Vị đắng mía đường
Dù đã chủ động không tăng sản lượng nhưng do phải cạnh tranh với đường nhập chính ngạch, lẫn đường nhập lậu nên ngành mía đường một thời gian dài vẫn loay hoay trong mớ khó khăn.
Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA): tính đến ngày 15/3/2019, 36/36 nhà máy đường đã vào vụ sản xuất, ép được gần 8 triệu tấn mía, sản xuất được 750.000 tấn đường các loại.
So sánh giá đường nhập khẩu từ Thái Lan và đường Việt Nam các năm. |
Tồn kho kỷ lục
Dù cho giá đường nhiều năm nay gần như không tăng nhưng sản lượng tiêu thụ ngày một giảm, hiện nay đường kính trắng RS khoảng 10.500 đồng/kg. Nguyên nhân giá thấp chủ yếu là tồn kho lớn đến 75%, đường nhập lậu chưa giảm. Bên cạnh đó, đường lỏng phục vụ cho sản xuất công nghiệp tiếp tục nhập khẩu gia tăng. Nếu như năm 2014 nhập khẩu 46.000 tấn thì năm 2018 nhập khẩu 140.000 tấn, tăng hơn 3 lần...
Hiện tại, cả nước có 36 nhà máy đường, tổng công suất thiết kế khoảng 150.000 tấn mía/ngày, tăng 12,7 lần so với năm 1995. Diện tích mía cả nước có khoảng 300.000ha, tăng khoảng 10 lần so với năm 1995. Hàng năm ngành mía đường đã sản xuất khoảng 1,5 triệu tấn đường (tạo giá trị khoảng 300.000 tỷ đồng), đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Theo dự báo của VSSA, niên vụ 2018/2019, sản lượng mía đạt khoảng 14 triệu tấn, sản lượng đường đạt khoảng 1,3 triệu tấn, giảm so với niên vụ trước và tương đương niên vụ 2015/2016 và 2016/2017.
Nỗ lực từ tất cả “mắt xích”
Theo Chuyên gia nông nghiệp GS.TS Võ Tòng Xuân: hiện nay, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất mía đường còn rất yếu, đây cũng là yếu tố làm tăng giá thành mía nguyên liệu. Tuy nhiên, việc nâng cao sức cạnh tranh cho ngành mía đường không thể đổ hết lên vai người trồng mía mà phải có sự nỗ lực từ tất cả “mắt xích” tham gia chuỗi.
Trước những khó khăn của ngành mía đường, tại buổi làm việc với lãnh đạo Hiệp hội Mía đường Việt Nam chiều 3/4, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Để nâng cao sức cạnh tranh cho ngành mía đường phải giảm giá thành tối đa ở tất cả các khâu, nâng cao giá trị tối đa cho các nhóm sản phẩm.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, bên cạnh việc cải thiện hệ thống canh tác thì các doanh nghiệp chế biến cũng cần phải đa dạng hóa sản phẩm bên cạnh, sau đường.
“Mô hình ở Vĩnh Phúc, làm nấm trên diện tích hơn 2.000 m2 nhưng tháng nào cũng thu 400-500 triệu đồng nấm tỏi gà; rồi mô hình trồng nấm rơm tại Lâm Đồng, cứ 1m2 nấm rơm bằng công nghệ của Nhật Bản cho 20 kg nấm mà 1kg nấm bây giờ giá 450.000 đồng. Với công nghệ như vậy, bã mía quý hơn nước mía” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn chứng.
Theo DDDN
Doanh nghiệp đường lo “khó chồng khó” |
VSSA hiến kế các giải pháp cứu nguy cho các doanh nghiệp mía đường |
Hiệp hội Mía đường: Đường lỏng nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc có thể làm hỏng gan! |