Nghịch cảnh cổ phần hóa: "Làm tốt dễ bị soi, người tốt dễ biến thành kẻ xấu"
Theo TS Nguyễn Đình Cung, hiện nhiều thương vụ cổ phần hóa, thoái vốn rất tốt, bán ra nhiều thứ mà lập tức có người mua thì lại có vấn đề ngay. Thậm chí nhiều người tốt, người có động lực muốn thay đổi lại được coi là vi phạm pháp luật, lại bị thanh tra và cố tìm ra sai phạm.
TS Nguyễn Đình Cung đã chia sẻ thực tế khá phũ phàng về quá trình cổ phần hóa, thoái vốn trong các doanh nghiệp, tổng công ty, tập đoàn Nhà nước hiện nay khi mà xu hướng đang: dần dần, từ từ và cam chịu làm đúng quy định, thay vì làm nhanh, hiệu quả.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ |
Tại Hội thảo Kinh tế Nhà nước và cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước do Viện CIEM tổ chức ngày (12/6), rất nhiều chuyên gia chỉ ra những khó khăn mang tính chủ quan của quá trình thoái vốn, cổ phần hóa cực kỳ chậm chạp và thiếu hiệu quả hiện nay.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM): Nhiều thương vụ tốt, nhiều người mua, lập tức nhiều người lại cho rằng có vấn đề. Nếu bán cổ phần hôm nay là 1 chấm chẳng hạn, mai tăng lên 1.5 hoặc 2 chấm, người ta lại đổ xô vào chỉ trích. Tuy nhiên, bán cổ phần là vấn đề cung cầu, thị trường, chúng ta phải tuân theo, phải thay đổi, phải soi xét quan niệm của thị trường, đừng soi xét tư duy như xưa.
"Tôi nói thẳng là nhiều khi thông tin bị quan tâm quá nhiều, chúng ta vô tình biến thương vụ tốt thành thương vụ xấu, biến người tốt, có động lực thay đổi thành vi phạm luật pháp. Rồi sau đó lại là cơ quan thanh tra vào, tìm ra "cái gọi là sai phạm". Như vậy, chúng ta đã và đang thúc đẩy kiểu cổ phần hóa "cứ từ từ mà làm, làm tốt hơn làm nhanh, làm hiệu quả" đang diễn ra phổ biến hiện nay", ông Cung nói.
Ở khía cạnh khác, chuyên gia kinh tế Trần Tiến Cường nói: Cơ cấu lại nguồn lực đầu tư với doanh nghiệp Nhà nước và đơn vị kinh tế Nhà nước cần có cách tiếp cận khác nhau, phù hợp với mỗi loại doanh nghiệp.
Ông này cho biết, cần bỏ khái niệm sử dụng doanh nghiệp Nhà nước làm công cụ điều tiết vĩ mô, thay vào đó là công cụ hỗ trợ cùng với công cụ chính sách để điều tiết vĩ mô và phải minh bạch hóa, thể chế hóa vai trò của họ.
Chuyên gia Trần Tiến Cường cho biết: Việt Nam đưa ra nhiều chế tài, nhưng chưa thực hiện hoặc không thực hiện được. Có quy định giám sát của chủ sở hữu Nhà nước đối với vốn, tài sản Nhà nước. Nếu trường hợp giao quyền cho người quản lý mà không làm được, chúng ta phải có chế tài xử phạt, bắt đầu từ người lãnh đạo.
"Tôi thấy như ở Singapore, nếu bộ trưởng không làm được việc sẽ mất vị trí", ông Cường nhấn mạnh.
Cũng tại Hội thảo, Viện CIEM đưa ra nhiều con số về doanh nghiệp Nhà nước khá chính xác như tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng giữa kết quả đầu ra (doanh thu) và nguồn lực đầu vào (tài sản, vốn kinh doanh) làm giảm hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước nói riêng, kinh tế nhà nước nói chung.
Đặc biệt, để tạo ra một đồng giá trị gia tăng, doanh nghiệp Nhà nước đang phải sử dụng nhiều vốn hơn doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp của CIEM nói: Tổng lợi nhuận của khu vực doanh nghiệp Nhà nước phụ thuộc vào một vài doanh nghiệp lớn ở ngành có cạnh tranh thấp như khai khoáng, viễn thông, năng lượng.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Nhà nước ở các ngành có cạnh tranh cao như thương mại, xây dựng, chế biến chế tạo... hiệu quả còn kém. Điều này chứng tỏ áp lực cạnh tranh làm bộc lộ nhiều nhược điểm của các doanh nghiệp Nhà nước.
"Vai trò của kinh tế nhà nước chưa rõ nét trong việc "dẫn dắt, tạo động lực phát triển" với nền kinh tế và là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế", chuyên gia của CIEM cho hay.
Ông Trung cho rằng, cơ chế quản trị doanh nghiệp Nhà nước chậm đổi mới, kém hiệu quả, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; cách thức điều hành tại nhiều DNNN còn lạc hậu... Bên cạnh đó, họ thiếu công cụ quản trị hiện đại, dẫn đến chậm hoặc không phát hiện được các vấn đề phát sinh, gây thất thoát, tiêu cực trong kinh doanh...
Về cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, đại diện của CIEM cho hay, cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước năm nay vẫn có thể hoàn thành về số lượng nhưng chắc chắn không hoàn thành nhiều mục tiêu như: thu hút đầu tư xã hội, chưa thể rút vốn nhà nước để đầu tư vào ngành, lĩnh vực không cần tới vai trò của kinh tế nhà nước...
Theo Dân trí