Những dự án FDI quy mô nhỏ ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam?
(PetroTimes) - Với quy mô quá nhỏ chỉ 1 triệu USD đầu tư, nhiều dự án FDI đem đến Việt Nam không những công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường mà còn cản trở khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Doanh nghiệp FDI đứng đầu về lợi nhuận và hiệu suất sinh lợi |
Vốn FDI “rót” vào ngành chế biến gỗ tăng đột biến |
Dự án FDI quy mô... 20 nghìn USD
Theo thống kê của cơ quan chức năng, nếu như năm 2008 quy mô trung bình mỗi dự án FDI là 19 triệu USD thì đến năm 2018 giảm tới 3 lần. Tính trong 6 tháng đầu 2019, vốn FDI vào Việt Nam nhiều nhưng quy mô các dự án trung bình cũng chỉ 1 triệu USD. Như vậy là rất nhỏ. Thậm chí, dự án FDI ở nhiều địa phương chỉ dừng ở mức vốn đăng ký có 20.000 USD.
Trong đó, vốn FDI tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất. Còn các ngành trọng điểm mang lại giá trị gia tăng cao khác như tài chính, nghiên cứu và phát triển (R&D)... thì chưa thu hút nhiều được FDI.
Những dự án FDI quy mô nhỏ có thể mạng công nghệ lạc hậu vào Việt Nam |
Với các dự án FDI nhỏ như vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, họ sẽ mang đến Việt Nam công nghệ lạc hậu, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang toan tính thải loại công nghệ cũ ra khỏi lãnh thổ.
Tuy nhiên, nguy hại hơn, với các doanh nghiệp FDI nhỏ mà thực ra là doanh nghiệp “vệ tinh” của các tập đoàn đa quốc gia, đó khi đầu tư vào Việt Nam chỉ để cung ứng nguyên vật liệu cho các “ông lớn” ở nước ngoài. Và điều này bên cạnh việc làm khó ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn cản trở khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ví như tỷ lệ nội địa hóa của Samsung Việt Nam hiện chỉ đạt khoảng 35%, như vậy khả năng tham gia của các doanh nghiệp nội địa vào chuỗi sản xuất của tập đoàn này quá thấp.
Với những hệ lụy trên đây, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần quy định mức vốn tối thiểu với dự án FDI để sàng lọc những dự án có chất lượng cao.
TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam kỳ vọng dòng vốn FDI sẽ tạo ra sức lan tỏa về kỹ năng, lao động chất lượng cao, khoa học kỹ thuật và trình độ quản lý. Tuy nhiên, “ước mơ” đó vẫn chưa diễn ra. Ngược lại nguy cơ lạm phát, bong bóng bất động sản rất dễ xảy ra nếu nếu quản lý vĩ mô không tốt để cho các dự án FDI quy mô nhỏ, chất lượng kém ồ ạt vào Việt Nam.
Phải sàng lọc, lựa chọn dự án FDI chất lượng cao
Để có thể sàng lọc đồng thời thu hút được những dự án FDI có chất lượng cao, các chuyên gia cho rằng Việt Nam phải nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phải hoàn thiện, xây dựng những chính sách, biện pháp kinh tế kỹ thuật… còn thiếu. Bởi hiện nay Việt Nam vẫn còn thiếu những cơ chế, tiêu chí cụ thể cho nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. Hiện nay, hầu hết các địa phương vẫn nhìn nhà đầu tư ngoại để chọn dự án. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài thường nhìn vào những tiêu chuẩn do các địa phương đưa ra để quyết định đầu tư.
Phải lựa chọn dự án FDI chất lượng cao |
Không thu hút FDI bằng mọi giá, điều này buộc Chính phủ và các bộ, ngành cùng các địa phương phải ban hành bộ tiêu chí mới để nắm quyền chủ động. Trước hết, cần bãi bỏ tư duy mỗi tỉnh, thành phải có vài khu công nghiệp, ỷ lại vào nhà đầu tư - đây là nguồn cơn khiến không ít địa phương phải “hạ mình” trước các nhà đầu tư nước ngoài.
Tiếp nữa là chọn nhà đầu tư không phải bằng ý chí chủ quan mà phải dựa trên các tiêu chuẩn khung như lao động, số lượng vốn tối thiểu, mặt hàng sản xuất, công nghệ sử dụng, môi trường… để sàng lọc, chọn lựa được những dự án FDI tốt, có tính lan tỏa cao.
Ngoài ra, Việt Nam cần nâng cao năng lực quản lý và có cơ chế để doanh nghiệp nội địa kết nối với doanh nghiệp lớn. Chẳng hạn như Hàn Quốc có quy định yêu cầu tập đoàn lớn phải thuê bên ngoài bao nhiêu phần trăm, chứ không được chỉ sử dụng các doanh nghiệp “vệ tinh” của chính mình.
Và các nhà quản lý buộc phải nắm rõ thế nào là công nghệ nguồn và công nghệ cao để có thể chọn lọc các dự án FDI có chất lượng.
Nguyễn Anh