Tin tức kinh tế ngày 15/6: Phạt chậm nộp thuế lên tới 16.000 tỉ đồng
(PetroTimes) - Nợ thuế khổng lồ đẩy mức tiền phạt chậm nộp lên tới 16.000 tỉ đồng, lương tối thiểu vùng tăng sẽ tăng như thế nào, Vietjet lên tiếng vì chậm, hủy chuyến bay, tập trung nuôi lợn sạch… là những thông tin kinh tế đáng chú ý trong ngày hôm nay.
Tiền phạt chậm nộp do nợ thuế chiếm hơn 16.000 tỷ đồng
Tổng cục Thuế đã thu hồi 10.350 tỷ đồng nợ thuế. |
Trả lời báo giới mới đây, ông Đoàn Xuân Toản - Phó vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế) cho biết do nhiều yếu tố khách quan, số nợ thuế đã gia tăng, chỉ tính riêng số tiền phạt chậm nộp (0,03%/ngày) do nợ thuế đã chiếm hơn 16.000 tỷ đồng.
Liên quan đến ngành thuế, báo cáo mới công bố của Tổng cục Thuế về tình hình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước cho thấy thu ngân sách 5 tháng đầu năm 2019 do ngành thuế quản lý thực hiện ước đạt 506.900 tỷ đồng, bằng 43,2% dự toán năm, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018.
Ngoài thu nội địa, thu từ dầu thô ước đạt 23.390 tỷ đồng, bằng 52,4% dự toán, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Tổng cục Thuế cho biết mặc dù sản lượng khai thác 5 tháng ước đạt 4,9 triệu tấn, bằng 47% kế hoạch, bằng 98% so với cùng kỳ năm 2018, nhưng số thu từ dầu thô đã đạt trên 50% dự toán năm. Nguyên nhân là do giá dầu thô thanh toán bình quân đạt 66,5 USD/thùng, tăng 1,5 USD/thùng so giá dự toán.
Mặc dù số thu ngân sách thực hiện đã đạt và vượt tiến độ dự toán, tuy nhiên theo Tổng cục Thuế, để hoàn thành nhiệm vụ thu của năm 2019, trong tháng 6 này, ngành thuế sẽ tiếp tục chỉ đạo các cục thuế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý, thu hồi nợ đọng thuế.
Được biết, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2019 Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành thuế là 1.168.100 tỷ đồng, bằng 101,8% so với ước thực hiện năm 2018. Trong đó, thu dầu thô là 44.600 tỷ đồng, bằng 67,5% so với ước thực hiện năm 2018. Trên cơ sở, sản lượng thanh toán dự kiến là 10.432 nghìn tấn, giá thanh toán dự kiến là 65 USD/thùng; thu nội địa là 1.123.500 tỷ đồng, bằng 103,9% so với thực hiện năm 2018. Nếu không kể tiền sử dụng đất, cổ tức và lợi nhuận còn lại, xổ số kiến thiết là 949.500 tỷ đồng, bằng 113,4% so với thực hiện năm 2018.
Tăng lương tối thiểu vùng năm 2020: Khoảng cách lớn các mức đề xuất tăng
Lao động ngành da giày được xem là hưởng mức lương không chênh mức lương tối thiểu là bao nhiêu. |
Trong khi giới đại diện cho người lao động (NLĐ) đề xuất 2 phương án (PA) tăng lương tối thiểu vùng (LTTV) năm 2020 tăng tới 8,18%, thì giới chủ sử dụng lao động chỉ đề nghị mức dưới 3%, còn bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia là 5,2%.
Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (Tổng liên đoàn) – đại diện cho NLĐ đưa ra hai PA tăng LTTV năm 2020. PA 1 (tỷ lệ lương thực, thực phẩm 46,5%) tăng 8,18% (tăng từ 180.000 – 380.000 đồng). PA2 2 (tỷ lệ lương thực, thực phẩm 47%), tăng 7,06% (tăng từ 160.000 – 330.000 đồng). Đưa ra ý kiến về 2 PA này, ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn cho rằng: PA nào cũng đáp ứng 100% mức sống tối thiểu, nhưng quan trọng là tình hình mức sống tối thiểu thế nào. Từ mức sống tối thiểu sẽ quy ra mức tăng LTTV năm 2020, đương nhiên sẽ có điều chỉnh. Khi tính tỷ lệ lương thực thực phẩm càng thấp thì mức sống tối thiểu càng cao.
Trong phiên họp đầu tiên này, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia đã trình bày một số thông tin cũng như đánh giá về về tình hình kinh tế - xã hội và đề xuất mức tăng LTTV năm 2020 bình quân là 5,2%, trong đó vùng 4 tăng 61.000 đồng, vùng 1 tăng 256.000 đồng. Đại diện Tổng liên đoàn cho rằng, mức 5,2% theo cách tính của bộ phận kỹ thuật thì đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu. Còn theo cách tính mức sống tối thiểu của Tổng liên đoàn (tỷ lệ lương thực, thực phẩm thấp hơn phi lương thực, thực phẩm) thì mức tăng 5,2% chưa đảm bảo được nhu cầu sống tổi thiểu của NLĐ và gia đình họ.
Trước những đề xuất mức tăng LTTV của các bên có khoảng cách chênh lệch nhau khá lớn, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp nêu quan điểm: Hằng năm, các bên đại diện cho giới sử dụng lao động, NLĐ trình bày phương án tăng LTTV khác nhau là chuyện bình thường. Chính vì vậy, Hội đồng tiền lương quốc gia mới có sự bàn bạc, thương lượng để đi đến một mức thống nhất trình Chính phủ. Chúng tôi hoan nghênh bộ phận kĩ thuật nỗ lực cung cấp đầy đủ số liệu. Hôm nay là khởi động, nói về vấn đề kĩ thuật, rất mong muốn các bên thảo luận xây dựng, hợp tác.
Vietjet lên tiếng sau nhiều chuyến bay chậm, huỷ
Vietjet đang nỗ lực khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến bay. |
Chiều 15/6, thông tin chính thức từ Vietjet cho biết, việc hàng loạt chuyến bay của hãng này trong 2 ngày 14 - 15/6 là do ảnh hưởng của việc trễ kế hoạch nhận tàu bay mới và nguyên nhân khai thác.
Trước đó, một số đại lý vé máy bay đã phát đi thông tin cảnh báo tới khách hàng của mình về việc các chuyến bay của Vietjet sẽ hoãn và hủy chuyến dây chuyền.
Đại diện Vietjet cho biết, để giảm thiểu tình trạng chậm, huỷ chuyến, hãng đang khẩn trương điều chỉnh lịch bay, tăng cường thuê thêm tàu bay thuê ướt, để phục vụ nhu cầu của khách, tuy nhiên do thời gian giao tàu của nhà sản xuất và đối tác cho thuê ướt tiếp tục trễ nên ảnh hưởng tới hoạt động khai thác của hãng. Một số chuyến bay khác bị ảnh hưởng dây chuyền.
Hành khách trên các chuyến bay bị ảnh hưởng được hỗ trợ chuyển chuyến bất kỳ miễn phí trong tháng 6, hoàn vé theo nhu cầu và hỗ trợ chi phí bồi thường thiện chí theo quy định.
Lịch bay điều chỉnh được cập nhật tại website www.vietjetair.com, mục “Thông tin chuyến bay”. Tại đây, hành khách kiểm tra được “code” vé, tra cứu đầy đủ và chính xác về chặng bay, giờ bay để chủ động trong việc điều chỉnh lịch trình đi lại.
Hiện tại, Vietjet Air đang khai thác 66 máy bay, với gần 400 chuyến bay mỗi ngày trên 116 đường bay cả trong nước và quốc tế
Ngân hàng Việt sắp đón thêm 'khách hàng lớn' mua trái phiếu dài hạn
BIDV dành hơn 19 tỷ đồng quà tặng cho khách hàng mua trái phiếu. |
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam dự kiến sẽ được phép mua trái phiếu dài hạn của các ngân hàng. Điều này được kỳ vọng sẽ làm giảm tình trạng "cải thiện ảo" hệ số an toàn vốn bằng cách các ngân hàng mua trái phiếu lẫn nhau.
Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 312/2016/TT-BTC ngày 24/11/2016 của Bộ Tài chính quy định chế độ tài chính đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Theo đó, thông tư mới dự kiến sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 5 Thông tư số 312/2016/TT-BTC như sau: "Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để đầu tư, mua trái phiếu Chính phủ; tín phiếu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; gửi tiền tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam".
So với thông tư cũ, dự thảo thông tư mới bổ sung thêm rằng Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Như vậy, các ngân hàng sẽ có thêm một khách hàng lớn sẵn sàng mua trái phiếu dài hạn. Điều này được kỳ vọng sẽ làm giảm tình trạng "cải thiện ảo" hệ số an toàn vốn bằng cách các ngân hàng mua trái phiếu lẫn nhau.
Tập trung phát triển chăn nuôi an toàn sinh học
Thịt lợn sạch được chăn nuôi đúng quy trình an toàn sẽ tránh được các loại dịch bệnh. |
Để phát triển chăn nuôi bền vững trong bối cảnh dịch bệnh tả lợn châu Phi đang có những diễn biến phức tạp, thời gian tới, Hà Nội tập trung phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, đồng thời, phát triển chăn nuôi theo hướng đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn sinh học gắn với ứng dụng công nghệ cao và liên kết chuỗi.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, lũy kế đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 21.875 hộ chăn nuôi tại 2.102 thôn, tổ dân phố của 437 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố, làm mắc bệnh và tiêu hủy trên 360.000 con lợn.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung ứng thịt lợn cho người tiêu dùng Thủ đô. Bởi theo thống kê, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của thành phố Hà Nội trung bình 650 - 700 tấn thịt/ngày, tuy nhiên, do bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra nên sản lượng thịt lợn năm 2019 ước tính đạt 200.000 - 220.000 tấn/năm. So với nhu cầu trên địa bàn thành phố thì sản lượng thịt lợn bị thiếu hụt từ 90.000 tấn đến 100.000 tấn.
Hiện nay, thành phố Hà Nội đang tập trung chỉ đạo các giải pháp ứng phó với dịch bệnh hạn chế thấp nhất rủi ro, thiệt hại, đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho người chăn nuôi, có kế hoạch đẩy mạnh chăn nuôi bò, gia cầm và thủy sản để dần thay thế thịt lợn, đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm động vật cho người tiêu dùng trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, để phát triển chăn nuôi bền vững trong tình hình dịch bệnh tả lợn châu Phi đang có những diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, trong thời gian tới, thành phố cần tập trung phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư.
Thành phố cần tập trung vào sản xuất con giống (chú trọng vào giống bò thịt, giống lợn, gia cầm, thủy cầm, thủy sản...) theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng đàn giống phục vụ ngành chăn nuôi Hà Nội và cung cấp cho các tỉnh; phát triển chăn nuôi theo hướng đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn sinh học gắn với ứng dụng công nghệ cao và liên kết chuỗi đồng thời tập trung phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Tùng Dương