Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

“Đánh cược” mạng sống với thực phẩm bẩn?

08:24 | 15/10/2017

1,544 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
An toàn thực phẩm dường như không bao giờ là câu chuyện mất đi tính thời sự, nhất là khi ngày càng nhiều trường hợp ngộ độc xảy ra. Đáng lẽ, thực khách phải là người đầu tiên tẩy chay những thực phẩm không an toàn, nhưng không ít người vẫn dễ dãi “đánh cược” mạng sống của mình bằng việc ăn thực phẩm bẩn.   

Ngang nhiên… bẩn

Dạo quanh các nhà hàng, quán ăn vào những giờ “cao điểm” ăn uống trên nhiều đường phố Hà Nội, có thể dễ dàng nhận thấy việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm không hề phải giấu giếm, “bí mật” như nhiều người vẫn nghĩ. Rửa bát ư? Chỉ cần một chậu xà phòng, một xô nước tráng, chỉ trong chớp mắt, bát đĩa được “khoắng” qua loa trong đó rồi lại được bày ra phục vụ “thượng khách”.

Thậm chí, có hàng ăn mang đĩa, bát ra cho thực khách mà bọt xà phòng vẫn còn trong lòng bát đĩa. Đó là chưa kể những món ăn đã được chế biến, dù “chín nục chín nạc”, khói bay nghi ngút, bày biện “bắt mắt” nhưng lại bẩn hơn bao giờ hết bởi chính sự bày biện đó đã biến món ăn thành cái máy “hút” bụi từ đường phố tấp nập người, xe qua lại.

danh cuoc mang song voi thuc pham ban
Hàng ăn vỉa hè ở Hà Nội

Vậy mà vẫn cứ nườm nượp thực khách đến và yên tâm “thưởng thức”.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 26.609 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (trong đó đa số là cửa hàng ăn uống, quầy hàng kinh doanh thức ăn chín), 5.218 cơ sở thức ăn đường phố. Hằng năm, các đoàn kiểm tra giám sát trung bình 110.000 lượt cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, nhưng có khoảng 20% số cơ sở chưa đạt và tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm rất cao. Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội cho biết, vi phạm chủ yếu tại các cơ sở này là điều kiện vệ sinh không đảm bảo, chậm thay thế trang thiết bị, dụng cụ cũ hỏng, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí ôi thiu…

Bất chấp… bẩn

Ông Trần Ngọc Tụ phân tích, sở dĩ vẫn còn một tỷ lệ thức ăn đường phố không đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và dẫn đến ngộ độc như vậy là do công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố còn rất nhiều khó khăn. Ví như số cơ sở bán thức ăn đường phố lớn, lại luôn di động, đặc biệt là ở những khu có đông người lao động thuê trọ, khu nhiều công trình xây dựng và khu vực ven đô. Đã vậy, một số địa phương chưa sát sao quản lý, còn nể nang trong xử lý vi phạm do quan hệ làng xóm, họ hàng… chi phối. Ý thức thực hành vệ sinh, bảo đảm an toàn thực phẩm của chủ cửa hàng, người chế biến thì yếu kém, phần lớn mang tính trục lợi. Ông Tụ nói: “Phần lớn những quán ăn bình dân ở đây không bảo đảm an toàn thực phẩm”.

TS Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng đồng quan điểm khi cho rằng, nếu như chủ các cơ sở kinh doanh ăn uống, người chế biến thiếu tính tự giác, gian dối có chủ định, thì công tác quản lý dù cố gắng đến mấy cũng khó đạt hiệu quả cao. Chưa kể đến góp phần vào sự khó khăn trong công tác quản lý chính là sự dễ dãi, đồng tình với nguy cơ mất an toàn thực phẩm của thực khách. Và theo ông Hùng, trong thời kỳ an toàn thực phẩm là vấn đề “nóng” của xã hội như hiện nay thì sự “đồng tình” của thực khách cũng được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến thức ăn đường phố càng trở nên mất an toàn và có nguy cơ gây ngộ độc cao. Bởi việc làm đó chính là hành động “tiếp tay”, “dung túng” cho hành vi mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện tại, để quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn, UBND TP Hà Nội đã có quy định giao trách nhiệm cụ thể cho chính quyền các địa phương trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn, trong đó chủ tịch UBND phường phải trực tiếp đi kiểm tra an toàn thực phẩm ít nhất 1 tuần 1 lần, phó chủ tịch UBND phường phải trực tiếp đi kiểm tra 2 lần 1 tuần... Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Viên, Trưởng phòng Y tế quận Cầu Giấy, hiện vẫn còn tình trạng phần lớn các phường giao nhiệm vụ đảm bảo an toàn thực phẩm cho trạm y tế phường. Mà trạm y tế phường lực lượng mỏng nên dẫn tới công việc quá tải, làm cho công tác quản lý không đạt hiệu quả như mong muốn.

Để giải quyết tình trạng mất an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố, hạn chế các trường hợp ngộ độc, các chuyên gia y tế thẳng thắn khẳng định trước hết người dân chính là những thực khách phải biết tẩy chay những cơ sở kinh doanh thức ăn mất an toàn. Đồng thời các cơ quan chính quyền phải quyết liệt, sâu sát đối với các cơ sở kinh doanh đồ ăn thức uống; xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Bởi chỉ chính quyền mới nắm rõ và thuộc các cơ sở như “lòng bàn tay”. Có như vậy mới mong thức ăn đường phố thực sự là ẩm thực hấp dẫn người dân và du khách.

Năm 2016, trong số các vụ ngộ độc thực phẩm ghi nhận trên toàn quốc thì gần 10% trong số đó là do thức ăn đường phố. Nhiều nơi, xảy ra 2-3 vụ ngộ độc thực phẩm trên cùng một địa bàn.

Nguyễn Anh