Doanh nghiệp dệt may nhìn thấy “miếng bánh ngon” tại thị trường Canada
(PetroTimes) - Cơ hội tăng xuất khẩu hàng dệt may sang Canada là khá lớn, một khi các dòng thuế theo CPTPP hạ dần và về 0%.
Về thị trường Canada, Bộ Công Thương cũng từng đánh giá, mặc dù thị trường hàng dệt may của nước này có dung lượng nhỏ nhưng nhiều công ty phân phối dệt may hàng đầu thế giới có trụ sở tại Canada và đa số các công ty đều phân phối cả thị trường Mỹ và các nước khác.
(Ảnh minh họa) |
Ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 khẳng định, trong thời gian tới, trọng tâm tập trung của May 10 là ngắm vào Canada, thị trường vốn chưa được doanh nghiệp này cũng như nhiều doanh nghiệp trong ngành khai thác trong những năm qua.
“Ngay trong tháng 5 này, chúng tôi sẽ trực tiếp gặp gỡ các khách hàng của Canada để xúc tiến thương mại. Để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ thành công, May 10 đã phải chuẩn bị rất kỹ tài liệu, và chào những mặt hàng, sản phẩm thích hợp với khách hàng. Tôi sẽ đưa luôn 1 bộ sưu tập vải cho sản phẩm đó", ông Việt thông tin.
Theo đánh giá chung, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Canada hiện chỉ đạt khoảng 550 triệu USD/năm. Canada là thị trường chưa được ngành dệt may khai thác nhiều, cơ hội để tăng xuất khẩu còn rất lớn, một khi các dòng thuế theo CPTPP hạ dần và về 0%.
CPTPP có hiệu lực sẽ giúp xóa bỏ 100% thuế đối với hàng dệt may Việt Nam tại thị trường Canada vào năm thứ 4. Theo đó, từ mức thuế trung bình trên 10% về 0%, xuất khẩu dệt may nước ta được kỳ vọng nhanh chóng vượt qua Bangladesh hay Campuchia...
Cụ thể, thuế nhập khẩu vào Canada sẽ giảm từ 17%-18% xuống còn 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực (khoảng 50% mặt hàng xuất khẩu) hoặc sau 3 năm nếu đáp ứng được quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi. Mức chênh lệch thuế nhập khẩu sẽ là động lực thúc đẩy dệt may xuất khẩu sang thị trường Canada.
Lê Minh
Doanh nghiệp dệt may đối mặt với cạnh tranh gay gắt |
Sản xuất vải vẫn là “điểm nghẽn” của ngành dệt may |
CPTPP và EVFTA: Doanh nghiệp dệt may chủ động đón cơ hội |