khi đó Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu.
Việc hạn chế phát triển năng lượng tái tạo trong 10 năm tới sẽ khiến Việt Nam tụt hậu xa so với sự tiến bộ khoa học công nghệ năng lượng của thế giới trong khi nhiều quốc gia đang phát triển đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội và đẩy nhanh ứng dụng các giải pháp công nghệ để tối đa hóa lợi thế của năng lượng tái tạo như tích trữ năng lượng, lưới điện thông minh, năng lượng tái tạo phân tán kết hợp với nông nghiệp, giao thông, sản xuất hydrogen...
Dự thảo mới dựa vào quá nhiều yếu tố bất định và không quan tâm đến góc nhìn kinh tế - tài chính, bởi các dự án điện than được tiếp tục là sự lựa chọn đắt đỏ, gây ra các hệ lụy cho nền kinh tế nói chung và không khả thi để triển khai.
Dự thảo Quy hoạch điện VIII tiếp tục duy trì và hơn thế còn tăng thêm 20.000 MW điện than tới năm 2030 là sự đi ngược lại mục tiêu sức khỏe sinh thái và an toàn môi sinh cho an ninh sức khỏe toàn cầu, mà Việt Nam là một thành viên cam kết thực hiện từ hơn thập kỷ qua.
Từ những phân tích trên, các Liên minh, tổ chức tiếp tục kiến nghị Bộ Công Thương điều chỉnh lại bản dự thảo trước khi trình lên Chính phủ, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học độc lập và các ý kiến phản biện xã hội, theo hướng: Đưa ra khỏi quy hoạch các dự án điện than chưa triển khai xây dựng; Ưu tiên các giải pháp chính sách để tháo gỡ khó khăn trước mắt và đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo bền vững trong tương lai.
Xuân Hinh