Thực phẩm bẩn: Từ nghị trường đến đời thường
Ngày 1/11, tại nghị trường, Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường đã phác thảo ra bức tranh rất xán lạn về ngành nông nghiệp.
Chuyện ăn uống vốn không xa xôi như những vấn đề vĩ mô khác, đó là con đường được mô tả “từ mảnh ruộng đến bàn ăn”, “từ dạ dày ra nghĩa địa”, từ thực tiễn xã hội đến đến phòng Diên Hồng.
An toàn thực phẩm và toàn cảnh nền nông nghiệp hội nhập tuy xuất hiện không nhiều tại kỳ họp Quốc hội lần này, nhưng không phải vì thế mà những nỗi lo đã được giải quyết thấu đáo.
Sau nhiều năm bùng phát dữ dội, cơn bão thực phẩm bẩn dường như tạm lắng xuống, những vụ bắt bớ buôn bán lòng thối, thịt hết hạn, rau củ hư hỏng… có xu hướng ít đi. Đó là dấu hiệu đáng mừng.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn |
Nhưng để nói rằng, 95 triệu dân Việt Nam thật sự đã an toàn với thực phẩm hay chưa thì rất khó nói rằng đã an toàn. Từ bao lâu nông sản được gắn thêm thuật ngữ “hữu cơ” để minh chứng cho sự “sạch” mà đáng ra bản thân mặt hàng này phải là hữu cơ.
Phải chăng thực trạng “cải hai luống”, “lợn hai chuồng” như một kiểu sản xuất phó mặc cho thị trường? Hay sức nặng của quy định pháp lý chưa đủ mạnh để răn đe.
Vài năm vùng vẫy trong chuyện ăn uống sao cho sạch, đến thời điểm này việc phân biệt trái cây Việt và trái cây Trung Quốc vẫn tù mù với nhiều người. Và cũng không biết từ đâu người tiêu dùng đành mặc định trái cây nội an toàn hơn trái cây Trung Quốc!
Đó là quy kết hoàn toàn sai về mặt logic, nhưng lại cho thấy khả năng nhận diện sạch hay bẩn thiếu hoàn toàn một định hướng từ cơ quan quản lý, và đó là công việc của nhiều Bộ ngành.
Sáng ngày 1/11, Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường đã phác thảo ra bức tranh rất xán lạn về ngành nông nghiệp, xuất khẩu 43 triệu tấn nông sản đi 180 quốc gia, Bộ trưởng Cường lấy đó để chứng minh nông sản nước ta thật sự chất lượng, vượt qua tiêu chuẩn khắt khe của Châu âu.
Đánh giá của Tư lệnh ngành Nông nghiệp hoàn toàn chính xác. Nhưng, phải chăng, chúng ta chỉ muốn làm sạch những gì đem bán cho người, còn hàng chục triệu dân trong nước tự kiếm tìm tiêu chuẩn cho riêng mình?
Một chuyên gia nông sản hữu cơ Nhật Bản nhiều năm làm nông nghiệp sạch tại Việt Nam đưa ra con số thực tế cho thấy, chỉ có 5 -10% nông dân quan tâm đến sản xuất nông sản sạch, cũng chỉ 5% trong số đó tuân thủ quy tắc và thành công.
Số người làm nông nghiệp ở Việt Nam là 23 triệu, nhiều hơn 10 nước trong khối CPTPP cộng lại. Trong đó chỉ 10% quan tâm đến nông sản hữu cơ và chỉ có 5% thành công là con số quá ít ỏi.
Thống kê mà Bộ trưởng Nông nghiệp đưa ra thật đáng mừng, nhưng cái mừng vĩ mô đến bao giờ lan tỏa đến hàng chục triệu nông dân đang lâm vào tình cảnh khó khăn? Đó cũng là trăn trở của đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM).
“Cái gốc vấn đề phải quan tâm đến tổ chức sản xuất tại hộ nông dân, người nông dân còn loay hoay trên mảnh đất của mình, trồng cây gì, nuôi con gì không biết hỏi ai, ngành, hệ thống rất nhiều nhưng rất ít tư vấn, đầu tư của Chính phủ cho các Viện nghiên cứu còn hạn chế". - đại biểu Ngân nói.
Lo những “thẻ vàng”, lo xuất khẩu nông sản không đạt chỉ tiêu đề ra, song, sức khỏe người tiêu dùng trong nước và sự ổn định căn bản của ngành nông nghiệp rất khó bỏ qua.
Đại bộ phận nông dân đang thiếu hụt trầm trọng thông tin tiêu chuẩn thị trường trong nước và quốc tế và ngay cả khi có thể biết được tiêu chuẩn nào đó bằng tiếng Anh thì việc tiếp cận là bất khả thi nếu họ vẫn “cô đơn” trên mảnh ruộng.
Biến vỏ tôm, vỏ trấu, nước thải cá tra… thành sản phẩm, canh tác đúng mùa vụ để không can thiệp diệt trừ mầm bệnh bằng hóa học là giải pháp tận gốc mà lãnh đạo ngành nông nghiệp vừa trả lời đại biểu Quốc hội.
Nhưng đến bao giời đa số nông dân có thể tiếp cận khoa học kỹ thuận tân tiến ấy, đó mới là vấn đề đáng quan tâm nhất vào lúc này. Vì thực tế, như đại biểu Ngân phân tích “đời sống người nông dân còn nhiều khó khăn”.
Và cuối cùng, nhiều vấn đề còn mắc kẹt giữa trách nhiệm phối hợp của các Bộ ngành.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Vẫn nan giải vấn đề thực phẩm “bẩn” | |
Cuộc chiến gian nan chống thực phẩm bẩn | |
“Đánh cược” mạng sống với thực phẩm bẩn? |