“Vũ khí nguy hiểm” của Trung Quốc đang nhắm vào ai?
Nhiều người cho rằng, việc để CNY xuyên thủng mốc tâm lý 7,0 là một đòn đánh được tính toán mà Trung Quốc sử dụng để đối phó với cuộc thương chiến.
Trong một động thái mới nhất liên quan đến cuộc thương chiến căng thẳng giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ngày 8/8 thông báo tỷ giá trung tâm đối với nội tệ là 7,0039 nhân dân tệ (CNY) đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ 21/4/2008. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp Trung Quốc hạ tỷ giá trung tâm của nội tệ.
Ngay trước đó, vào ngày 7/8, PBoC cũng đã tiếp tục điều chỉnh tỷ giá tham chiếu của CNY ở mức 6,9969 – cao hơn 0,45% so với mức dự báo của thị trường 6,9947.
Nhiều người cho rằng, việc để CNY xuyên thủng mốc tâm lý 7,0 là một đòn đánh được tính toán mà Trung Quốc sử dụng để đối phó với thương chiến.
TS Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình nghiên cứu Trung Quốc thuộc VEPR |
PBoC dùng tỷ giá chống lại điều gì?
Về vấn đề này, TS Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, thương chiến là một yếu tố nhạy cảm và tác động mạnh lên biến động tỷ giá đồng CNY – do tác động lên kỳ vọng của nhà đầu tư. Nhưng ở đây, PBoC lại đang sử dụng chính tỷ giá để đối đầu với các nhà đầu cơ tài chính – những người đánh cược rằng đồng CNY sẽ không thể chống chọi được cơn bão thương chiến.
“Dân trong ngành gọi là chống tấn công tiền tệ (currency attack). Và PBOC lần này đã hành động nhanh hơn rất nhiều so với năm 2015. Họ làm vậy để đảm bảo rằng sẽ không phải hy sinh quá nhiều dự trữ ngoại tệ để ổn định tình hình khi mà “tâm lý bầy đàn” cuốn phăng thị trường hối đoái và lan lửa sang cả thị trường chứng khoán” - vị chuyên gia phân tích.
Ông Thành cho biết, vào tháng 3/2018 khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc có một chuyến thăm thành công đến Mỹ, đạt thỏa thuận rằng hai bên sẽ không sử dụng chiến tranh thương mại để giải quyết bất đồng về nhập siêu của Mỹ, thị trường đã phản ứng rất tích cực.
Các nhà đầu tư vào CNY đã đánh cược rằng đồng tiền này sẽ tiếp tục ổn định và mạnh lên. Tâm lý lạc quan này kéo dài đến tận tháng 5/2018 khi những đe dọa được đưa ra. Nhưng sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế 16 tỷ USD và 34 tỷ USD hàng hóa nữa – đều với mức thuế 25% vào ngày 15/6 thì “gió đã hoàn toàn đổi chiều”.
Các nhà đầu tư lập tức đánh cược CNY sẽ mất mốc 7,0 và liên tục đầu cơ vào trạng thái “bán khống”. PBoC đã cảnh báo rằng việc này sẽ “công cốc” và dùng nhiều công cụ để ổn định tỷ giá tuy nhiên, tâm lý của nhà đầu tư tiếp tục trở nên ưa thích rủi ro hơn khi thuế quan với 200 tỷ USD hàng hóa bị áp dụng vào tháng 9/2018. Chỉ sau khi ông Trump và ông Tập Cận Bình gặp nhau ở Argentina vào tháng 12/2018, sự đánh cược này mới hạ nhiệt.
Theo TS Phạm Sỹ Thành, giai đoạn đình chiến gần nửa năm cho thấy tỷ giá thị trường hoàn toàn phù hợp với tỷ giá tham chiếu. Các “cá mập” đi nghỉ, không đánh cược tiếp. Tuy nhiên, sự yên ổn này không tồn tại lâu.
Khi thỏa thuận thương mại “tan tành” vào ngày 10/5, thị trường lại tiếp tục tâm lý đánh cược vào sự mất giá của đồng CNY. Và nó hoàn toàn sụp đổ vào 1/8 khi tất cả đều thấy hai nước không thể đạt được thỏa thuận vào cuối năm 2019 sau khi Tổng thống Trump tuyên bố (có thể) áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Những phân tích trên cho thấy tỷ giá CNY/USD đang phản ứng rất nhạy cảm với tình hình chiến sự trong lĩnh vực thương mại. Đồng thời, thị trường hiện nay có xu hướng đánh cược vào sự mất giá của đồng CNY.
Các lần can thiệp tỷ giá của Trung Quốc |
Thế lưỡng nan chính sách của Trung Quốc
Ông Thành đặt vấn đề: Vậy điều tất yếu nào sẽ đến khi nhà đầu tư đánh cược một đồng tiền sẽ yếu đi trong khi Chính phủ của nước đó bằng mọi cách giữ cho tỷ giá ổn định?
Năm 2015, đồng USD bất ngờ mạnh lên, trong khi đồng CNY hầu như được duy trì không đổi. Vào đêm trước của đợt phá giá 5% (31/7/2015), đồng USD đã tăng 19,59% trong khi đồng CNY chỉ tăng 1,07% (chênh lệch 18,52 điểm phần trăm). Thị trường đánh cược rằng PBoC không thể chống chọi được lâu (bằng cách hy sinh dự trữ ngoại tệ), vì thế các hoạt động bán khống đã diễn ra.
PBoC cuối cùng đã phải phá giá: ngày 21/8 đồng CNY tăng 4,86%, USD tăng 16,73% (chênh lệch thu hẹp còn 11,87 điểm phần trăm). Nhưng những biến động sau đó cùng cơn say đầu tư ra bên ngoài khi đồng CNY mạnh đã cuốn bay 1.000 tỷ USD – hoặc gần bằng quy mô GDP của nước Nga ở thời điểm đó. Từ đó, PBoC không bao giờ để chênh lệch giữa đồng CNY và USD vượt quá 10%.
Khi thương chiến nổ ra vào 15/6/2018, mức chênh lệch này là 11,86 điểm phần trăm – ngang với mức sau điều chỉnh vào ngày 15/8/2015. Sau đó, PBoC đã can thiệp để mức chênh lệch giảm về 6,79 điểm phần trăm (vào ngày 10/8/2018) khi 200 tỷ USD hàng hoá bị đe dọa tăng thuế và 6,72 điểm phần trăm (vào ngày 7/12/2018) khi hai bên đạt thỏa thuận đình chiến 90 ngày.
Đến ngày 3/5/2019, khoảng cách này lần đầu vượt qua 10 điểm phần trăm (CNY tăng 9,43% và USD tăng 19,82%). Nhưng khi thỏa thuận đổ vỡ vào 10/5, thị trường bán khống xuất hiện trở lại, PBoC đã can thiệp để chênh lệch giảm còn 7,5 điểm phần trăm (12,9% và 20,4%). Đến cuối tháng 7/2019 mức chênh lệch này là 8,63 điểm phần trăm.
Tuy vậy, sau khi Tổng thống Trump đe dọa mức thuế lên 300 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc và thị trường lại chuẩn bị đánh cược vào đồng CNY rẻ thì PBoC lại can thiệp bằng cách chủ động thay đổi tỷ giá tham chiếu, đưa chênh lệch về mức 7,16 điểm phần trăm, thấp hơn so với trước khi ông Trump đe dọa.
Dựa trên những phản ứng này, TS Phạm Sỹ Thành cho rằng, PBoC rõ ràng đang muốn phát đi tín hiệu đến các nhà đầu cơ tài chính hơn là Bộ Tài chính Mỹ: Trung Quốc không muốn lặp lại sai lầm của 2015 – đánh cược vào đồng CNY mạnh.
Mặc dù vậy, rõ ràng Trung Quốc đang trong một tình thế “lưỡng nan chính sách” điển hình: duy trì đồng tiền mạnh sẽ giữ chân được các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng nhiều khả năng phải đánh đổi bằng giảm dự trữ ngoại tệ. Trái lại, môi trường bất ổn của thương chiến và đồng CNY yếu sẽ dẫn đến sự rút chạy của luồng vốn.
Theo Dân trí