Dệt may chưa có dấu hiệu tăng trưởng từ thị trường các nước trong CPTPP
(PetroTimes) - Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, sau 3 tháng Hiệp định CPTPP có hiệu lực, chúng tôi chưa thấy tín hiệu xuất khẩu tăng trưởng tới các thị trường trong khối CPTPP mà chủ yếu vẫn đang tập trung vào các thị trường truyền thống.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực đối với Việt Nam vào ngày 14/1/2019. Hiện tại Hiệp định đã có hiệu lực đối với 7/11 nước, trong đó có Nhật Bản, Singapore, Canada, Mexico, Australia, New Zealand.
Để hưởng ưu đãi thuế quan tới các nước CPTPP, Việt Nam cần thỏa mãn điều kiện về xuất xứ “từ sợi trở đi” |
Kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sang các thị trường trên trong năm 2018 khoảng 5,3 tỷ USD, trong đó riêng Nhật Bản là 4 tỷ USD.
Trong các nước thuộc khối CPTPP, Canada và Australia là hai thị trường được đánh giá là lý tưởng đối với ngành dệt may Việt Nam. Dung lượng nhập khẩu của Canada vào khoảng 13-14 tỷ USD/năm, Australia khoảng 9 tỷ USD/năm và hiện thị phần của Việt Nam tại hai thị trường này còn khiêm tốn (dưới 5%). Do đó, doanh nghiệp dệt may đang có định hướng đẩy mạnh xuất khẩu vào hai thị trường này.
Tuy nhiên, theo ông Cao Hữu Hiếu, để hưởng ưu đãi thuế quan tới các nước CPTPP nói chung và hai thị trường này nói riêng thì cần thỏa mãn điều kiện về xuất xứ “từ sợi trở đi”. Do vậy dù hiệp định đã có hiệu lực nhưng cần độ trễ nhất định sau một vài năm mới đánh giá được tác dụng tích cực của CPTPP.
“Hiện tại, sau 3 tháng có hiệu lực chúng tôi chưa thấy tín hiệu xuất khẩu tăng trưởng tới các thị trường trong khối CPTPP mà chủ yếu vẫn đang tập trung vào các thị trường truyền thống” - Giám đốc Điều hành Vinatex nói.
Rất nhiều chuyên gia kỳ vọng, với những điều khoản được ký kết trong Hiệp định CPTPP sẽ là cơ hội "vàng" cho ngành dệt may Việt Nam.
Theo đó, Hiệp định sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng dệt may có xuất xứ từ Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường các nước đối tác (ngay hoặc có lộ trình). Đối với những nước mà Việt Nam chưa có FTA, việc mở cửa thị trường này rất quan trọng, do thuế nhập khẩu áp dụng với hàng dệt may thường cao hơn nhiều so với các mặt hàng công nghiệp khác.
Đơn cử, với thị trường Canada, toàn bộ mặt hàng dệt may xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sẽ được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 năm. 42,9% kim ngạch xuất khẩu vào Canada có thuế 0% năm đầu tiên và 57,1% kim ngạch có thuế 0% vào năm thứ 4. Thuế nhập khẩu của hàng dệt may vào Mexico và Peru được xóa bỏ hoàn toàn vào năm thứ 16.
Doanh nghiệp dệt may đối mặt với cạnh tranh gay gắt |
Kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng mạnh |
Sản xuất vải vẫn là “điểm nghẽn” của ngành dệt may |
Lê Minh