Bị Mỹ “bán rẻ”, người Kurd ở Syria đang tự cứu lấy mình
(PetroTimes) - Ngày 4/1, các thủ lĩnh người Kurd ở Syria muốn đạt một thỏa thuận chính trị với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad do Nga làm trung gian, sau khi họ bị người Mỹ “bán rẻ” với kế hoạch rút quân ra khỏi khu vực.
Hãng tin Reuters trích lời ông Badran Jia Kurd, một giới chức cấp cao của người Kurd ở Syria, cho biết lực lượng dân quân người Kurd ở Syria (YPG) đã ra mắt một lộ trình để đạt được một thỏa thuận với ông Assad trong các cuộc họp gần đây ở Nga và đang chờ phản ứng của Moscow. Ông Badran Jia Kurd là người từng tham gia cuộc họp này ở Nga.
Ngày 2/1/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Hoa Kỳ sẽ rút quân một cách tuần tự “trong một khoảng thời gian dài”. Ông còn nói thêm rằng Hoa Kỳ muốn bảo vệ người Kurd, một nhóm các chiến binh có vai trò quan trọng đối với chiến dịch của Mỹ chống lại Nhà nước Hồi giáo ở Syria.
Người Kurd ở Syria |
Nói chuyện với Reuters, ông Badran Jia Kurd nói ông hoan nghênh ý định rút quân của Washington nhưng cho biết Hoa Kỳ không thảo luận về việc rút quân này với các đồng minh người Kurd ở Syria.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19/12/2018 bất ngờ thông báo kế hoạch rút quân khỏi Syria với lý do đã đánh bại khủng bố Tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Trước khi rút quân, Mỹ có khoảng 2.000 binh sĩ ở Syria để hỗ trợ lực lượng người Kurd và lực lượng đối lập với chính phủ Syria. Theo kế hoạch, quá trình Mỹ rút quân khỏi Syria kéo dài khoảng 2-3 tháng.
Hãng tin Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 30/12/2018 cho biết, khoảng 50 binh sĩ Mỹ đã rời căn cứ ở tỉnh Al-Hasakah, đông bắc Syria trên các xe thiết giáp và xe quân sự. Nhóm binh sĩ này đã di chuyển sang Iraq.
Được biết, căn cứ này vốn là một kho chứa đạn dược và thiết bị mà Mỹ cung cấp cho lực lượng vũ trang người Kurd ở Syria.
Hai ngày sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Syria, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hứa Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục truy đuổi lực lượng dân quân người Kurd và những thành viên IS cuối cùng ở Syria.
Ankara lo ngại sắc tộc Kurd ở Syria nối kết hình thành một lãnh thổ rộng lớn sát biên giới phía nam và hậu thuẫn cho phong trào cánh tả PKK của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, bị xem là khủng bố. Từ năm 2016, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã hai lần tấn công lực lượng Kurd ở miền bắc Syria. Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát toàn vùng Afrin sau cuộc tấn công thứ hai vào đầu năm 2018 khiến hơn 1.500 người chết.
Bài toán “cân não” của Tổng thống Putin khi Mỹ rút quân ra khỏi Syria |
Mỹ rút, quốc gia phương Tây nào còn đang kẹt ở Syria? |
Tử địa Manbij: Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ai nhanh chân hơn ai? |
Nh.Thạch