Đại gia Lê Phước Vũ “vượt khó”: Chấm dứt hàng trăm chi nhánh, “xoá sổ” công ty con
Trong bối cảnh kinh doanh bị suy giảm lãi mạnh, tập đoàn Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ đã thực hiện cuộc đại cơ cấu, chấm dứt hoạt động và chuyển đổi hàng trăm chi nhánh trong hệ thống phân phối, và mới đây nhất là ra chủ trương “xoá sổ” một công ty con.
Trải qua một phiên giằng co và rung lắc mạnh trong ngày 18/6, các chỉ số chứng khoán đóng cửa trái chiều: VN-Index giảm 2,94 điểm tương ứng 0,31% còn 944,01 điểm còn HNX-Index tăng 0,25 điểm tương ứng 0,24% lên 104,75 điểm.
Đáng chú ý là xu hướng của cả hai chỉ số đều phục hồi mạnh vào cuối phiên chiều. Thậm chí, tại HNX-Index, hầu hết thời gian giao dịch trong phiên hôm qua, chỉ số đều hoạt động dưới đường tham chiếu.
Độ rộng thị trường nghiêng về các mã giảm giá, song mức độ chênh lệch giữa bên tăng và bên giảm không đáng kể. Toàn thị trường có 309 mã giảm, 30 mã giảm sàn so với 277 mã tăng và 37 mã tăng trần.
Thanh khoản sụt giảm so với phiên giao dịch trước. Tổng khối lượng giao dịch trên HSX là 166,94 triệu cổ phiếu tương ứng 3,870,45 tỷ đồng và con số này trên HNX là 17,4 triệu cổ phiếu tương ứng 218,43 tỷ đồng.
Phiên hôm qua, chỉ số chính bị tác động tiêu cực do tình trạng giảm giá tại một số mã lớn như TCB, MSN, VIC… Tuy vậy, “công thần” của VN-Index phiên này là VCB khi mã này đã đỡ chỉ số 1,22 điểm và qua đó giúp VN-Index hồi phục đáng kể vào cuối phiên.
Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Hoa Sen, được mệnh danh là "vua tôn thép" của Việt Nam |
Trong phiên hôm qua, cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen hồi phục nhẹ 0,26% lên 7.700 đồng/cổ phiếu. Mã này đã đánh mất hơn 2% trong vòng 1 tuần giao dịch và hơn 5,1% trong 1 tháng. Tuy vậy, so với mức đáy năm 2018, HSG cũng đã hồi phục đáng kể trong nửa năm qua, tăng 42,15% (tương ứng tăng 2.283 đồng).
Doanh nghiệp của đại gia Lê Phước Vũ đang thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh và động thái mới nhất vừa được tập đoàn này công bố đã chủ trương chấm dứt hoạt động Công ty TNHH MTV Vận tải và Cơ khí Hoa Sen, một công ty con do HSG sở hữu 100%.
Lý do HSG “khai tử” đơn vị này là do HSG đang sở hữu, vận hành hơn 10 nhà máy sản xuất từ Bắc vào Nam. Do đó, nhằm tối ưu hóa và linh hoạt trong hoạt động vận tải, HĐQT quyết định sắp xếp lại mảng vận tải theo hướng điều chuyển các phương tiện vận tải từ Công ty TNHH MTV Vận tải và Cơ khí Hoa Sen sang các nhà máy để tăng tính chủ động trong việc điều phối vận tải, chuyên chở hàng hóa, vật liệu...
Tại thời điểm HĐQT thông qua chủ trương này thì Vận tải & Cơ khí Hoa Sen đã hoàn thành việc quyết toán, thanh lý các hợp đồng, giao dịch; tất toán các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính đối với các tổ chức, cá nhân. Và kể từ thời điểm này, công ty này không ký kết thêm bất kỳ hợp đồng, giao dịch và làm phát sinh bất kỳ khoản nợ nào với bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khác.
Theo khẳng định của HSG, nhân sự thuộc Vận tải & Cơ khí Hoa Sen đã được tập đoàn này bố trí, điều động, sắp xếp ổn định tại thời điểm thông qua chủ trương chấm dứt hoạt động.
Cùng với việc chấm dứt hoạt động của công ty con nói trên, HSG cũng tái cấu trúc hệ thống phân phối với việc giải thể, chuyển đổi hàng loạt chi nhánh. Mới đây nhất, vào ngày 31/5 vừa qua, HĐQT HSG cũng đã ban hành nghị quyết chấm dứt hoạt động của 172 chi nhánh và chuyển đổi các chi nhánh này thành cửa hàng trực thuộc chi nhánh tỉnh.
Hoạt động tái cơ cấu diễn ra trong bối cảnh HSG vẫn kinh doanh khá khó khăn. Quý II niên độ tài chính 2018-2019 vừa rồi của HSG (từ 31/12/2018-31/3/2019), tập đoàn này đạt doanh thu thuần hơn 6.911 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ, lãi trước thuế 54,4 tỷ đồng, bằng phân nửa so với cùng kỳ và lãi sau thuế 53,2 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 86,7 tỷ đồng của cùng kỳ niên độ trước.
Trở lại với thị trường chứng khoán, theo VDSC, thị trường đã bước vào tuần cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF lớn, áp lực bán tiếp tục đè nặng lên các cổ phiếu vốn hóa lớn. Cơ hội vẫn đang hiện diện ở nhóm các cổ phiếu vừa và nhỏ. Xu hướng này có thể kéo dài ít nhất hết tuần này khi kỳ cơ cấu ETF kết thúc.
Theo Dân trí