"Quản trị khủng hoảng" cho doanh nghiệp
“Những doanh nghiệp lên kế hoạch và đầu tư bài bản nhất cho việc dự đoán và chuẩn bị thì chắc chắn sẽ ở vị thế tốt hơn trong cuộc chạy đua ứng phó, phục hồi và hưng thịnh qua khủng hoảng”.
Đó là chia sẻ của bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam về chiến lược cho doanh nghiệp Việt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có thể kéo dài và diễn biến ngày càng phức tạp.
- COVID-19 đã đẩy nhiều doanh nghiệp trong bờ vực phá sản song cũng được coi là một "liều thuốc thử" để đo đếm sức khỏe doanh nghiệp, thưa bà?
Trong “nguy” bao giờ cũng có “cơ”, khủng hoảng là cơ hội để đưa tất cả các doanh nghiệp về một mặt bằng chung. Mặc dù, rất nhiều doanh nghiệp đã bị cơn khủng hoảng này nuốt chửng, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp “chuyển mình” và “vực dậy” thành công. Do đó, đây chính là thời điểm để doanh nghiệp tìm kiếm và thử nghiệm các cách thức hoạt động mới, tạo ra những thay đổi cơ bản trong chiến lược để chiến đấu với trạng thái “bình thường mới”.
- Doanh nghiệp cần có chiến lược ra sao để “vươn mình” từ suy thoái và trở thành những người trụ vững và phát triển, thưa bà?
“Những kẻ sống sót” còn lại trong đại dịch chắc chắn là những doanh nghiệp có tiềm lực và có sức chịu đựng cao hơn các doanh nghiệp khác. Sức mạnh này đến từ sự kết hợp hài hòa ba yếu tố: nguồn lực tài chính, con người và các nguồn lực xã hội khác.
Về chiến lược, Deloitte luôn tư vấn khách hàng áp dụng chiến lược “3 trong 1”: Đối phó, Phục hồi và Hưng thịnh. Trong đó, để đến được giai đoạn phát triển và hưng thịnh, mọi hoạt động của doanh nghiệp cần cân đối giữa các giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Doanh nghiệp ở vị thế sẵn sàng sẽ luôn chiếm ưu thế trong mọi cuộc chiến.
“Trong ấn phẩm “Tổ chức kiên cường: Vững vàng trong thử thách” do Deloitte Việt Nam biên soạn cho thấy những tổ chức kiên định với nền văn hóa kiên tâm và để chúng thẩm thấu vào tư duy, văn hóa doanh nghiệp của mình có khả năng vượt qua khủng hoảng cao gấp ba lần so với những tổ chức không có nền văn hóa này” Bà Hà Thị Thu Thanh |
- Các doanh nghiệp muốn phát triển bền vững cần dựa trên nguyên tắc đối mặt với khủng hoảng như thế nào, thưa bà?
Đại dịch COVID-19 đã “chạm tới” một khái niệm mà trước đây, ít doanh nghiệp quan tâm tới, đó là khái niệm “quản trị khủng hoảng”. Quản trị khủng hoảng là quản trị trên nền tảng của hệ thống quản lý rủi ro cho doanh nghiệp. Đó là giải pháp được lên kế hoạch và chỉ đạo sát sao nhằm kiểm soát khủng hoảng.
Tôi cho rằng muốn phát triển bền vững doanh nghiệp cần dựa trên 6 nguyên tắc để đối mặt với khủng hoảng. Thứ nhất, đặt nền móng, xây dựng một mô hình doanh nghiệp kiên tâm, ở đó có sự linh hoạt để sẵn sàng ứng phó với mọi bất ổn dựa trên chiến lược dài hạn và nguyên lý quản trị khủng hoảng.
Thứ hai là bảo toàn và thúc đẩy nguồn doanh thu, liên tục đổi mới phương thức bán hàng (chẳng hạn như thay đổi từ bán hàng trực tiếp sang trực tuyến), tìm kiếm khách hàng và thị trường mới để đảm bảo doanh thu không đứt gãy.
Thứ ba, tối giản chi phí một cách hợp lý. Thứ tư, cần tối ưu hóa tất cả những nguồn tài sản, nợ và vốn chủ sở hữu, rà soát lại toàn bộ danh mục tài sản, củng cố bảng cân đối tài chính để tối ưu dòng tiền.
Thứ năm, khủng hoảng là cơ hội đưa tất cả doanh nghiệp về cùng một điều kiện. Các công ty nhanh chóng tăng tốc chuyển đổi số hơn thì sẽ đi nhanh hơn thông qua việc tận dụng dữ liệu và các giải pháp công nghệ để vừa hoạt động vừa ứng phó để phát triển.
Thứ sáu, đó là tập trung vào quản lý mục tiêu và cân bằng nhu cầu của các bên liên quan.
Nếu các doanh nghiệp vẫn đang loay hoay tìm phương pháp giải bài toán sống còn trong khủng hoảng, thì đây là lúc họ nên rà soát lại dựa trên các nguyên tắc này.
- Xin cảm ơn bà!
Theo Diễn đàn doanh nghiệp