Giá vàng hôm nay 3/10: Thị trường có biến, giá vàng tăng phi mã, vượt ngưỡng 1.200 USD/Ounce
(PetroTimes) - Giá vàng hôm nay 3/10 tăng mạnh trong bối cảnh tranh luận chính trị căng thẳng trong nội bộ nước Mỹ và nợ công ở mức cao kỷ lục.
Giá dầu thế giới 2/10: Giá dầu đồng loạt tăng mạnh, dầu WTI vượt ngưỡng 75 USD/thùng | |
Giá vàng hôm nay 2/10: Kinh tế Mỹ đạt kết quả bất ngờ đẩy đồng USD đi lên và ép giá vàng đi xuống |
Ảnh minh hoạ. |
Đầu giờ ngày 3/10, giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.204,77 USD/Ounce, tăng 14,5 USD/Ounce so với đầu phiên giao dịch ngày 2/10.
Trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchanghe, ghi nhận vào lúc 17:31:11 giờ CT ngày 2/10, giá vàng thế giới giao tháng 12/2018 đứng ở mức 1.208,2 USD/Ounce, tăng 1,2 USD trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với lúc 18:06:26 giờ CT ngày 1/10 (đầu giờ ngày 2/10, theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao tháng 12/2018 tăng 15 USD/Ounce.
Hiện giá vàng thế giới đã giảm 98 USD/Ounce so với phiên giao dịch đầu năm 2018. Quy đổi theo giá USD ngân hàng, vàng thế giới có giá 33,80 triệu đồng/lượng. Chưa tính thuế và phí, giá vàng thế giới hiện đang thấp hơn giá vàng trong nước 2,71 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới tăng bất chấp đồng USD vẫn duy trì xu hướng tăng chủ yếu do giới đầu tư lo ngại căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ chuyển sang căng thẳng quân sự, cộng với thông tin nợ công Mỹ lên cao kỷ lục sẽ nhanh chóng tạo hiệu ứng tiêu cực trong nội bộ nền kinh tế Mỹ. Đầu giờ ngày 3/10, chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index), thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, tăng 0,22%, đứng ở mức 95,13 điểm.
The Washington Examiner dẫn báo cáo của chính phủ Mỹ cho biết nợ công của nước này trong năm 2018 tăng 1.200 tỷ USD, lên mức 21.516 tỷ USD. Năm 2017, tổng số nợ quốc gia của Mỹ lên tới 20.245 tỷ USD.
Tháng trước, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Hoa Kỳ tuyên bố rằng khoản vay liên bang trong 11 tháng trong năm tài chính 2018 đã đạt 895 tỷ USD, cao hơn 222 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. The Washington Examiner cho rằng nợ quốc gia của Mỹ có xu hướng tăng vì Chính phủ dường như mất kiểm soát trong việc chi tiêu.
Số nợ công hiện nay của Mỹ từ thập niên 1980, ngoại trừ một thời gian ngắn, gia tăng đều đặn, đặc biệt là vào thập niên 2000, phần lớn vì chiến tranh ở Afghanistan và Iraq cũng như vì ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính từ năm 2007. Hai quốc gia chủ nợ lớn nhất của Mỹ hiện nay là Nhật Bản và Trung Quốc, mỗi nước trên 1,1 nghìn tỷ USD.
Nghi ngại xung quanh kế hoạch tài chính của Ý cũng đang bao phủ lên Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada vừa được ký kết. Giới đầu tư lo lắng diễn biến chính trị bất ổn tại Italy - quốc gia lớn thứ 3 trong số thành viên EU và đóng góp tới 14% trong tổng ngân sách chung của 28 nước sẽ gây tác động cho toàn khối. Đồng Euro cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tuần sau khi có những nghi ngại về việc Ý sẽ rời khỏi liên minh bằng việc chia sẻ kế hoạch tự giải quyết vấn đề tài chính bằng đồng tiền riêng.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nay lại quay về tâm điểm sau khi lực lượng hàng hải 2 quốc gia chạm chán nhau tại Quần đảo biển Đông trong sớm hôm nay.
Cùng lúc đó, tranh luận chính trị căng thẳng về ứng viên Tòa án Tối cao được Tổng thống Trump đề cử Brett Kavanaugh có thể sẽ có hậu quả trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 11 cũng như là đến tiến trình nghị sự của Nhà Trắng, từ đó bất ổn thị trường có thể sẽ kéo dài.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại lên cao, quyết định điều chỉnh tăng lãi suất của FED lại đang được cho là không khôn ngoan, sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hoá Mỹ. Cuộc chiến thương mại sẽ không chỉ tạo những tác động tiêu cực bên ngoài nước Mỹ mà về lâu dài, thậm chí là trong ngắn hạn sẽ là yếu tố cản trở đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Kinh tế Mỹ mặc dù đang được đánh giá với nhiều triển vọng lạc quan nhưng cũng bắt đầu xuất hiện những mâu thuẫn nhất định. Việc đánh giá thuế hàng hoá Trung Quốc đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tiêu dùng của người dân. Chi tiêu của người dân giảm đồng nghĩa với việc hệ thống cung cấp sản phẩm sẽ buộc phải sắp xếp, tái cơ cấu, qua đó gián tiếp làm ảnh hưởng đến vấn đề việc làm.
Việc Trung Quốc tuyên bố không phá giá đồng Nhân dân tệ cũng như mức thuế 10% mà Mỹ áp thuế với hàng Trung Quốc thay vì 25% được giới chuyên gia nhận định sẽ làm giảm nhu cầu của thị trường đối với đồng USD. Đàm phán thương mại của Mỹ với Canada thất bại cũng đặt nền kinh tế lớn nhất thế giới trước những khó khăn mới.
Một đồng USD quá mạnh vào thời điểm này vì thế là điều mà chính quyền Tổng thống Donald Trump không mong muốn, đặc biệt khi vị thế của nước Mỹ trên trường quốc tế đang bị lung lay, điều này thể hiện qua phán quyết của OPEC và các nước đồng minh tại cuộc họp hôm 23/9 vừa qua.
Trên thị trường vàng trong nước, đầu giờ ngày 3/10, giá vàng 9999 hôm nay đứng ở mức 36,36 – 36,51 triệu đồng/lượng. Cùng thời điểm, giá vàng SJC 9999 được Tập đoàn DOJI niêm yết ở mức 36,39 – 36,48 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, Tại Phú Quý SJC, đầu phiên giao dịch, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 36,38 – 36,47 triệu đồng/lượng.
Giá vàng 9999 đầu phiên giao dịch ngày 3/10 được Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 36,39 – 36,43 triệu đồng/lượng, còn giá vàng Rồng Thăng Long đứng ở mức 34,31 – 34,76 triệu đồng/lượng.
Minh Ngọc