Những mặt hàng chủ lực xuất sang Mỹ sẽ phải chịu giám sát chặt chẽ hơn
(PetroTimes) - Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt vừa công bố báo cáo Chiến lược đầu tư tháng 7/2019. Theo đó, việc Mỹ áp thuế trên diện rộng đối với hàng hóa từ Việt Nam, đặc biệt với các nhóm ngành như gỗ và đồ nội thất; máy móc và thiết bị điện; sắt thép, sản phẩm liên quan và nhựa sẽ có khả năng thấp. Tuy nhiên, các mặt hàng này cũng sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ hơn trong thời gian tới khi xuất sang Mỹ.
Dệt may có khả năng tăng thị phần tại Canada lên 12-14% |
Xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng cao nhất từ trước tới nay |
Xuất khẩu sang Mỹ có thể đạt 20 tỉ USD |
Bản báo cáo đề cập, sau sự kiện G20 được tổ chức tại Nhật Bản ngày 28/6 vừa qua, những lo ngại liên quan tới việc Mỹ có thể sẽ áp thuế lên hàng xuất khẩu của Việt Nam trở thành vấn đề nóng.
Điều này không chỉ bắt nguồn từ chỉ trích của phía Mỹ vào một số quốc gia châu Á, bao gồm Việt Nam, mà còn từ những vụ việc liên quan đến nhãn hiệu “Made in Vietnam” được sử dụng bởi các doanh nghiệp sản xuất và thương mại trong nước.
Các chuyên gia phân tích của Rồng Việt đề cập tới trường hợp của Campuchia và Đài Loan - hai quốc gia/vùng lãnh thổ chịu sự chỉ trích trực tiếp từ Mỹ. Với Campuchia, đại diện Lãnh sự quán Hoa Kỳ cho biết Bộ an ninh nội địa nước này đã điều tra và xử phạt một loạt các doanh nghiệp tại Đặc khu kinh tế Sihanoukville về hành vi tiếp tay cho hàng Trung Quốc né tránh thuế vào Mỹ.
Đồ gỗ nội thất sẽ là một trong những mặt hàng sẽ phải chịu giám sát chặt chẽ hơn khi xuất sang Mỹ |
Trong khi đó, Chính phủ Đài Loan cam kết sẽ áp dụng mạnh tay các biện pháp cần thiết nhằm tránh trường hợp trở thành điểm chung chuyển hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.
Liên quan đến Việt Nam, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt trên 40% so với cùng kỳ năm ngoái và đây là mức tăng cao nhất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Đáng chú ý, dựa trên danh sách hàng hóa trong gói đánh thuế 250 tỷ USD của Mỹ lên Trung Quốc và lọc theo mã số những mặt hàng Việt Nam xuất sang Mỹ, một số nhóm ngành có tốc độ tăng đột biến so với mức bình quân quý I của 3 năm trước đó như đồ nội thất, máy móc cùng thiết bị điện, sắt thép cùng sản phẩm liên quan và nhựa.
“Nếu loại bỏ phần giá trị xuất khẩu tăng đột biến từ các nhóm này, tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ sẽ mất tối đa 3%, tương đương dưới 1% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Dù quy mô tác động về kinh tế có thể chưa lớn, nhưng sẽ ảnh hưởng đến triển vọng thu hút dòng vốn FDI của Việt Nam”, báo cáo của Rồng Việt đề cập.
Tổng hợp quan điểm từ các chuyên viên ngành của Rồng Việt cho thấy, bức tranh lợi nhuận trong quý II và nửa đầu năm 2019 của các doanh nghiệp sẽ có sự phân hóa. Một số ngành được đánh giá sẽ có những doanh nghiệp trong ngành có triển vọng tích cực bao gồm: bán lẻ, công nghệ, thủy sản (cá tra), ngân hàng và ô tô.
Điển hình như trong ngắn hạn, triển vọng xuất khẩu tôm đông lạnh dự kiến sẽ tốt hơn do thời gian giảm thuế về 0% ngắn hơn và quy trình chế biến đơn giản. Trong khi đó, việc giảm thuế khó có thể làm tăng khả năng cạnh tranh của cá tra bởi, thị hiếu châu Âu chuộng tôm, thịt đỏ, cá biển thịt trắng, cá hồi và Việt Nam chiếm hơn 95% thị trường cá tra toàn cầu.
Trong khi đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành điện lại được dự báo khó tăng trưởng trong quý II/2019. Lý do, nhu cầu cao nhưng thiếu nhiên liệu đầu vào (khí Đông Nam Bộ hiện chỉ đạt 18-19 triệu m3/ngày so với khoảng 21 triệu m3/ngày vào thời điểm đầu năm ngoái. Cùng với đó, giá than thế giới tăng nhanh khiến nhu cầu tiêu thụ than nội địa tăng đột biến trong khi sản lượng khai thác trong nước không đáp ứng kịp…
Nguyễn Hưng