Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 11)
(PetroTimes) - Trong công hàm ngoại giao ngày 28 tháng 6 năm 1914, Grand Vizer đã hứa hẹn rằng vùng đất Mesopotamia sẽ chính thức được chuyển nhượng cho Công ty dầu mỏ Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang được tái thiết.
CHƯƠNG 10: MỞ CÁNH CỬA TRUNG ĐÔNG: CÔNG TY DẦU MỎ THỔ NHĨ KỲ
Mười ngày sau khi Curzon và Bérenger nâng cốc chúc mừng "huyết mạch của chiến thắng", Thủ tướng Pháp Georges Clemenceau đã đến London thăm Thủ tướng Anh David Lloyd George. Tiếng súng đã im trong ba tuần, và những vấn đề của thế giới chiến tranh không thể bị trì hoãn. Những vấn đề quan trọng và không thể né tránh – làm thế nào để xây dựng hòa bình và tái cơ cấu một thế giới đang hỗn loạn. Sau chiến tranh, dầu mỏ có mối liên hệ chặt chẽ với chính trị. Và chủ đề này xuất hiện rất nhiều lần trong tâm trí của Clemenceau và Lloyd khi họ lái xe qua những đám đông đang reo hò trên các đường phố London.
Nước Anh muốn khẳng định ảnh hưởng của mình đối với vùng đất Mesopotamia, các tỉnh của Đế chế Ottoman (Iraq ngày nay) của Thổ Nhĩ Kỳ mà hiện không còn tồn tại. Khu vực này được xem là có triển vọng dầu mỏ lớn. Nhưng Pháp đã ra yêu sách đối với một phần của khu vực Mosul, phía tây bắc Baghdad. Cụ thể là, Anh muốn gì? Đó là câu hỏi Clemenceau đặt ra khi hai người tới sứ quán Pháp. Lloyd George hỏi lại, liệu Pháp có từ bỏ yêu sách của mình đối với Mosul nhằm đổi lấy sự thừa nhận của Anh về quyền kiểm soát của Pháp đối với nước láng giềng Syria?
Clemenceau trả lời, Pháp sẽ từ bỏ yêu sách của mình miễn là được nhận một phần sản lượng dầu của Mosul. Lloyd George chấp nhận đề nghị này. Không vị thủ tướng nào bận tâm đến việc thông báo điều này với bộ trưởng ngoại giao của mình. Thực tế, thỏa thuận miệng thông thường của họ hoàn toàn không giải quyết được vấn đề này. Đó là sự bắt đầu một cuộc chiến mới vì những nguồn dầu mỏ ở Trung Đông và trên khắp thế giới. Nó sẽ khiến người Pháp chống lại người Anh, nhưng nó cũng sẽ lôi kéo người Mỹ.
Cuộc cạnh tranh vì những vùng đất dầu mỏ mới không chỉ là một cuộc chiến giữa các nhà thầu chấp nhận rủi ro và những người kinh doanh năng nổ. Cuộc đại chiến đã chứng minh rằng dầu mỏ trở thành một phần quan trọng trong chiến lược của các quốc gia. Giờ đây các chính trị gia và các quan chức cũng bị lôi cuốn vào cuộc cạnh tranh, bởi họ nhận thức được rằng thế giới sau chiến tranh sẽ cần khối lượng dầu mỏ lớn chưa từng có vì sự thịnh vượng kinh tế và sức mạnh của mỗi quốc gia. Cuộc chiến này tập trung vào một khu vực cụ thể − Mesopotamia. Trong một thập kỷ trước chiến tranh, Mesopotamia là mục tiêu của những cuộc tranh giành ngoại giao và thương mại phức tạp về quyền sở hữu dầu mỏ, bị các báo cáo lạc quan về tiềm năng dầu của vùng này kích động. Đế quốc Thổ suy thoái và nợ nần chồng chất đang háo hức tìm những cách thức mới để tạo thêm nguồn thu cũng góp phần kích động cuộc chiến này.
Trong những năm trước chiến tranh, một tập đoàn của Đức, do Ngân hàng Trung ương Đức dẫn đầu, tham gia cuộc chơi nhằm tăng ảnh hưởng và thực hiện tham vọng của Đức ở Trung Đông. Chống lại nó là một tập đoàn cạnh tranh khác, do William Knox D’Arcy tài trợ và cuối cùng được sáp nhập thành Công ty dầu mỏ Anh - Ba Tư. Công ty này chiến thắng vì Chính phủ Anh đang muốn trở thành đối trọng với nước Đức. Sau đó, năm 1912, Chính phủ Anh được cảnh báo khi phát hiện một tổ chức mới tham gia cuộc chơi ‒ Công ty dầu mỏ Thổ Nhĩ Kỳ. Công ty cổ phần Ngân hàng Đức và Royal Dutch/Shell đều nắm giữ 25% công ty mới này, còn lại là 50% do Ngân hàng quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ nắm giữ.
Thực tế, đây là một ngân hàng do người Anh kiểm soát được đặt ở Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thúc đẩy những lợi ích kinh tế và chính trị của Anh. Nhưng có thêm một người tham gia, một triệu phú Armenia, một người được ngưỡng mộ như "Talleyrand trong chính sách ngoại giao về dầu" và bị những người khác khinh miệt − Calouste Gullbenkian. Gullbenkian là người đã kết hợp toàn bộ các giao dịch của Công ty dầu mỏ Thổ Nhĩ Kỳ. Khi xem xét kỹ hơn, hóa ra ông là chủ nhân ngầm của 30% Ngân hàng quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, nên ông trở thành người sở hữu 15% Công ty dầu mỏ Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngài Năm phần trăm
Calouste Gulbenkian là thế hệ thứ hai trong gia đình tham gia kinh doanh dầu mỏ. Ông là con trai của nhà kinh doanh dầu mỏ và chủ ngân hàng Armenia giàu có, người tạo dựng gia tài nhờ nhập khẩu dầu lửa thời Đế chế Ottoman, và là người được vua Thổ Nhĩ Kỳ trao quyền cai trị cảng Biển Đen. Gia đình ông sống ở Constantinople, nơi diễn ra vụ mua bán đầu tiên của Calouste. Khi 7 tuổi, ông đã mang một đồng bạc Thổ Nhĩ Kỳ tới chợ, không phải để mua kẹo như những đứa trẻ khác, mà để đổi lấy một đồng tiền cổ. (Sau này, ông đã sở hữu những bộ sưu tập tiền vàng lớn thế giới, và ông đặc biệt hứng thú với việc sở hữu bộ sưu tập tiền vàng Hy Lạp tuyệt vời của J. P. Morgan).
Thời trẻ, Calouste thường dành thời gian sau giờ học để vào chợ, quan sát các giao dịch và đôi khi tự tiến hành những giao dịch nhỏ, học hỏi nghệ thuật đàm phán của phương Đông. Ông học tiếng Pháp trong trường trung học ở Marseilles, sau đó, được gửi đến trường King’s College ở London nghiên cứu kỹ thuật khai mỏ và viết luận văn về công nghệ của ngành dầu mỏ. Ông tốt nghiệp năm 1887, ở tuổi 19, với tấm bằng kỹ sư hạng nhất. Một giáo sư ở trường King cho rằng cậu sinh viên trẻ xuất sắc người Armenia này nên đến Pháp nghiên cứu vật lý, nhưng cha ông bác bỏ ý kiến đó. Ông nói, một ý nghĩ như vậy là "điều phi lý về mặt học thuật". Thay vào đó, cha ông đã gửi Calouste đến Baku, nơi tạo ra hầu hết tài sản của gia đình.
Người thanh niên trẻ tuổi ngay lập tức bị ngành dầu hấp dẫn. Gulbenkian đã viết một loạt bài báo được nhiều người quan tâm về dầu của Nga đăng trên một tờ tạp chí hàng đầu của Pháp năm 1891 − khiến ông trở thành một chuyên gia dầu mỏ của thế giới vào tuổi 21. Gần như ngay lập tức, hai quan chức của nhà vua Thổ đề nghị ông giải thích về tiềm năng dầu mỏ ở Mesopotamia. Ông chưa từng đến thăm khu vực đó – và không bao giờ đến – nhưng ông đã tổng hợp một báo cáo xuất sắc dựa trên bài viết của những người khác và những cuộc trao đổi với các kỹ sư Đức. Ông nói, khu vực này có tiềm năng dầu rất lớn và các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã bị thuyết phục. Chính ông cũng bị thuyết phục. Và đây là bước khởi đầu của hành trình 60 năm cống hiến cuộc đời cho dầu mỏ Mesopotamia của Calouste.
Ở Constantinople, Gulbenkian đã vài lần thử kinh doanh, song không lần nào đặc biệt thành công. Nhưng ông đã làm chủ được những nghệ thuật trên thị trường − trao đổi và giao dịch, các thủ thuật, tiền làm quà hoặc để giúp cho người nghèo và thu thập thông tin tạo lợi thế cho mình. Ông cũng yêu thích cách làm việc chăm chỉ, phát triển năng lực nhờ tầm nhìn xa, và những kỹ năng đàm phán tuyệt vời của mình. Ông luôn kiểm soát được tình hình. Trong những năm đầu kinh doanh ở Constantinople, ông cũng trau dồi tính kiên nhẫn và bền bỉ. Ông không bao giờ bị lay chuyển.
Calouste Gulbenkian |
Người ta nói: "Ép đá còn dễ hơn ép Gulbenkian". Gulbenkian còn có một phẩm chất khác, ông không bao giờ quá tin vào bất cứ điều gì. Kenneth Clark, nhà phê bình nghệ thuật và giám đốc Triển lãm quốc gia ở London, người giúp Gulbenkian sưu tầm nghệ thuật, nói: "Tôi chưa từng biết ai đa nghi như vậy. Tôi cũng chưa bao giờ gặp người nào cực đoan như vậy. Ông ta luôn có một đội ngũ gián điệp của mình". Trước khi mua một tác phẩm nghệ thuật, ông luôn có hai hoặc ba chuyên gia đánh giá tác phẩm nghệ thuật đó. Khi về già, Gulbenkian bị ám ảnh bởi việc phải sống lâu hơn một người ông đã sống 106 tuổi và cuối cùng ông đã thuê hai nhóm bác sĩ khác nhau để có thể kiểm tra chéo. Có lẽ sự hoài nghi như vậy là một cơ chế sống còn cần thiết đối với một người Armenia đang sống bấp bênh giữa cơ hội và nguy cơ bị bức hại vào những năm cuối Đế chế Ottoman.
Năm 1896, Gulbenkian lên tàu sang Ai Cập. Ông trở thành một tài sản vô giá đối với hai người Armenia hùng mạnh − một triệu phú dầu mỏ ở Baku và Nubar Pasha, người giúp cai trị Ai Cập. Những mối quan hệ này giúp ông mở cánh cửa bước vào cả lĩnh vực dầu mỏ và tài chính quốc tế, và ông trở thành một đại diện kinh doanh dầu mỏ Baku ở London. Một lần ở London, Gulbenkian gặp và kết bạn với anh em nhà Samuel và Henri Deterding. Sau này, Nubar, con trai ông viết rằng Gulbenkian "và Deterding thân thiết với nhau trong hơn 20 năm. Không ai biết… liệu rốt cuộc là Deterding sử dụng cha tôi hay cha tôi sử dụng Deterding. Dù thế nào thì sự kết hợp của họ cũng rất thành công cả về mặt cá nhân cũng như đối với toàn bộ Tập đoàn Royal Dutch/Shell". Gulbenkian đã mang lại cho Shell những vụ làm ăn, đặc biệt là những hoạt động thu lợi và thỏa thuận thu xếp tài chính. Một trong những giao dịch sớm nhất mà ông thực hiện là chuyển giao sự nhượng bộ của Ba Tư cho D’Arcy. Ông và Deterding xem xét sự chuyển giao ban đầu này, do Amernia Kitabgi xúc tiến ở Paris, nhưng đã từ chối.
Sau này, Gulbenkian nói rằng, đó là "một con mèo hoang dã, và dường như nó mang tính đầu cơ đến mức chúng tôi nghĩ đó là vụ kinh doanh của một con bạc". Sau đó, khi buồn rầu nghĩ đến sự phát triển của Anh - Ba Tư, ông nhận xét: "Đừng bao giờ từ bỏ một vụ chuyển nhượng dầu" – đó là một nguyên tắc chỉ đạo trong suốt quãng đời còn lại của ông. Ông áp dụng điều đó, trước tiên, với sự kiên trì, bền bỉ bất chấp nhiều khó khăn ở Mesopotamia, ngay cạnh Ba Tư.
Năm 1907, ông thuyết phục anh em Samuel mở một văn phòng ở Constantinople do ông quản lý. Thời gian này, phong trào chống Armenia đã suy yếu, và ông hết sức bận rộn. Ngoài việc theo đuổi những lợi ích kinh doanh khác, ông còn là cố vấn tài chính cho Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, các sứ quán Thổ ở Paris và London, và là cổ đông lớn của Ngân hàng quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ. Nhờ vậy, ông đã đem những lợi ích mang tính cạnh tranh của Anh và Đức, cũng như Royal Dutch/Shell vào một tổ chức được gọi là Công ty dầu mỏ Thổ Nhĩ Kỳ − một việc mà theo ông, đòi hỏi phải vô cùng khôn khéo và "không hề thú vị chút nào". Kể từ năm 1912, khi Công ty dầu mỏ Thổ Nhĩ Kỳ đi vào hoạt động, Chính phủ Anh nỗ lực thúc đẩy công ty này hợp nhất với Công ty Anh-Ba Tư của D’Arcy và cùng theo đuổi một vụ chuyển nhượng. Cuối cùng, chính phủ hai nước Anh và Đức đã nhất trí một chiến lược thống nhất. Theo "Thỏa thuận của Bộ Ngoại giao" ngày 19 tháng 3 năm 1914, lợi ích của Anh chiếm ưu thế trong tập đoàn hợp nhất. Nhóm Anh - Ba Tư đã nắm 50% cổ phần trong công-xooc-xiom mới, trong khi Công ty cổ phần Ngân hàng Đức và Shell mỗi bên chỉ nắm 25%. Gulbenkian tiếp tục đấu tranh.
Theo thỏa thuận, Công ty Anh-Ba Tư và Shell mỗi bên đã trao "lợi tức" 2,5% trong tổng số cổ phiếu cho người đàn ông Armenia này. Nghĩa là với số cổ phiếu đó ông không có quyền bỏ phiếu, nhưng sẽ được hưởng tất cả những lợi ích tài chính do nắm giữ cổ phiếu. Vì vậy, ông được gọi là Ngài Năm phần trăm, và nhờ đó, ông trở nên rất nổi tiếng. Một thập kỷ tranh giành và xung đột đã đi đến kết thúc. Nhưng các bên ký kết đã tự đặt mình vào một nghĩa vụ rất quan trọng mà nhiều người sẽ bị ám ảnh trong hàng thập kỷ. Họ đều nhất trí với "điều khoản tự bảo vệ": không bên nào được tham gia vào việc sản xuất dầu mỏ ở bất cứ nơi nào thuộc Đế chế Ottoman nếu không thông qua Công ty dầu mỏ Thổ Nhĩ Kỳ. Điều khoản tự bảo vệ không áp dụng tại Ai Cập, Côoét, và "các lãnh thổ chuyển nhượng" ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Ba Tư. Điều khoản đó đã thiết lập nền tảng cho sự phát triển của dầu mỏ ở Trung Đông – và những cố gắng phi thường – trong nhiều năm sau đó.
"Mục tiêu hàng đầu của cuộc chiến tranh"
Trong công hàm ngoại giao ngày 28 tháng 6 năm 1914, Grand Vizer đã hứa hẹn rằng vùng đất Mesopotamia sẽ chính thức được chuyển nhượng cho Công ty dầu mỏ Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang được tái thiết. Thật không may, đó chính là ngày Hoàng tử Áo Franz Ferdinand bị ám sát ở Sarajevo, mở màn cho Chiến tranh thế giới thứ nhất. Sự tính toán thời gian sẽ bỏ lại một câu hỏi lớn không được trả lời: Liệu việc chuyển nhượng có thật sự được chấp nhận, hay chỉ là một lời hứa hẹn? Nhiều người tranh cãi về câu trả lời cho câu hỏi này. Nhưng khi đó, chiến tranh đã đưa đến một kết cục vội vã đối với sự hợp tác Anh - Đức ở Mesopotamia, và rõ ràng cũng đã chôn vùi Công ty dầu mỏ Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng tiềm năng dầu mỏ của vùng đất Mesopotamia không bị lãng quên. Cuối năm 1915 và đầu năm 1916, một quan chức người Anh và một người Pháp đã tìm ra một thỏa hiệp về trật tự sau chiến tranh ở Mesopotamia, được biết đến là Thỏa thuận Sykes-Picot.
Tình cờ, thỏa hiệp này coi Mosul ở phía đông bắc Mesopotamia, một trong những khu vực dầu mỏ hứa hẹn nhiều tiềm năng nhất, thuộc về vùng đất chịu ảnh hưởng của Pháp sau này. "Sự từ bỏ" Mosul này ngay lập tức đã xúc phạm nhiều quan chức trong Chính phủ Anh, và họ đã nỗ lực hủy bỏ thỏa thuận này. Vấn đề trở nên cấp bách hơn vào năm 1917, khi quân đội Anh đánh chiếm Baghdad. Trong bốn thế kỷ, Mesopotamia đã là một phần của Đế chế Ottoman. Đế chế đó từng kéo dài từ Balkans đến Vịnh Ba Tư, đã chấm dứt do chiến tranh. Một loạt các quốc gia thuộc địa và nửa thuộc địa, trong đó có nhiều quốc gia được vẽ tùy tiện trên bản đồ, cuối cùng đã được hình thành ở Trung Đông. Nhưng, hiện tại Anh đã nắm quyền kiểm soát Mesopotamia.
Tình trạng thiếu hụt dầu mỏ trong thời gian chiến tranh năm 1917 và 1918 đã khẳng định sự cần thiết của dầu mỏ đối với những lợi ích của Anh và đưa Mesopotamia trở lại vai trò trung tâm. Triển vọng dầu mỏ trong phạm vi đế chế Anh thật ảm đạm, khiến nguồn cung từ Trung Đông trở nên quan trọng tột bậc. Ngài Maurice Hankey, một nhân vật cực kỳ quyền lực của Nội các Anh, đã viết cho Ngoại trưởng Arthur Balfour rằng: "Trong năm tới, dầu mỏ sẽ thay thế vị trí của than đá trong cuộc chiến tranh hiện nay, hoặc ít nhất sẽ chiếm vị trí song song với than đá. Nguồn tiềm năng dầu lớn duy nhất mà chúng ta có thể có dưới sự kiểm soát của người Anh là nguồn dầu mỏ của Ba Tư và Mesopotamia". Do đó, Hankey nói: "Việc kiểm soát nguồn dầu này trở thành mục tiêu hàng đầu của Anh". Nhưng "chiến thuật ngoại giao công chúng" mới xuất hiện cần phải được xem xét. Đầu năm 1918, nhằm phản đối lời kêu gọi của chủ nghĩa Bolshevik, Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson đã đề xuất "14 điểm" lý tưởng và một lời kêu gọi nổi tiếng về quyền tự quyết của các quốc gia và nhân dân sau chiến tranh.
Ngoại trưởng của ông, Robert Lansing, kinh hoàng trước quan điểm của tổng thống. Lansing tin chắc rằng, lời kêu gọi đó chỉ khiến tăng thêm số người chết trên toàn thế giới. Ông nói: "Một người, vị lãnh tụ trong tư tưởng của công chúng, sẽ thận trọng với những tuyên bố thái quá hay lộn xộn. Ông ta phải chịu trách nhiệm về những hậu quả do lời kêu gọi của mình gây ra. Nhưng Chính phủ Anh, mặc dù không kém phần kinh ngạc vì sự chủ quan thái quá của Wilson, đã xem xét lời kêu gọi nổi tiếng của vị tổng thống này trong quá trình xác định những mục tiêu sau chiến tranh của Anh. Ngoại trưởng Balfour đã lo lắng rằng việc tuyên bố rõ ràng Mesopotamia là một mục tiêu chiến tranh dường như mang nặng tính đế quốc chủ nghĩa đã lỗi thời. Thay vào đó, tháng 8 năm 1918, ông tuyên bố với các thủ tướng của khối các lãnh thổ tự trị trong Liên hiệp Anh rằng Anh phải là "tinh thần chỉ đạo" ở Mesopotamia, vì nơi đây sẽ cung cấp một nguồn tài nguyên thiên nhiên mà đế quốc Anh không có. Ông nói: "Tôi không quan tâm chúng tôi sẽ giữ dầu mỏ bằng hệ thống nào, nhưng tôi biết rõ rằng điều hết sức quan trọng đối với chúng tôi là thứ dầu mỏ này phải luôn sẵn sàng để chúng tôi sử dụng". Để bảo đảm chắc chắn điều này, các lực lượng của Anh ở khu vực Mesopotamia đã chiếm đóng Mosul sau khi ký kết thỏa thuận ngừng bắn với Thổ Nhĩ Kỳ.
Clemenceau và cửa hàng tạp phẩm
Toàn bộ kinh nghiệm trong thời chiến, bắt đầu với đội taxi cứu Paris trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến tranh, đã thuyết phục người Pháp cũng như người Anh rằng việc tiếp cận dầu mỏ hiện nay là một vấn đề chiến lược cần quan tâm. Trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, có thể Georges Clemenceau đã nói: "Khi tôi cần mua dầu, tôi sẽ tìm thấy ở quầy tạp phẩm". Nhưng trong chiến tranh, ông đã thay đổi suy nghĩ này, và khi kết thúc chiến tranh, ông tìm cách giành được dầu mỏ cho nước Pháp, không phải từ quầy bán tạp phẩm, mà − giống như người Anh − từ Trung Đông. Ngày 1 tháng 12 năm 1918, Clemenceau và Lloyd George lái xe qua những đám đông ở London, và bề ngoài đã từ bỏ yêu sách của Pháp đối với Mosul. Nhưng đổi lại, Clemenceau giành được không chỉ sự ủng hộ đối với quyền ủy trị của Pháp ở Syria, mà còn được bảo đảm rằng Pháp sẽ nhận được một phần dầu tìm thấy ở Mosul do người Anh kiểm soát.
Thật ra, việc trao đổi ở London giữa hai vị thủ tướng không giải quyết được điều gì mà chỉ khởi đầu cho một loạt những cuộc đàm phán dai dẳng, gay gắt và tố cáo lẫn nhau giữa hai Chính phủ Anh và Pháp. Mùa xuân năm 1919, trong suốt Hội nghị Hòa bình ở Paris, tại một cuộc họp của ba ông lớn Mỹ, Anh và Pháp về vấn đề Syria và dầu mỏ, Clemenceau và Lloyd George đã không tán thành những điều đã được "nhất trí" tại London và nhiều lần buộc tội lẫn nhau về sự thiếu lòng tin. Vụ thảo luận biến thành một "cuộc tranh cãi lớn nhất", may nhờ Woodrow Wilson hòa giải, nếu không đã trở thành một cuộc xung đột thật sự. Vấn đề này vẫn còn chưa được giải quyết và là một điểm gai góc của cuộc tranh luận, và cuối cùng, Hội đồng tối cao của các nước Đồng minh đã họp vào tháng 4 năm 1920 − nhưng không có Mỹ tham gia, nhằm giải quyết những bất đồng chủ yếu, trong đó có vấn đề dầu mỏ và Trung Đông. Lloyd George và thủ tướng mới của Pháp là Alexandre Millerand đã hình thành Thỏa hiệp San Remo: Pháp sẽ có 25% dầu mỏ từ Mesopotamia, vùng đất đã trở thành một nơi ủy trị của Anh trong Liên hiệp các quốc gia. Phương tiện để phát triển khu vực dầu mỏ vẫn là Công ty dầu mỏ Thổ Nhĩ Kỳ; và Pháp sở hữu phần của người Đức, vốn do người Anh nắm giữ trong chiến tranh. Đổi lại, Pháp từ bỏ yêu sách về lãnh thổ đối với Mosul.
Về phần mình, Anh khẳng định rằng bất cứ công ty tư nhân nào đang phát triển những mỏ dầu Mesopotamia đều phải hoàn toàn do người Anh kiểm soát. Chỉ còn lại một câu hỏi duy nhất: Trên thực tế, liệu ở Mesopotamia có còn dầu không? Không ai biết câu trả lời. Người Pháp đang tìm cách củng cố vị thế dầu mỏ của họ − đó là thành lập một công ty nhà nước. Việc khước từ đề nghị hợp tác với Royal Dutch/Shell của Henri Deterding, Raymond Poincaré, người trở thành Thủ tướng Pháp năm 1922, đã nhấn mạnh rằng công ty mới này "hoàn toàn là của người Pháp" xét về quyền kiểm soát. Với mục tiêu đó, năm 1923, ông đã gặp một trùm tư bản công nghiệp, Đại tá Ernest Mercier. Mercier là người có những phẩm chất ưu việt cho nhiệm vụ này.
Một người xuất thân từ trường Polytechnice và một anh hùng trong chiến tranh, bị thương khi cố gắng bảo vệ những mỏ dầu của Rumani khỏi bước tiến của quân Đức, và còn là một nhà kỹ trị cống hiến cho công cuộc hiện đại hóa nền kinh tế Pháp. Ông đã tham gia xây dựng ngành điện ở Pháp và ông sẽ cố gắng làm điều tương tự đối với dầu mỏ. Công ty mới sẽ được gọi là Compagnie Francaise des Pétroles, viết tắt là CFP, và nó sẽ trở thành "công cụ" của "tự do" cho nước Pháp. Mặc dù Chính phủ Pháp có bổ nhiệm hai giám đốc và phê chuẩn nhiều chức vụ khác, song đây vẫn là một công ty tư nhân. Nhiệm vụ của Mercier càng trở nên khó khăn hơn bởi thái độ lưỡng lự của các công ty và ngân hàng Pháp khi đầu tư vào một hãng mới. Mesopotamia có vẻ như có tính rủi ro rất cao – "quá nhiều khó khăn mang tính quốc tế", Mercier sau đó đã nói: "Không có nhà đầu tư ban đầu nào cầu xin đặc ân được nhận vào CFP".
Tuy nhiên, cuối cùng, năm 1924 Mercier đã thành công trong việc tìm các nhà đầu tư có đủ khả năng – 90 ngân hàng và công ty − để Compagnie Francaise des Pétroles có thể đi vào hoạt động. Hãng mới này đảm nhận cổ phần của Pháp trong Công ty dầu mỏ Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng Chính phủ Pháp vẫn không thỏa mãn chừng nào những mục tiêu và lợi ích của mình chưa được bảo vệ hoàn toàn. Năm 1928, một ủy ban đặc biệt của Nghị viện Pháp đã đưa ra bản báo cáo về cơ cấu tổ chức trong tương lai của thị trường dầu mỏ nước Pháp, thị trường lớn nhất châu Âu sau nước Anh. Bản bảo cáo phản đối cả mô hình "thị trường tự do" lẫn mô hình độc quyền nhà nước. Thay vào đó, ủy ban này kêu gọi một sự kết hợp − một hệ thống định mức, trong đó nhà nước phân bổ định mức cho các công ty lọc dầu tư nhân khác nhau nhằm bảo đảm đa dạng nguồn cung và khả năng tồn tại của các công ty lọc dầu của Pháp.
Ngoài ra, thuế quan và các biện pháp bảo vệ theo luật định khác sẽ được xây dựng để bảo vệ các công ty lọc dầu của Pháp chống lại sự cạnh tranh của nước ngoài. Luật này được ban hành tháng 3 năm 1928, phác thảo những mục tiêu chính của một "thể chế" mới đối với dầu của Pháp: kiềm chế "các tờ-rớt dầu mỏ của người Anglo-Saxon", xây dựng ngành lọc dầu trong nước, thiết lập trật tự cho thị trường, và tăng thị phần dầu mỏ của Pháp ở Mesopotamia. Để bảo đảm CFP sẽ duy trì những lợi ích của Pháp trong hệ thống mới, một mặt Chính phủ Pháp đã giành 25% quyền sở hữu trực tiếp và tăng số giám đốc do chính phủ bổ nhiệm, mặt khác giảm mạnh phần sở hữu của nước ngoài. Theo lời một phó giám đốc người Pháp, CFP sẵn sàng trở thành "cánh tay thực hiện hành động của chính phủ trong ngành công nghiệp này". Và Chính phủ Pháp giờ đây đã trở thành một đối thủ trong cuộc tranh giành nguồn dầu mỏ phong phú ở Trung Đông.
Sự hợp nhất?
Với Chính phủ Anh, mọi việc không thuận buồm xuôi gió lắm. Nước Anh tiếp tục nỗ lực xóa bỏ tỷ lệ 60-40 giữa Đức và Anh và kiểm soát Royal Dutch/Shell bằng cách để các cổ đông của Anh, chứ không phải Đức chiếm ưu thế. Đối với Marcus Samuel, một kết quả như vậy sẽ có tầm quan trọng rất lớn về mặt tình cảm, và do đó rất hấp dẫn. Nhưng Henri Deterding không quan tâm đến tình cảm; ông chỉ quan tâm đến kinh doanh. Sự bảo hộ và trách nhiệm bảo hộ của Anh có thể có giá trị hơn so với Đức trong một thế giới sau chiến tranh bị rung chuyển vì cách mạng, đấu tranh ngoại giao, và phong trào của chủ nghĩa dân tộc. Nhưng với Shell, có một phần thưởng lớn hơn, hay một mồi câu, đó là chấp nhận nhượng quyền của mình: dầu của Mesopotamia và Công ty dầu mỏ Thổ Nhĩ Kỳ. Khi được chuyển giao cho người Anh kiểm soát, Shell sẽ có thể bảo đảm quyền của mình đối với dầu của Mesopotamia.
Từ quan điểm của Chính phủ Anh, việc kiểm soát Shell củng cố mạnh mẽ vị thế dầu mỏ của Anh trên toàn thế giới. Nhưng Chính phủ Anh muốn chỉ định ít nhất một giám đốc và phê chuẩn việc bổ nhiệm những người khác trong Hội đồng giám đốc đã được cơ cấu lại của Shell, như việc dàn xếp đối với Anh - Ba Tư. Deterding không ủng hộ điều đó. Ưu thế của Anh là một vấn đề; việc Chính phủ Anh can thiệp vào công việc kinh doanh lại là một vấn đề khác. Deterding sẽ không liều lĩnh từ bỏ bất cứ sự kiểm soát thương mại nào khác. Ông cũng đã bắt đầu nhìn thấy những bất lợi trong mối quan hệ quá gần gũi với Chính phủ Anh, đặc biệt là đối với các diện tích giành được ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Royal Dutch/Shell là một mục tiêu trong những cuộc tấn công lâu dài ở Mỹ, nơi người ta đã suy nghĩ sai lầm rằng tập đoàn này là một cánh tay của Chính phủ Anh. Những lời chỉ trích hùng hồn khiến Deterding miễn cưỡng chuyển giao Shell cho người Anh. Tuy nhiên, bất chấp tất cả những chậm trễ, những thất vọng, và sự mất kiên nhẫn, Deterding và Shell tiếp tục quan tâm mạnh mẽ đến việc hợp nhất với Anh - Ba Tư. Họ đã thấy được thành quả vĩ đại trong việc giành được quyền kiểm soát đối với Anh - Ba Tư trước khi nó có thể trở thành một đối thủ cạnh tranh trực tiếp đáng lo ngại.
Sự hợp nhất sẽ củng cố Shell trong quá trình cạnh tranh trên toàn thế giới với Công ty Standard của New Jersey và các công ty khác của Mỹ. Nó sẽ chấm dứt mối quan hệ ưu tiên của Anh - Ba Tư với tư cách người bán dầu nhiên liệu tới thị trường chủ chốt Anh, Hải quân Hoàng gia Anh. Deterding cũng khó chịu vì những gì mà ông thấy là lãng phí và sao chép trong quá trình ngành dầu thực hiện chức năng của nó. Chẳng bao lâu sau, ông viết cho Chủ tịch Standard Oil rằng: "Thế giới đang phải chịu thiệt hại do tình trạng dư thừa, lọc dầu thừa, vận chuyển thừa, và cuối cùng là bán quá nhiều".
Công ty Anh-Ba Tư đã phải đối mặt với những khó khăn do quyền sở hữu của chính phủ. Một quan chức Bộ Ngoại giao Anh đã nói, nhiều quốc gia cho rằng "mọi hành động của công ty này" đều do "cảm hứng trực tiếp của Chính phủ Anh", gây cản trở cho cả công ty và chính phủ. Đáp lại sự kích động của Mỹ, các quốc gia Mỹ Latinh đã cấm việc mua bán với các công ty dầu mỏ chịu sự kiểm soát của chính phủ, cụ thể ở đây là Công ty Anh-Ba Tư. Mối quan hệ của công ty này với Chính phủ Anh có thể đặc biệt nguy hiểm đối với dầu mỏ tại Ba Tư của Công ty Anh-Ba Tư. Dưới con mắt của Shah Reza, một cựu sĩ quan quân đội tự mình trở thành người cai trị đất nước, công ty này được coi là quá gần gũi Chính phủ Anh. Công ty – và vị thế của Anh – sẽ được bảo đảm như thế nào với một Shah mới? Vị thế chung của Công ty Anh-Ba Tư tại Ba Tư rất dễ bị tổn thương; như một quan chức Anh đã quan sát: "Toàn bộ doanh thu hiện nay thu được là từ một khu vực có diện tích vài dặm ở Ba Tư.
Bất cứ sự gián đoạn sản xuất nào trong khu vực nhỏ bé này, hoặc do những nguyên nhân tự nhiên hoặc do hành động thù địch, đều thật tai hại". Việc liên kết với Shell mà một số quan chức của Chính phủ Anh đã bị thuyết phục, sẽ đa dạng hóa lợi ích của Anh - Ba Tư và do đó, giảm bớt rủi ro. Trong quá trình này, chính phủ sẽ giành được sự kiểm soát lâu dài đối với Shell như mong muốn. Và Shell vẫn sẵn sàng liên kết. Robert Waley Cohen của Shell đã nói năm 1923: "Toàn bộ vấn đề kiểm soát hầu như không có ý nghĩa. Đó là vấn đề tình cảm, nhưng nếu bằng cách chuyển quyền kiểm soát cho những người Hottentot (bộ tộc sống ở vùng Tây Nam Phi), chúng tôi sẽ có thể tăng sự an toàn và cổ tức, tôi không tin bất cứ ai trong chúng tôi sẽ phải do dự lâu". Chắc chắn, không phải không có sự phản đối việc hợp nhất này, bắt đầu từ những nền tảng chính trị. Sự phản đối của công chúng với "các tờ-rớt dầu mỏ" ở Anh không ít hơn so với ở Mỹ. Nhưng sự chống đối mạnh mẽ nhất là từ Bộ Hải quân Anh, tiếp tục đối đầu với Shell. Chính phủ Anh, như một quan chức bình luận, "không tham gia Công ty Anh-Ba Tư để kiếm tiền mà tạo ra một công ty độc lập vì những lý do quốc gia". Bộ Hải quân cũng trở nên gắn bó sâu sắc hơn với quyền lợi của mình nhằm giành được dầu từ Anh - Ba Tư với giá rẻ đáng kể so với giá thị trường hiện tại, đặc biệt khi ngân sách của Hải quân Hoàng gia thường xuyên có nguy cơ bị cắt giảm. Dĩ nhiên, bản thân Công ty Anh-Ba Tư cũng phản đối gay gắt việc hợp nhất. Charles Greenway đã không tranh đấu vất vả để một công ty thành một hãng dầu mỏ hợp nhất chỉ để cuối cùng nó lại trở thành một phần thêm vào Shell đáng ghét.
Churchill đã trở lại
Trước những phản đối căng thẳng này, Shell đã tiếp quản Công ty Anh-Ba Tư như thế nào? Robert Waley Cohen bắt đầu động não. Trong một bữa ăn tối thịnh soạn, ông đã tiếp cận Winston Churchill với lời đề nghị thú vị nhất. Liệu ngài cựu nghị sĩ và cựu thành viên Nội các nổi tiếng có quan tâm đến việc thực hiện một dự án đại diện cho Shell không? Để vận động hành lang cho việc hợp nhất của cả Anh-Ba Tư và Burmah Oil với Shell, nhờ đó Shell có thể chấm dứt việc mua cổ phần của chính phủ ở Anh - Ba Tư. Burmah cũng ủng hộ sự kết hợp như vậy.
Cohen nhấn mạnh rằng, Churchill sẽ làm việc thật sự vì nước Anh, vì nếu nỗ lực của ông thành công, nó sẽ bảo đảm quyền kiểm soát của Anh đối với một hệ thống dầu mỏ trên toàn thế giới. Lời đề nghị không thể đúng lúc hơn. Vì mùa hè năm 1923, Churchill, "nhà quán quân về dầu mỏ" thất bại tại khu vực bầu cử nghị viện ở Dundee East, ông mua một khu đất ở nông thôn, Chartwell. Ông hứa với vợ: "Chúng ta sẽ không chết đói". Sau khi thảo luận với Churchill, Cohen nói: "Winston ngay lập tức nhìn thấy bức tranh toàn cảnh". Tuy nhiên, Churchill vẫn nói rằng ông cần suy nghĩ. Ông không muốn phá hủy sự nghiệp chính trị mà ông đã cống hiến toàn bộ cuộc đời. Hơn nữa, ông cần kiếm sống, và ông sẽ phải tạm gác tập thứ tư của tác phẩm ông đang viết về cuộc đại chiến – The World Crisis (Cuộc khủng hoảng toàn cầu). Vì vậy, tất nhiên, sẽ phải có một khoản thù lao. Vâng, tất nhiên là phải có.
Sau khi cân nhắc nhanh chóng, Churchill chấp nhận lời đề nghị. Nhưng còn khoản thù lao? Churchill muốn có mười nghìn bảng nếu công việc không trôi chảy và năm mươi nghìn bảng nếu công việc trôi chảy. Cohen sửng sốt vì Churchill yêu cầu số tiền quá lớn, nhưng họ đã quyết định rằng tổng số tiền có thể được phân chia giữa Shell và Burmah. Như chủ tịch của Burmah nhận xét: "Chúng tôi không thể tranh cãi hay mặc cả" với Churchill. Các nhân viên của Burmah lo lắng về việc làm thế nào để trả được số tiền đó, vì nếu mức thù lao lớn như vậy không được ghi vào sổ sách, thì kiểm toán sẽ không chấp nhận. Cuối cùng, họ quyết định lập một tài khoản bí mật. Do đó, Churchill đã đến làm việc cho Burmah và hơn nữa, cũng làm việc cho Shell, chính công ty mà ông đã thẳng thừng chỉ trích một thập kỷ trước đây, Bộ trưởng Hải quân đã tham gia cuộc đấu tranh nhằm đưa hải quân vào thời đại dầu mỏ. Ông đã nhấn mạnh với Hạ nghị viện rằng, tham vọng của Shell là nguyên nhân chủ yếu để chính phủ mua cổ phần ở Công ty Anh-Ba Tư và bảo đảm sự độc lập của nó.
Bây giờ, ông đã sẵn sàng tháo gỡ tất cả, để thuyết phục chính phủ bán những cổ phiếu đó vì ông thấy được những lợi ích chính trị mang tính chiến lược to lớn hơn. Shell sẽ nắm giữ những cổ phần đó, nhờ vậy, thay đổi thế cân bằng trong phạm vi Tập đoàn Royal Dutch/Shell từ ưu thế thuộc về Đức chuyển sang Anh. Churchill không hề lãng phí thời gian.
Tháng 8 năm 1923, ông đến thăm Thủ tướng Anh khi đó là Stanley Baldwin, người mà Churchill đã viết cho vợ là, "hoàn toản ủng hộ sự phân chia dầu mỏ theo các ranh giới đã được đề xuất. Anh chắc chắn điều đó sẽ được thực hiện. Điều duy nhất mà anh lo lắng là vấn đề của mình… Đó là vấn đề về cách dàn xếp để không bỏ quên bất cứ lý lẽ chỉ trích nào". Thủ tướng Baldwin tất nhiên đã bị thuyết phục rằng Chính phủ Anh sẽ từ bỏ việc kinh doanh dầu mỏ. Ông thậm chí đã suy tính việc mua cổ phiếu của chính phủ. "Hai mươi triệu bảng Anh là một giá rất hời", ông nói với Churchill. Nó gần như cao gấp 10 lần mức giá mà chính phủ trả cách đây gần 10 năm, một khoản thu nhập lớn từ một vụ đầu tư có tính chất đầu cơ.
Nhưng trước khi việc này tiến xa hơn, bên ngoài đã xuất hiện một sự can thiệp. Baldwin đã kêu gọi cuộc tổng tuyển cử chớp nhoáng vào cuối năm 1923, và Churchill từ bỏ công việc chưa hoàn thành, từ bỏ cam kết của mình, trả lại khoản thù lao ban đầu, để trở lại với đấu trường thiên phú và yêu thích của ông, đó là chính trị. Chính quyền thiểu số của Đảng Bảo thủ trở lại nắm quyền, nhưng nhanh chóng sụp đổ, và chính quyền của Đảng Lao động đầu tiên ở Anh đã lên. Chính quyền này kiên quyết bác bỏ cả sự hợp nhất lẫn việc bán tháo vốn góp của chính phủ.
Tháng 8 năm 1924, các thành viên Đảng Bảo thủ quay trở lại nắm quyền, nhưng họ cũng phản đối việc bán tiền vốn của chính phủ. Thứ trưởng Bộ Tài chính đã viết cho Charles Greenway, Chủ tịch Công ty Anh-Ba Tư: "Chính phủ Anh không có ý định từ bỏ chính sách nắm giữ các cổ phiếu này". Còn vị Bộ trưởng Tài chính mới, không ai khác là người vừa chuyển sang Đảng Bảo thủ, Winston Churchill.
Sự thiếu hụt dầu và nguyên tắc "Mở cửa"
Trung Đông không phải là nơi độc nhất duy trì những lợi ích dầu mỏ của châu Âu. Các công ty của Mỹ đang lao vào một chiến dịch phát triển những nguồn cung dầu mới trên toàn thế giới, nên chắc chắn sẽ nhảy vào Trung Đông. Nỗi lo sợ nguy cơ cạn kiệt các nguồn dầu mỏ sắp xảy ra – trên thực tế là một nỗi ám ảnh thật sự − bao trùm lên ngành dầu mỏ của Mỹ và nhiều người trong Chính phủ Mỹ vào cuối Chiến tranh thế giới thứ nhất và đầu những năm 1920. Kinh nghiệm trong chiến tranh – "Những ngày chủ nhật không xăng" và sự đóng góp của dầu mỏ trong chiến tranh – đã minh chứng cho nỗi lo sợ đó. Năm 1919, khi một quan chức nghỉ hưu viết cho Wilson nói rằng việc thiếu cung dầu mỏ từ nước ngoài đã tạo nên thách thức quốc tế nghiêm trọng đối với nước Mỹ. Tổng thống Wilson buồn rầu nhất trí rằng: "Dường như chúng ta không có biện pháp nào để tự bảo đảm lượng cung cần thiết trong và ngoài nước". Tình trạng cạn kiệt nguồn cung dầu mỏ tỷ lệ nghịch với sự gia tăng của cầu: mức tiêu thụ của Mỹ tăng 90% từ năm 1911 đến năm 1918 và được dự đoán sẽ tăng nhanh hơn sau chiến tranh. Tình yêu của người Mỹ đối với xe ôtô trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Số lượng ôtô ở Mỹ từ năm 1914 đến năm 1920 gia tăng đáng ngạc nhiên − nhảy vọt từ 1,8 triệu lên đến 9,2 triệu. Mối lo ngại về tình trạng thiếu hụt dầu khiến một thượng nghị sĩ kêu gọi Hải quân Mỹ quay lại dùng than đá. Những người đứng đầu lĩnh vực kiến trúc và khoa học địa chất đã chia sẻ mối lo ngại đó. Năm 1919, Giám đốc Cục Tài nguyên Mỹ dự đoán: "Trong vòng từ hai đến năm năm tới, các mỏ dầu của Mỹ sẽ đạt sản lượng tối đa, và kể từ đó, chúng ta sẽ phải đối mặt với sự suy giảm dầu chưa từng có". George Otis Smith, Giám đốc Cơ quan thăm dò địa chất Mỹ, đã cảnh báo về "tình trạng khan hiếm dầu" có thể xảy ra. Phải làm gì? Ông nói, câu trả lời là "Chính phủ Mỹ cần ủng hộ về mặt đạo đức cho mọi nỗ lực của doanh nghiệp Mỹ nhằm mở rộng chu kỳ hoạt động trong sản xuất dầu trên toàn thế giới". Ông khuyến cáo rằng, nguồn dự trữ dầu của Mỹ sẽ cạn kiệt trong thời gian chính xác là 9 năm 3 tháng.
Cũng trong thời gian đó, nhiều cuộc thảo luận về tiềm năng của dầu đá phiến nằm trên những ngọn núi Colorado, Utah và Nevada đã diễn ra. Năm 1919, người ta dự đoán rằng "trong vòng một năm, dầu mỏ sẽ có thể được chưng cất từ đá phiến để cạnh tranh với dầu mỏ thu được từ các giếng dầu". Tạp chí National Geographic tuyên bố: "Không một ai sở hữu ôtô lại không thấy vui mừng" bởi vì dầu đá phiến sẽ cung cấp "nguồn cung xăng dầu có thể đáp ứng mọi nhu cầu, thậm chí cho nhiều thế hệ sau. Mối đe dọa đối với ôtô rõ ràng đã được đẩy lui". Nhưng những người ủng hộ dầu đá phiến đã hoàn toàn đánh giá sai chi phí để phát triển nhiên liệu này.
Công ty Anh-Ba Tư đang tiến hành nghiên cứu việc chiết xuất các nhiên liệu lỏng từ than đá, và Chính phủ Anh đã được trao hai mẫu đất ở Dorset để trồng cây atisô với hy vọng rằng cây này có thể sản xuất rượu cồn thương mại với khối lượng lớn sử dụng làm nhiên liệu ôtô. Giá cả tăng mạnh càng củng cố thêm dự đoán về tình trạng thiếu hụt dầu. Từ năm 1918 đến năm 1920, giá dầu thô ở Mỹ tăng 50%, từ 2 lên 3 đô-la một thùng. Hơn nữa, mùa đông năm 1919-1920 đã chứng kiến sự sụt giảm nguồn cung dầu thật sự.
Nước Mỹ, nhìn chung được cho là sẽ phải trở thành một nước xuất khẩu dầu mỏ quan trọng. Và điều đó làm tăng nỗi ám ảnh về sự cạnh tranh quốc tế và sự xung đột với Anh. Cả ngành dầu Mỹ và Chính phủ Mỹ đều tin chắc rằng Anh đang siết chặt chính sách gây hấn nhằm hớt tay trên các nguồn lực dầu mỏ của các nước còn lại trên thế giới trước khi Mỹ có thể kích động. Do đó, Washington phục hồi nhanh nhằm ủng hộ các công ty dầu mỏ trong quá trình tìm kiếm các nguồn cung dầu của nước ngoài. Nguyên tắc được đưa ra là "Mở cửa" − sự tiếp cận bình đẳng đối với tư bản và doanh nghiệp Mỹ. Anh đã phản ứng chiến dịch này với nhiều cảm xúc: hoài nghi, tổn thương và tức giận. Họ lưu ý rằng Mỹ đã sản xuất 2/3 lượng dầu thô của thế giới.
"Tôi không mong bạn hay bất cứ ông chủ dầu mỏ nào ở Mỹ thật sự tin rằng nguồn cung của Mỹ sẽ cạn kiệt trong vòng 20 hay 30 năm tới", John Cadman, Giám đốc Cục Dầu mỏ Anh, đã viết đầy hoài nghi cho một người bạn Mỹ. Song những lo ngại về tình trạng thiếu hụt và cạnh tranh đã thúc giục các công ty Mỹ tìm kiếm những nguồn cung cấp mới trên toàn thế giới, bằng cách thăm dò hoặc bằng cách mua sản lượng đã có.
Sự thay đổi chiến lược sẽ được những cải tiến công nghệ − của các tàu chở dầu, các đường ống dẫn dầu và khoan dầu hậu thuẫn – giúp việc khai thác hay sản xuất dầu vượt qua những khó khăn và trở ngại so với trước chiến tranh. Người Mỹ chăm chú nhìn vào Trung Đông, cụ thể là Mesopotamia dưới sự ủy trị của Anh. Nhưng cánh cửa rõ ràng không mở ở đó. Khi hai nhà địa chất của Standard Oil ở New York lẻn vào lãnh thổ này, người Anh đã giao họ cho cảnh sát Baghdad. Những tin tức của Thỏa thuận San Remo năm 1920, sự hiểu biết giữa Anh và Pháp đối với bất kỳ sự phân chia dầu ở Mesopotamia nào có thể thực hiện được, khiến Washington và ngành dầu mỏ Mỹ ngỡ ngàng. Hiệp ước này bị lên án mạnh mẽ trên báo chí Mỹ là chủ nghĩa đế quốc lỗi thời, đáng ghê tởm bởi vì nó dường như vi phạm nguyên tắc quyền lợi bình đẳng giữa các nước Đồng minh thắng trận.
Công ty Standard của Jersey hết sức lo lắng về một liên minh kép − một giữa Anh và Pháp, và một giữa Shell và Anh - Ba Tư − sẽ đóng cửa sản xuất và các thị trường trên khắp toàn cầu. Công ty này đã phản đối mạnh mẽ Bộ Ngoại giao Mỹ, kịch liệt kết tội thỏa thuận trên vi phạm nguyên tắc mở cửa. Quốc hội đã thông qua Luật cho thuê khoáng sản năm 1920, phủ nhận quyền khoan dầu trên đất công đối với những nhóm tư bản nước ngoài mà chính phủ của họ phủ nhận sự tiếp cận tương tự đối với người Mỹ. Cụ thể là, nó nhằm vào người Đức ở Đông Ấn Độ và người Anh ở Mesopotamia. Những nhà quan sát đầy hoài nghi đã bị tấn công bởi sự ủng hộ của chính quyền Wilson − hiện thân cho chủ nghĩa tiến bộ − trong giai đoạn cuối cùng của nó, đối với các công ty dầu mỏ − đặc biệt là đối với Công ty Standard của Jersey, người thừa kế xuất sắc nhất đã bị Tòa án tối cao Mỹ hành quyết một thập kỷ trước.
Đại sứ Anh tại Washington tự hỏi làm thế nào để tái thiết lập quan hệ giữa chính quyền Wilson và nhóm tư bản Standard Oil, "mối quan hệ hoàn toàn bị đảo ngược trước chiến tranh, trong đó dường như không khác gì thảm họa tự chuốc đối với bất cứ thành viên nào của chính quyền này cũng phải chịu sự hoài nghi về việc sáp nhập với những nhóm tư bản dầu mỏ". Sự ám ảnh về tình trạng thiếu hụt dầu và mối nghi ngờ về sự phản bội của người Anh đã tác động lớn đến việc củng cố liên minh mới này. Kinh nghiệm về sự hợp tác giữa doanh nghiệp và chính phủ trong thời gian chiến tranh cũng vậy; chỉ riêng Standard Oil của New Jersey đã cung cấp 25% trong từng sản lượng dầu các nước Đồng minh sử dụng.
Cũng có những lý do khác đối với sự thay đổi lập trường này: chủ nghĩa tiến bộ và sự cải cách đã mang lại hiệu quả. Và Standard Oil của New Jersey lại được coi như người anh hùng, như những năm 1880 và 1890, và sẽ được chính phủ ủng hộ. Warren Harding, thành viên Đảng Cộng hòa nhậm chức tổng thống năm 1921, là người ủng hộ triệt để các hoạt động kinh doanh. Chính quyền Harding tỏ ra mạnh mẽ hơn so với chính quyền trước đó trong việc bảo vệ nhóm tư bản dầu mỏ của Mỹ, từ Mexico đến Đông Ấn của Hà Lan – trong đó có Mesopotamia.
Quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Anh tăng lên. Nhưng sau đó, một chuyện lạ đã xảy ra. Người Anh trở thành nhà hòa giải và báo hiệu một trạng thái cởi mở mới đối với sự tham gia của Mỹ ở Mesopotamia. Tại sao? Vì họ đã nhận ra rằng tình trạng hợp pháp của Công ty dầu mỏ Thổ Nhĩ Kỳ rất mơ hồ. Liệu nó có được chuyển nhượng năm 1914 – hay chỉ là hứa hẹn được chuyển nhượng? Ngoài ra, người Anh có những mối quan tâm kinh tế và chiến lược khác trong chương trình nghị sự với nước Mỹ và muốn đạt được sự hợp tác của Mỹ. London cũng quan tâm đến quan điểm chống Anh ở Mỹ. Thậm chí Quốc hội còn thảo luận về việc trả đũa bằng cách cấm vận tàu chở dầu của Mỹ đến nước Anh. Hơn nữa, việc không cho Mỹ tham gia vào quá trình phát triển ở Mesopotamia khiến mối quan hệ Anh - Mỹ trở nên tồi tệ hơn. Ngược lại, sự tham gia trực tiếp của Mỹ có thể là một ưu thế thật sự: người Anh lo lắng khi nhìn thấy các nguồn lực dầu mỏ của Mesopotamia phát triển nhanh chóng nhằm tạo thu nhập cho chính phủ được người Anh ủng hộ đang nổi lên ở khu vực này, do đó làm giảm áp lực đối với Bộ Tài chính Anh.
Vốn và công nghệ của Mỹ chắc chắn có thể thúc đẩy quá trình này. Cuối cùng, Shell ít nhất cũng tin rằng sự tham gia của Mỹ sẽ trợ giúp đắc lực các công ty dầu mỏ để đối phó với những trở ngại chính trị có thể phát sinh ở khu vực bất ổn định này. Calouste Gulbenkian đã khuyên Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Mỹ rằng việc đưa nước Mỹ vào cuộc sẽ tốt hơn để họ đứng ngoài cạnh tranh và thách thức việc chuyển nhượng. Vị thứ trưởng Thường trực này đã bị thuyết phục, và quả quyết với Anh - Ba Tư và Royal-Dutch/Shell rằng lợi ích quốc gia của Anh bao gồm cả người Mỹ. Sau đó, ông đã viết cho Gulbenkian nói rằng người Armenia là "công cụ để lôi kéo Mỹ vào vụ này".
"Ông chủ": Walter Teagle
Nhưng các công ty Mỹ nào được Chính phủ Mỹ ủng hộ? Có vẻ như không thích hợp khi sử dụng quá nhiều nguồn lực ngoại giao mà chỉ đại diện cho một công ty duy nhất là Standard của Jersey? Những người có ảnh hưởng khác nhau, trong đó có Bộ trưởng Thương mại Herbert Hoover, đề nghị lập một xanh-đi-ca của các công ty Mỹ hoạt động ở Mesopotamia. Đặc biệt, Hoover hiểu rõ việc kinh doanh dầu mỏ cũng như những rủi ro của nó; ông đã hoạt động trong lĩnh vực này trước chiến tranh, và thậm chí đã bán một số mỏ dầu của Peru cho Walter Teagle của Jersey, người đã mô tả vị tổng thống tương lai trong những bức công hàm của ông tại thời điểm đó là "một người trông có vẻ kỳ lạ, mặc bộ quần áo vải sọc nhăn và đi giày tennis trắng". Giờ đây, trong một hội nghị tổ chức tại Washington vào tháng 5 năm 1921, Hoover, với tư cách Bộ trưởng Thương mại, và Ngoại trưởng Charles Evans Hughes, đã giải thích rõ rằng Mỹ không thể mở cửa với tư cách đại diện cho chỉ một công ty, nhưng có thể làm điều đó nếu đại diện cho một nhóm công ty. Về phần mình, Công ty Standard Oil của Jersey thừa nhận mình có thể không bao giờ trông chờ sự ủng hộ lâu dài của Chính phủ Mỹ nếu đi theo con đường riêng, và vì vậy Teagle đã thành lập một công-xooc-xiom của các công ty hàng đầu.
Chỉ mới đây thôi, tập đoàn mới này đã bị Chính phủ Mỹ chỉ trích với lý do kiềm chế thương mại, nhưng giờ đây, tập đoàn này lại được Chính phủ Mỹ ủng hộ với tư cách là tập đoàn hàng đầu của quốc gia thúc đẩy chính sách mở cửa và tiếp cận với dầu mỏ của nước ngoài. Tiếp theo việc thành lập tập đoàn của Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ đã rút lui trước xung đột khó tránh khỏi với những nhóm tư bản dầu mỏ của châu Âu. Mặc dù giám sát chặt chẽ các động thái, song trên thực tế, Bộ Ngoại giao đứng ngoài những cuộc đàm phán. Walter Teagle, một doanh nhân chứ không phải một nhà chính trị hay ngoại giao, sẽ phát biểu thay cho xanh-đi-ca của Mỹ, và tháng 7 năm 1922, ông sang London bắt đầu những cuộc thương lượng về sự tham gia của Mỹ vào việc phát triển bất cứ nguồn lực dầu mỏ nào được tìm thấy ở Mesopotamia. Hẳn ông không biết trước quá trình này sẽ kéo dài hay khó khăn như thế nào.
Walter Teagle |
Về phía Teagle, ông không chỉ đại diện cho Standard Oil, mà còn đại diện cho toàn bộ công-xooc-xiom của các công ty Mỹ. Trong số những người chống lại ông có Henri Deterding, Charles Greenway, và ở phe Pháp là Đại tá Ernest Mercier của CFP. Ngoài ra còn có Calouste Gulbenkian. Tất cả những người chống đối Teagle đều là những đối tác trong Công ty dầu mỏ Thổ Nhĩ Kỳ, kiểm soát vụ chuyển nhượng Mesopotamia – hay ít nhất được coi là như vậy. Gulbenkian, hơn bất cứ ai khác, sẽ chứng tỏ là một đối thủ hàng đầu của Teagle trong màn kịch kéo dài.
Sự đối lập giữa hai người dường như rất lớn ở hầu hết mọi khía cạnh. Với vẻ bề ngoài thấp bé và không mấy hấp dẫn, Gulbenkian đầy hoài nghi và trầm lặng. Còn Teagle có dáng cao lớn so với hầu hết những người khác; ông cao gần 1,9 m và rất vạm vỡ − ông từng nặng gần 150 kg do không cưỡng lại được niềm đam mê sôcôla. Với sự thẳng thắn và quả quyết, ông chính là hiện thân của một người Mỹ thân thiện.
Trong khi Gulbenkian là một người hoạt động đơn độc, thích ẩn danh hơn thì Teagle là người đứng đầu công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới, hơn nữa là công ty lớn nhất trong những công ty kế thừa của tờ-rớt Standard Oil của New Jersey, và là một trong những nhân vật xuất sắc nhất và quen thuộc trong giới kinh doanh dầu mỏ. Tuy nhiên, có những điểm tương đồng lạ lùng giữa hai người đàn ông này. Teagle cũng được sinh ra để kinh doanh dầu mỏ. Nếu Gulbenkian là thế hệ thứ hai trong gia đình kinh doanh dầu mỏ, thì Teagle cũng vậy, cha của Teagle kinh doanh dầu mỏ. Về bên ngoại, ông là thế hệ thứ ba; ông ngoại Teagle là Maurice Clark, người đã bán công ty của mình cho John D. Rockefeller trong một "cuộc bán đấu giá" tổ chức ở Cleveland năm 1865. Cha của Teagle, khởi nghiệp từ Wiltshire ở Anh, là một trong những nhà lọc dầu độc lập thành công nhất, và trong nhiều năm ông đã chống lại sự tấn công dữ dội của tờ-rớt Standard Oil. Ông ghét Standard Oil, và là một người đấu tranh dũng cảm chống lại Standard Oil như mô tả của Ida Tarbell trong những trang viết về lịch sử của tờ-rớt này.
Cả Gulbenkian và Teagle đều từng là những sinh viên xuất sắc về công nghệ dầu mỏ. Tại Đại học Cornell, Teagle là người tổ chức hầu hết các hoạt động của sinh viên. Ông đã làm luận văn về quá trình khử lưu huỳnh của dầu thô và được một trăm điểm hoàn hảo chưa từng thấy trong ngành hóa dầu. Giống như Gulbenkian, ông được giáo sư khuyến khích học cao hơn, nhưng cha ông đã phản ứng mạnh mẽ bằng bức điện ngắn gọn: "Về nhà ngay lập tức". Trở lại Cleveland, Teagle làm việc tại một cơ sở lọc dầu của gia đình với tiền lương 19 xu một giờ. Sau đó, cha ông đã để ông đi làm bên ngoài. Teagle đã chứng tỏ mình là một người bán hàng mạnh mẽ, tháo vát và thuyết phục. Nhưng ông lại bị gọi về nhà để giúp bán lại công ty của gia đình cho đối thủ lâu đời của cha ông – Công ty Standard Oil. Cha ông không thể chịu đựng tình trạng căng thẳng hơn nữa. Thà bán công ty còn hơn là tiếp tục đấu tranh. Hơn nữa, Standard Oil đã phát hiện ra một Teagle trẻ trung, đầy tài năng, nên không chỉ muốn có doanh nghiệp của người chủ sở hữu, mà còn muốn cả con trai của người chủ sở hữu.
Doanh nghiệp gia đình này hiện nay đã được cơ cấu lại trở thành Công ty Republic Oil, Teagle con trở thành ông chủ. Teagle có khả năng làm chủ toàn bộ doanh nghiệp dầu mỏ: một trí nhớ phi thường về các chi tiết công nghệ, thương mại và quản lý; nghị lực không mệt mỏi; khả năng phán đoán mọi vấn đề và tìm ra giải pháp. Ẩn dưới vẻ bề ngoài quyến rũ của ông là một tính cách mạnh mẽ tới mức độc tài và rất khắt khe. Những năm tháng làm việc bên ngoài đã dạy ông một điều, đó là luôn phải đạt được những thỏa thuận tốt nhất. "Anh ta mặc cả mọi thứ", một đồng nghiệp ở Republic Oil nhớ lại. "Anh ta trao đổi, trao đổi và trao đổi. Nếu đó là tiền của công ty, anh ta sẽ nghĩ mình trả quá nhiều cho một điếu thuốc lá 5 xu và cố gắng chỉ mua với giá 4 xu".
Teagle thăng tiến rất nhanh, và năm 1908, ông trở thành người đứng đầu Ủy ban xuất khẩu của Standard Oil. Ông hiểu biết sâu sắc về những động lực mới của thị trường quốc tế hơn các thành viên khác trong Hội đồng Quản trị của Standard. Ông cũng hiểu biết sâu sắc hơn về Henri Deterding và thúc đẩy việc hòa giải với Royal Dutch/Shell. Một lần, để giải quyết tình trạng cạnh tranh gay gắt ở Viễn Đông, Teagle đã dành hai ngày đi săn gà gô trắng với Deterding ở Scotland − cả hai đều là những tay súng cừ khôi – hai ngày chơi bài poker, và sau đó mới giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, họ rất tôn trọng nhau, thậm chí mối quan hệ của họ có thể được mô tả là tình bạn, không thể vượt qua được sự hoài nghi vốn có. Có quá nhiều nguy cơ đe dọa. Nói thẳng ra thì mỗi người đều hoàn toàn không tin tưởng người kia. Teagle từng nói rằng: "Deterding, thường xuyên thay đổi quyết định và thường xuyên quên thông báo điều đó". Teagle không bao giờ ngừng coi Royal Dutch/Shell là một đối thủ cạnh tranh nguy hiểm nhất và đáng gờm nhất.
Năm 1909, Teagle trở thành giám đốc của Standard Oil, thay thế vị trí đầy quyền lực của H. H. Rogers, người từng là thân cận của Ida Tarbell. Khi đó, Teagle mới 31 tuổi. Teagle tin rằng tình trạng mất khả năng quản lý tại Standard Oil, trước hết là do luật chống độc quyền và những vụ kiện cáo khác. Teagle nghĩ rằng, một trong những tổn thất là công ty này thất bại trong việc điều chỉnh để thích hợp với bối cảnh cạnh tranh mới trên quy mô toàn cầu và phát triển nguồn sản xuất dầu thô từ các nguồn nước ngoài.
Năm 1917, ở tuổi 39, Teagle trở thành Chủ tịch Công ty Standard Oil của New Jersey. Ông là một nhà lãnh đạo có phong cách. Trái ngược với thế hệ lãnh đạo trước, ông không phải là cổ đông chủ chốt mà là một nhà quản lý có chuyên môn, và sự xuất hiện của ông phản ánh một sự thay đổi trong kinh doanh ở Mỹ và bản chất của công ty này. Sau đó, ông đã tái tổ chức toàn bộ hoạt động của Standard. Tuy nhiên, ông cũng thể hiện sự tiếp nối với quá khứ của công ty – sau hết, ông là cháu trai của đối tác ban đầu của Rockefeller – và ông được bảo đảm chắc chắn là người nối tiếp các thế hệ trước. Ông đã trực tiếp quan sát thấy chi phí bí mật vượt trội khiến công chúng ác cảm với Standard Oil, và nỗ lực nhằm tạo dựng mối quan hệ công chúng tốt hơn. Ông đã cho ra đời một tạp chí nội bộ mới mang tên The Lamp, và bản thân là tổng biên tập không chính thức của tạp chí này. Ông đã xây dựng chính sách mở cửa với báo chí, và là người luôn thân thiện, nồng nhiệt với các phóng viên. Bề ngoài ông rất vô tư và thẳng thắn, song ông cũng thận trọng kiểm soát và hiểu rõ những điều mình nói. Tuy nhiên, vẫn có một điểm khác biệt đáng chú ý so với chế độ cũ. Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, Teagle đã thấy rằng công ty phải đối mặt với một vấn đề lớn – nguồn cung dầu thô. Những nỗ lực của ông nhằm thúc đẩy việc sản xuất dầu thô của công ty liên tục gặp phải sự chống đối, vì nhiều người cho đây là một hoạt động "rủi ro".
Một cựu giám đốc đã nói rằng: "Chúng tôi không khoan bất kỳ lỗ khô nào trên thế giới. Chúng tôi là một công ty tiếp thị". Lúc này, trong một thế giới hậu chiến tranh, Teagle lo ngại rằng tình trạng thiếu dầu sẽ diễn ra thường xuyên. Ông tin rằng Standard Oil đang rơi vào tình trạng bất lợi lớn, khi sản lượng dầu thô của công ty này chỉ chiếm 16% sản lượng lọc dầu. Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh cũ là Deterding, đang theo đuổi một chiến lược toàn cầu nhằm phát triển các nguồn dầu thô trên khắp thế giới. Teagle biết Chính phủ Anh nỗ lực nhằm sáp nhập Shell và Công ty Anh-Ba Tư. Ông hoàn toàn đón đợi một môi trường cạnh tranh toàn cầu gay gắt hơn bao giờ hết, nhưng ông lo ngại Standard Oil của New Jersey không sẵn sàng cho điều này.
Đáp lại thách thức này, Teagle không đếm xỉa gì đến những người phản đối và hối thúc công ty đạt được lợi nhuận ở trong nước, cũng như cam kết sản xuất dầu mỏ của nước ngoài. Năm 1920, tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Standard Oil, ông nói thẳng chiến lược của mình: "Chính sách hiện tại của Standard Oil là sẽ quan tâm đến mọi khu vực sản xuất dầu bất kể vị thế của quốc gia". Và ở bất cứ nơi đâu trên thế giới có thể có dầu, Standard Oil của Jersey sẽ đến đó. Đó là lý do tại sao mùa hè năm 1922, Teagle đến London để gặp những đối tác khác ở Công ty dầu mỏ Thổ Nhĩ Kỳ. Những cuộc thảo luận này không đem lại kết quả gì, nên một tháng sau, Teagle quay về, tiếp tục thương lượng qua thư từ.
Tháng 12 năm 1922, người Mỹ đã nản lòng bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc từ bỏ hoàn toàn. Việc phân chia Mesopotamia, hay Iraq, theo cách gọi của chính quyền ủy trị Anh là một vấn đề không dễ dàng, tại một bàn đàm phán như vậy. Những người tham gia đã tranh cãi về việc ai sẽ nhận được phần dầu mỏ ở Iraq. Họ sẽ không tham gia vào việc sản xuất dầu mỏ ở hầu hết các khu vực còn lại của Đế chế Ottoman trừ thông qua Công ty dầu mỏ Thổ Nhĩ Kỳ. Có vấn đề gay gắt liên quan đến lợi nhuận, dường như là một vấn đề gây nhiều bất đồng. Teagle và Greenway của Anh - Ba Tư muốn bán dầu cho các bên tham gia với mức giá không có lãi. Bằng cách đó, họ sẽ ngăn được xung đột với Iraq về việc xác định lợi nhuận và chỉ phải trả tiền thuê mỏ, còn các công ty của Mỹ sẽ tránh được các khoản thuế gia tăng. Nhưng đề nghị này không giúp giữ nguyên Iraq, quốc gia đang muốn có một phần thu nhập trực tiếp từ dầu.
Calouste Gulbenkian, người quan tâm nhiều nhất đến việc nhận cổ tức bằng tiền − chứ không phải dầu, cũng không đồng ý. Vấn đề càng trở nên nan giải hơn khi quốc gia – dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ mới bị thu hẹp đang đặt ra thách thức với Iraq và đang cố gắng xóa bỏ nền tảng pháp lý của Công ty dầu mỏ Thổ Nhĩ Kỳ − khi nhấn mạnh đến nguy cơ các công ty dầu mỏ sẽ hoạt động tại khu vực này. Để giảm bớt nguy cơ này, Chính phủ Anh, do có lợi thế từ sự ủy trị của Hội quốc liên đối với khu vực này, đã gây áp lực đối với Iraq nhằm chấp nhận một thỏa thuận mới, nhưng không mang lại kết quả. Vì Chính phủ Anh có quan hệ không mấy dễ chịu với chế độ vừa được thiết lập ở Iraq nên hai bên thậm chí không thể thống nhất về ý nghĩa của từ "ủy trị".
Faisal của Iraq
Trong chiến tranh, London đã khuyến khích Hussein, nhà lãnh tụ Hồi giáo của Mecca, lãnh đạo cuộc nổi dậy của người Arập chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Hussein đã lãnh đạo cuộc nổi dậy từ đầu năm 1916, với sự giúp đỡ của một số người Anh, trong đó nổi tiếng nhất là T. E. Lawrence[6] của Arập. Hussein và các con trai ông đã trở thành những người cai trị các vùng đất khác nhau của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ, nơi người Arập chiếm đa số. Faisal, con trai thứ ba của Hussein, là người có năng lực nhất. Lawrence bị mê hoặc khi gặp Faisal trong chiến tranh, đã mô tả ông là "một người hoàn toàn chín chắn" và là một vị chỉ huy hoàn hảo cho cuộc nổi dậy trên chiến trường. Sau chiến tranh, Faisal đã thể hiện là một nhân vật lãng mạn tại Hội nghị Versailles, thậm chí nắm bắt được suy nghĩ của vị Ngoại trưởng Mỹ khô khan khi đó là Robert Lansing. Lansing đã viết rằng: "giọng nói của Faisal dường như phả ra mùi thơm của hương trầm và gợi đến sự hiện diện của những chiếc đi văng nhiều màu sắc, những chiếc khăn xếp màu xanh, và vẻ tráng lệ của vàng và trang sức".
Người Anh đã đưa Faisal lên ngai vàng của quốc gia Syria mới thành lập, một trong những nhà nước độc lập được tách ra từ đế chế Thổ Nhĩ Kỳ đã tan rã. Nhưng vài tháng sau, khi quyền kiểm soát Syria được chuyển cho Pháp theo những thỏa thuận sơ bộ sau chiến tranh, Faisal bất ngờ bị phế truất và bị tống khỏi Damascus, thủ đô của Syria. Ông đã xuất hiện tại một trạm xe lửa ở Palestine, tại đó, sau một nghi lễ đón tiếp của người Anh, ông đã ngồi trên đống hành lý, chờ xe lửa tới. Nhưng sự nghiệp làm vua của ông vẫn chưa kết thúc. Người Anh cần một Shah cho Iraq, một nhà nước mới khác được thành lập từ ba tỉnh cũ của đế chế Thổ. Khu vực này cần có tình hình chính trị ổn định không chỉ bởi triển vọng dầu mỏ, mà còn để bảo vệ Vịnh Ba Tư và tuyến đường hàng không mới từ Anh đến Ấn Độ, Singapore và Australia.
Người Anh không muốn trực tiếp cai trị khu vực này vì việc đó quá tốn kém. Hơn thế, điều mà Churchill, khi đó là người đứng đầu Bộ Thuộc địa, mong muốn là một Chính phủ Arập, với nhà vua lập hiến, sẽ được người Anh ủng hộ dưới sự ủy trị của Hội quốc liên. Điều đó sẽ ít tốn kém hơn. Vì vậy, Churchill chọn Faisal đang thất nghiệp làm ứng viên của ông. Được triệu về trong tình cảnh sống lưu vong, ông đã đội vương miện quốc vương của Iraq ở Baghdad vào tháng 8 năm 1921. Abdulah, anh trai của Faisal − người đầu tiên được dự định ngồi lên ngai vàng của Iraq – được cho làm vua "của một vùng đất trống mà người Anh đặt tên thánh Amirate ở Transjordan (nay là nhà nước Giócđanni)".
Nhiệm vụ của Faisal rất to lớn. Ông đã không thừa hưởng một dân tộc theo đúng nghĩa, mà đúng hơn là một tập hợp các nhóm sắc tộc đa dạng – người Hồi giáo Shia và người Hồi giáo Sunni, người Do Thái, người Kurd và Yazidis − lãnh thổ có một vài thành phố quan trọng, phần lớn vùng nông thôn nằm dưới sự kiểm soát của các lãnh tụ Hồi giáo địa phương, với lịch sử văn hóa hay chính trị có rất ít điểm chung, nhưng cùng chung chủ nghĩa dân tộc Arập đang phát triển. Người Sunni thiểu số nắm quyền lực chính trị, trong khi người Shia đông đảo nhất.
Người Do Thái là nhóm sắc tộc cư trú lớn nhất ở Baghdad, sau người Arập và người Thổ Nhĩ Kỳ. Trước bức tranh đa dạng về tôn giáo và dân tộc này, Anh đã tìm cách thiết lập chủ nghĩa lập hiến và một nghị viện hoạt động theo cơ chế chịu trách nhiệm. Faisal dựa vào nước Anh để hậu thuẫn cho vương quốc mới của mình, nhưng địa vị của ông sẽ giảm sút nghiêm trọng nếu ông được coi là người chịu ơn London. Chính phủ Anh không chỉ phải đối phó với chủ nghĩa dân tộc Arập, mà còn phải đối phó với những người kinh doanh dầu mỏ, những người phản đối mạnh mẽ vụ chuyển nhượng của Iraq.
Nước Anh mong muốn phát triển dầu mỏ, hy vọng doanh thu dầu mỏ tiềm năng sẽ giúp hỗ trợ tài chính cho Chính phủ Iraq mới và giảm bớt hơn nữa gánh nặng tài chính của nó. Nhưng việc khai thác và phát triển dầu mỏ ở Iraq không thể bắt đầu mà không có một thỏa thuận chuyển nhượng mới, hợp lý hơn được chính phủ thông qua. Vì một lẽ, Washington kiên quyết không thừa nhận giá trị pháp lý của vụ chuyển nhượng năm 1914 của Công ty dầu mỏ Thổ Nhĩ Kỳ. Allen Dulles, Vụ trưởng Vụ các vấn đề Cận Đông của Bộ Ngoại giao Mỹ, đã thận trọng giám sát những cuộc thương lượng kéo dài đối với Chính phủ Mỹ.
Năm 1924, ông nói với Teagle, Chính phủ Mỹ tin rằng yêu sách của Công ty dầu mỏ Thổ Nhĩ Kỳ đối với vụ chuyển nhượng là "không có giá trị". Như Dulles đã giải thích trong một dịp khác: "Thông tin mà chúng tôi có đủ để phá hủy Công ty dầu mỏ Thổ Nhĩ Kỳ". Tuy nhiên, nhiều thành viên khác trong Nội các Iraq tỏ ra lo sợ trước quan điểm của chủ nghĩa dân tộc và sự chỉ trích trong nước – đôi khi được thể hiện dưới hình thức cuộc ám sát – hầu hết đều đắn đo trong việc chịu trách nhiệm ký kết vụ chuyển nhượng các mỏ dầu với nước ngoài. Những cuộc thương lượng giữa Công ty dầu mỏ Thổ Nhĩ Kỳ và Chính phủ Iraq diễn ra chậm chạp, khó khăn và luôn gay gắt. Nhưng cuối cùng, ngày 14 tháng 3 năm 1925, một thỏa thuận mới đã được ký kết, làm hài lòng Chính phủ Anh. Thỏa thuận chuyển nhượng này minh họa cho chính sách mở cửa. Nhưng như Gulbenkian sau này đã nói, thỏa thuận đó là vô nghĩa.
Vị kiến trúc sư
Cuối cùng mọi việc cũng đã được giải quyết, thậm chí cả vấn đề ranh giới với Thổ Nhĩ Kỳ, ngoại trừ một trở ngại – đó là Gulbenkian và 5% của ông. Xuyên suốt những cuộc thương lượng, Gulbenkian vẫn là một nhân vật kỳ lạ, cô độc. Ông đã làm rất nhiều việc để tránh những cuộc họp, nhưng đã xem xét cẩn thận từng từ trong bản ghi nhớ, và trả lời bằng hàng loạt các bức điện. Sự cô độc cũng thể hiện trong những mối quan hệ cá nhân của ông. Ông từng nói: "Những mối quan hệ bạn bè liên quan đến dầu mỏ đều rất khó giữ".
Điều đó tất nhiên chứng thực về mối quan hệ kinh doanh gần gũi trước đây với Deterding đã tan vỡ vào giữa những năm 1920. Sau này Gulbenkian giải thích: "Chúng tôi đã làm việc với nhau hòa hợp trong hơn 20 năm, nhưng, giống như các trường hợp thực tế thường xuyên xảy ra trong kinh doanh dầu mỏ, những ghen tức cá nhân, những bất đồng ý kiến đã chia rẽ chúng tôi". Những người khác nói rằng mâu thuẫn của họ xuất phát từ việc giành tình cảm của một quý bà người Nga, Lydia Pavlova, vợ cũ của một vị tướng của Nga hoàng. Từng có thời kỳ, hai người đàn ông này đã hợp tác vì người đàn bà đó, cũng như vì dầu mỏ.
Một lần, khi Deterding nhận ra rằng ông không thể kiếm được 300.000 đô-la mà ông đã nợ Catier để có được những viên ngọc lục bảo tặng cho quý bà này trong lúc bốc đồng, Gulbenkian đã dàn xếp một khoản vay bắc cầu cho đến khi Deterding rút tiền của Royal Dutch/Shell trong lần tiếp theo. Nhưng đúng lúc đó, Lydia Pavlova đã trở thành vợ hai của Deterding, dẫn đến sự đổ máu giữa hai người đàn ông. Deterding và Gulbenkian cũng từng tranh chấp để giành giật khoản lợi nhuận từ một công ty dầu mỏ của Venezuela mà Gulbenkian đã mang lại cho Royal Dutch/Shell. Ít nhất, đó là quan điểm của Nubar Gulbenkian, người có lợi thế duy nhất khi là trợ lý riêng cả của cha mình và của Deterding – đã rời bỏ vị trí trợ lý của Deterding khi Gulbenkian và Deterding giận dữ chấm dứt mối quan hệ của họ.
Theo giải thích của Nubar, Deterding đã tỏ ra tức giận với "sự can thiệp quá đáng" của Gulbenkian, trong khi Gulbenkian không thể chịu được "lối sống vương giả đầy độc đoán của Deterding". Dù có hay không có Deterding, Gulbenkian vẫn tiếp tục tham gia nhiều hoạt động kinh doanh khác nhau, trong đó có nỗ lực bảo vệ một vụ chuyển nhượng độc nhất để tiếp thị cho trứng cá muối của Liên Xô. Ông đã để vợ cùng "những kho báu nghệ thuật của ông" – cách ông gọi các con – sống trong biệt thự mà ông đã xây trên đại lộ d’Iena ở Paris. Bản thân ông lần lượt sống trong các phòng của khách sạn Ritz ở Paris, hay tại khách sạn Ritz hoặc Carlton ở London, với vài người tình, ít nhất một trong số họ ở cùng ông suốt cả ngày, với vai trò "tư vấn sức khỏe", phải 18 tuổi hoặc trẻ hơn để hồi phục sự mãnh liệt về tình dục của ông.
Người ta có thể nhìn thấy ông một hoặc hai lần một ngày, đi dạo ở Bois de Boulogne hay trong công viên Hyde, với chiếc xe hơi sang trọng theo sau. Thời gian còn lại, ông tìm cách ẩn mình, cống hiến cho những mối quan tâm liên quan đến công việc kinh doanh trên khắp thế giới của mình, luôn giữ liên lạc bằng điện thoại và điện tín. Các công ty trong công-xooc-xiom ở Mỹ, đặc biệt là Standard, vẫn cam kết phát triển các nguồn dầu mỏ mới trên khắp thế giới. Iraq là trung tâm trong những kế hoạch của họ. Nhưng Gulbenkian đứng cản đường, và ông ta sẽ không nhúc nhích. 5% của Công ty dầu mỏ Thổ Nhĩ Kỳ rất quan trọng đối với ông và phải được trả bằng tiền mặt, điều mà người Mỹ phản đối.
Mối quan hệ tan vỡ giữa ông với Deterding chỉ củng cố thêm tính ngang ngạnh của ông, đòi hỏi Deterding, Teagle và tất cả những người khác phải kiên nhẫn hơn bao giờ hết. Teagle từng bị xúi giục nói rằng Gulbenkian đang "lâm vào tình cảnh khó khăn nhất". Theo lời ông, Gulbenkian đã bị thuyết phục rằng "các tập đoàn dầu mỏ do người Mỹ đứng đầu chỉ có một mục tiêu, đó là tìm mọi cách tước bỏ mọi quyền lợi của ông. Nhưng ông hoàn toàn tự tin với vị trí của mình. Người Armenia muốn có tiền chứ không phải dầu. "Anh muốn có gì?", ông đã hỏi một phóng viên báo chí, "nếu anh có một khoản lợi tức nhỏ ở một công ty dầu mỏ và người ta đề nghị chia lãi bằng một vài gallon dầu?"
Cuối cùng Teagle quyết định rằng ông phải đích thân gặp Gulbenkian. Ông sắp xếp để họ cùng ăn trưa tại khách sạn Carton ở London. Sau khi đã thử nhiều cách, Teagle vẫn không đạt được mục đích. Ông chấp nhận hướng giải quyết cầu khẩn khi thảo luận với Hoàng gia Anh mà Gulbenkian đã yêu cầu. "Chắc chắn, thưa ngài Gulbenkian, ngài quả là một nhà buôn dầu mỏ quá giỏi nên không biết rằng thứ tài sản này sẽ không chịu được một mức giá như vậy". Khuôn mặt Gulbenkian đỏ tía, ông đập bàn giận dữ. "Này thằng nhóc!", ông hét lên, "Đừng bao giờ gọi tao là một gã buôn dầu! Tao không phải là một gã buôn dầu và tao sẽ làm cho mày hiểu rõ điều đó!" Teagle tiếp tục: "À, thưa ngài Gulbenkian, tôi xin lỗi nếu tôi đã xúc phạm ngài. Tôi không biết gọi ngài như thế nào hay xếp ngài vào lĩnh vực nào nếu ngài không phải là một nhà buôn dầu mỏ". "Tôi sẽ cho anh biết tôi tự xếp mình vào loại nào", người đàn ông Armenia nóng nảy trả lời. "Tôi xếp bản thân vào loại nhà kiến trúc doanh nghiệp. Tôi thiết kế công ty này và công ty kia. Tôi thiết kế Công ty dầu mỏ Thổ Nhĩ Kỳ, xây một phòng cho Deterding, một phòng cho người Pháp và một phòng cho anh". Cơn giận dữ của ông không hề giảm sút: "Các người định biến tôi thành thằng ngốc chắc?"
Hướng về đường ranh giới đỏ
Trong khi đó, người ta vẫn chưa xác định được liệu có tìm thấy đủ dầu mỏ để phục vụ cho các mục đích thương mại ở Iraq hay không. Chỉ trong năm 1925, một cuộc thăm dò địa chất liên kết − đại diện cho Công ty Anh-Ba Tư, Royal Dutch/Shell và các công ty Mỹ − được tiến hành ở Iraq. Thậm chí khi Gulbenkian tiếp tục tỏ ra bất lực, các nhà địa chất vẫn thực hiện cuộc thăm dò với sự háo hức ngày càng lớn. Một người Mỹ đã báo cáo lại với New York rằng không có khu vực nào khác trên thế giới hứa hẹn lượng dầu lớn hơn thế. Gulbenkian vẫn từ chối đưa ra bất cứ lý lẽ nào. Nhưng sau đó tại sao ông lại đưa ra lý do? Đã gần 35 năm kể từ khi ông viết bản báo cáo đầu tiên về Mesopotamia và dầu mỏ ở nơi này cho Sultan. Ông đồng hành với Công ty dầu mỏ Thổ Nhĩ Kỳ gần 15 năm.
Ông đã phải bỏ tiền túi trang trải các chi phí để duy trì kế hoạch trong suốt Chiến tranh thế giới thứ nhất. Ông đã kiên nhẫn chờ đợi quá lâu, việc trì hoãn thêm một chút thì có nghĩa lý gì? Ông từng là một người giàu có đến mức khó tin. Và ông biết rằng bất cứ thành công nào gắn với địa chất ở Iraq sẽ chỉ củng cố thêm địa vị của ông thông qua việc gây áp lực đối với Teagle và những người Mỹ khác sẽ nhanh chóng nhất trí một số thỏa thuận. Phản ứng với luồng tin từ các nhà địa chất đã chứng tỏ Gulbenkian đúng. Teagle thừa nhận, cần tìm một giải pháp. Việc khoan dầu bắt đầu vào tháng 4 năm 1927, có nghĩa là vụ kinh doanh không thể trì hoãn thêm nữa. Những cuộc thương lượng bế tắc bắt đầu được tiến hành trở lại, cùng lúc đó Teagle bắt đầu miễn cưỡng đưa ra lý lẽ với Gulbenkian. Cuối cùng, họ dường như sắp đạt được thỏa thuận.
Thỏa thuận đó không phải là quá sớm. Một trong những địa điểm khoan dầu là ở Baba Gurgur, cách Kirkuk khoảng 6 dặm về phía tây bắc, trong đó chủ yếu là khu vực của người Kurd. Ở đó, trong hàng nghìn năm, có 24 lỗ hổng trên mặt đất phun khí tự nhiên, luôn bừng cháy. Chúng được coi là "lò lửa đang bốc cháy", nhờ đó, Nebuchadnezzar, nhà vua Babylon, đã đánh bại người Do Thái. Cũng ở đó, người dân địa phương đã đốt cháy một cái cây chảy ra đầy dầu nhằm gây ấn tượng với Alexander vĩ đại. Cũng tại đây, lúc 3 giờ sáng ngày 15 tháng 10 năm 1927, từ một giếng khoan nổi tiếng là Baba Gurgur số 1, mũi khoan dầu chỉ vừa vặn xuyên qua 500 mét, một tiếng ầm lớn vang lên, dội lại qua sa mạc. Tiếp đó, một giếng dầu phun mạnh, cao hơn giàn khoan 15 mét, hất tung đá từ đáy giếng khoan. Vùng nông thôn này tràn ngập dầu, những thung lũng đầy khí độc.
Tất cả các làng ở vùng này đều bị đe dọa, và bản thân thị trấn Kirkuk đang gặp nguy hiểm. Khoảng 700 người bộ tộc được tuyển gấp để xây hào và tường thành ngăn dòng lũ dầu mỏ. Cuối cùng, sau 8 ngày rưỡi, giếng dầu đã được kiểm soát. Dầu tuôn trào với khối lượng 95.000 thùng một ngày. Câu hỏi chính đã được trả lời. Ở Iraq có tiềm năng dầu mỏ phong phú đến mức được coi như một kho báu và điều đó được khẳng định trong tất cả các cuộc tranh luận. Giờ đây, giải pháp cuối cùng đã trở nên rất cấp bách. Những cuộc thương lượng phải được hoàn tất.
Cuối cùng, ngày 31 tháng 7 năm 1928, 9 tháng sau phát hiện đầu tiên và gần 6 năm kể từ khi Teagle lần đầu tiên đi tàu đến London nhằm đạt được một thỏa thuận, bản hợp đồng đầy đủ đã được ký kết. Royal Dutch/Shell, Công ty Anh-Ba Tư và người Pháp sẽ nhận được 23,75% khối lượng dầu mỏ, bằng với Công ty phát triển Cận Đông, một công ty được thành lập để sở hữu lợi tức của các công ty Mỹ. Gulbenkian sẽ nhận được 5% lợi tức bằng dầu mỏ, nhưng ông có thể bán dầu mỏ ngay lập tức cho người Pháp với mức giá thị trường, nhờ đó tự động chuyển dầu thô thành tiền mặt như ông muốn.
Vẫn còn câu hỏi về điều khoản tự bảo vệ có ý nghĩa then chốt, thông qua đó tất cả những người tham gia đã đồng ý hợp tác – và chỉ cùng làm việc trong khu vực này. Như Gulbenkian sau này đã nói, tại một trong những cuộc họp mà ông kêu gọi vẽ lại bản đồ Trung Đông, khi đó đã lấy một chiếc bút chì to màu đỏ vẽ một đường dọc biên giới của đế quốc Thổ hiện nay không còn tồn tại. Ông nói: "Đó là Đế chế Ottoman mà tôi đã biết năm 1914. Và tôi cần phải biết. Tôi được sinh ra ở đó, sống ở đó, và làm việc ở đó". Tuy nhiên, Gulbenkian lẽ ra có thể thêm thắt vào những điều đã được quyết định. Vì vài tháng trước, người Anh, thông qua việc sử dụng bản đồ của Bộ Ngoại giao Anh, và người Pháp, thông qua bản đồ của Bộ Ngoại giao Pháp, đã ấn định các đường biên giới này. Dù tác giả của các đường biên giới là ai, thì cách giải quyết vấn đề dầu mỏ mà sau này có thể áp dụng rộng rãi được gọi là "Thỏa thuận Ranh giới Đỏ". Cuối cùng, tất cả các mỏ sản xuất dầu lớn của Trung Đông đã được tìm thấy trong phạm vi đường ranh giới đỏ, ngoại trừ các mỏ ở Ba Tư và Côoét.
Các đối tác tự giao ước không tham gia vào bất cứ hoạt động nào liên quan đến dầu mỏ trong lãnh thổ rộng lớn đó, ngoại trừ việc hợp tác với các thành viên khác của Công ty dầu mỏ Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy, điều khoản tự bảo vệ trong thỏa thuận của Bộ Ngoại giao năm 1914 được lập lại 14 năm sau đó với tên gọi Thỏa thuận Ranh giới Đỏ. Nó thiết lập khuôn khổ cho sự phát triển dầu mỏ ở Trung Đông sau này, đồng thời cũng trở thành trung tâm của các cuộc tranh cãi gay gắt trong nhiều thập kỷ. Nhiều năm sau, khi người ta cho rằng Gulbenkian đã đánh bại Teagle trong thỏa thuận với Công ty dầu mỏ Thổ Nhĩ Kỳ, Teagle nhớ lại những cuộc thương lượng khó khăn và mất nhiều thời gian đó. Ông nói: "Đó là một hành động sai lầm! Lẽ ra chúng tôi nên tiến hành trước đó ba năm". Tất nhiên, đó là một chiến thắng vĩ đại đối với Gulbenkian – đỉnh cao của 30 năm tập trung sức lực, và kết quả của tính kiên nhẫn và bền bỉ của ông. Đó là thỏa thuận ông đã chờ đợi trong toàn bộ quãng đời trưởng thành của mình. Đối với ông, nó đáng giá 10 triệu đô-la. Để đánh dấu sự kiện vĩ đại này, mùa hè đó, ông đã thuê một con tàu thăm quan Địa Trung Hải cùng cô con gái Rita. Gần bờ biển Marốc, ông đã nhìn thấy một loại tàu ông chưa từng thấy, nó có vẻ rất lạ đối với ông. Ông đã hỏi đó là cái gì. Rita trả lời: Đó là một chiếc tàu chở dầu. Khi 59 tuổi, ông đã thực hiện một trong những thương vụ dầu mỏ lớn nhất thế kỷ, ông là Talleyrand dầu mỏ, mặc dù trước đó ông chưa bao giờ nhìn thấy một tàu chở dầu nào.
(Còn tiếp)
Nam Hà (giới thiệu)