Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Cuộc chiến gian nan chống thực phẩm bẩn

15:14 | 30/01/2018

Theo dõi PetroTimes trên
|
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổ chức tọa đàm “Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn: Bất cập từ quản lý và giải pháp cho doanh nghiệp” nhằm tìm ra nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này. 

Coi nhẹ khâu đầu tiên

Với vai trò của một hội chuyên ngành ông Trần Ngọc Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam cho rằng, hiện chúng ta mới quan tâm tới khâu cuối cùng là khâu tiêu dùng, còn các khâu khác đều bị xem nhẹ. Trong khi thực phẩm được hình thành theo chuỗi từ sản xuất, vận chuyển tới tiêu dùng… Nếu chúng ta không giải quyết tốt khâu đầu tiên - khâu sản xuất thì chưa giải quyết hết được gốc vấn đề của an toàn thực phẩm (ATTP).

Đồng quan điểm này bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế thừa nhận, đấu tranh với các hành vi sai phạm trong ATTP còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc quản lý, thanh kiểm tra và phòng chống thực phẩm bẩn của các cơ quan hữu quan còn chồng chéo, bất cập, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe; người dân chưa kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn.

Bà Nga cũng nói thêm: “Việc truy xuất nguồn gốc và thu hồi thực phẩm bẩn chưa nghiêm. Muốn làm được thì từ ban đầu phải có hệ thống kiểm soát mới truy xuất và thu hồi được. Nhưng do Việt Nam có quá nhiều cơ sở nhỏ lẻ nên kiểm soát không hề dễ dàng. Chưa kể đến chủ của những cơ sở này có khi còn là họ hàng, thân thiết theo quan hệ làng xóm ở nông thôn Việt Nam với chính những người hữu trách nên công tác quản lý càng khó khăn hoặc “xuê xoa cho nhau”.

cuoc chien gian nan chong thuc pham ban
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ sở Havico phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Cũng về công tác quản lý, nhưng về hàng giả, ông Hồ Quang Thái, Chánh văn phòng Quỹ Chống hàng giả đã đặt vấn đề: Thực trạng thực phẩm bẩn đang gây bức xúc dư luận. Khi đi chợ, siêu thị mua thực phẩm, người tiêu dùng không biết dùng thực phẩm nào bởi tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan. Hiện nay, cơ sở để căn cứ xác định hàng giả cũng vô cùng khó khăn khi 6 năm qua mới chỉ khởi tố được một vụ về ATTP. Muốn xác định được hàng giả thì phải có hàng thật để so sánh và có đơn khởi kiện của doanh nghiệp, cơ quan quản lý mới có cơ sở để xử lý.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đã nhìn nhận tình trạng thực phẩm bẩn còn diễn ra là do sử dụng chất cấm trong sản xuất thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn diễn ra trắng trợn; công nghệ chế biến lạc hậu; môi trường sản xuất chưa an toàn; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa tốt; thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn vẫn lưu thông trên thị trường như thực phẩm sạch…

Thay đổi nhận thức

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam lưu ý, người tiêu dùng cần được bảo vệ 2 quyền. Thứ nhất là quyền thông tin vì hiện quyền thông tin về hàng hóa, đơn vị kinh doanh sản xuất còn hạn chế khiến người tiêu dùng khó kiểm tra được chất lượng hàng hóa, kể cả hàng hóa có tem, giấy chứng nhận. Điều này khiến doanh nghiệp muốn làm ăn tử tế, tâm huyết cũng khó có điều kiện phát triển. Theo khảo sát, người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận giá đắt hơn nhưng phải an toàn. Có thể nói giữa người sản xuất và người tiêu dùng chưa “gặp” nhau.

Thứ hai là quyền an toàn. Hiện nay, rất nhiều thực phẩm vẫn chứa nhiều tồn dư hóa chất, chất bảo quản dẫn đến tình trạng khi người tiêu dùng bị ngộ độc thực phẩm. Vấn đề bảo vệ người tiêu dùng đã được Quốc hội quan tâm, nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Để giải quyết “vấn nạn” này, đại diện cho doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp, bà Ninh Thị Duyên, Chủ tịch Câu lạc bộ Khởi nghiệp Nông nghiệp miền Bắc cho rằng, cần tạo ra được môi trường đối thoại, để các nhà sản xuất, phân phối, tiêu dùng chia sẻ và tìm ra được mâu thuẫn. Vì “nếu không ngồi với nhau thì không thể giám sát chéo được”, bà Duyên nói.

Bà Bùi Bích Liên, Giám đốc Kinh doanh, Thương hiệu ORFARM thì nhận định, để thực phẩm an toàn phổ biến trên thị trường, cần chú trọng vào truyền thông để thay đổi nhận thức về sản xuất thực phẩm sạch góp phần bảo vệ sức khỏe và môi trường. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần làm tốt công tác truyền thông để hỗ trợ các doanh nghiệp thay đổi nhận thức người dân về tầm quan trọng của sản xuất và tiêu dùng thực phẩm sạch, an toàn.

Bà Liên phản ánh: “Có rất nhiều đoàn thanh tra kiểm tra doanh nghiệp, và họ có nhiều tiêu chí, cách nhìn khác nhau khi đánh giá về các doanh nghiệp. Vì thế, nếu không có bộ quy chuẩn chung sẽ xảy ra sự lẫn lộn và không có một tiêu chí đánh giá nhất quán và bản thân người tiêu dùng cũng sẽ không nắm được”.

Rõ ràng là vấn đề an toàn thực phẩm, nếu không có sự vào cuộc của các địa phương và ý thức thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm của bản thân người sản xuất kinh doanh thực phẩm thì sẽ không thể nào giám sát được. Do đó phải nâng cao vai trò, trách nhiệm và cả nhận thức của những đối tượng này.

Năm 2017, cả nước ghi nhận 139 vụ ngộ độc thực phẩm với 3.869 người mắc, 24 người tử vong. Cơ quan chức năng đã kiểm tra 625.060 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 123.914 cơ sở vi phạm (chiếm 19,8%); xử lý hành chính 35.759 cơ sở với số tiền hơn 61 tỉ đồng.

Nguyễn Bách