Quản lý tài chính Tập đoàn Kinh tế Nhà nước
Bài 1: Quản lý tài chính tại doanh nghiệp nhà nước ngày càng “chặt”
(PetroTimes) - Với quan điểm xem xét các vấn đề về quản lý tài chính của Nhà nước căn cứ theo Luật Doanh nghiệp và Luật Quản lý vốn Nhà nước (2014), bài viết dưới đây làm rõ khung pháp lý quản lý tài chính trên cơ sở lấy mốc hai đạo luật trên có hiệu lực thi hành.
Trước Luật Doanh nghiệp 2014
Đây là mốc đánh dấu sự thay đổi về khái niệm doanh nghiệp nhà nước (DNNN), phạm vi DNNN được thu hẹp dẫn đến các quy định về quản lý, giám sát cũng thay đổi. Thời điểm trước 1/7/2015, DNNN được quan niệm là những doanh nghiệp có tỷ lệ vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp trên 50% (nắm quyền chi phối).
PVN hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch năm 2018. |
Bởi vậy, cơ chế quản lý tài chính của Nhà nước được áp dụng cho nhiều đối tượng hơn và được tách thành hai mảng hoạt động là quản lý tài chính (bao gồm các quy định cụ thể về quản lý cả quá trình từ cấp vốn điều lệ thành lập doanh nghiệp đến huy động, phân bổ vốn, sử dụng vốn và phân phối lợi nhuận) và giám sát tài chính của chủ sở hữu (CSH) Nhà nước.
Cụ thể, đối với hoạt động quản lý tài chính của Nhà nước, từ quy định ban đầu Nhà nước quản lý toàn bộ các vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư, sử dụng vốn, tài sản của DNNN và doanh nghiệp có vốn Nhà nước, thông qua chủ thể là CSH, người đại diện CSH. Đồng thời phân bổ vai trò, trách nhiệm về quản lý vốn, tài sản của Nhà nước cho Bộ Tài chính và các bộ quản lý ngành.
Các quy định này đã được sửa đổi, bổ sung sau 5 năm thực hiện theo hướng phân cấp cụ thể trong quản lý tài chính và chịu trách nhiệm từ cấp Nhà nước (cấp vốn, đầu tư vốn cho TCT) đến cấp quản lý ở công ty mẹ, quy định về trách nhiệm của người đại diện phần vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác. Đồng thời cũng đã bổ sung thêm đối tượng là tập đoàn kinh tế (TĐKT) Nhà nước (Quy chế quản lý tài chính của công ty Nhà nước và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác).
Đối với hoạt động giám sát tài chính, đối tượng giám sát gồm các doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và các công ty cổ phần, công ty TNHH 2TV trở lên có vốn góp chi phối của Nhà nước.
Nội dung giám sát được quy định riêng cho từng chủ thể giám sát, bao gồm cả cơ quan quản lý Nhà nước (giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại doanh nghiệp và đánh giá tình hình, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp); CSH giám sát toàn diện hơn từ tổ chức hoạt động kinh doanh, thực hiện nhiệm vụ được giao, tình hình tài chính, tình hình quản lý, sử dụng vốn, phân phối thu nhập, trích lập và sử dụng quỹ của DN.
Theo PGS-TS. Phạm Tiến Đạt - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, việc phân công, phân cấp thực hiện quyền và nghĩa vụ CSH Nhà nước đối với TĐKT Nhà nước chưa rõ ràng, vai trò trách nhiệm của các Bộ, ngành trong giám sát tài chính còn phân tán. Việc giám sát được đặt lên vai nhiều chủ thể dẫn đến không xác định được chủ thể chịu trách nhiệm cuối cùng.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, cơ chế quản lý tài chính đã quy định riêng về vấn đề đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, xóa bỏ quy định quản lý tài chính đối với doanh nghiệp mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc thù về tài chính phân theo quy mô vốn như trên lại không là đối tượng điều chỉnh mà thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ. Vai trò của Bộ Tài chính được nhấn mạnh trong công tác phối hợp với cơ quan đại diện CSH để xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định. Nội dung của Nghị định này phù hợp với các TĐKT có công ty mẹ là công ty TNHH 1TV 100% vốn Nhà nước có tham gia đầu tư vào lĩnh vực tài chính.
Còn cơ chế giám sát tài chính đã xác định được chủ thể chịu trách nhiệm cao nhất và cuối cùng trong giám sát tài chính DNNN và doanh nghiệp có vốn Nhà nước là cơ quan CSH. Các bộ, ngành liên quan đóng vai trò hỗ trợ, phối hợp trong công tác giám sát. Đối tượng giám sát được mở rộng ra không chỉ DNNN mà mở rộng ra cho tất cả các doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư, nhưng có phân biệt mức độ giám sát giữa doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ (trên 50% vốn điều lệ và dưới 50% vốn điều lệ).
PGS - TS Phạm Tiến Đạt phát biểu tại Hội thảo Hoàn thiện thể chế phát triển tập đoàn kinh tế Nhà nước nhấn mạnh, các quy định về quản lý, giám sát tài chính đã quan tâm đến TĐKT Nhà nước, TCT Nhà nước cũng như quy định cụ thể hơn, sâu hơn với từng đối tượng doanh nghiệp tương ứng theo tỷ lệ vốn điều lệ mà Nhà nước nắm giữ. Đồng thời xác định rõ hơn trách nhiệm, đầu mối chịu trách nhiệm, nâng cao trách nhiệm giải trình. Các vấn đề quản lý, giám sát tài chính tập trung chủ yếu vào quản lý vốn và tài sản Nhà nước.
Khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực
Khái niệm DNNN thay đổi - chỉ bao gồm các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ - dẫn đến các quy định cũng cần được thay đổi, bổ sung và hoàn thiện. Vấn đề cơ chế quản lý, giám sát tài chính của các TĐKT Nhà nước và các DNNN, doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư được nhìn nhận lại rõ ràng hơn và có tính pháp lý cao hơn.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chính thức hoạt động là bước tiến mới quản lý giám sát tài chính các DNNN, TĐKTNN. |
Song song với Luật Doanh nghiệp 2014 sửa đổi, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp ban hành năm 2014 (có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015) nhằm luật hóa những nội dung về quyền CSH Nhà nước, phân định quyền hạn và trách nhiệm của đại diện CSH Nhà nước, cơ quan đại diện CSH Nhà nước, tuân thủ nguyên tắc phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo bình đẳng giữa mọi thành phần kinh tế. Do đó vấn đề về giám sát tài chính, quản lý tài chính tiếp tục được điều chỉnh.
Trước tiên cơ chế quản lý tài chính của Nhà nước đã có những sửa đổi phù hợp, tách bạch rõ ràng hơn về mức độ can thiệp của Nhà nước đối với hoạt động của DN. Phạm vi điều chỉnh quy định rõ việc đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp, quản lý tài chính đối với DNNN và quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần...
Đồng thời cũng quy định việc áp dụng các văn bản pháp luật liên quan. Đây là một điểm mới cho thấy nếu hiểu theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, quản lý tài chính của Nhà nước trong TĐKT sẽ tập trung vào quản lý vốn mà không can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh của TĐKT (Nghị định số 91/2015/NĐ-CP với quy định về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp).
Về cơ chế giám sát tài chính của Nhà nước trong giai đoạn này vẫn giữ nguyên đối tượng giám sát như quy định trong Nghị định 61/2013/NĐ-CP, nhưng tăng thẩm quyền giám sát tài chính cho cơ quan đại diện CSH và cơ quan tài chính xuống công ty cấp 2. Nội dung giám sát mở rộng theo phương thức giám sát trước, giám sát trong và giám sát sau.
Cụ thể giám sát được thực hiện từ khâu đầu tư vốn Nhà nước để thành lập doanh nghiệp, giám sát việc bổ sung vốn điều lệ cho DNNN đang hoạt động, giám sát việc đầu tư bổ sung vốn góp tại công ty cổ phần,... cho đến giám sát tài chính, hiệu quả hoạt động và công khai thông tin của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ nội dung giám sát tài chính tương tự như nội dung giám sát đối với DNNN.
Tóm lại, các văn bản quy phạm hiện hành ngày càng hướng đến việc tuân thủ theo các quy định chung trong Luật Doanh nghiệp 2014, hoạt động theo cơ chế thị trường, không phân biệt giữa các thành phần kinh tế. Nhà nước hạn chế tối đa việc tham gia trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp (trừ trường hợp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có toàn quyền quyết định hoạt động của doanh nghiệp).
PGS-TS. Phạm Tiến Đạtnhận định, theo nguyên tắc an toàn vốn Nhà nước đầu tư, đảm bảo thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của quốc gia, Nhà nước vẫn cần quản lý phần vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (thông qua nội dung liên quan đến chuyển nhượng vốn, thu cổ tức qua người đại diện vốn), đồng thời chú trọng đến giám sát tài chính của cơ quan đại diện CSH về nhiều mặt, nhưng không can thiệp vào quyết định và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chức năng nhiệm vụ của CSH Nhà nước và cơ quan quản lý Nhà nước về tài chính cũng dần được tách bạch rõ.
Đặc biệt kể từ khi Nghị quyết Đại hội Đảng XII đề ra “sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước của các Bộ, Ủy ban nhân dân đối với vốn, tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp”, việc xây dựng một mô hình tập trung thay cho mô hình phân tán hiện hành không hiệu quả (cũng là xu thế chung của các nước) thực hiện quản lý, giám sát tài chính đối với các doanh nghiệp có vốn Nhà nước đã được nghiên cứu và triển khai.
Theo đó, Chính phủ thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH 2TV trở lên theo quy định của pháp luật.
Với sự ra đời của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tập trung quản lý vốn Nhà nước tại 19 Tập đoàn, Tổng công ty lớn ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực đã thể hiện sự thay đổi về thể chế kinh tế mới mang tính tập trung trong quản lý, giám sát vốn nhà nước thay cho mô hình phân tán không hiệu quả trước đây. Bởi vậy, có thể thấy rằng, quản lý tài chính tại DNNN đang ngày càng “chặt” hơn, giảm bớt “gông xiềng” cho các DNNN nhưng để thực sự hiệu quả và đi vào thực tiễn vẫn cần hàng loạt chính sách cụ thể hóa tháo gỡ, giải quyết những tồn tại có từ hàng chục năm trước cho các doanh nghiệp, TĐKT Nhà nước.
Thành Công