Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 17)
(PetroTimes) - Chỉ trong một vài thập kỷ ngắn, Nhật nổi lên như một đội quân hùng mạnh cũng như một cường quốc về thương mại.
PHẦN III: CHIẾN TRANH VÀ CHIẾN LƯỢC
CHƯƠNG 16: CON ĐƯỜNG THAM CHIẾN CỦA NHẬT BẢN
Đêm 18 tháng 9 năm 1931, binh lính Quân đội Hoàng gia Nhật, đóng tại Mãn Châu Lý – khu vực bán tự trị của Trung Quốc, thực hiện cuộc đánh bom nhằm vào đường sắt phía Nam Mãn Châu Lý. Bằng chứng thực tế về vụ ném bom này thật khó tìm thấy, chỉ khoảng vài mét đường ray bị phá hủy, và sức công phá nhỏ đến mức một chiếc tàu tốc hành chạy qua đó vài phút sau không gặp phải khó khăn gì. Nhưng đây là một vụ đánh bom có chủ đích, vì người Nhật đã kiểm soát hệ thống đường sắt này. Mục đích của họ là tiếp tục phá hủy ở mức tối thiểu và đổ lỗi cho người Trung Quốc. Quân đội Nhật bấy giờ đã có cớ để mở màn cuộc tấn công vào lực lượng Trung Quốc. Sự kiện Mãn Châu Lý đã bắt đầu, đánh dấu sự bắt đầu vào một thời đại lịch sử của Nhật mà sau này, khi mọi chuyện đã qua, họ gọi đó là Thung lũng Đen tối.
Trước đó, Nhật giành được nhiều đặc quyền kinh tế và chính trị ở Mãn Châu Lý, bao gồm quyền duy trì lực lượng quân sự nhờ chiến thắng Trung Quốc năm 1895, và Nga năm 1905, cũng như từ một hiệp ước với Trung Quốc. Theo lời Thủ tướng Nhật Bản, cuối những năm 1920, ở Nhật, việc kiểm soát hoàn toàn Mãn Châu Lý, "con đường sống còn của Nhật” nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ. Khu vực này sẽ cung cấp nguyên liệu thô và "không gian sống" được coi là cần thiết cho hòn đảo đông đúc của Nhật có tính chất sống còn đối với sức mạnh quân sự của Nhật. Hơn nữa, vị trí địa lý của Mãn Châu Lý được kiểm soát rất quan trọng đối với an ninh của Nhật. Quân đội Nhật ngày càng lo ngại về các mối đe dọa từ hai phía chủ nghĩa cộng sản của Liên Xô và chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc. Các cường quốc lớn khác ở vùng biển Thái Bình Dương ngày càng nghi ngờ Nhật. Chỉ trong một vài thập kỷ ngắn, Nhật nổi lên như một đội quân hùng mạnh cũng như một cường quốc về thương mại.
"Liệu chúng ta có nên tin người Nhật không?"
Năm 1923, trước tình hình căng thẳng thời kỳ đó, Franklin Roosevelt, từng là trợ lý cho Bộ trưởng Hải quân trong suốt Chiến tranh thế giới thứ nhất, viết bài báo nhan đề: "Liệu chúng ta có nên tin người Nhật không?". Trong phần mở đầu bài báo, các biên tập viên nhận thấy một trong "các nhiệm vụ chủ yếu của Roosevelt trong nhiệm kỳ của ông là chuẩn bị đánh Nhật". Trong bài báo đó, Roosevelt nhận xét: "Khá lâu trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất năm 1914, lời tiên đoán có giá trị nhất là cuộc chiến Mỹ - Nhật. Sự kiện này cần bắt đầu được xem xét lại". Ông nói, một cuộc chiến lúc đó, năm 1923, có thể thay đổi hoàn toàn cục diện bế tắc về quân sự, và sau đó, "các nguyên nhân kinh tế sẽ trở thành yếu tố quyết định". Tuy nhiên, Roosevelt trả lời câu hỏi: "Liệu chúng ta có nên tin người Nhật không?" bằng lời cảnh báo mạnh mẽ: nước Nhật đã thay đổi. Nhật Bản đang tôn trọng các cam kết quốc tế và tuân thủ trật tự quân sự sau chiến tranh của Mỹ − Anh, và ở Thái Bình Dương. "Dường như đủ không gian thương mại dành cho cả Nhật Bản và chúng ta trong một tương lai nào đó".
Thủ tướng Nhật Bản Osachi Hamaguchi |
Thực tế, qua thập niên 1920, phân tích của Roosevelt được chứng minh là đúng đắn. Nhật Bản có một hệ thống nghị viện hoạt động tốt. Hội nghị Hải quân ở Washington năm 1921 xoa dịu cuộc chạy đua hải quân ở Thái Bình Dương giữa Nhật, Mỹ và Anh. Sau đó, để bảo đảm an ninh của mình, Nhật hợp tác với các cường quốc quân sự Anh − Mỹ. Nhưng sự hợp tác đó kéo dài không quá một thập kỷ. Giới quân sự Nhật, đặc biệt là quân đội đã chi phối chính phủ, và Nhật Bản lao vào một cuộc chạy đua mở rộng quyền lực ở Đông Á. Trong quá trình này, Nhật tìm cách loại bỏ các cường quốc phương Tây khỏi "Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á." Sự thay đổi mang tính quyết định này bắt nguồn từ một số nguyên nhân. Cuộc Đại suy thoái và sự sụp đổ của nền thương mại thế giới khiến nền kinh tế Nhật gặp khó khăn lớn, làm tăng nguy cơ khủng hoảng do thiếu nguyên liệu thô và sự thu hẹp của các thị trường quốc tế.
Tại thời điểm đó, quân đội Nhật Bản và các nhóm xã hội quan trọng bị hút vào chủ nghĩa dân tộc cực đoan và có một niềm tin huyền bí vào ưu thế của văn hóa Nhật và các thể chế Hoàng gia và "Con đường Đế chế", tất cả được thổi phồng bởi quan điểm cho rằng các cường quốc khác đều đang cố cản trở Nhật Bản trở thành cường quốc số hai và phủ nhận vai trò của Nhật ở châu Á. Thủ tướng Osachi Hamaguchi, người ủng hộ việc mở rộng thỏa thuận về hải quân với Mỹ và Anh, đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tháng 2 năm 1930. Nhưng sự chống đối ngày càng mạnh mẽ nên chỉ vài tháng sau, một thanh niên căm thù sự hợp tác của Nhật với Mỹ và Anh, đã ám sát Hamaguchi tại nhà ga Tokyo. Thủ tướng chết năm 1931. Cái chết của Thủ tướng Hamaguchi dập tắt tinh thần hợp tác, thay vào đó là một trào lưu sùng bái chủ nghĩa dân tộc cực đoan được "chính phủ thành lập nhờ vụ ám sát" ủng hộ. Nhật Bản cũng lập ra một nhà nước bù nhìn mới ở Mãn Châu Lý. Hoàng đế Trung Quốc là Phổ Nghi chỉ còn là bù nhìn. Khi Hội quốc liên lên án hành động của Nhật Bản ở Mãn Châu Lý, Nhật ngang bướng từ bỏ Hội quốc liên để theo đuổi mục tiêu của riêng mình – con đường cuối cùng sẽ dẫn đến sự sụp đổ.
Trật tự mới ở châu Á
Vài năm sau, khi Tokyo cụ thể hóa tuyên bố của mình thành "nhiệm vụ" và "sứ mệnh đặc biệt ở Đông Á", các chính khách Nhật Bản sôi sục với các âm mưu, các phong trào ý thức hệ, và các tổ chức bí mật chối bỏ chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa tư bản và dân chủ như là nguyên nhân của sự yếu kém và sa sút. Người ta nghĩ rằng không có gì cao cả hơn cái chết trên chiến trường vì hoàng đế. Tuy nhiên, một số phần tử trong quân đội Nhật, giữa những năm 1930, đã tập trung vào cách phát động cuộc chiến tranh hiện đại. Tuyên truyền cho học thuyết chiến tranh tổng lực, họ tìm cách thiết lập "hệ thống phòng thủ quốc gia" trong đó, tất cả nguồn lực quân sự và công nghiệp của Nhật Bản được tập hợp lại và sử dụng trong tình huống xấu nhất. Các quan chức đã quan sát tỉ mỉ hoặc nghiên cứu về thất bại của Đức trong Chiến tranh thế giới thứ nhất cho rằng sự thảm bại của Nhật Bản là do tình trạng kinh tế bấp bênh, thiếu nguyên vật liệu thô và không có khả năng chống lại sự bao vây của các nước phe Đồng minh. Họ buồn rầu thừa nhận, Nhật Bản ít được trợ cấp hơn nhiều so với Đức.
Thực tế, Nhật Bản phải đối mặt với một khó khăn duy nhất về nguồn cung. Hầu như không có dầu. Dầu chỉ chiếm một phần tương đối nhỏ trong tổng năng lượng quốc gia của Nhật, khoảng 7% tổng mức tiêu thụ năng lượng song nó có tầm quan trọng chiến lược. Hầu hết xăng dầu được tiêu dùng trong lĩnh vực quân sự và vận tải. Cuối những năm 1930, Nhật Bản sản xuất được khoảng 7% khối lượng dầu quốc gia này tiêu thụ. Phần còn lại được nhập khẩu – 80% từ Mỹ, và 10% từ Đông Ấn Hà Lan. Nhưng Mỹ cam kết theo đuổi một "chính sách mở cửa" ở châu Á, về chính trị cũng như kinh tế, hoàn toàn xung đột với tham vọng bá chủ của Nhật Bản. Mỹ nổi lên với tư cách là đối thủ lớn nhất của Nhật Bản ở Thái Bình Dương, nơi nào khi xảy ra chiến tranh sẽ cung cấp lượng dầu mỏ cần thiết cho tàu chiến và máy bay của Nhật Bản?
Câu hỏi này gây ra sự chia rẽ mạnh mẽ giữa quân đội và hải quân Nhật Bản, có vai trò quyết định đối với sự phát triển và định hướng chính sách của Nhật. Quân đội tập trung ở Mãn Châu Lý, phía Bắc Trung Quốc, Nội Mông, và mối đe dọa từ Liên Xô. Còn hải quân, với học thuyết "Bắc thủ, Nam tiến" đã hướng về Đông Ấn Hà Lan, đảo Malaya, Đông Dương, và một số đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, nhằm mang lại cho đế chế Nhật con đường tiếp cận an toàn các nguồn tài nguyên, cụ thể là nguồn dầu mỏ quan trọng và thiết yếu. Tuy nhiên, cả hai ngành quân sự đều thống nhất một mục tiêu trọng tâm: tái thiết châu Á với tinh thần "sự thịnh vượng chung và cùng tồn tại trên cơ sở Con đường đế chế" – châu Á dưới sự kiểm soát của Nhật Bản.
Đầu những năm 1930, ngay sau sự kiện Mãn Châu Lý, Chính phủ Nhật Bản tìm cách khẳng định quyền lực đối với ngành dầu nhằm phục vụ cho những nhu cầu riêng. 60% thị trường nội địa do các công ty phương Tây nắm giữ − Rising Sun, chi nhánh ở Nhật của Công ty Royal Dutch/Shell và Standard-Vacuum, còn được gọi là Stanvac, đại diện của Standard Jersey và Standard New York ở Viễn Đông – và phần còn lại do 30 công ty Nhật chia nhau, nhập khẩu dầu từ một số nhà sản xuất Mỹ. Với sự hỗ trợ của nhóm tư bản thương mại Nhật, những người mong muốn cải thiện vị thế trên thị trường, năm 1934, quân đội Nhật Bản đã thông qua Luật Ngành dầu, trao cho Chính phủ Nhật Bản quyền kiểm soát nhập khẩu, xác định hạn ngạch cho từng công ty, ấn định giá, và thực hiện hoạt động mua bán bắt buộc. Các công ty nước ngoài cần duy trì lượng hàng dự trữ trong sáu tháng trên mức nhu cầu thông thường. Mục tiêu của luật này rất rõ ràng: phát triển ngành lọc dầu thuộc sở hữu của Nhật, giảm vai trò của các công ty nước ngoài, và chuẩn bị cho chiến tranh. Đồng thời, Nhật Bản cũng tạo ra sự độc quyền dầu mỏ ở các thuộc địa mới của mình là khu vực Mãn Châu quốc, với mục tiêu đánh bại các công ty phương Tây.
Các công ty nước ngoài nhận ra họ sắp bị đánh bại. Chính phủ Mỹ và Anh cũng phản đối các chính sách cấm đoán mới liên quan đến dầu mỏ của Nhật. Nhưng phản ứng lại bằng cách nào? Đã có cuộc đàm phán ở Washington, New York và London về lệnh cấm vận hoàn toàn hay một phần để trả đũa, và hạn chế nguồn cung dầu thô tới Nhật. Tháng 8 năm 1934, Henri Deterding và Walter Teagle đến Washington gặp các quan chức Bộ Ngoại giao và Harold Ickes, "ông trùm" dầu mỏ. Các ông chủ này cho rằng chỉ nên đe dọa Nhật Bản bằng cách bóng gió nhắc đến một lệnh cấm vận. Họ hy vọng tin tức này sẽ đến Tokyo và mang lại những thay đổi trong chính sách của Nhật Bản. Tháng 11 năm 1934, Nội các Anh tán thành quan điểm của Bộ Ngoại giao rằng "cần thể hiện sự phản đối càng mạnh mẽ càng tốt" đối với chính sách dầu mỏ của Nhật Bản. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Cordell Hull nói rõ rằng Chính phủ Mỹ sẽ không ủng hộ một hành động như thế, và cuộc thảo luận về lệnh cấm vận kết thúc. Trong khi đó, áp lực và sự căng thẳng giữa các công ty dầu và Chính phủ Nhật ngày càng tăng. Mùa hè năm 1937, tình hình của Nhật Bản đột ngột thay đổi.
"Sự cô lập"
Đêm và rạng sáng ngày 7 và 8 tháng 7 năm 1937, hai cuộc xung đột diễn ra giữa binh lính Nhật và Trung Quốc ở cầu Marco Polo gần Bắc Kinh. Trong vài tuần tiếp theo, khi sự thù địch leo thang những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc tỏ thái độ chống đối việc nhượng bộ với Nhật Bản. Nhà lãnh đạo của chủ nghĩa dân tộc Tưởng Giới Thạch tuyên bố: "Nếu chúng ta để mất thêm một phân lãnh thổ, chúng ta sẽ mang tội lớn với dân tộc Trung Hoa". Về phần mình, người Nhật quyết định trừng phạt Trung Quốc và quân đội Nhật đã giáng một "đòn chí mạng". Hơn một tháng sau vụ xung đột đầu tiên, ngày 14 tháng 8, Trung Quốc ném bom căn cứ hải quân Nhật Bản tại Thượng Hải. Nhật Bản bước vào cuộc chiến tranh với Trung Quốc. Ngay lập tức Nhật Bản đặt nền kinh tế vào tình trạng chiến tranh toàn diện và nhanh chóng dàn xếp mối quan hệ với các công ty dầu mỏ nước ngoài.
Chính phủ Nhật không muốn mạo hiểm làm gián đoạn nguồn cung dầu. Đồng thời, Nghị viện Nhật triệu tập một phiên họp đặc biệt nhằm phê chuẩn pháp lệnh huy động, thông qua Luật Ngành dầu tổng hợp. Luật này được xây dựng cho một kế hoạch 7 năm, hướng tới việc sản xuất nhiên liệu tổng hợp vào năm 1943 đạt khối lượng tương đương một nửa tổng mức tiêu dùng năm 1937 của Nhật. Mục tiêu này không chỉ quá tham vọng mà còn thiếu thực tế. Ngay từ đầu, chính sách và công luận Mỹ đã ủng hộ Trung Quốc vì họ là nạn nhân trong cuộc chiến tranh Trung - Nhật. Nhưng Mỹ vẫn chịu sự chi phối của chủ nghĩa biệt lập. 14 năm đã trôi qua kể từ khi Franklin Roosevelt, trợ lý Bộ trưởng Hải quân viết bài báo "Liệu chúng ta có nên tin người Nhật không?" Giờ đây, với tư cách tổng thống, Roosevelt cảm thấy thất vọng, bởi những ràng buộc chính trị trong nước và nguy cơ đáng lo ngại trên thế giới. Trong bài phát biểu tháng 10 năm 1937, ông đề xuất việc tạo ra một "sự cô lập" để kiểm soát sự lan rộng của "tình trạng hỗn loạn trên thế giới". Sau cuộc không kích của Nhật Bản nhằm vào bốn con tàu của Mỹ ở sông Dương Tử, ông giải thích riêng với Nội các rằng, sự cô lập là "một điều giống như việc sử dụng các hình phạt kinh tế mà không cần tuyên bố chiến tranh". Nhưng đạo luật trung lập và thái độ của những người theo chủ nghĩa biệt lập thắng thế đã ngăn tổng thống đưa ý tưởng này vào thực tiễn.
Tổng thống Hoa Kỳ Franklin Roosevelt |
Tuy vậy, khi các báo cáo về những cuộc tấn công của Nhật vào dân thường Trung Quốc bắt đầu gia tăng, thái độ của Mỹ chuyển mạnh sang chống Nhật. Năm 1938, sau khi báo chí và truyền hình đưa tin về vụ ném bom của Nhật ở Trùng Khánh, nhiều cuộc thăm dò dư luận cho thấy phần lớn dân chúng Mỹ phản đối việc tiếp tục xuất khẩu trang thiết bị quân sự cho Nhật Bản. Nhưng chính quyền Roosevelt lo ngại việc thực thi một hành động quá mạnh mẽ có thể kích động cả những người có tư tưởng ôn hòa ở Nhật và ảnh hưởng đến khả năng Mỹ đối phó với mối đe dọa trực tiếp hơn và nghiêm trọng hơn của Đức Quốc xã.
Vì vậy, chính quyền không đi xa hơn việc chấp nhận một "lệnh cấm vận có đạo đức" đối với việc xuất khẩu máy bay và động cơ máy bay tới Nhật. Do không có đủ quyền hạn lập pháp, Bộ Ngoại giao Mỹ đã viết thư cho các nhà sản xuất Mỹ, đề nghị không bán các hàng hóa này. Washington cũng được cảnh báo bởi những vấn đề liên quan đến các mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Nhật và Đức, cả hai đều đã ký Hiệp ước chống Đệ Tam Quốc tế Cộng sản năm 1936 nhằm chống lại Xô Viết. Nhưng Nhật Bản đang chống lại áp lực của Đức kéo Nhật Bản lại gần hơn. Tokyo giải thích với Berlin, do sự phụ thuộc của Nhật vào Mỹ và Anh về các nguồn nguyên liệu thô, và cụ thể là dầu mỏ, có nghĩa là Nhật Bản "chưa ở một vị thế người chống đối các nền dân chủ". Đây là nghịch lý chết người đối với Nhật Bản. Quốc gia này muốn giảm sự phụ thuộc vào Mỹ, đặc biệt là nguồn dầu nhập khẩu, mà phần lớn là nhiên liệu cho các hạm đội và lực lượng không quân. Nhật Bản lo ngại rằng sự phụ thuộc như vậy sẽ làm tê liệt nước Nhật nếu có một cuộc chiến tranh. Nhưng quan điểm của Tokyo về an ninh và chiến lược giành quyền tự chủ, sự mở rộng mạnh mẽ của Nhật trong quá trình theo đuổi "không gian thịnh vượng chung" tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc chiến tranh với Mỹ.
Trên thực tế, cuối những năm 1930, nhu cầu nguồn cung cấp cho cuộc chiến với Trung Quốc đã làm tăng sự phụ thuộc thương mại của Nhật vào Mỹ. Mọi việc càng trở nên phức tạp khi các ràng buộc về tiền tệ gây khó khăn hơn cho Nhật Bản trong việc thanh toán nguồn nhập khẩu. Điều này thúc đẩy Nhật ban hành những biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn nguồn cung cấp của nền kinh tế trong nước, trong đó có hạn chế xăng dầu và các nhiên liệu khác, vì vậy, làm suy yếu những nỗ lực của Nhật nhằm phát triển một nền kinh tế chiến tranh. Các tàu đánh cá, một trong những nguồn lực chủ yếu cung cấp thực phẩm cho Nhật Bản, được lệnh không sử dụng dầu mà chỉ dựa vào sức gió!
Năm 1939, Mỹ công khai chống đối những hành động của Nhật. Tuy nhiên, Roosevelt và Ngoại trưởng Hull hy vọng tìm kiếm một lập trường trung lập giữa một bên là những biện pháp trả đũa mạnh mẽ của Mỹ có thể khơi dậy một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Thái Bình Dương, và bên kia là những chính sách xoa dịu có thể khiến sự hiếu thắng của Nhật mạnh mẽ hơn. Việc Nhật ném bom các trung tâm dân cư ở Trung Quốc, đặc biệt là ném bom Trùng Khánh tháng 5 năm 1939 là "những dấu mốc quan trọng trong lịch sử khủng bố trên không" theo cách nói của nhà báo Theodore H. White, người viết về vấn đề này trên tạp chí Time, đã gây sốc và khơi dậy mạnh mẽ dư luận công chúng. Nhiều tổ chức như Ủy ban của Mỹ về việc không tham gia vào cuộc tấn công của Nhật tích cực vận động nhằm giảm bớt xuất khẩu của Mỹ. "Nhật Bản cung cấp phi công, còn Mỹ cung cấp máy bay, xăng, dầu và bom để tàn phá các thành phố Trung Quốc".
Một cuộc thăm dò dư luận của Viện Gallup tháng 6 năm 1939 đưa ra báo cáo rằng có 72% công chúng ủng hộ lệnh cấm vận xuất khẩu nguyên vật liệu chiến tranh cho Nhật. Tuy nhiên, chính quyền Roosevelt đã thảo luận căng thẳng về biện pháp phản ứng tốt nhất, trong đó có vấn đề trừng phạt kinh tế trực tiếp. Nhưng Joseph Grew, đại sứ Mỹ ở Nhật Bản, đã khuyến cáo về những hậu quả có thể xảy ra.
Ông phát biểu từ Tokyo, người Nhật thà chịu nghèo khổ còn hơn chứng kiến đất nước của họ bị các cường quốc phương Tây hạ nhục và bị mất thể diện. Trong chuyến thăm Washington mùa thu năm 1939, Grew đã hai lần gặp Tổng thống Roosevelt và sau đó viết trong nhật ký: "Tôi đã nêu rõ quan điểm của mình rằng nếu chúng ta đưa ra các biện pháp trừng phạt Nhật Bản, thì chúng ta sẽ phải xem xét hậu quả, và hậu quả có thể hình dung được sẽ là chiến tranh. Tôi cũng nói rằng nếu chúng tôi cắt giảm nguồn cung dầu cho Nhật Bản và nếu Nhật Bản nhận thấy họ không có đủ dầu để bảo đảm an ninh quốc gia, rất có thể họ sẽ cử các hạm đội tới chiếm Đông Ấn Hà Lan". "Khi đó, chúng ta có thể dễ dàng ngăn chặn hạm đội của họ", tổng thống trả lời. Grew đưa ra những lời tiên đoán, chứ không bình luận về các chính sách sắp được thực thi mùa thu năm 1939. Không có kế hoạch nào cho một lệnh cấm vận dầu. Roosevelt cũng không sẵn sàng mạo hiểm đối đầu. Nhưng dầu mỏ nhanh chóng nổi lên như một vấn đề có tính chất quyết định giữa hai quốc gia.
Một năm trước đó, tháng 9 năm 1938, tại The Hague, hai doanh nhân người Mỹ đã ngồi lại cùng nhau, bên một chiếc radio, buồn rầu nghe những tin tức mới nhất. Một người là George Walden, đứng đầu Stanvac, liên doanh ở Viễn Đông của Standard Oil Jersey và New York. Người kia là Lloyd Elliott, Chủ tịch nhà máy sản xuất của Stanvac ở Đông Ấn Hà Lan. Đó là thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng ở Munich; châu Âu dường như đang tiến gần đến chiến tranh. Nhưng Anh và Pháp nhượng bộ trước những yêu cầu của Hitler ở Tiệp Khắc để bảo đảm cho những gì mà Thủ tướng Anh Neville Chamberlain gọi là "hòa bình trong thời đại của chúng ta". Nhưng với Walden và Elliott khi chăm chú lắng nghe những tường thuật trên radio về bài diễn văn của Hitler hôm đó, chiến tranh dường như không thể tránh khỏi, không chỉ ở châu Âu mà còn ở cả châu Á. Và khi chiến tranh đến châu Á, họ chắc chắn người Nhật sẽ tấn công Đông Ấn.
Theo cách nói của Elliott, "vấn đề chỉ là khi nào và như thế nào mà thôi". Đêm đó ở The Hague, Walden và Elliot bắt đầu thực hiện những công việc cần thiết khi Nhật tiến hành xâm lược. Họ không lãng phí thời gian thực hiện những kế hoạch mới của mình. Công việc đầu tiên là sa thải tất cả những lao động người Đức, Hà Lan và Nhật Bản ở Đông Ấn mà họ nghi ngờ về lòng trung thành. Họ lên những kế hoạch phá hủy các nhà máy lọc dầu và các giếng dầu của Stanvac. Đầu năm 1940, các kế hoạch di tản cũng được tiến hành tốt, và Walden đã chỉ thị cho các giám đốc Stanvac ở Đông Ấn rằng nếu Mỹ ra lệnh cấm vận dầu xuất khẩu sang Nhật, "công ty sẽ hợp tác hoàn toàn" và "chấm dứt mọi các hoạt động vận chuyển ở tất cả các vùng đất Nhật kiểm soát trên khắp thế giới", thậm chí mặc dù nhiều vùng đất trong số đó thuộc quyền kiểm soát của Mỹ. Ông nói rõ: "Chúng ta sẽ chấm dứt các hoạt động vận chuyển từ Đông Ấn Hà Lan, bất chấp Hải quân Nhật có thể sẽ chiếm các vùng đất này và bất chấp việc Chính phủ Mỹ, do sự phản đối trong nước chống lại "cuộc chiến vì Standard Oil", có thể sẽ không bảo vệ những lợi ích của Mỹ ở Đông Ấn Hà Lan".
Bước tiến của Nhật Bản và những hạn chế của Mỹ − vòng đàm phán đầu tiên
Ngày càng lo lắng về việc sản lượng dầu và cung dầu từ Mỹ bị cắt giảm, Tokyo xây dựng một chính sách nhằm bảo đảm khả năng tự cung tự cấp trong công nghiệp và cố gắng giảm bớt phụ thuộc kinh tế vào Mỹ. Dân chúng Nhật, thậm chí cả học sinh, nhận được các tờ truyền đơn có nội dung các cường quốc Mỹ, Anh, Trung Quốc và Hà Lan đang âm mưu chấm dứt các nguồn cung và kiềm chế Nhật Bản. Nhưng vị trí của Nhật có vẻ mạnh hơn sau khi chiến tranh bùng nổ ở châu Âu tháng 9 năm 1939, và thậm chí mạnh hơn sau tháng 5 và tháng 6 năm 1940, khi Đức tấn công Bỉ, Hà Lan và Pháp. Quân Nhật tiếp tục tiến vào Trung Quốc, và bất ngờ là ngoại trừ Anh, các sức mạnh thực dân vượt trội ở khu vực Viễn Đông thật sự rất yếu kém. Như để củng cố mối đe dọa này, Nhật Bản bất ngờ đòi hỏi lượng cung dầu lớn hơn nhiều từ Đông Ấn, hiện do chính quyền Đông Ấn lưu vong ở London quản lý.
Lo ngại nguy cơ Anh bị bao vây sẽ rút quân khỏi Viễn Đông, Washington đã có một quyết định vận mệnh khi chuyển hạm đội Mỹ từ Nam California đến Trân Châu Cảng trên hòn đảo Oahu ở Hawaii. Hạm đội này khi đó đang tiến hành các cuộc diễn tập ở gần Hawaii, nên dễ dàng hoàn tất việc di chuyển đến Trân Châu Cảng. Mục đích là củng cố quyết tâm của người Anh và ngăn cản Tokyo. Mùa hè năm 1940 đánh dấu một bước ngoặt lớn. Tháng 6, Nhật Bản bắt đầu tiến về phía nam. Nhật yêu cầu chính phủ mới của Pháp phê chuẩn việc cử quân đội tới Đông Dương và yêu cầu Đông Ấn bảo đảm nguyên vật liệu chiến tranh. Nhật cũng đe dọa gây chiến với Anh nếu Anh không rút quân khỏi Thượng Hải và đóng cửa con đường cung cấp từ Miến Điện vào Trung Quốc.
Cùng tháng này, Roosevelt đưa Henry Stimson làm Bộ trưởng Chiến tranh. Henry Stimson từ lâu đã chỉ trích việc xuất khẩu của Mỹ sang Nhật Bản và nhận thấy tính thiếu hiệu quả trong chính sách của Mỹ. Ngày 2 tháng 7 năm 1940, Roosevelt ký Luật Phòng thủ quốc gia, được Quốc hội nhanh chóng thông qua sau khi Đức Quốc xã xâm lược Tây Âu. Chương VI bộ luật này trao cho tổng thống quyền kiểm soát xuất khẩu, điều tiết cung dầu tới Nhật Bản. Ở Tokyo, những nhà lãnh đạo muốn tránh một cuộc xung đột với các cường quốc phương Tây nhanh chóng mất uy thế. Cảnh sát mật đã lên kế hoạch thủ tiêu những người ủng hộ việc hòa giải với Anh và Mỹ, bao gồm cả thủ tướng. Kế hoạch này bị bỏ dở trong tháng 7, nhưng thông điệp của nó rất rõ ràng. Cùng tháng này, Nội các Nhật được tái cơ cấu với vị thủ tướng mới, Hoàng tử Konoye. Tướng Hideki Tojo trở thành Bộ trưởng Chiến tranh.
Trước đây, ông ta là Tham mưu trưởng Quân đội Quan Đông ở Mãn Châu Lý, đội quân tiến hành cuộc khiêu khích trên đường sắt phía nam Mãn Châu Lý năm 1931. Cuối tháng 7 năm 1940, những diễn biến ở Tokyo và Washington khiến Nhật Bản và Mỹ tập trung hơn vào cuộc xung đột giữa họ, trong đó, dầu mỏ đóng vai trò then chốt. Nhật Bản tiếp tục tiến vào Đông Nam Á với suy nghĩ việc này sẽ giúp Nhật giành chiến thắng ở Trung Quốc. Để bảo đảm đủ nguồn cung, Nhật Bản sẽ cố gắng lấy thêm dầu từ Đông Ấn Hà Lan bằng bất kỳ giá nào. Nhật cũng tìm cách nhập khẩu nhiều xăng dầu cho ngành hàng không ở Mỹ hơn mức bình thường, gióng lên những tiếng chuông cảnh tỉnh ở Washington.
Trong cuộc họp ngày 19 tháng 7 năm 1940 với các cố vấn cấp cao, Roosevelt chỉ vào tấm bản đồ giữa phòng, nói rằng cách duy nhất để vượt ra khỏi những khó khăn của thế giới là cắt giảm cung cho các nước xâm lược, cụ thể là cung nhiên liệu cho chiến tranh". Không có ý kiến bất đồng trong cuộc thảo luận. Tuy nhiên, vấn đề Nhật Bản đã gây dư luận mạnh mẽ, và có nhiều ý kiến khác nhau về việc liệu giải pháp đó sẽ khiến mọi việc tốt hơn hay tồi tệ hơn. Ngày hôm sau, Roosevelt ký lệnh ủy quyền xây dựng một lực lượng Hải quân liên đại dương, để Mỹ đối phó với nguy cơ de dọa của Nhật Bản ở Thái Bình Dương mà không bỏ lại Đại Tây Dương cho Đức.
Một số người chất vấn tại sao Mỹ tiếp tục cung cấp dầu cho Hải quân Nhật? Bộ trưởng Tài chính Henry Morgenthau và Bộ trưởng Chiến tranh Stimson cố gắng đề xuất bản tuyên bố về một lệnh cấm vận xuất khẩu dầu cho Nhật Bản. Nhưng Bộ Ngoại giao vẫn lo ngại việc này sẽ dẫn tới sự đoạn tuyệt với Nhật, nên đã soạn thảo lại tuyên bố này để lệnh cấm vận chỉ giới hạn đối với xăng dầu ngành hàng không có trị số octane trên 87 cũng như một số loại quặng sắt và mẩu thép. Điều đó sẽ bảo vệ nguồn cung xăng dầu cho quân đội Mỹ, khi máy bay của Mỹ có thể hoạt động bằng nhiên liệu có trị số octane là 100. Và nếu cần, trị số octane trong nhiên liệu ở Nhật có thể tăng lên chỉ đơn giản bằng cách pha vào một lượng tetraethyl chì nhỏ. Đúng như vậy, trong 5 tháng sau tuyên bố tháng 7 năm 1940, Nhật Bản mua xăng 87 từ Mỹ nhiều gấp 5,5 lần so với trước đó. Lệnh cấm vận không có hiệu lực, và tuyên bố này chẳng có giá trị gì. Tuy nhiên, Tokyo vẫn được báo động về những gì nước Nhật có thể chờ đợi.
Mọi việc giờ đây rất rõ ràng. Ngày 26 tháng 9 năm 1940, đáp lại những động thái của Nhật ở Đông Dương và hiệp ước mới của Nhật với Đức và Italia, Washington cấm xuất khẩu tất cả các loại quặng sắt và thép tới Nhật, chứ không phải là dầu. Ngày hôm sau, Nhật Bản chính thức ký Hiệp ước ba bên với Hitler và Mussolini, gắn chặt hơn vào Trục Berlin - Roma - Tokyo. Roosevelt nói: "Những kẻ thù ở châu Âu, châu Phi và châu Á đều là một phần của cuộc xung đột trong thế giới này". Nhưng ông tin rằng cuộc chiến ở châu Âu, vốn đe dọa chính sự sống còn của Anh, giữ vị trí ưu tiên. Do đó, ông vẫn cam kết chiến lược "ưu tiên châu Âu". Điều đó đồng nghĩa với việc sử dụng tiết kiệm tất cả các nguồn lực ở châu Âu.
Nhà máy lọc dầu của Stanvac - Nhật Bản |
Roosevelt có thêm một lý do để thận trọng: cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra sau đó một tháng và ông đang theo đuổi một nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ nên không muốn liều lĩnh làm bất cứ điều gì có vẻ khiêu khích trong thời gian này. Quân đội và Hải quân Mỹ, nhằm tránh đối đầu với Nhật trong giai đoạn đang xây dựng của mình, đã ủng hộ việc chống lại sự áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ. Trong khi đó, người Nhật cố gắng mua tất cả lượng cung dầu có thể, cũng như các thiết bị khoan dầu, bồn chứa dầu dự trữ... Người Anh muốn tìm cách ngăn chặn dòng lưu thông của dầu. Họ lo ngại rằng nếu Nhật Bản xây dựng được những kho dự trữ lớn, Nhật sẽ không bị ảnh hưởng bởi bất cứ sắc lệnh kinh tế nào. Tuy nhiên, Roosevelt và Hull phản đối việc cắt giảm khối lượng dầu lưu thông.
Những cuộc đàm phán lặng lẽ
Liệu có thể tìm được một giải pháp nào đó để Nhật Bản không đặt chân vào châu Á? Ngoại trưởng Mỹ Hull đã hỏi đi hỏi lại như vậy. Trong nỗ lực tìm câu trả lời, ông tìm cách nói chuyện riêng với đại sứ mới của Nhật là Đô đốc Kichisaburo Nomura, cựu Ngoại trưởng Nhật. Hai người gặp nhau vào buổi tối, chỉ với hai phụ tá, tại căn hộ của Hull tại Khách sạn Wardman Park. Mỗi người là hình ảnh thu nhỏ của xã hội. Cao và có mái tóc bạc, Cordell Hull là một người nông thôn chuyển sang vai trò chính khách. Sinh ra trong một ngôi nhà làm bằng gỗ, ông trở thành một thẩm phán, một người lính tình nguyện trong cuộc chiến tranh giữa Tây Ban Nha và Mỹ, và sau đó là hạ nghị sĩ rồi là thượng nghị sĩ.
Thận trọng, cẩn thận, "xem xét kỹ lưỡng sự khác biệt của từng chi tiết nhỏ nhất", và Hull cống hiến hết mình từ khi trở thành Ngoại trưởng năm 1933 vì một mục đích chính: phá vỡ những rào cản thương mại, thúc đẩy một trật tự kinh tế phục vụ cho hòa bình thế giới. Giờ đây, năm 1941, ông có thể thấy tất cả nỗ lực đó trở thành vô ích. Nhưng ông chưa sẵn sàng từ bỏ. Ông kiên nhẫn xem xét mọi khía cạnh của các mối quan hệ Mỹ - Nhật để tìm giải pháp thay thế cho một sự đổ vỡ hoàn toàn. Và ông tìm cách rút ngắn thời gian. Đô đốc Nomura chia sẻ mong muốn loại bỏ một cuộc xung đột. Là một người theo quan điểm ôn hòa, ông được giới chính trị và quân sự ở Nhật tôn trọng. Cao 1,8 mét, vị đô đốc uy nghi nổi bật lên giữa những người đồng hương. Ông mất một mắt trong vụ ném bom của một người theo chủ nghĩa dân tộc Triều Tiên ở Thượng Hải năm 1932. Vụ ném bom đó khiến ông đi khập khiễng và hơn một trăm mảnh đạn trong cơ thể. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, ông giữ vai trò tùy viên ở Washington, nơi ông quen biết Trợ lý Bộ trưởng Hải quân Franklin Roosevelt. Khi hai người gặp lại nhau tháng 2 năm 1941, nhân dịp Nomura đến Washington với tư cách đại sứ, Roosevelt chào đón ông như một "người bạn" và gọi ông là "Đô đốc" thay vì "Đại sứ". Nomura cảm thấy rất thoải mái khi ở Mỹ, nên hầu như chắc chắn không muốn chiến tranh xảy ra giữa hai nước. Nhưng ông chỉ là sứ giả, chứ không phải là người đưa ra quyết định.
Nhiều năm sau, khi nói về cảm giác của ông trong những ngày căng thẳng năm 1941, Nomura chỉ đơn giản nói: "Một chiếc cột không thể cứu vãn được một ngôi nhà đổ". Từ tháng 3 năm 1941, Hull và Nomura gặp nhau rất nhiều lần, để xem xét những đề xuất, tìm kiếm giải pháp ngăn chặn một cuộc xung đột. Chắc chắn, Hull có lợi thế đáng ngạc nhiên trong tất cả những cuộc đàm phán này. Nhờ hoạt động giải mã được gọi là "Ma thuật", Mỹ và Anh đã bẻ khóa được "Purple", mật mã ngoại giao tối mật của Nhật. Do đó, Hull có thể đọc chỉ dẫn của Tokyo cho viên đại sứ và sau đó là báo cáo của Nomura trước những buổi gặp với Nomura. Hull khéo léo đóng vai trò này, không bao giờ thể hiện mình biết nhiều hơn những gì người ta nghĩ rằng ông biết. Đầu tháng 5 năm 1941, Đức thông báo với Nhật rằng Mỹ đã giải được mật mã này. Nhưng Tokyo không đếm xỉa gì đến tin tức đó; Nhật Bản chỉ đơn giản không tin rằng Mỹ có khả năng làm điều kỳ diệu đó. Tuy nhiên, bất chấp "Ma thuật", có nhiều điều mà Hull và các đồng nghiệp của ông ở Washington không biết. Trong số đó có mối quan tâm của Hải quân Nhật về Hạm đội Mỹ ở Hawaii, nếu hạm đội này không tham gia vào việc Nhật xâm lược Đông Ấn và Singapore, có thể bất ngờ tấn công Nhật Bản. Vì vậy, Hải quân Nhật bắt đầu lập kế hoạch cho một dự án rất mạo hiểm và đầy rủi ro − một cuộc tập kích bất ngờ vào Trân Châu Cảng.
Canh bạc của Yamamoto − "Nhất định tôi sẽ chết"
Đầu xuân năm 1940, Đô đốc Isoroku Yamamoto, Tổng tư lệnh các Hạm đội của Nhật, bắt đầu phác thảo công việc mạo hiểm và gần như phi lý này. Ông là một trong những người táo bạo, độc đoán và hay tranh cãi nhất trong số các đô đốc hải quân của Nhật. Ông được nhiều người kính trọng về lòng can đảm và tài lãnh đạo, nhưng cũng không ít người bất bình về tính thẳng thắn của ông. Dáng người thấp đậm, khuôn mặt và toàn bộ cách cư xử của ông thể hiện sức mạnh của ý chí và lòng quyết tâm. Trong tất cả những nhân vật chủ chốt trong Hạm đội Phối hợp trước khi diễn ra Chiến tranh thế giới thứ nhất, ông là người duy nhất thật sự trải qua cuộc chiến tranh Nga - Nhật, gần bốn thập kỷ trước đó, và ông bị mất hai ngón tay trong chiến thắng vĩ đại của Nhật, trận Tsushima năm 1905. Kế hoạch tấn công Trân Châu Cảng giữ vai trò không thể thay thế trong chiến lược chiến tranh của Yamamoto. Ông coi đó là canh bạc của mình. Tuy nhiên, một đề xuất như vậy xuất phát rất bất ngờ từ phía ông. Sống ở Mỹ hơn bốn năm trong thập niên 1920, đầu tiên là sinh viên trường Harvard, sau đó là đại diện hải quân và tùy viên quân sự ở Washington. Ông đã đi du lịch khắp nước Mỹ, ông hiểu quốc gia này và tự hào về sự hiểu biết của mình. Ông thừa nhận Mỹ rất giàu nguồn lực trong khi Nhật rất nghèo và khả năng sản xuất của Mỹ vượt xa khả năng sản xuất ở đất nước quê hương ông.
Thực tế, thậm chí trong khi xây dựng kế hoạch Trân Châu Cảng, Yamamoto tiếp tục phản đối ý tưởng về cuộc chiến tranh với Mỹ. Thực ra, ông ta nghĩ cuộc chiến tranh này sẽ rất nguy hiểm và, có nhiều khả năng nước Nhật sẽ thua. Ông là một trong các sĩ quan hải quân muốn tìm kiếm thỏa hiệp với Mỹ và Anh. Ông kịch liệt phê phán những nhà lãnh đạo quân đội và dân sự của Nhật, và nghĩ họ chịu trách nhiệm một phần về quan hệ căng thẳng với Mỹ. Lời phàn nàn về "áp lực kinh tế của Mỹ", ông ta nói, tháng 12 năm 1940, "gợi cho tôi về hành động không mục đích của một cậu học sinh không có động cơ chính đáng mà chỉ là nhu cầu tức thời hay ý định nảy sinh trong chốc lát." Ông chế giễu những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa xô-vanh hiếu chiến, với "những lập luận vô nghĩa về chiến tranh của họ" và những người hiểu biết rất ít về chi phí thực tế và sự mất mát mà chiến tranh mang lại.
Hơn nữa, vấn đề dầu lửa hằn sâu trong tâm trí Yamamoto. Ông thấu hiểu và nhạy cảm với những dự đoán về xăng dầu của Nhật và hải quân. Lớn lên ở quận Niigata, một khu vực sản xuất dầu của Nhật, và thị trấn quê hương ông, Nagaoka, là nơi đặt trụ sở của hàng trăm nhà máy nhỏ sản xuất dầu chiếu sáng. Thời gian sống ở Mỹ thuyết phục Yamamoto rằng thế giới công nghiệp đang chuyển từ than đá sang dầu và không quân, thậm chí là hải quân, sẽ là sức mạnh của tương lai. Nhận thức sâu sắc về nguy cơ xăng dầu của Nhật, với tư cách tư lệnh của Hạm đội Phối hợp, ông nhấn mạnh sự hạn chế của Hải quân Nhật, hạm đội lớn thứ ba trên thế giới, trong việc chỉ diễn tập ở những vùng nước gần bờ thuộc Nhật Bản. Lý do là để tiết kiệm dầu. Ông rất lo ngại về vấn đề dầu mỏ, đến nỗi đã tài trợ cho những cuộc thử nghiệm của một "nhà khoa học" tuyên bố có thể biến nước thành dầu.
Tuy nhiên, bất chấp những nghi ngờ của mình, Yamamoto là một người theo chủ nghĩa dân tộc nồng nhiệt, cống hiến cho Hoàng đế và đất nước Nhật Bản. Ông tin rằng người Nhật là dân tộc được lựa chọn và có một sứ mệnh đặc biệt ở châu Á. Ông sẽ thực hiện bổn phận của mình. Ông từng thốt lên: "Chẳng vấn đề gì! Chiến tranh với Mỹ cũng giống như chiến tranh với toàn bộ thế giới. Nhưng cuộc chiến đã được quyết định. Vì vậy, tôi sẽ cố gắng hết sức. Chắc chắn là tôi sẽ chết". Nếu Nhật Bản phải tham chiến, Yamamoto tin rằng, Nhật nên tấn công "ra đòn quyết định" và tìm cách đánh bật Mỹ khỏi thế cân bằng, khiến Mỹ suy yếu, trong khi Nhật Bản sẽ củng cố vị trí của mình ở Đông Nam Á. Do đó, sẽ có một cuộc tấn công bất ngờ tại Trân Châu Cảng.
Đầu năm 1941, Yamamoto nói: "Bài học sâu sắc nhất với tôi khi tôi nghiên cứu Chiến tranh Nga - Nhật là Hải quân Nhật đã tiến hành một cuộc tấn công cảng Arthur vào ban đêm ngay từ đầu cuộc chiến. Đây là sáng kiến có tính chiến lược xuất sắc nhất trong suốt cuộc chiến tranh". Ông nói thêm, điều "đáng hối tiếc" nhất, là "chúng ta đã không thận trọng khi tấn công". Kế hoạch tấn công Trân Châu Cảng của ông "khi chiến tranh bắt đầu nhằm giáng một đòn chí tử đối với hạm đội của kẻ thù" được quyết định cơ bản cuối năm 1940, đầu năm 1941. Mục tiêu của Yamamoto không chỉ "nhằm quyết định vận mệnh của cuộc chiến tranh vào ngày đầu tiên" thông qua việc đánh bại hạm đội của Mỹ ở Thái Bình Dương, mà còn làm giảm nhuệ khí của người Mỹ. Để "Chiến dịch Hawaii" thành công đòi hỏi rất nhiều yếu tố như: sự bí mật, tri thức tuyệt đỉnh, sự phối hợp tuyệt vời, chuyên môn kỹ thuật cao, những đổi mới về công nghệ, trong đó có sự phát triển của các loại ngư lôi phóng từ máy bay và những kỹ thuật tiếp nhiên liệu mới trên biển, và sự kết hợp của thời tiết và thủy triều. Tuy nhiên, đầu năm 1941, mặc dù được giữ bí mật, song Đại sứ Mỹ Grew đã nghe được từ một viên đại sứ của Peru ở Tokyo tin đồn Nhật Bản đang lập kế hoạch tấn công Trân Châu Cảng. Grew báo cáo nhưng tại Washington, tin đó không được chú ý. Vào thời điểm đó hoặc nhiều tháng sau, các quan chức Mỹ chỉ đơn giản không thể tin được rằng cuộc tấn công táo bạo đó có thể xảy ra. Hơn nữa, các quan chức Bộ Hải quân và Bộ Ngoại giao tỏ ra ngạc nhiên khi một vị đại sứ tầm cỡ như Grew có thể coi trọng một vấn đề rõ ràng rất lố bịch này.
Lệnh cấm vận
Từ tháng 4 năm 1941, những cuộc tranh cãi liên tục diễn ra sôi nổi trong Chính phủ Mỹ về việc có nên cắt giảm khối lượng xuất khẩu dầu tới Nhật Bản hay không và về việc niêm phong các tài khoản tiền mặt của Nhật Bản tại Mỹ, hầu hết các tài khoản này đều được sử dụng để mua dầu. Các cường quốc phe Trục và Mỹ rõ ràng đang tiến dần đến cuộc đối đầu trực tiếp. Ngày 27 tháng 5 năm 1941, Tổng thống Roosevelt tuyên bố "tình trạng khẩn cấp". Mục tiêu của ông, theo lời một cố vấn, là nhắc nhở mọi người về những nguy hiểm thật sự do tham vọng thống trị thế giới của phe Trục. Theo mục tiêu đó, Harold Ickes, vừa mới được bổ nhiệm làm đặc phái viên dầu mỏ, đã ra lệnh cấm vận chuyển dầu tới Nhật từ bờ biển phía đông của Mỹ. Nguồn cung dầu tại miền đông nước Mỹ rơi vào tình trạng thiếu hụt, chủ yếu do những khó khăn trong việc vận chuyển và sự chống đối công khai việc xuất khẩu dầu từ bờ biển phía đông, đặc biệt là tới Nhật, tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, lệnh cấm này không liên quan đến Vùng Vịnh Caribe hay bờ biển phía tây. Đồng thời, Ickes đang cố gắng thúc đẩy một lệnh cấm vận chung đối với toàn bộ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ tới Nhật.
Tổng thống Mỹ với thái độ giận dữ ra lệnh hủy bỏ lệnh cấm của Ickes, gây ra một cuộc tranh luận căng thẳng và gay gắt. "Đối với chúng ta, đây là thời điểm tốt nhất để cấm vận chuyển dầu tới Nhật Bản", Ickes lập luận. "Nhật Bản quá lo lắng trước những sự việc đang diễn ra ở Nga và những điều có thể xảy ra ở Siberia đến mức sẽ không mạo hiểm chống lại Đông Ấn Hà Lan. Lệnh cấm vận chuyển dầu tới Nhật Bản sẽ là một bước tiến thích hợp ở tất cả các khu vực trên nước Mỹ mà ngài có thể thực hiện". "Ngày 23 tháng 6, tôi nhận được đề nghị của các ông về việc ngay lập tức cấm vận chuyển dầu tới Nhật Bản", Roosevelt mỉa mai trả lời. "Xin vui lòng cho tôi biết liệu các ông có tiếp tục giữ ý kiến như vậy không nếu lời đề nghị này phá vỡ thế cân bằng nhạy cảm và khiến Nhật Bản quyết định tấn công Nga hoặc sẽ tấn công Đông Ấn?" Ông cũng cho Ickes biết rằng vấn đề xuất khẩu của Nhật Bản là "một vấn đề không liên quan đến việc bảo vệ nguồn dầu, mà liên quan đến chính sách đối ngoại, một lĩnh vực được giao phó cho tổng thống và cho Ngoại trưởng dưới quyền ông". Than phiền về vấn đề "thiếu sắc thái thân thiện trong những lá thư gần đây của ngài", Ickes, theo thói quen thường lệ, xin từ chức khỏi cương vị Điều phối viên dầu mỏ. Roosevelt từ chối đề nghị từ chức này, trước đây ông thường xuyên hành động như thế.
Ngày 1 tháng 7 năm 1941, tổng thống viết: "Hãy trở lại vị trí đó! Tôi không hề tỏ ra thiếu thân thiện. Và tôi đoán thời tiết nóng nực đã khiến ông nghĩ rằng trong những lá thư của tôi không có sắc thái thân thiện!" Sau đó, để giải thích sâu sắc hơn, Roosevelt nói: "Nhật Bản đang có cuộc đấu tranh nội bộ… họ đang cố gắng tìm cách thoát ra". Và ông nói thêm: "Như ông biết đấy, với chúng ta, việc kiểm soát khu vực Đại Tây Dương cực kỳ quan trọng và để đạt mục đích này cần phải duy trì hòa bình ở Thái Bình Dương. Tôi không có đủ lực lượng Hải quân để tuần tra khu vực này, nên mọi hành động ở Thái Bình Dương đồng nghĩa với việc sẽ có ít tàu thuyền hơn trên biển Đại Tây Dương". Cuộc chiến Roosevelt đề cập chính là cuộc tấn công bất ngờ của Đức nhằm vào Liên Xô cũ tháng 6 năm 1941, thúc đẩy Tokyo đưa ra một lựa chọn chiến lược quan trọng: nên tiếp tục cuộc chạy đua ở phía nam hay lợi dụng sự thành công của Hitler, tham gia vào cuộc tấn công Nga từ phía đông và thôn tính Siberia.
Từ ngày 25 tháng 6 đến ngày 2 tháng 7 năm 1941, các quan chức cấp cao ở Tokyo tranh cãi gay gắt về những lựa chọn. Cuối cùng, họ đưa ra một quyết định có ý nghĩa vận mệnh: họ sẽ hoãn mọi hành động liên quan đến Xô Viết, thay vào đó tập trung vào chiến lược ở phía nam, cụ thể là, tìm cách bảo đảm quyền kiểm soát toàn bộ Đông Dương, có vẻ như là điều cần thiết để tiến tới Đông Ấn. Với hành động này, Nhật Bản thừa nhận rằng việc chiếm đóng phía nam Đông Dương có thể dẫn đến một quyết định cấm vận dầu mỏ của Mỹ, là "vấn đề sống còn của đế chế Nhật", theo lời của Bộ trưởng Hải quân. Nhưng Nhật Bản cũng quyết định không từ bỏ những hành động này bởi mối đe dọa chiến tranh với Anh và Mỹ. Thông qua việc giải được mật mã của Nhật Bản, Washington biết được cuộc thảo luận quan trọng và kết quả của nó, ít nhất ở một mức độ nào đó. "Sau khi chiếm Đông Dương của Pháp và Trung Quốc", một bức điện được giải mã cho biết, "lộ trình tiếp theo của chúng ta là… Đông Ấn Hà Lan".
Cuộc họp Nội các của Roosevelt ngày 18 tháng 7 cho rằng Nhật Bản gần như chắc chắn sẽ tiến vào phía nam Đông Dương trong vài ngày tới". "Tôi muốn hỏi ngài một câu hỏi mà ngài có thể muốn hoặc không muốn trả lời", Bộ trưởng Tài chính Morgenthau nói với tổng thống. "Ngài dự định làm gì trên mặt trận kinh tế để chống lại Nhật Bản nếu như Nhật Bản có hành động này?" "Nếu chúng ta cấm vận dầu mỏ", Roosevelt trả lời, "rất đơn giản, việc đó sẽ khiến Nhật Bản hướng xuống Đông Ấn, và điều đó có nghĩa là chiến tranh sẽ xảy ra ở Thái Bình Dương". Nhưng ông cũng cho biết, nếu Nhật Bản hành động, ông sẽ ủng hộ một lệnh trừng phạt kinh tế dưới hình thức nào đó: đóng băng các tài sản của Nhật Bản ở Mỹ, hạn chế khả năng mua dầu của Nhật. Thậm chí Hull, dù đang ốm yếu và đã nản lòng, được mời đến khi đang đi nghỉ dưỡng ở một suối nước khoáng, cũng ủng hộ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mạnh mẽ hơn, mặc dù "luôn không muốn dính líu đến cuộc chiến tranh với Nhật Bản".
Với sự ủng hộ việc thiết lập một rào cản ở châu Âu, Anh thể hiện mối quan tâm của mình khi cho rằng lệnh cấm vận có thể khiến Nhật Bản tiếp tục tiến về phía nam, và người Anh không thể chắc chắn rằng Washington đã chuẩn bị sẵn sàng cho những hậu quả có thể xảy ra, trong đó có chiến tranh. Nhưng ở Washington, quân đội và hải quân, khi đó đang tập trung vào khu vực Đại Tây Dương và châu Âu và muốn có nhiều thời gian để xây dựng lực lượng, vẫn do dự trong việc đưa ra những biện pháp hạn chế mới. Ngày 24 tháng 7 năm 1941, radio thông báo tàu chiến của Nhật đã rời vịnh Cam Ranh, và 12 tàu vận chuyển quân dụng đang trên đường từ hòn đảo Hải Nam do người Nhật kiểm soát tiến về phía nam nhằm đánh chiếm Đông Dương.
Chiều hôm đó, Roosevelt, đón viên đại sứ Nomura, đã đề nghị trung lập hóa Đông Dương. Ông nói rằng nước Mỹ đã duy trì xuất khẩu dầu mỏ, bất chấp "những chỉ trích gay gắt" để không tạo cho người Nhật một lý do cho việc tấn công Đông Ấn − một cuộc tấn công mà kết quả cuối cùng là sự xung đột trực tiếp với Mỹ. Ông cũng chỉ ra rõ rằng, "với bước tiến mới của Nhật ở Đông Dương", ông không thể chịu đựng hơn nữa áp lực chính trị trong nước nhằm hạn chế xuất khẩu dầu tới Nhật. Bản thân Roosevelt không muốn áp đặt một lệnh cấm vận hoàn toàn. Ông muốn thắt chặt các biện pháp kiểm soát, nhưng để duy trì các biện pháp đó, theo ông, cần có một công cụ linh hoạt có thể điều chỉnh phù hợp với những hoàn cảnh cụ thể.
Mục tiêu của ông là tạo ra tình trạng bất ổn định tối đa đối với Nhật Bản, nhưng ông không muốn đẩy nước Nhật rơi xuống bờ vực. Ông nghĩ có thể sử dụng dầu mỏ như một công cụ ngoại giao, chứ không phải là ngòi nổ chiến tranh. Như đã nói với đại sứ Anh, ông không muốn cùng một lúc phải tham gia vào hai cuộc chiến. Thứ trưởng Ngoại giao Summer Welles đề xuất một chương trình phù hợp với mục tiêu của tổng thống: duy trì khối lượng xuất khẩu dầu mỏ bằng mức xuất khẩu năm 1935-1936, nhưng cấm xuất khẩu bất cứ loại dầu hay sản phẩm dầu nào có thể được sản xuất thành xăng máy bay.
Giấy phép xuất khẩu là quy định bắt buộc đối với tất cả các loại dầu xuất khẩu. Tối 25 tháng 7, Chính phủ Mỹ ra lệnh: tất cả các tài sản tài chính của Nhật ở Mỹ bị đóng băng. Giấy phép, phải do chính phủ phê chuẩn, sẽ là giấy tờ cần thiết để sử dụng các quỹ bị đóng băng, trong đó có hoạt động mua dầu. Ngày 28 tháng 7, Nhật Bản bắt đầu cuộc xâm lược đã được dự báo trước ở Đông Dương, và qua đó, Nhật Bản có một bước tiến khác hướng tới chiến tranh. Chính sách mới của Mỹ không có nghĩa là ngừng hoàn toàn việc xuất khẩu dầu, ít nhất là dưới góc độ công khai, nhưng kết quả trên thực tế lại là một lệnh cấm vận hoàn toàn. Người đóng vai trò then chốt là Dean Acheson, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách kinh tế và là một trong số ít các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao ủng hộ một lệnh cấm vận triệt để. Ông chuyển mệnh lệnh ngày 25 tháng 7 thành một lệnh cấm vận, sau khi tham khảo ý kiến của Bộ Tài chính, ngăn cấm hoàn toàn việc sử dụng các quỹ tiền mặt bị đóng băng cần thiết của người Nhật để mua dầu. "Dù chúng ta có một chính sách hay không, song chúng ta đã có một thông báo về các việc phải làm", Acheson sau này nói.
Từ đầu tháng 8, dầu mỏ không được xuất khẩu từ Mỹ tới Nhật. Hai tàu chở dầu của Nhật đã nằm không trên cảng San Pedro, gần Los Angeles. "Chúng ta phải hành động quyết liệt như người Mỹ", Ngoại trưởng Anh Anthony Eden nói. Nhưng cả Chính phủ Anh và Chính phủ Hà Lan lưu vong đều gây cản trở ở một mức độ nào đó đối với chính sách của Mỹ. Tuy nhiên, Anh cũng công bố chính sách đóng băng tài khoản và cấm vận của mình, cắt giảm khối lượng cung từ Borneo, cũng như Đông Ấn Hà Lan. Đến cuối tháng 7 năm 1941, Nhật Bản chiếm đóng Đông Dương. "Giờ đây, nhờ chăm chú quan sát khuôn mặt họ, tôi đã biết rằng họ có ý đồ này". Đại sứ Nomura báo cáo với Bộ Ngoại giao ở Tokyo ngày 31 tháng 7, sau khi gặp các quan chức Mỹ. "Tôi cần nói rõ với các ngài, theo ý kiến của tôi cần tiến hành không do dự các biện pháp xoa dịu". Bộ Ngoại giao dứt khoát bác bỏ những lo ngại của vị đại sứ này. Với sự tấn công Đông Dương của người Nhật và biện pháp phong tỏa các quỹ tiền mặt, cuộc suy thoái đã bắt đầu. Sau này Nomura nói với Hull: "Sự tấn công của Nhật Bản vào phía nam Đông Dương cuối tháng 7 đã hối thúc các biện pháp phong tỏa, có nghĩa là một lệnh cấm vận trên thực tế và phản ứng ở Nhật làm tăng thêm tình trạng căng thẳng". Nhưng bản thân lệnh cấm vận không gây ra tình trạng đối đầu nguy hiểm. Đó gần như là giải pháp duy nhất của Mỹ, Anh và Hà Lan, nhằm phản ứng trước cuộc tấn công của Nhật mà không cần bất cứ hành động quân sự nào.
Với sự tiến quân của Nhật vào Đông Nam Á và Đức quốc xã tấn công Liên Xô, Mỹ phải đối mặt với một nguy cơ khủng khiếp, khi cả châu Âu và châu Á đều nằm dưới sự thống trị của phe Trục, bỏ lại Mỹ cô lập giữa hai vùng biển không an toàn. Do đó, Tổng thống Mỹ tiếp tục tìm cách sử dụng đòn bẩy dầu mỏ. Tuy nhiên, đối với Nhật Bản, đó là mối liên hệ cuối cùng trong "vòng vây" của các quốc gia thù địch. Tokyo từ chối thừa nhận rằng họ đang tự đưa mình vào tình huống này. Lệnh cấm vận là kết quả của bốn năm Nhật Bản tấn công quân sự ở châu Á. Tokyo đã tự dồn mình vào chân tường: theo những tính toán của Nhật, nguồn dầu mỏ có sẵn của Nhật chỉ là nguồn dầu chứa trong các bồn chứa ở nước Nhật. Không có nguồn dầu lớn nào có thể thay thế cho nguồn cung ở Mỹ và Đông Ấn. Nếu Nhật muốn duy trì và bảo đảm khả năng tiến hành chiến tranh, Nhật không thể tránh khỏi khả năng mạo hiểm, đó là tham chiến.
"Chúng ta không thể chịu đựng được nữa"
Những quan chức đứng đầu Bộ Hải quân Nhật trước đây đã tỏ ra thận trọng hơn Quân đội Nhật rất nhiều về tình trạng đối đầu với Mỹ. Nhưng điều đó không còn ý nghĩa khi có một lệnh cấm vận hoàn toàn. Người đứng đầu Bộ Hải quân Nhật sau này nói: "Nếu không có dầu, các tàu chiến sẽ không khác gì đồ đồng nát". Đô đốc Osami Nagano, Tư lệnh Hải quân nhấn mạnh với Hoàng đế rằng nguồn dự trữ dầu của Nhật sẽ không thể duy trì quá hai năm nữa nếu không được bổ sung. Ngoại trưởng mới của Nhật, Teijiro Toyoda, bộc lộ chính sách đầy hoang tưởng của Nhật trong những thông điệp bí mật gửi đến các đại sứ của Nhật ở cả Berlin và Washington: "Quan hệ kinh tế và thương mại giữa Nhật và ba cường quốc, đứng đầu là Anh và Mỹ, đang trở nên hết sức căng thẳng, đến mức chúng ta không thể chịu đựng được lâu hơn", ông viết ngày 31 tháng 7 năm 1941. "Hậu quả là đế chế của chúng ta, để duy trì cuộc sống, phải có những biện pháp bảo đảm nguyên liệu ở South Seas (Biển Nam). Đế chế của chúng ta ngay lập tức phải có những bước đi nhằm phá vỡ vòng vây mạnh chưa từng có này, đang bị thắt chặt dưới sự chỉ đạo và sự tham gia của Anh và Mỹ, hành động như một con rồng xảo quyệt vờ như đang ngủ". Tất cả dường như rất khác đối với Cordell Hull.
Đau ốm và kiệt sức, Hull đã đến suối White Sulphur chữa bệnh. Ông nói với Thứ trưởng Ngoại giao Welles qua điện thoại: "Người Nhật đang tìm cách thống trị quân sự đối với một nửa thế giới… Không gì có thể ngăn cản họ, ngoại trừ vũ lực". Tuy nhiên, ông đã tìm cách trì hoãn những điều mà giờ đây dường như khó tránh khỏi. "Điều quan trọng là chúng ta có thể duy trì tình trạng này trong bao lâu cho đến khi vấn đề quân sự ở châu Âu được giải quyết". Đại sứ Grew ở Tokyo hiểu rõ tình hình này. Trong nhật ký, ông viết: "Đó là vòng luẩn quẩn với những hành động trả đũa lẫn nhau. Trừ phi những sự kiện lớn bất ngờ xảy ra trên thế giới, sẽ khó có thể thấy sự biến chuyển này như thế nào, hoặc sẽ đi xa đến đâu". Lúc này, những chiếc máy xúc lớn đã đào những căn hầm trú ẩn xung quanh Cung điện Hoàng gia ở Tokyo. Nhật và Mỹ đã có những nỗ lực ngoại giao ở phút cuối cùng nhằm ngăn chặn tình trạng đối đầu.
Với một vài ủng hộ từ Bộ Hải quân, Hoàng tử Konoye, thủ tướng chính phủ, đã đề xuất một cuộc họp cấp cao với Roosevelt. Có lẽ ông sẽ trực tiếp nói yêu cầu với Tổng thống Mỹ. Thậm chí, Konoye sẵn sàng cố gắng phá vỡ liên minh giữa trục Berlin-Roma-Tokyo với Hitler để đạt thỏa thuận không chính thức với Mỹ. Các quan chức hoàng gia tán thành ý kiến của Konoye. Koichi Kido, người thân tín nhất của Nhật hoàng đã nói riêng với Thủ tướng: "Toàn bộ những gì mà Nhật Bản đang phải đối mặt liên quan đến một vấn đề rất đơn giản, đó là dầu mỏ". Ông cũng nói thêm: "Nhật Bản không thể tham gia vào một cuộc chiến tranh mà người Mỹ cầm chắc phần thắng".
Bản thân Hoàng đế nói với Hoàng tử Konoye: "Cha đã nhận được tin tức tình báo của hải quân liên quan đến lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ hoàn toàn của Mỹ nhằm gây bất lợi cho Nhật. Về vấn đề này, cuộc gặp với Tổng thống Mỹ nên diễn ra càng sớm càng tốt". Konoye gợi ý rằng Roossevelt và ông nên gặp nhau ở Honolulu. Tổng thống Mỹ thoạt đầu rất quan tâm đến ý tưởng này. Trên thực tế, có đủ lý do cho thấy ông và Konoye có thể gặp nhau ở Juneau, Alaska, thay vì Honolulu. Nhưng Hull và Bộ Ngoại giao kịch liệt phản đối việc này trong quan điểm ngoại giao. Người Mỹ không hiểu đây là canh bạc cuối cùng của Konoye để tránh tai họa, và họ cũng không có bất cứ lý do nào để tin Nhật. Họ cũng không nghĩ rằng Konoye có thể đề xuất điều gì mới. Hơn nữa, Roosevelt không muốn mạo hiểm nhượng bộ, ông không muốn "Juneau" sánh ngang với "Munich". Cuộc gặp với Konoye không phục vụ mục tiêu tốt đẹp nào nếu không có một thỏa thuận phù hợp được dàn xếp. Roosevelt cũng nắm được mật mã của Nhật, trong đó chỉ ra rằng Nhật có ý định tiếp tục tiến hành xâm lược. Vì vậy, vào thời điểm này, Roosevelt không đồng ý nhưng cũng không phản đối một cuộc họp như vậy.
"Giảm sút từng ngày"
Ở Tokyo, ngày 5 và 6 tháng 9, hầu hết các quan chức cấp cao của Nhật đã gặp Hoàng đế và được phép đặt câu hỏi chính thức để nắm được tình hình chiến tranh, thậm chí trong khi các chính sách ngoại giao vẫn chưa được lựa chọn. Một lần nữa, con đường tiếp cận dầu mỏ là mối quan tâm lớn nhất của họ. "Hiện tại, dầu là điểm yếu trong sức mạnh quốc gia của đế chế Nhật và sức mạnh chiến tranh", các tài liệu tóm tắt của họ cho biết. "Theo thời gian, khả năng tiến hành chiến tranh của chúng ta sẽ suy giảm, và đế chế của chúng ta sẽ không có sức mạnh quân sự". Thời gian đã hết, và các nhà quân sự lặp lại với Hoàng đế như vậy. Tư lệnh Hải quân nói: "Nguồn cung cấp thiết yếu cho quân sự, trong đó có dầu đang giảm sút từng ngày". Cuộc chiến Nhật - Mỹ nếu xảy ra sẽ kéo dài bao lâu? Hoàng đế hỏi Tư lệnh Hải quân. "Các chiến dịch ở Nam Thái Bình Dương có thể hoàn tất trong khoảng 3 tháng", vị tổng chỉ huy trả lời. "Vị tướng từng là Bộ trưởng Chiến tranh vào thời điểm xảy ra cuộc xung đột ở Trung Quốc đã báo cáo với ta rằng cuộc xung đột sẽ kết thúc trong khoảng một tháng", Hoàng đế đột ngột đáp lại. "Bất chấp sự bảo đảm của ông ta, sau bốn năm ròng rã chiến đấu cuộc xung đột vẫn chưa kết thúc". Viên tướng này cố gắng giải thích: "Vùng nội địa rộng lớn của Trung Quốc đã ngăn cản việc hoàn tất các hoạt động theo kế hoạch đã định". Hoàng đế cao giọng đáp: "Nếu vùng nội địa của Trung Quốc mà còn chưa hoàn tất thì Thái Bình Dương sẽ không bao giờ kết thúc. Làm thế nào để trẫm có thể tin chắc chắn về kết quả tính toán ba tháng của ông?" Viên tư lệnh cúi đầu không trả lời. Tư lệnh Hải quân, Đô đốc Nagano nhảy vào trợ giúp. Ông nói: "Nhật Bản giống như một bệnh nhân đang phải trải qua một căn bệnh trầm trọng. Phải đưa ra một quyết định nhanh bằng cách này hay cách khác". Hoàng đế cố gắng xác định liệu các cố vấn cấp cao sẽ ủng hộ chính sách ngoại giao hay ủng hộ chiến tranh. Ông không có câu trả lời rõ ràng. Ngày hôm sau, khi câu hỏi tương tự một lần nữa được đưa ra, các vị tướng lĩnh quân đội và hải quân vẫn im lặng. Hoàng đế rất tiếc vì ông chưa tìm được câu trả lời phù hợp. Sau đó, ông rút một mảnh giấy ra khỏi áo khoác và đọc một bài thơ của Hoàng đế Minh Trị:
Nếu trên thế giới tất cả đều là anh em
Thì tại sao luôn xảy ra bạo loạn?
Đại sảnh lặng im. "Tất cả mọi người có mặt đều sợ hãi". Đô đốc Nagano đứng dậy nói rằng lực lượng quân sự chỉ được sử dụng khi tất cả các biện pháp khác thất bại. Cuộc họp chấm dứt "trong bầu không khí căng thẳng". Thời tiết của mùa đông sắp tới khiến khoảng thời gian còn lại càng rút ngắn. Nếu hành động quân sự nhằm tạo ra những thay đổi trước mùa xuân năm 1942, thì hành động quân sự này sẽ phải được tiến hành từ đầu tháng 12. Tuy nhiên, Hoàng tử Konoye vẫn hy vọng tìm được một giải pháp không cần đến chiến tranh.
Sau cuộc họp với Hoàng đế ngày 6 tháng 9, Nội các Nhật tiếp tục với câu hỏi liệu việc sản xuất xăng dầu nhân tạo có thể tăng nhanh và mạnh không. Konoye nói, tốt hơn hết cần chi một khoản tiền lớn cho chương trình này, hơn là chi tiêu cho chiến tranh với tất cả những khả năng không chắc chắn của nó. Nhưng chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nói rằng đó sẽ là một nhiệm vụ lớn, cần mất tới bốn năm, cần nhiều tiền và một khối lượng lớn thép, đường ống dẫn và máy móc. Cần rất nhiều kỹ sư và hơn 400.000 công nhân mỏ than. Vì vậy, đề xuất của Konoye đã bị gạt sang một bên.
Cuối tháng 9, bốn người đàn ông được trang bị dao găm và kiếm ngắn đã xuất hiện trước ôtô của Konoye nhằm ám sát ông. Họ bị tiêu diệt ngay, nhưng thủ tướng hết sức bàng hoàng. Ngày 2 tháng 10, Mỹ chính thức từ chối cuộc gặp giữa Konoye và Roosevelt. Chẳng bao lâu sau, do không thể tìm được giải pháp tránh cuộc chiến tranh, Konoye từ chức. Người thay thế ông giữ chức thủ tướng ngày 18 tháng 10 là Hideki Tojo, Bộ trưởng Chiến tranh hiếu chiến, người khăng khăng cho rằng chính sách ngoại giao không phục vụ mục đích hữu ích nào và phản đối thỏa hiệp với Mỹ.
Trở lại Washington, Đại sứ Nomura cố gắng trong vô vọng khi tự mô tả ông là "mảnh xương khô". Trước tình hình ngoại giao bế tắc, bản thân Roosevelt do bị lôi cuốn bởi thuyết định mệnh đã bắt giữ nhiều người ở cả Tokyo và Washington. Tuy nhiên, ông biện hộ với Nomura rằng, giữa hai quốc gia của họ, đó không phải là "những lời vĩnh biệt". Hai tàu chở dầu của Nhật tiếp tục đậu tại cảng gần Los Angeles từ giữa mùa Hè, chờ lấy dầu theo hợp đồng. Đầu tháng 11, cuối cùng hai chiếc tàu này đã nhổ neo và rời bờ mà không hề có dầu. Giờ đây, không ai có thể nghi ngờ lệnh cấm vận dầu mỏ. Khi mùa đông sắp đến ở Tokyo, các cơ quan chính quyền của Nhật đã trả đũa bằng cách cắt giảm toàn bộ cung dầu làm chất đốt tới các đại sứ quán ở Mỹ và Anh. Trong suốt tháng 10 và bước sang tháng 11, bộ tư lệnh tối cao của quân đội Nhật và các chính khách, thường nhóm họp tại một căn phòng nhỏ ở Cung điện Hoàng gia, tiếp tục thảo luận về cam kết cuối cùng đối với chiến tranh.
Ngoại trưởng Mỹ Cordell Hull và Đô đốc Nomura |
Lại một lần nữa, cuộc thảo luận quay trở về vấn đề dầu mỏ. Nhập khẩu dầu mỏ của Nhật giảm mạnh năm 1941. Hàng tồn kho cũng giảm. "Từ những sổ sách hiện có, rõ ràng vấn đề dầu mỏ theo thời gian xoay quanh bàn đàm phán như một trò ma quái", một sử gia sau này đã viết. "Một quyết định ủng hộ chiến tranh được coi là biện pháp tốt nhất để xua đuổi nó".
Ngày 5 tháng 11, Hội nghị Hoàng gia của các nhà lãnh đạo cấp cao được triệu tập trước ngai vàng của Hoàng đế. Bản thân Hoàng đế vẫn im lặng. Thủ tướng Tojo tóm tắt phần lớn các luận điểm. Ông nói: "Từ đầu Mỹ đã tin rằng Nhật Bản sẽ đầu hàng do áp lực kinh tế, nhưng không phải vậy. Nếu chúng ta tham gia vào một cuộc chiến kéo dài thì sẽ gặp nhiều khó khăn. Chúng ta lo ngại về một cuộc chiến kéo dài. Nhưng làm sao chúng ta có thể để Mỹ tiếp tục làm điều họ muốn, mặc dù có một chút lo lắng? Sau hai năm tính từ bây giờ, chúng ta sẽ không có dầu để sử dụng cho quân sự. Tàu thuyền sẽ không thể di chuyển. Khi tôi nghĩ về việc tăng cường hoạt động phòng thủ của Mỹ ở Tây Nam Thái Bình Dương, sự mở rộng của hạm đội Mỹ, cuộc xung đột ở Trung Quốc vẫn chưa kết thúc, v.v…, tôi có thể thấy vô vàn những khó khăn… Tôi lo ngại rằng chúng ta có thể trở thành một quốc gia thuộc thế giới thứ ba chỉ sau hai hoặc ba năm nữa nếu chúng ta ngồi yên". Tojo đề xuất trước hội nghị việc thể hiện những yêu cầu cuối cùng với Mỹ. Nếu họ từ chối, Nhật Bản sẽ đi đến chiến tranh. "Các ông có bình luận gì khác không?" Tojo hỏi những người tham dự cuộc họp.
Không ai phản đối, hoàng đế tán thành đề xuất này. Một nhà ngoại giao của Nhật sang Washington trong tuần thứ ba của tháng 11 để đưa ra danh sách các yêu cầu. Đối với Bộ trưởng Ngoại giao Hull, đây giống như một tối hậu thư. Cũng trong tuần đó, có một thứ nữa từ Nhật đến Washington trong tuần đó: bức điện bị giải mã ngày 22 tháng 11, thông báo với Nomura rằng họ đã nhận được sự đồng ý của Mỹ đối với những đề xuất mới nhất của Tokyo ngày 29 tháng 11 vào thời điểm muộn nhất, vì "những lý do mà ông không dự đoán được". Vì "sau đó, mọi việc sẽ tự động diễn ra".
Ngày 25 tháng 11, Roosevelt cảnh báo các cố vấn quân sự cấp cao của ông rằng chiến tranh có thể đến rất sớm, thậm chí chỉ trong một tuần. Ngày hôm sau, Hull đưa ra một thông báo với người Nhật, đề nghị quân đội Nhật rút lui khỏi Đông Dương và Trung Quốc, đổi lại, Mỹ sẽ nối lại quan hệ thương mại với Nhật Bản. Tokyo quyết định coi đề nghị này như một tối hậu thư của Mỹ. Cùng ngày hôm đó, ngày 26 tháng 11, một hạm đội của Nhật tập hợp ở quần đảo Kurile được lệnh xuất phát.
Điểm đến của họ là Hawaii. Trong khi người Mỹ không hay biết gì về hạm đội đó, Bộ trưởng Chiến tranh mang đến cho Roosevelt một báo cáo tin tức tình báo cho biết một lực lượng viễn chinh lớn đang di chuyển về phía nam từ Thượng Hải đến Đông Nam Á. Stimson bình luận: "Việc này đã làm thay đổi toàn bộ tình hình bởi đó là bằng chứng cho thấy ý đồ không tốt với một vùng đất của người Nhật". Với việc này, Mỹ đã đưa ra câu trả lời cuối cùng đối với câu hỏi mà ông đặt ra trong bài viết của mình gần hai mươi năm trước đây. Nhật Bản không đáng tin cậy. Ngày hôm sau, ngày 27 tháng 11, Hull nói với Stimson rằng ông đã hoàn toàn từ bỏ những cuộc đàm phán với Nhật Bản.
Cùng ngày hôm đó, Washington gửi "thông báo cuối cùng" tới các sĩ quan chỉ huy của Mỹ ở Thái Bình Dương, trong đó có Đô đốc Husband Kimmel, sĩ quan chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương đóng tại Hawaii. Thông điệp đầu tiên cho Kimmel: "Bản thông cáo này được coi là lời khuyến cáo về chiến tranh". Với kết cục này, có những người ở Tokyo không nhìn thấy gì ngoài thảm họa phía trước. Ngày 29 tháng 11, các chính khách cấp cao gặp Nội các chính phủ và Hoàng đế để bào chữa rằng Nhật Bản đã tìm được một số giải pháp về ngoại giao như một cách thay thế chứ không phải chấp nhận sức mạnh của Mỹ. Để đáp lại, Thủ tướng Tojo bắt bẻ lại rằng việc tiếp tục các quan hệ kinh tế đã rạn vỡ đồng nghĩa với sự suy yếu ngày càng tăng của Nhật. Các nhà lãnh đạo của Nhật, trong tất cả các nghiên cứu và những cuộc thảo luận đã nhận ra rằng một cuộc chiến kéo dài sẽ ngày càng ủng hộ Mỹ do nguồn lực, khả năng và sự chịu đựng của nước này, song các nhà quân phiệt đã bàng hoàng khi cam kết về chiến tranh đã gạt những vấn đề đang được quan tâm sang một bên. Chiến tranh đang được đẩy nhanh.
Trân Châu Cảng
Ngày 1 tháng 12, một lực lượng đặc nhiệm của Nhật, vẫn không được phát hiện, đã vượt qua hải phận quốc tế. Viên sĩ quan chỉ huy một trong những con tàu của Nhật viết trong nhật ký ngày 2 tháng 12: "Mọi việc đã được quyết định". Tokyo ra lệnh cho các đại sứ quán và lãnh sự quán phá hủy mọi mật mã. Một sĩ quan Mỹ được phái đến trinh sát đại sứ quán Nhật ở Washington nhận thấy ở đây đang đốt hết mọi giấy tờ. Thứ bảy, ngày 6 tháng 12, Roosevelt quyết định gửi một bức thư cá nhân trực tiếp tới Nhật hoàng tìm cách xua đuổi "những đám mây đen" đang kéo đến như một điềm báo. 9 giờ tối hôm đó, thông điệp mới đến nơi. Ngay sau khi gửi, Roosevelt nói với vài vị khách, "Người con của nhân dân đã gửi thông điệp cuối cùng cho người con của Trời – Thiên tử". 12 giờ 30 phút chiều ngày 7 tháng 12, theo giờ Washington, Roosevelt đón tiếp đại sứ Trung Quốc. Tổng thống nói ông chờ đợi "sự kiện sai trái" ở châu Á. Ông nói thêm, ông có cảm giác rằng người Nhật có thể làm điều gì đó "xấu xa" chỉ trong 48 giờ. Một giờ chiều, giờ Washington, ông vẫn ngồi trò chuyện với đại sứ Trung Quốc. Chính trong khoảnh khắc đó, lúc 3 giờ sáng ngày 8 tháng 12, ở Tokyo, thông điệp của Roosevelt cuối cùng đã được chuyển tới Hoàng đế.
Ở giữa Thái Bình Dương, đầu giờ sáng ngày 7 tháng 12, hạm đội của Nhật đang tiến vào quần đảo Hawaii. Trên đỉnh tàu đô đốc là lá cờ đã từng bay phấp phới trên chiếc tàu chiến của Nhật năm 1905, khi hạm đội này đánh bại hải quân Nga ở eo biển Tsushima. Những chiếc máy bay đang rời khỏi sàn tàu của các tàu sân bay. Các phi công được lệnh tàn phá khả năng của Mỹ để nước Mỹ không thể gây nguy hại cho người Nhật. Bom bắt đầu dội vào các hạm đội của Mỹ tại Trân Châu Cảng lúc 7 giờ 55 sáng, theo giờ Hawaii. Một giờ sau khi cuộc tấn công nổ ra trên cảng Hawaii, đại sứ Nomura đến Bộ Ngoại giao Mỹ. Khi họ đang ở phòng chờ thì Hull nhận một cuộc gọi khẩn cấp của tổng thống. "Có một báo cáo nêu rõ Nhật đã tấn công Trân Châu Cảng", Roosevelt nói với một giọng đều đều nhưng mạnh mẽ. "Báo cáo này đã được xác nhận chưa?", Hull hỏi. "Chưa", tổng thống trả lời. Nhưng cả hai người nghĩ rằng báo cáo này chính xác. Tuy nhiên, Hull vẫn hy vọng một phần trăm khả năng là không có việc đó. Nomura là người biết cuộc tấn công này từ tin tức trên radio, lúng túng trao cho Bộ Ngoại giao Mỹ một văn bản dài. Hull yêu cầu Tokyo giải thích hành động này. Ông không thể kiểm soát cơn giận dữ của mình: "Trong toàn bộ 50 năm phục vụ đất nước, tôi chưa bao giờ thấy một tài liệu đầy sai sót và bóp méo sự thật như vậy". Nhiều tháng đàm phán riêng với Nomura trong căn hộ của ông nhằm mục đích gì? Viên đại sứ Nhật cũng không bình luận thêm. Cuộc gặp chấm dứt, nhưng không ai muốn mở cửa cho họ, vì bây giờ họ là kẻ thù.
Cả ngày hôm đó, các báo cáo từ Trân Châu Cảng gửi đến Washington − rời rạc, chắp vá và cuối cùng, thật buồn thảm. Stimson viết trong nhật ký của mình: "Những tin tức đến từ Hawaii rất xấu. Thật kinh ngạc khi nhìn thấy nhân dân của chúng ta ở đó, những người đã được cảnh báo từ rất lâu, bị tấn công bất ngờ". Một thảm họa như vậy có thể xảy ra như thế nào? Các quan chức cấp cao của Mỹ dự tính đầy đủ về một cuộc tấn công sắp diễn ra của Nhật. Nhưng họ dự tính cuộc chiến sẽ diễn ra ở Đông Nam Á. Hầu như không có ai, dù ở Washington hay Hawaii, xem xét nghiêm túc, hay thậm chí nhận thức được rằng Nhật Bản có thể, hay sẽ đi đến một cuộc tấn công bất ngờ chống lại hạm đội của Mỹ tại căn cứ ở lãnh thổ nước Mỹ. Như Tướng Marshall nói với Tổng thống Roosevelt tháng 5 năm 1941, người Mỹ tin rằng hòn đảo Oahu, nơi có Trân Châu Cảng là "pháo đài hùng mạnh nhất trên thế giới". Hầu hết các quan chức Mỹ dường như đã quên, hay không bao giờ biết rằng chiến thắng vĩ đại của Nhật trong cuộc chiến Nga - Nhật bắt đầu bằng một cuộc tấn công bất ngờ vào hạm đội Nga tại cảng Arthur. Về cơ bản, hai bên đều đánh giá thấp về nhau. Người Nhật không nghĩ rằng Mỹ có khả năng về mặt kỹ thuật để có thể giải hầu hết các mật mã, còn người Mỹ không thể tưởng tượng được rằng Nhật sẽ có thể thực hiện một hoạt động quá phức tạp và khó khăn như vậy. Thực vậy, hậu quả trực tiếp là một số cố vấn cấp cao của Roosevelt tin rằng người Đức đã dàn xếp một cuộc tấn công vì nghĩ Nhật Bản không thể hành động một mình. Và mỗi bên đều hiểu sai tâm lý của bên kia. Người Mỹ không thể tin rằng Nhật dám thực hiện một hành động liều lĩnh nhưng họ đã nhầm. Còn người Nhật, về phần mình, đã đặt hy vọng vào việc tấn công Trân Châu Cảng sẽ đánh bại tinh thần của người Mỹ, nhưng thay vào đó, cuộc tấn công chỉ làm nhân dân Mỹ hùng mạnh hơn. Đó là một sai lầm lớn hơn nhiều.
Sau sự kiện đó, tất nhiên, những ý định của người Nhật được thể hiện rõ trong hàng loạt thông tin, trong đó có nguồn thông tin bí mật mà Chính phủ Mỹ có được nhờ giải mã mật mã của Nhật. Nhưng trong những tháng căng thẳng dẫn đến cuộc tấn công, các tín hiệu rõ ràng đã bị bỏ quên, một mê cung với những mẩu tin phức tạp, lộn xộn, mâu thuẫn và mơ hồ. Rốt cuộc, cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy Nhật Bản sẽ tấn công Liên Xô. Tin tức tình báo của Mỹ đôi khi rất lộn xộn. Đó là một nguyên nhân dẫn đến thất bại. Sự sụp đổ của hệ thống liên lạc quan trọng trong số những phương tiện chủ chốt của Mỹ có thể là nguyên nhân quan trọng thứ hai trong tấn thảm kịch ở Trân Châu Cảng.
May bay Nhật Bản tấn công Trân Châu cảng |
Một sai lầm
Sự chờ đợi đã qua. Nhật Bản và Mỹ hiện trong tình trạng chiến tranh. Nhưng Trân Châu Cảng không phải là mục tiêu chính của Nhật. Hawaii là một phần của cuộc tấn công quân sự ồ ạt, toàn diện. Trong những giờ phút diễn ra cuộc tấn công nhằm vào hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, người Nhật đồng thời cũng ném bom và phong tỏa Hồng Kông, ném bom Singapore, Philippines, oanh tạc các hòn đảo Wake và Guam, tiếp quản Thái Lan, xâm lược Malaya trên đường đến Singapore, và chuẩn bị xâm chiếm Đông Ấn. Cuộc tấn công Trân Châu Cảng đồng nghĩa với việc bảo vệ cuộc xâm lược của Nhật vào Ấn Độ và Đông Nam Á bằng cách vô hiệu hóa hạm đội của Mỹ và sau đó bảo vệ những con đường trên biển, đặc biệt là những con đường chở dầu từ Sumatra và Borneo tới các hòn đảo Nhật Bản. Mục tiêu chủ yếu của chiến dịch khổng lồ này vẫn là những mỏ dầu của Đông Ấn. Do đó, chiến dịch ở Hawaii giữ vai trò then chốt trong viễn cảnh rộng lớn hơn của Nhật. Và một nhân tố quyết định sự thành công của Nhật, đó là vận may đã đồng hành với những người tấn công đến tận giây phút cuối cùng. Mức độ ngạc nhiên và sự thiếu khả năng phòng thủ của Mỹ ở Trân Châu Cảng lớn hơn rất nhiều so với những gì người Nhật dự tính.
Trong cuộc tấn công của Nhật nhằm vào Trân Châu Cảng, hai đợt máy bay ném bom của Nhật thành công trong việc nhấn chìm, đánh úp và phá hủy nghiêm trọng 8 chiến hạm, ba tàu tuần dương, ba tàu khu trục và bốn tàu hộ tống. Hàng trăm máy bay của Mỹ đã bị phá hủy, 2.335 quân nhân Mỹ và 68 thường dân đã bị thiệt mạng. Có lẽ tất cả những điều này làm nên cú sốc có sức hủy hoại lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Các tàu sân bay của Mỹ vẫn tồn tại chỉ bởi vì chúng may mắn không đậu trong vịnh. Người Nhật chỉ thiệt hại tổng cộng 29 máy bay. Canh bạc của Đô đốc Yamamoto đã thành công mỹ mãn. Bản thân Yamamoto đang ở cách xa nước Nhật hàng nghìn dặm, theo dõi các sự kiện từ tàu đô đốc của ông. Tham mưu trưởng chiến dịch Hawaii, Chuichi Nagumo là một người thận trọng hơn nhiều. Thực vậy, ông thật sự đã phản đối toàn bộ hoạt động.
Bất chấp sự van nài của những sĩ quan Nhật táo bạo và sự chán nản của họ, ông không muốn có thêm đợt công kích thứ ba ở Hawaii, nhằm tấn công các phương tiện sửa chữa và các tàu chở dầu ở Trân Châu Cảng. Ông đã quá may mắn đến mức không muốn mạo hiểm thêm. Nhờ vậy, cùng với các tàu sân bay còn lại, đó là chút may mắn duy nhất của Mỹ trong ngày hủy diệt đó. Trong quá trình lập kế hoạch hoạt động, Đô đốc Yamamoto nhận thấy sai lầm lớn trong cuộc tấn công bất ngờ của Nhật chống lại Nga tại cảng Arthur năm 1904 là không đủ "triệt để". Sai lầm này một lần nữa lặp lại tại Trân Châu Cảng. Dầu mỏ là yếu tố trọng tâm để Nhật Bản quyết định đi đến chiến tranh. Tuy nhiên, người Nhật đã quên mất dầu mỏ, ít nhất xét về một khía cạnh quan trọng, khi lập kế hoạch cho Chiến dịch Hawaii. Yamamoto và các cộng sự, những người đã luôn xem xét ưu thế về dầu của Mỹ, đều không thể hiểu hết ý nghĩa của các nguồn cung dầu trên đảo Oahu. Một cuộc tấn công nhằm vào các nguồn cung này không được tính đến trong các kế hoạch của họ. Đó là sai lầm chiến lược để lại những hậu quả khôn lường. Mỗi thùng dầu ở Hawaii đều được vận chuyển từ đại lục nước Mỹ. Nếu các máy bay của Nhật phá hủy nguồn dự trữ nhiên liệu của Hạm đội Thái Bình Dương và những thùng dầu dự trữ tại Trân Châu Cảng, họ hẳn đã chấm dứt hoạt động của mọi con tàu trong Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Nguồn cung dầu mới chỉ sẵn có ở California, cách xa hàng nghìn dặm. Đô đốc Chester Nimitz, Tổng Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương sau này nói: "Toàn bộ dầu của hạm đội này đang nằm trong các thùng chứa dầu lộ thiên vào thời gian diễn ra sự kiện Trân Châu Cảng. Chúng ta có khoảng 4,5 triệu thùng dầu ở đó và tất cả có thể dễ dàng bị phá hủy chỉ bởi những viên đạn súng máy". Ông nói thêm: "Nếu người Nhật phá hủy được kho dầu này có lẽ chiến tranh sẽ kéo dài hai năm nữa".
(Còn tiếp)
Nam Hà (giới thiệu)