Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng nhẹ
(PetroTimes) - Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho biết do nhóm lương thực, thực phẩm tại khu vực thành thị tăng cao so với tháng trước, nên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 tăng 0,25%.
Cụ thể, nguyên nhân tăng nhẹ của CPI tháng 8 là chỉ số giá nhóm lương thực, thực phẩm của khu vực thành thị tăng; việc nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ cũng khiến giá cả biến động.
Giá thực phẩm tại các thành phố tăng cao trong tháng 8/2021. |
Tính chung 8 tháng năm 2021, CPI tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 8 tháng tăng 0,9%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính trong tháng 8 có 4 nhóm tăng giá so với tháng trước; 4 nhóm giảm giá, 3 nhóm giữ giá ổn định.
Đại diện Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết: CPI tăng trong 8 tháng năm nay do: Giá xăng dầu trong nước bình quân 8 tháng năm nay tăng 22,86% khiến CPI chung tăng 0,82 điểm phần trăm. Giá gạo trong nước cũng tăng theo giá gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng năm nay, giá các mặt hàng thực phẩm giảm 0,38% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 8 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,79%). Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu, điện và giá gas tăng.
Mức lạm phát cơ bản tháng 8/2021 và 8 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước vẫn được đánh giá đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011.
P.V
7 tháng năm 2021, giá tiêu dùng chỉ tăng 1,64% | |
Mặt bằng giá mới: Cẩn trọng “nhập khẩu lạm phát” | |
Giá thịt lợn giảm mạnh - Phù hợp quy luật thị trường |