Tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp thành lập mới thấp nhất 5 năm trở lại đây
(PetroTimes) - Số liệu về tình hình đăng ký doanh nghiệp quý I/2020 cho thấy, do tác động của dịch bệnh Covid-19, nên số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2020 có xu hướng chững lại, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường (bao gồm doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, doanh nghiệp chờ giải thể, doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể) tăng cao.
Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng vọt trong 2 tháng |
Hà Nội: doanh nghiệp thành lập mới cao gấp gần 4 lần so với bình quân cả nước |
Doanh nghiệp thành lập mới năm 2019 cao kỷ lục |
Theo số liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong tháng 03/2020, có 12.272 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký là 131.374 tỷ đồng, giảm 1,6% về số doanh nghiệp và chỉ tăng 2,5% về số vốn so với cùng kỳ năm 2019.
Tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp của tháng 3/2019 so với cùng kỳ năm 2018 (tăng đến 54,3% về số doanh nghiệp và 57,9% về số vốn đăng ký), cho thấy tinh thần khởi sự kinh doanh của doanh nghiệp thời điểm này đã và đang bị ảnh hưởng đáng kể.
Tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp thành lập mới thấp nhất 5 năm trở lại đây |
Bên cạnh đó, tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có xu hướng gia tăng. Tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong tháng 3/2020 là 6.553 doanh nghiệp, tăng 55,5% so với cùng kỳ năm 2019, bao gồm: 2.452 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 78,6% so với cùng kỳ năm 2019; 2.785 doanh nghiệp chờ hoàn thành thủ tục giải thể, tăng 48,0% so với cùng kỳ năm 2019; 1.316 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 37,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Quý I/2020 cả nước có 29.711 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là một trong những mức gia tăng số doanh nghiệp thành lập mới thấp nhất của quý I giai đoạn từ 2015-2019 (so với mức tăng trung bình là 10,9%).
Tổng quan cả quý I/2020, với những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19 gây ra cùng với tác động cộng hưởng từ những yếu tố khác, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2020 có xu hướng chững lại, tỷ lệ gia tăng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước.
Cụ thể, cả nước có 29.711 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là một trong những mức gia tăng số doanh nghiệp thành lập mới thấp nhất của quý I giai đoạn từ 2015-2019 (so với mức tăng trung bình là 10,9%). Điều này cho thấy những ảnh hưởng đang ngày một rõ rệt của dịch viêm phổi cấp Covid-19 đến tình hình đăng ký doanh nghiệp trong nước.
Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong quý I/2020 đạt 11,8 tỷ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong quý I/2020 là 903.788 tỷ đồng (giảm 17,7% so với cùng kỳ năm 2019), bao gồm: số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 351.369 tỷ đồng (giảm 6,4%) và số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp là 552.419 tỷ đồng (giảm 23,5%) với 9.060 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn.
Tổng lượng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động giảm mạnh (23,5%) so với cùng kỳ năm trước cho thấy tâm lý của các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng lớn bởi tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp đang e ngại trong việc đầu tư thêm vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Còn tình hình doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý I/2020 là 14.810 doanh nghiệp, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi tỷ lệ này của quý I/2019 so với quý I/2018 tăng đến 78,1%.
Đây là điều đáng lo ngại bởi theo ghi nhận hàng năm thì khoảng thời gian quý I thường là lúc các doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh cho một năm tài chính mới, do đó, tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thời gian này sẽ nhiều nhất. Tuy nhiên, do dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát nên doanh nghiệp vẫn đang chần chừ, nghe ngóng thông tin để có phương án tối ưu nhất.
Số lượng doanh nghiệp quay lại hoạt động trong quý I/2020 tập trung chủ yếu ở các ngành: Bán buôn, bán lẻ có 5.405 doanh nghiệp (chiếm 33,7%); Xây dựng có 2.291 doanh nghiệp (chiếm 13,3%); Công nghiệp chế biến, chế tạo có 1.794 doanh nghiệp (chiếm 12,4%).
Tình hình doanh nghiệp rút khỏi thị trường thể hiện rõ xu hướng của doanh nghiệp hiện nay, đó là tâm lý nghe ngóng, chờ đợi, “đóng băng” hoặc đưa doanh nghiệp vào tình trạng “ngủ đông” để xem xét tình hình tiến triển của dịch bệnh, rồi quyết định tiếp tục kinh doanh hay đóng cửa doanh nghiệp, chưa đóng cửa doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này. Điều này thể hiện ở sự gia tăng mạnh về số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn và giảm về số doanh nghiệp giải thể, chờ giải thể.
Trong quý I/2020, có 34.889 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 2,0% so với cùng kỳ 2019), bao gồm: 18.596 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 26,0%), 12.178 doanh nghiệp chờ giải thể (giảm 20,6%), 4.115 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 0,02%). Trung bình mỗi tháng có 11.630 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Theo Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, các số liệu về tình hình đăng ký doanh nghiệp quý I/2020 cho thấy, những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Thể hiện ở mức gia tăng thấp của số doanh nghiệp thành lập mới, việc giảm sút về số vốn bổ sung hoặc cam kết đưa vào kinh doanh, quy mô doanh nghiệp và sự gia tăng mạnh mẽ của số doanh nghiệp ngừng hoạt động trong ngắn hạn.
Nguyễn Hưng