Cổ phiếu tụt dốc “đe dọa” tài sản “tỷ phú đôla” Trần Đình Long
So với mức đỉnh giá gần 47.700 đồng của mã này hồi đầu tháng 3, HPG đã mất tới 30,34% giá trị. Theo đó, nếu như trong đợt xếp hạng hồi tháng 3, Tạp chí Forbes đánh giá tổng tài sản của “vua thép” Trần Đình Long đạt mức 1,3 tỷ USD thì hiện tại khối tài sản này còn đúng 1 tỷ USD, tụt hạng 222 bậc.
Hơn 1 lần, trong phiên giao dịch cuối tuần (30/11) chỉ số VN-Index đã lùi về tới ngưỡng 921 điểm, tuy nhiên sau đó với phần lớn số cổ phiếu trên thị trường tăng giá đã giúp chỉ số chính thu hẹp biên độ giảm còn 0,25 điểm tương ứng 0,03% và ấn định tại mức 926,54 điểm. Trên sàn HSX có 147 mã tăng so với 126 mã giảm.
Trong khi đó, tình huống lại đảo ngược trên sàn Hà Nội. Trong khi có tới 78 mã giảm so với 76 mã tăng thì chỉ số HNX-Index vẫn tăng 0,65 điểm tương ứng 0,63% còn 104,82 điểm. Điều này cho thấy, hai chỉ số vẫn đang chịu sự chi phối đáng kể của các mã vốn hóa lớn.
Cụ thể, với việc 3 “ông lớn” ACB, SHB, PVS đều tăng giá trong phiên nên HNX-Index vẫn tăng điểm bất chấp số mã giảm trên sàn lấn lướt hơn. Ngược lại, VN-Index lại chịu tiêu cực bởi tình trạng giảm giá tại VHM, HPG, MSN, NVL, VIC và VRE…
Phiên giao dịch này, cổ phiếu HPG của Hòa Phát tiếp tục giảm thêm 1.000 đồng tương ứng giảm 2,9% còn 33.200 đồng. So với mức đỉnh giá gần 47.700 đồng của mã này hồi đầu tháng 3, HPG đã mất tới 30,34% giá trị, tương ứng mất 14.459 đồng mỗi cổ phiếu.
BVSC đánh giá, trong kịch bản tiêu cực nhất, tập đoàn của bầu Long vẫn có thể đạt tăng trưởng kép về lợi nhuận 17%/năm trong giai đoạn 2019-2020 |
Theo đó, nếu như trong đợt xếp hạng hồi tháng 3, Tạp chí Forbes đánh giá tổng tài sản của “vua thép” Trần Đình Long đạt mức 1,3 tỷ USD, xếp thứ 1.756 trong danh sách những người giàu nhất thế giới thì hiện tại khối tài sản này còn đúng 1 tỷ USD, tụt hạng 222 bậc.
Giá HPG thời gian gần đây diễn biến tiêu cực giữa bối cảnh PENM III Germany đang rao bán 20 triệu cổ phiếu HPG tương ứng 0,94% vốn điều lệ Hòa Phát từ ngày 16/11 đến 14/12/2018 với mục đích cơ cấu lại danh mục đầu tư. Giao dịch này được thực hiện với phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Nếu bán thành công thì sau giao dịch này, PENM III Germany sẽ giảm sở hữu tại Hòa Phát từ trên 49 triệu cổ phiếu tương ứng 2,31% vốn xuống còn hơn 29 triệu cổ phiếu tương đương 1,37% vốn điều lệ.
Trong một báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, điều đáng lo ngại đối với Hòa Phát là triển vọng mảng tôn mạ và ông thép hiện tại không khả quan như dự kiến. Giá tôn Trung Quốc bán tại Việt Nam mặc dù đã bị áp thuế nhưng vẫn thấp hơn khoảng 7% so với giá tôn nội địa.
Trong khi nguồn cung đang dư thừa do các doanh nghiệp đầu ngành tăng mạnh công suất giai đoạn 2017-2018, kết hợp cùng việc bị chống bán phá giá ở nhiều nước trên thế giới khiến trển vọng ngành tôn mạ kém khả quan. Ngoài ra, tăng trưởng ống thép có dấu hiệu chậm lại và có thể đi vào trạng thái ổn định thay vì tăng trưởng nóng như 5 năm về trước.
Song về dài hạn, BVSC đánh giá, nếu hoạt động hết công suất, khu liên hợp Dung Quất có thể sẽ hiệu quả hơn cả khu liên hợp Hải Dương hiện nay. Giá thành sản xuất của Hòa Phát đang thấp hơn khoảng 10% so với trung bình của ngành thép Trung Quốc và 17% so với trung bình ngành thép Việt Nam, sẽ giúp tập đoàn này đảm bảo được mức biên lợi nhuận gộp tối thiểu ở mức 15%-17%. Trong kịch bản tiêu cực nhất, tập đoàn của bầu Long vẫn có thể đạt tăng trưởng kép về lợi nhuận 17%/năm trong giai đoạn 2019-2020.
Trong quý III vừa qua, Hòa Phát cũng nằm trong số ít doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ với doanh thu đạt 14.188,35 tỷ đồng, tăng 13,1% và lãi ròng đạt 2.408,42 tỷ đồng, tăng 12,5% .
Theo Dân trí