Doanh nghiệp thủy sản "kêu cứu"
(PetroTimes) - Từ nửa cuối tháng 7, khi áp dụng giãn cách xã hội, tình hình sản xuất nguyên liệu và chế biến thủy sản chững lại rõ rệt. Sản xuất sụt giảm trong hơn 1 tháng qua chắc chắn sẽ dẫn đến kim ngạch xuất khẩu (XK) tháng 8 giảm mạnh…
Sau hơn 1 tháng các doanh nghiệp thủy sản tại 19 tỉnh/thành phía Nam hoạt động trong điều kiện áp dụng Chỉ thị 16, phát sinh nhiều khó khăn, bất cập tác động lớn tới việc bảo đảm an toàn phòng chống dịch cũng như nỗ lực duy trì sản xuất, xuất khẩu (XK).
Chỉ có 30% doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản đáp ứng yêu cầu 3 tại chỗ nên đang lâm vào cảnh thiếu nhân lực thu hoạch. |
Thực tế tới nay chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh/thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ” và số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 30-60%. Công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40-50% so với trước đây. Dự tính công suất chung của cả vùng giảm chỉ còn 30-40%.
Trong khi đó, nguyên liệu thủy sản huy động cho chế biến - XK cũng chỉ đạt khoảng 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài. Các vật tư, phụ liệu, bao bì... phục vụ chế biến thủy sản cũng bị thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%. Trong khi sản xuất bị sụt giảm, nhiều đơn hàng phải gác lại hoặc bị mất, thì các chi phí cho doanh nghiệp đảm bảo được “3 tại chỗ” lại tăng vọt và đang tạo áp lực lớn.
Sản xuất sụt giảm trong hơn 1 tháng qua chắc chắn sẽ dẫn đến kim ngạch XK tháng 8 giảm mạnh so với những tháng trước và giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành hàng cá tra bị tổn thất mạnh nhất vì hơn nửa sổ nhà máy cá tra bị ngừng hoạt động trong thời gian qua.
XK tôm và cá ngừ có thể giảm ít hơn so với cá tra. Các doanh nghiệp chế biến và XK hải sản tập trung khá nhiều ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông nên chắc chắn cũng giảm mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ năm 2020.
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, theo thống kê của Hải quan, tính đến cuối tháng 7/2021, XK thủy sản của cả nước đạt gần 5 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 7/2021, kim ngạch XK thủy sản vẫn tăng 7,5% khi đạt gần 854 triệu USD. Trong đó XK sang các thị trường Mỹ, EU tăng mạnh, sang các nước CPTPP và Hàn Quốc tăng nhẹ, riêng XK sang Trung Quốc tiếp tục giảm sâu 20%.
Sau 7 tháng đầu năm, XK sang Mỹ vẫn giữ được tăng trưởng cao nhất 36%, sang EU tăng 19%, CPTPP tăng 10%, trong khi XK sang Trung Quốc giảm trên 10%.
Tính đến giữa tháng 7, tình hình sản xuất và XK thủy sản vẫn đang trên đà tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, từ nửa cuối tháng 7, với việc áp dụng các chỉ thị giãn cách xã hội, tình hình sản xuất nguyên liệu và chế biến thủy sản chững lại rõ rệt.
Với yêu cầu sản xuất chế biến “3 tại chỗ” ở 19 tỉnh/thành phía Nam, chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp có thể thực hiện theo phương thức này, với công suất sụt giảm từ 30-70% tùy từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc xuất hàng trong tháng 7 có thể vẫn sử dụng nguyên liệu và dự trữ tồn kho trước đó nên kết quả qua thống kê chưa phản ánh xu hướng sụt giảm, nhưng so với các tháng trước, mức tăng trưởng đã thấp hơn đáng kể.
Sản lượng chế biến thủy sản giảm mạnh do giãn cách xã hội |
Được biết, đối với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản việc đứt gãy chuỗi sản xuất do thiếu lao động trong khâu chế biến và thu hoạch là cực kỳ nghiêm trọng. Bất cứ hợp đồng cung cấp thủy sản nào cũng cần phải tuân thủ chính xác về thời gian nếu không sẽ bị phạt hợp đồng cực kỳ nặng, có thể dẫn tới phá sản doanh nghiệp phía Việt Nam. Đặc biệt, doanh nghiệp xuất khẩu không tuân thủ hợp đồng có thể bị đưa vào "sổ đen" của các quốc gia nhập khẩu khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu. Đây coi như là dấu chấm hết cho một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.
Bởi vậy, các địa phương cần phải ngay lập tức tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp thủy sản về chỗ ở cho công nhân (thực hiện 3 tại chỗ), luồng lạch giao thông thuận tiện để chuẩn bị xuất hàng, đặc biệt là tổ chức lực lượng thu hoạch tôm, cá, thủy sản đã đến vụ.
Tùng Dương