Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 8)
(PetroTimes) - Cuối năm 1900, Antoine Kitabgi, một tướng quân Ba Tư bảnh bao, đã tới Paris. Có lúc ông được cho là người gốc Armenia, lại có lúc được cho là người gốc Georgia, Kitabgi từng giữ nhiều vị trí trong Chính phủ Ba Tư, kể cả chức Tổng giám đốc Cục Hải quan.
CHƯƠNG 7: "NHỮNG TRÒ GIẢI TRÍ" Ở BA TƯ
Cuối năm 1900, Antoine Kitabgi, một tướng quân Ba Tư bảnh bao, đã tới Paris. Có lúc ông được cho là người gốc Armenia, lại có lúc được cho là người gốc Georgia, Kitabgi từng giữ nhiều vị trí trong Chính phủ Ba Tư, kể cả chức Tổng giám đốc Cục Hải quan. Một nhà ngoại giao Anh nói, Kitabgi "là người tinh thông các vấn đề phương Tây, có thể vạch ra một thỏa thuận hoặc đề xướng những hoạt động thương mại". Đó là những kỹ năng thích hợp cho nhiệm vụ của ông. Lý do bề ngoài của chuyến viếng thăm là lễ khai mạc Triển lãm Ba Tư ở Paris, nhưng mục đích chính của Kitabgi lại là tìm kiếm một nhà đầu tư ở châu Âu muốn thuê mỏ dầu ở Ba Tư. Kitabgi không chỉ phục vụ lợi ích của riêng mình – chắc chắn ông sẽ được đền đáp thỏa đáng – mà còn phục vụ cho lợi ích của Chính phủ Ba Tư. Trong những vấn đề rất hiển nhiên mà Chính phủ Ba Tư đang phải đối mặt, việc thiếu tiền trầm trọng.
Theo Thủ tướng Ba Tư thì nguyên nhân là do "tính hoang phí của Shah". Kết quả của những nỗ lực của tướng Kitabgi sẽ chứng minh đây là một vụ giao dịch có quy mô lớn nhất trong lịch sử. Mặc dù số phận của thỏa thuận này như ngàn cân treo sợi tóc trong vòng nhiều năm, nhưng nó sẽ mở ra kỷ nguyên dầu lửa ở Trung Đông và cuối cùng, đẩy khu vực này tới vị trí trung tâm của những bất đồng quốc tế về chính trị và kinh tế. Còn bản thân Ba Tư – hay Iran, như quốc gia này được biết tới từ năm 1935 trở đi – sẽ nổi lên với vị thế cao trên trường quốc tế, một vị thế chưa từng có kể từ thời kỳ đế quốc Ba Tư và Parthi cổ đại.
"Một nhà tư bản hạng nhất"
Ở Paris, Kitabgi tìm sự giúp đỡ của một nhà ngoại giao Anh đã về hưu. Sau khi cân nhắc, ông ta báo cáo Kitabgi: "Tôi đã nói chuyện với một nhà tư bản hạng nhất về vấn đề dầu lửa. Ông ấy tuyên bố sẵn sàng xem xét chuyện này". Nhà tư bản đó là William Knox D’Arcy. Sinh năm 1849 ở Devon, nước Anh, D’Arcy nhập cư vào Australia và tại đây, ông trở thành luật sư tại một thị trấn nhỏ và nảy sinh niềm đam mê đặc biệt với môn đua ngựa. Với bản tính sẵn sàng nắm bắt cơ hội, D’Arcy đã tổ chức một nghiệp đoàn để đưa một mỏ vàng cũ trở lại hoạt động. Mỏ này hóa ra vẫn còn rất nhiều vàng, và sau đó, ông quay về Anh sống cuộc đời cực kỳ giàu có. Sau khi người vợ đầu tiên qua đời, ông cưới Nina Boucicault, một nữ diễn viên nổi tiếng, người có những thú tiêu khiển rất xa xỉ. Thậm chí, Enrico Caruso đã tới hát trong những bữa tiệc tối của đôi vợ chồng này. Ngoài ngôi nhà ở London, D’Arcy sở hữu hai điền trang ở ngoại ô và một trong hai lô riêng ở trường đua Epson – lô kia là của Hoàng gia Anh. Ông là một nhà đầu tư, một nhà đầu cơ, một nhà tổ chức các nghiệp đoàn, nhưng không phải là một nhà quản lý, và ông đang tìm kiếm một cơ hội đầu tư mới. Triển vọng về dầu lửa ở Ba Tư đã hấp dẫn D’Arcy. Lại một lần nữa, ông sẵn sàng chộp lấy cơ hội, và với việc nắm bắt cơ hội này, ông sẽ trở thành người sáng lập ngành công nghiệp dầu lửa ở Trung Đông. Những khu vực có dầu ở Ba Tư đã được biết đến trong nhiều thế kỷ.
Ở đất nước này, dầu đã được sử dụng cho nhiều mục đích như chít thuyền và gắn các viên gạch. Năm 1872, rồi năm 1889, Nam tước Julius de Reuter, người sáng lập hãng tin Reuters, đã thuê được hai mỏ dầu ở Ba Tư. Tuy nhiên, việc làm đó đã gây ra sự chống đối lớn ở Ba Tư và Nga. Thêm vào đó, những nỗ lực tìm kiếm dầu cũng không thành công và gây ra nhiều lãng phí. Cuối cùng, hợp đồng thuê hai mỏ dầu này đã bị huỷ bỏ. Trong thập niên 1890, một nhà địa chất người Pháp bắt đầu xuất bản các báo cáo dựa trên nghiên cứu mở rộng của ông ở Ba Tư, cho thấy tiềm năng lớn về dầu lửa ở đây. Công trình của ông được nhiều người biết tới, trong đó có tướng Kitabgi, người rất muốn gài bẫy D’Arcy và hứa hẹn với nhà triệu phú này về một "nguồn của cải vô biên". Làm sao người ta có thể không quan tâm? Nhưng trước tiên cần phải giành được quyền thuê đất đã.
Ngày 25 tháng 3 năm 1901, đại diện của D’Arcy rời Paris, đi qua Baku và tới Tehran vào ngày 16 tháng 4. Các cuộc đàm phán tại thủ đô của Ba Tư diễn ra chậm chạp và liên tục đứt quãng nên lúc rảnh rỗi, đại diện của D’Arcy lại đi tìm mua những tấm thảm và hàng thêu. Nhà trung gian lâu năm Antoine Kitabgi thì bận rộn hơn. Theo công sứ Anh tại Ba Tư, ngài Arthur Hardinge, thì Kitabgi "bằng một cung cách rất chu đáo, tìm kiếm sự ủng hộ của tất cả các bộ trưởng và cận thần quan trọng của Shah. Thậm chí, Kitabgi còn không quên cả tay người hầu vẫn mang tẩu thuốc và cà phê sáng cho Shah".
Anh chống lại Nga
Trước đây, Ba Tư là đế quốc cổ đại dưới sự trị vì của Cyrus Đại đế và Darius I. Cho tới thế kỷ V, quốc gia này trải dài từ Ấn Độ tới khu vực ngày nay là Hy Lạp và Libya. Sau đó, đế quốc Parthia nổi lên trên khu vực Iran ngày nay và trở thành đối thủ đáng gờm của đế quốc La Mã. Ba Tư là một ngã tư lớn cho các hoạt động mậu dịch và các cuộc chinh phạt giữa châu Á và phương Tây. Từng làn sóng nối tiếp nhau của những đoàn quân và nhiều dân tộc đã đi qua nơi này, và từng định cư tại đây. Alexander Đại đế như cơn lốc quét tới từ phương Tây, Thành Cát Tư Hãn và quân Mông Cổ ào tới từ phương Đông.
Cuối thế kỷ XVIII, một vương triều tham lam mang tên Qajar đã giành được quyền kiểm soát một đất nước đã bị chia nhỏ thành các công quốc của những viên thủ lĩnh giành thắng lợi trong chiến tranh và những liên minh bộ tộc. Việc cai trị của các Shah Qajar trong một thế kỷ rưỡi diễn ra không dễ dàng. Vào thế kỷ XIX, một đất nước vốn quen với việc xâm lược các dân tộc khác nhận ra mình đang là đối tượng của một áp lực mới từ bên ngoài – cuộc cạnh tranh thương mại và ngoại giao giữa Nga và Anh để giành quyền thống trị Ba Tư. Điều này tất yếu khiến các Shah Qajar bận tâm, vì họ đang tìm cách làm cho hai cường quốc này chống lại nhau. Sự thù địch giữa Anh và Nga đã biến Ba Tư thành một vấn đề lớn trong chính sách đối ngoại của Anh. Ngài Curzon, toàn quyền Ấn Độ, coi Ba Tư là một trong những "mảnh ghép của một bàn cờ, nơi người ta đang chơi một ván cờ để giành quyền cai trị thế giới".
Đầu thập niên 1860, Nga bắt đầu nỗ lực mở rộng và thôn tính khu vực Trung Á. Quốc gia này còn vươn tầm ngắm qua Trung Á, tính tới chuyện kiểm soát các nước láng giềng và thôn tính được một cảng nước ấm. Đối với Anh, sự bành trướng của Nga là mối đe dọa trực tiếp đến Ấn Độ và những tuyến đường dẫn tới đây. Năm 1871, Bộ Ngoại giao Anh tuyên bố, bất kỳ nguồn lực nào giúp tăng cường sức mạnh của Ba Tư chống lại bước tiến của Nga cũng "có vai trò quan trọng đối với việc bảo vệ Ấn Độ". Nga đang trên đà mở rộng khắp khu vực. Năm 1885, Nga mở cuộc tấn công vào nước láng giềng Afghanistan và suýt làm nổ ra một cuộc chiến tranh giữa Nga và Anh. Cuối thế kỷ XIX, Nga lại tiếp tục gây áp lực với Ba Tư. Trong bối cảnh đó, Anh tìm cách duy trì nguyên trạng Ba Tư để làm một vùng đệm giữa Nga và Ấn Độ. Hai cường quốc đã tranh giành ảnh hưởng đối với Ba Tư thông qua những hợp đồng thuê đất, những khoản vay và các công cụ ngoại giao kinh tế khác. Tuy nhiên, khi bước sang thế kỷ mới, địa vị của Anh ở đây trở nên bấp bênh, vì Ba Tư dường như đã nằm trong vòng kiểm soát của Nga.
Trong khi nền kinh tế của Ba Tư đã hòa nhập đáng kể vào nền kinh tế Nga, Nga còn tìm cách xây dựng một căn cứ hải quân ở vịnh Ba Tư. Theo lời của vị công sứ người Anh Hardinge, Shah Muzaffar al-Din của Ba Tư "chỉ là một đứa trẻ lớn tuổi" và "bản thân chế độ quân chủ của Ba Tư đã già cỗi và bị quản lý yếu kém trong thời gian dài. Chế độ này có nguy cơ bị lật đổ ngay lập tức khi bất kỳ một cường quốc bên ngoài nào đưa ra mức giá cao nhất hoặc đe dọa lớn tiếng nhất đối với những kẻ cai trị đã thoái hóa và không còn khả năng tự vệ". Hardinge lo sợ rằng, cường quốc ấy rất có khả năng là nước Nga, vì "Shah và các bộ trưởng của ông ta đang ở trong tình trạng phụ thuộc hoàn toàn vào Nga, do sự phung phí liều lĩnh và hành động thiếu suy nghĩ của họ". Người Nga không quan tâm nhiều đến khía cạnh kinh tế của mối quan hệ này. Một quan chức Nga nói: "Chúng tôi được lợi gì khi buôn bán với bảy hay tám triệu kẻ nhếch nhác và lười biếng?". Thực tế, điều mà người Nga muốn là áp đặt quyền chi phối chính trị lên Ba Tư và gạt những cường quốc khác ra khỏi nước này.
Theo Hardinge, mục tiêu "quan trọng nhất" trong chính sách của Anh là chống lại một cuộc xâm nhập "đáng ghê tởm" vào Ba Tư. Đây chính là điều mà D’Arcy và kế hoạch kinh doanh dầu lửa của ông có thể hỗ trợ. Một hợp đồng thuê mỏ dầu cho người Anh sẽ góp phần lấy lại thế cân bằng với Nga. Vì thế, Anh đã ủng hộ vụ làm ăn của D’Arcy. Khi phát hiện ra cuộc đàm phán thuê mỏ dầu, viên công sứ Nga nổi giận, tìm cách cản trở và đã thành công trong việc kéo dài quá trình đàm phán. Tuy nhiên, đại diện của D’Arcy đã đặt thêm 5.000 bảng nữa lên bàn đàm phán, vì theo những gì mà người này báo cáo với D’Arcy, "Shah muốn có ngay một ít tiền và đòi có tiền thì mới ký hợp đồng". Số tiền đưa thêm đó đã có tác dụng, và ngày 28 tháng 5 năm 1901, Shah Muzaffar al-Din đã ký vào bản hợp đồng. Hợp đồng này đem lại cho nhà vua 20.000 bảng tiền mặt, một số cổ phiếu trị giá 20.000 bảng, và 16% của "lợi nhuận ròng hàng năm". Đổi lại, D’Arcy có được quyền khai thác mỏ dầu trong vòng 60 năm, trên khắp 3/4 diện tích của Ba Tư. Từ đầu, D’Arcy đã có chủ ý loại ra khỏi hợp đồng thuê mỏ mà ông đề xuất năm tỉnh ở phía bắc của Ba Tư, những nơi gần nước Nga nhất, để "không làm phật ý người Nga". Tuy nhiên, sự đối địch giữa Anh và Nga khó có thể chấm dứt. Lúc này, Nga đang tìm cách xây dựng một đường ống dẫn dầu từ Baku tới vịnh Ba Tư, không chỉ để tăng cường xuất khẩu dầu mỏ vào thị trường Ấn Độ và châu Á, mà quan trọng hơn, để mở rộng ảnh hưởng chiến lược của Nga ở Ba Tư, trên khắp Vùng Vịnh và tới những khu vực bờ biển của Ấn Độ Dương. Người Anh kịch liệt phản đối dự án này.
Công sứ Anh tại Tehran, Hardinge cảnh báo rằng, việc cho phép xây dựng đường ống "lố bịch" này, thậm chí cả khi đường ống đó không bao giờ được xây dựng, sẽ "là cái cớ để các nhà khảo sát, kỹ sư và biệt đội bảo vệ của bọn Cô-dắc lan tràn khắp khu vực phía nam của Ba Tư, chuẩn bị cho sự chiếm đóng quân sự trá hình". Sự phản đối của Anh đã thành công, tuyến đường ống đó đã không được xây dựng. Đại diện của D’Arcy ở Tehran cảm thấy hồ hởi về thỏa thuận đã đạt được. Chương trình này sẽ không chỉ đem lại lợi ích cho D’Arcy mà còn "có ảnh hưởng rộng rãi, cả về mặt thương mại và chính trị cho nước Anh và không thể không tăng cường mạnh mẽ ảnh hưởng của nước Anh ở Ba Tư". Mặc dù từ chối gánh lấy bất kỳ trách nhiệm trực tiếp nào, Bộ Ngoại giao Anh cũng sẵn sàng hỗ trợ cho những nỗ lực của D’Arcy. Tuy nhiên, người có mặt trực tiếp ở Ba Tư là Hardinge lại tỏ ra hoài nghi. Ông biết rõ về Ba Tư – hệ thống chính trị, con người, những khó khăn lớn về địa lý và hậu cần, cũng như thực tế chẳng có gì hứa hẹn của những hợp đồng khai thác dầu lửa gần đây ở nước này. Ông cảnh báo: "Cho dù có dầu ở Ba Tư hay không, trong những năm qua, đã có quá nhiều kế hoạch triển vọng tái tạo thương mại và chính trị ở đây bị đổ vỡ. Việc dự báo tương lai của dự án mới nhất này có thể là điều quá vội vàng".
Theo lời một nhà sử học, kế hoạch của D’Arcy là "cuộc phiêu lưu trải rộng trên một vùng đất xa xôi và khó lường". Vậy điều gì đã lôi kéo D’Arcy vào một dự án kinh doanh mạo hiểm đến như vậy? Tất nhiên, câu trả lời ở đây là sức hấp dẫn không thể cưỡng lại được của sự giàu có khôn xuể và cơ hội trở thành một Rockefeller mới. Ngoài ra, trước đó, D’Arcy cũng từng mạo hiểm với mỏ vàng ở Australia và thành công rực rỡ. Tuy nhiên, nếu D’Arcy có thể dự đoán chính xác điều gì đang đợi mình ở phía trước, hẳn là ông đã dừng vụ làm ăn mạo hiểm này. Đây là một canh bạc lớn, lớn hơn rất nhiều so với dự án mỏ vàng ở Australia của D’Arcy, với nhiều người chơi hơn so với những gì ông dự tính. Đồng thời, nó cũng có mức độ phức tạp chính trị và xã hội hoàn toàn không hề tồn tại ở Australia. Tóm lại, đây không phải là một vụ làm ăn bình thường. Thậm chí, cả những tính toán chi phí cũng được nói giảm đi rất nhiều. Ban đầu, D’Arcy được cố vấn rằng sẽ phải mất 10.000 bảng để khoan hai giếng dầu nhưng thực tế là trong vòng bốn năm, ông phải bỏ ra tới hơn 200.000 bảng.
Bước tiến đầu tiên
D’Arcy không có một tổ chức hay một công ty nào mà chỉ có một thư ký để giải quyết thư từ giao dịch. Để thiết lập và điều hành các hoạt động khai thác dầu ở Ba Tư, ông thuê George Reynonds, một người tốt nghiệp trường Cao đẳng Kỹ thuật Hoàng gia Ấn Độ và đã có kinh nghiệm khoan tìm dầu ở Sumatra. Khu vực đầu tiên được chọn để thăm dò là Chiah Surkh, một cao nguyên xa xôi giữa những dãy núi ở phía tây bắc Ba Tư, gần khu vực sau đó sẽ trở thành biên giới giữa Iran và Iraq, gần Baghdad hơn là Tehran, cách vịnh Ba Tư 300 dặm. Địa hình ở đây thật hiểm trở, với vỏn vẹn 800 dặm đường đi trên toàn khu vực. Những vùng đất rộng lớn ở nơi này nằm dưới sự cai trị của những bộ lạc hiếu chiến không chịu công nhận chính quyền Tehran. Các viên chỉ huy quân đội Ba Tư thường cho các chủ đất địa phương thuê binh sĩ của họ để làm vườn hoặc làm công nhân và bỏ túi khoản tiền cho thuê này. Dân cư ở đây rất thiếu những kỹ năng kỹ thuật.
Trên thực tế, sự hiểm trở của địa hình cũng giống như thái độ thù địch của những cư dân này đối với những ý tưởng, công nghệ và sự hiện diện của người phương Tây. Trong hồi ký của mình, Hardinge ghi lại chi tiết về dòng Shia thống trị ở đây, về nhiệt huyết tôn giáo, thái độ chống đối chính quyền và sự phản kháng gay gắt của họ đối với tất cả những ai đến từ thế giới bên ngoài, cho dù đó là người Thiên Chúa giáo hay người Hồi giáo dòng Sunni. "Sự căm ghét của người Shia đối với bốn vị vua Hồi giáo đầu tiên đã và vẫn đang sục sôi đến nỗi, ngày càng có nhiều thành viên hăng hái của dòng Shia liên tục tìm cách được lên Thiên đàng sớm hơn bằng cách làm ô uế những ngôi mộ của những kẻ tiếm quyền kia, đặc biệt là lăng mộ của Omar, đối tượng họ căm ghét số một ở Mecca. Sự căm ghét này chỉ có thể bị kiềm chế bởi thuyết "Ketman" hay sự che đậy vì lòng sùng đạo… trong đó cho rằng, sẽ là đúng luật nếu một người Hồi giáo tốt giấu giếm hoặc thậm chí là nói dối nhằm mục đích sùng đạo thật sự". Sau đó, Hardinge đi vào việc xin lỗi vì đã quá chú ý tới cuộc xung đột giữa người Shia và người Sunni, cũng như ảnh hưởng của lòng sùng đạo của người Shia với hệ thống chính trị của Ba Tư: "Có lẽ, tôi đã đề cập đến vấn đề này nhiều hơn mức cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề này đã, và tôi nghĩ là sẽ còn tiếp tục, chiếm một phần quan trọng trong nền chính trị và tư tưởng của Ba Tư".
Quả thật, vấn đề đó sẽ tiếp tục có ảnh hưởng như Hardinge dự báo. Nhiệm vụ trước mắt thật khó khăn. Mọi thiết bị đều phải được chở bằng tàu biển tới Basra trên vịnh Ba Tư, rồi chuyển lên tàu khác và vượt qua quãng đường 300 dặm trên sông Tigris để tới được Baghdad. Sau đó, thiết bị tiếp tục được vận chuyển bằng sức người và sức la vượt qua đồng bằng Mesopotamia và những dãy núi. Khi thiết bị tới nơi, Reynolds và các đối tác của ông, bao gồm người Ba Lan, người Canada, người Arezi lại vật lộn với việc lắp đặt và đưa những thiết bị đó vào hoạt động. Đối với những người Arezi, thậm chí cả một chiếc xe cút kít xuất hiện ở đây cũng là điều gây chú ý lớn, một phát minh lớn. Ở London, D’Arcy cảm thấy lo lắng. Mọi việc không diễn ra đúng tiến độ. "Chậm trễ là nguy hiểm. Hãy gấp rút hành động", ông viết trong bức điện gửi George Reynolds tháng 4 năm 1902. Tuy nhiên, sự chậm trễ là chuyện xảy ra hàng ngày.
Trên thực tế, việc khoan tìm dầu chỉ bắt đầu vào thời điểm nửa năm sau đó, cuối năm 1902. Các thiết bị liên tục hỏng, lũ côn trùng nhung nhúc khắp nơi, việc tiếp tế thực phẩm và cung cấp phụ tùng luôn gặp vấn đề, điều kiện làm việc thật khủng khiếp. "Cái nóng của địa ngục" ở khu lán trại của công nhân lên tới 49 độ C. Ngoài ra còn có những vấn đề về chính trị. Khu trại tại công trường phải duy trì một "bếp ăn Hồi giáo", vì sự xuất hiện thường xuyên của nhiều nhân vật đáng kính ở địa phương. Theo lời Reynonds, tất cả những người này có vẻ như "rất quan tâm đến việc nhận được một món quà lớn từ chúng tôi, đặc biệt là dưới dạng cổ phiếu trong công ty của chúng tôi". Ngoài ra, Reynolds buộc phải đóng vai một nhà ngoại giao để giải quyết những chuyện thù hằn lặt vặt và một cuộc chiến tranh giữa các bộ tộc. Tốp người nhỏ trong khu trại ở địa điểm khoan tìm dầu cũng phải liên tục cảnh giác với mối đe dọa từ những tín đồ sùng đạo dòng Shia. Người phó của Reynonds báo cáo với D’Arcy: "Những giáo sĩ Hồi giáo ở phía Bắc đang kích động dân chúng chống lại người nước ngoài. Giữa Shah và các giáo sĩ Hồi giáo dường như đang diễn ra một cuộc chiến để giành quyền kiểm soát đất nước".
"Cái ví nào cũng có đáy của nó"
Công việc vẫn tiến triển ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất. Tháng 10 năm 1903, 11 tháng sau khi Reynonds bắt đầu khoan tìm dầu, những dấu hiệu đầu tiên của dầu lửa đã xuất hiện. Tuy nhiên, D’Arcy nhanh chóng phát hiện ra rằng, ông đã tự mua dây buộc mình vào một công việc khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều so với những gì ông tưởng tượng trước đó. Năm 1903, ông lo lắng viết: "Cái ví nào cũng có đáy của nó, và tôi có thể nhìn thấy đáy của ví mình". D’Arcy nhận thấy mình không thể tự gánh vác được những khoản chi phí tiếp tục tăng cao. Ông cần ai đó cứu khỏi cảnh túng quẫn này, nếu không, vụ làm ăn tại Ba Tư sẽ thất bại. D’Arcy viết đơn lên Bộ Hải quân Anh xin vay tiền. Đây không phải là ý tưởng của ông, mà là của Thomas Boverton Redwood, "nhân vật tâm phúc của chính sách dầu lửa của Anh trước Chiến tranh thế giới thứ nhất", một người có ảnh hưởng sâu sắc đối với tiến trình phát triển của ngành công nghiệp dầu lửa thế giới trong hai thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX. Bảnh trai và ăn mặc đẹp hoàn hảo, với một đóa hoa trên khuy áo, Redwood thường bị nhầm là một tài tử hàng đầu, một sự nhầm lẫn mà ông rất lấy làm thích thú. Những thành tựu của ông trong lĩnh vực dầu lửa rất đa dạng. Là một nhà hóa học, ông được cấp bằng sáng chế cho một quy trình lọc dầu lửa sáng giá.
Năm 1896, ông xuất bản cuốn A Treatise on Petroleum (Một luận thuyết về dầu lửa), một cuốn sách được coi là chuẩn mực trong suốt hai thập kỷ sau đó. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Redwood đã là một chuyên gia dầu lửa cao cấp, với một công ty tư vấn mà hầu hết mọi công ty dầu mỏ của Anh đều tìm đến. Redwood còn trở thành nhà tư vấn các vấn đề dầu lửa hàng đầu của Chính phủ Anh. Ông sớm nhận thấy những lợi thế của Hải quân Hoàng gia khi dùng dầu nhiên liệu thay cho than. Ngờ vực cả Standard Oil và Shell, ông muốn kho dự trữ dầu của nước Anh phải do chính các công ty của Anh xây dựng, từ những nguồn nằm dưới quyền kiểm soát của nước này. Redwood là thành viên Ủy ban nhiên liệu của Bộ Hải quân. Nếu chỉ nói ông biết dự án của D’Arcy và những khó khăn của dự án này là chưa chính xác. Vì ông là cố vấn cho D’Arcy trong từng bước đi và chắc chắn, ông chính là người khiến Ủy ban Nhiên liệu chú ý đến tình cảnh khó khăn của D’Arcy. Sau đó, chủ tịch Ủy ban này đã khuyến khích D’Arcy nộp đơn xin cấp vốn vay. Trong lá đơn, D’Arcy nói đến những áp lực tài chính mà ông đang phải đối mặt: Tính đến lúc này, ông đã bỏ ra 160.000 bảng cho việc thăm dò dầu và có thể sẽ phải chi thêm ít nhất 120.000 bảng nữa. Người ta báo cho D’Arcy biết khoản vay sẽ được thông qua và đổi lại, ông sẽ phải đem đến cho Bộ Hải quân một hợp đồng cung cấp dầu nhiên liệu. Cả Bộ Hải quân và Bộ Ngoại giao Anh đều ủng hộ đề xuất này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Austen Chamberlain lại cho rằng, Hạ viện sẽ không thông qua một khoản vay như vậy, và từ chối khoản vay đó. D’Arcy rơi vào cảnh tuyệt vọng. Ông viết: "Tất cả những gì tôi có thể làm là giữ cho nhà băng không lên tiếng. Cần phải làm một điều gì đó".
Tới cuối năm 1903, D’Arcy rút quá số tiền ông có tại ngân hàng Lloyds một khoản là 117.000 bảng và buộc phải dùng một số cổ phiếu trong nghiệp đoàn khai thác mỏ vàng ở Australia của ông để thế chấp. Tuy nhiên, đến giữa tháng 1 năm 1904, giếng dầu thứ hai ở Chiah Surkh đã cung cấp dầu. "Tin tức tuyệt vời từ Ba Tư" D’Arcy đắc thắng tuyên bố, và không quên bổ sung lời bình luận cá nhân rất chân thành: "Tôi chưa bao giờ thấy nhẹ nhõm như thế này". Mặc dù đã phát hiện ra dầu, ông vẫn phải bỏ ra hàng chục nghìn bảng, hoặc thậm chí là hàng trăm nghìn bảng, để duy trì công việc. Lúc này, số tiền đó vượt quá khả năng của D’Arcy. Trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư mới, D’Arcy cố gắng tìm một khoản vay từ Công ty Joseph Lyons nhưng không thu được kết quả. Ông bỏ ra vài tháng nữa với Standard Oil cũng không thành công. Ông còn tới Cannes để gặp Nam tước Alphonse de Rothschild, nhưng gia đình Rothschild cho rằng những mối quan hệ hợp tác với Shell và Royal Dutch trong Công ty dầu mỏ châu Á là đã đủ cho họ rồi. Mọi việc càng trở nên tồi tệ khi dòng dầu ở Chia Surkh lại bắt đầu nhỏ giọt. Boverton Redwood phải làm nhiệm vụ đáng buồn là thông báo cho khách hàng của mình biết những giếng dầu ở đây sẽ không bao giờ hoàn lại chi phí mà họ đã bỏ ra và tốt hơn hết, họ nên dừng lại để chuyển toàn bộ nỗ lực thăm dò sang phía tây nam của Ba Tư. Đến tháng 4 năm 1904, khoản tiền trội mà D’Arcy rút từ ngân hàng tiếp tục tăng cao, và nhà băng Lloyds đòi lấy quyền khai thác mỏ dầu của ông làm vật thế chấp. Chưa đầy ba năm sau khi bắt đầu, dự án tìm dầu ở Ba Tư đã mấp mé bên bờ vực phá sản.
"Nghiệp đoàn của những người yêu nước"
Tuy nhiên, đã có những nhân vật trong Chính phủ Anh được cảnh báo rằng, có thể D’Arcy sẽ buộc phải bán đi những lợi ích ở nước ngoài, hoặc mất toàn bộ quyền khai thác dầu. Điều khiến họ lo lắng là những vấn đề về chiến lược và chính trị, cũng như vị trí của nước Anh giữa các cường quốc lớn. Đối với Bộ Ngoại giao Anh, những vấn đề chính là sự bành trướng của nước Nga và an ninh ở Ấn Độ. Tháng Năm 1903, Ngoại trưởng Anh, ngài Lansdowne, đã đưa ra trước thượng viện một tuyên bố lịch sử: Chính phủ Anh "coi việc thiết lập một căn cứ hải quân hoặc một cảng biển được tăng cường tại vịnh Ba Tư của một cường quốc nào khác là mối đe dọa lợi ích của nước Anh, và chúng ta chắc chắn sẽ chống lại cường quốc đó bằng tất cả những gì chúng ta có". Ngài Curzon vui mừng nói rằng, tuyên bố này là "Học thuyết Monroe của chúng tôi ở Trung Đông". Vấn đề đối với Bộ Hải quân lại cụ thể hơn: Khả năng có được một nguồn cung cấp dầu nhiên liệu bảo đảm cho hạm đội của nước Anh.
Lúc này, tuy những con tàu chiến, trái tim của Hải quân Hoàng gia, vẫn sử dụng nhiên liệu than nhưng dầu cũng đã được sử dụng cho những con tàu nhỏ hơn. Chỉ chừng đó cũng làm dấy lên nỗi lo sợ rằng, liệu có đủ dầu lửa để một thành tố quan trọng trong sức mạnh của nước Anh dựa vào. Nhiều người nghi ngờ điều này. Những người trong Bộ Hải quân ủng hộ việc dùng dầu thay cho than làm cũng coi đó là một sự phụ thuộc, ít nhất tới khi nào tìm được một nguồn cung dầu lửa lớn và ổn định. Ba Tư có thể đem lại một nguồn cung cấp như vậy nên dự án của D’Arcy xứng đáng được hỗ trợ. Đối với Bộ Ngoại giao Anh, việc Bộ Tài chính từ chối đơn xin vay vốn của D’Arcy có vẻ như là một sự thiển cận tồi tệ. Ngài Lansdowne ngay lập tức bày tỏ mối lo ngại rằng "như thế, có nguy cơ toàn bộ quyền khai thác dầu lửa ở Ba Tư sẽ rơi vào tay người Nga". Đồng tình với quan điểm đó, công sứ Anh tại Tehran, Hardinge cảnh báo việc Nga có thể giành được quyền khai thác dầu tại Ba tư và sau đó, sử dụng quyền này để mở rộng tầm với của họ, gây ra những hậu quả chính trị khôn lường. Ông lập luận rằng quyền khai thác dầu của người Anh phải được duy trì bằng mọi giá. Nga không phải là mối lo duy nhất của nước Anh. Việc D’Arcy tới Cannes để gặp nhà Rothschild cũng dẫn tới nguy cơ quyền khai thác dầu ở Ba Tư có thể bị chuyển sang cho người Pháp. Điều này càng thúc đẩy Bộ Hải quân Anh phải hành động. Chủ tịch Ủy ban dầu nhiên liệu vội vã viết thư yêu cầu D’Arcy trước khi tham gia bất kỳ thỏa thuận nào với nước ngoài, phải cho Bộ Hải quân Anh có cơ hội dàn xếp để thỏa thuận với một nghiệp đoàn của Anh. Như vậy, Bộ Hải quân Anh đã nắm lấy vai trò của một bà mối, và không phải là quá sớm. Ngài Strathcona, một triệu phú 84 tuổi tự tay gây dựng cơ đồ, một người có những phẩm chất "lớn" và hoàn hảo, được mời đứng đầu một "nghiệp đoàn của những người yêu nước". Sau khi được bảo đảm rằng, vụ làm ăn này là vì lợi ích của Hải quân Hoàng gia Anh và ông chỉ phải đầu tư không quá 50.000 bảng bằng tiền túi của mình, Strathcona đồng ý. Sau này, ông nhớ lại, ông chấp nhận đề nghị kia không chỉ vì khả năng đem lại lợi nhuận của dự án, "mà còn thật sự từ một tầm nhìn lớn". Lúc này, Hải quân Anh đã có một con bài. Nhưng con bài này sẽ kết hợp với ai đây? Câu trả lời là Công ty dầu lửa Burmah. Là một công ty tách ra từ mạng lưới các công ty mậu dịch ở Viễn Đông, Công ty Burmah được những thương nhân người Scotland lập ra năm 1886, trụ sở đặt tại Glasgow.
Công ty này đã biến hoạt động thu mua dầu thô của những dân làng ở Miến Điện thành một công ty thương mại với một nhà máy lọc dầu ở Rangoon và thị trường tiêu thụ tại Ấn Độ. Tới năm 1904, công ty cũng đã có một thỏa thuận dự kiến cung cấp dầu nhiên liệu cho Bộ Hải quân Anh, vì Miến Điện được coi là một nguồn cung cấp dầu lửa bảo đảm do bị sáp nhập vào Ấn Độ năm 1885. Tuy nhiên, các giám đốc người Scotland của Burmah lại lo ngại rằng, nguồn cung dầu lửa ở Miến Điện sẽ chỉ có hạn, và việc khai thác dầu thành công ở Ba Tư sẽ làm cho thị trường Ấn Độ tràn ngập những nguồn dầu lửa mới dồi dào và có giá rẻ. Do đó, họ sẵn sàng lắng nghe lời đề nghị của Bộ Hải quân.
Chuyên gia dầu lửa Boverton Redwood đóng vai trò người trung gian. Ông nói với các giám đốc của Burmah rằng, Ba Tư có thể có rất nhiều dầu lửa, và một cuộc hôn phối giữa hai công ty sẽ đem lại hiệu quả lớn. Trong khi đó, Bộ Hải quân nhất quyết yêu cầu quyền khai thác dầu ở Ba Tư "phải nằm trong tay người Anh, đặc biệt là từ quan điểm về những nguồn tiếp tế cho hải quân trong tương lai". Tuy nhiên, về phần mình, những thương nhân người Scotland thận trọng không nói đến những điều to tát hay trừu tượng, và cũng không để phía bên kia hối thúc. Họ đưa ra những câu hỏi rất thực tế, trong đó, quan trọng nhất là câu hỏi: Liệu Ba Tư có được xem xét để được Anh bảo vệ hay không? Theo đề nghị của Bộ Hải quân, Bộ Ngoại giao đã bảo đảm với các thương nhân Scotland về điểm này. Trong một nỗ lực thúc đẩy đàm phán, D’Arcy mời phó chủ tịch công ty Burmah tới xem giải đua ngựa Epsom Derby tại lô cá nhân của ông ở trường đua, ở gần khu vực đích. Đồ ăn thức uống béo bổ ở đó đã khiến lá gan của vị phó chủ tịch gặp vấn đề. Trong một vài tuần kế tiếp, ông này bị ốm tới bốn lần, và sau đó, không bao giờ nhận lời mời đến xem đua ngựa với D’Arcy nữa. Trong khi đó, Bộ Hải quân Anh vẫn tăng cường áp lực đối với Công ty dầu mỏ Burmah để công ty này cứu D’Arcy.
Về phần mình, Burmah cần Bộ Hải quân, cả về những hợp đồng cung cấp dầu nhiên liệu đang được đàm phán chi tiết vào đúng thời điểm đó, và để bảo vệ thị trường của công ty này ở Ấn Độ. Cuối cùng, năm 1905, gần bốn năm sau ngày hợp đồng cho thuê mỏ dầu do Quốc vương Ba Tư ký tại Tehran, việc hợp tác giữa D’Arcy và Burmah đã được hoàn tất tại London. Hai bên thỏa thuận lập ra Nghiệp đoàn quyền khai thác dầu lửa, trong đó, các hoạt động tìm dầu của D’Arcy là một bộ phận con, còn bản thân D’Arcy thì trở thành giám đốc của doanh nghiệp mới này. Trên thực tế, Burmah trở thành một dạng nhà đầu tư rất đặc biệt, vì công ty này vừa cung cấp vốn lại vừa đảm nhận quản lý và chuyên môn để tiếp tục dự án của D’Arcy. Do thực tế ảm đạm của những dự án khai thác dầu trước kia ở Ba Tư và sự kém may mắn, D’Arcy không còn sự lựa chọn nào khác. Điều quan trọng ở đây là dự án của ông đã được cứu sống. Ít nhất, bây giờ, việc thăm dò dầu lửa có thể được tiếp tục, và D’Arcy, nhờ thỏa thuận này, vẫn còn cơ hội lấy lại được số tiền đã bỏ ra. Những người làm trung gian trong vụ này cũng cảm thấy thỏa mãn và những nhu cầu của D’Arcy "trùng khớp hoàn toàn với nhu cầu của Bộ Ngoại giao Anh, vốn lo lắng về con đường tới Ấn Độ, cũng như những nhu cầu của Bộ Hải quân muốn tìm kiếm những nguồn cung cấp dầu nhiên liệu đáng tin cậy". Từ đó trở đi, giữa lợi nhuận và chính trị sẽ có mối quan hệ chặt chẽ tại Ba Tư.
Ngôi đền lửa: Masjid-i-Suleiman
Sau khi Nghiệp đoàn quyền khai thác dầu lửa thành lập, các hoạt động thăm dò dầu được chuyển sang vùng tây nam của Ba Tư. Dưới sự chỉ đạo của George Reynolds, những giếng đã khoan ở Chiah Surkh được lấp lại, khu trại đóng cửa và khoảng 40 tấn thiết bị, được tháo dỡ và đưa trở lại Baghdad, chở bằng tàu thủy xuôi sông Tigris tới Basra, sau đó lại được chuyển lên tàu khác và đưa tới cảng Mohammerah ở Iran. Sau cùng, những thiết bị này tiếp tục được chở bằng đường sông, xe ngựa và khoảng 900 con la tới những khu vực khoan tìm mới, nơi cũng có những dấu hiệu của dầu. Ban đầu, việc khoan tìm được tiến hành ở Shardin. Tuy nhiên, còn có một khu vực tiềm năng khác là Maidan-i-Naftan, có nghĩa là "Đồng bằng dầu". Masjid-i-Suleiman là tên gọi của một ngôi đền lửa gần đó. Lần đầu tiên đặt chân tới vị trí không có đường vào này, Reynolds đã phải đi khá lòng vòng.
Cuối tháng 11 năm 1903, Reynolds bị bỏ lại một mình ở Côoét, cố gắng tìm cách trở về Anh. Ông đã cảm thấy hết sức chán nản với dự án của D’Arcy ở Ba Tư, cũng như những vấn đề về tài chính của dự án, và chỉ muốn làm cho xong việc. Tuy nhiên, ở Côoét, Reynolds gặp một quan chức người Anh là Louis Dane, khi đó đang cùng du ngoạn ở vịnh Ba Tư với ngài Curzon, người tiến hành một chuyến đi tới khu vực này để ca tụng tuyên bố của Lansdowne và nhấn mạnh những lợi ích của Anh tại Vùng Vịnh. Bản thân Dane đang soạn một cuốn từ điển địa lý cho vịnh Ba Tư và các vùng lân cận. Ông nhiều lần bắt gặp cái tên Maidan-i-Naftan trong những sổ sách ghi chép, cả cũ và mới, của các lữ khách. Những tài liệu này làm ông nhớ tới Baku. Trước sự thúc giục mạnh mẽ của Dane – "Sẽ là cả nghìn lần đáng tiếc nếu bỏ qua một khu vực có thể là lợi ích to lớn cho dân tộc" – và với sự ủng hộ của ngài Curzon, Reynolds lên đường tới Maidan-i-Naftan.
Tháng 2 năm 1904, ông đặt chân tới khu vực hoang vu này và nhận thấy, những tảng đá ở đây thấm đẫm dầu. Hai năm sau, năm 1906, ông quay trở lại Masjid-i-Suleiman và tìm thấy thậm chí còn nhiều hơn những dấu hiệu có dầu trên một phạm vi rộng lớn. Khi Boverton Redwood đọc báo cáo của Reynolds, ông rất hoan hỉ. Ông tuyên bố, tính đến thời điểm đó, bản báo cáo này chứa đựng những thông tin quan trọng nhất và hứa hẹn nhất. Khai thác dầu ở Masjid-i-Suleiman là công việc vô cùng khó khăn và phức tạp chứ không phải "chỉ là những trò giải trí" như cách nói hài hước của Reynolds khi báo tin về cho các nhà quản lý của Burmah ở Glasgow. Công việc đình trệ vì những người thực hiện bị mắc bệnh từ nguồn nước uống ô nhiễm. Theo Reynolds, thứ nước này "được mô tả chính xác nhất là loại nước có lẫn phân". Ông còn cho biết thêm: "Những nguyên liệu để làm các món ăn ở đây là thử thách đối với bất kỳ hệ tiêu hóa nào, đến nỗi mà, răng giả hay răng thật, là một thứ đóng vai trò quyết định nếu một ai đó muốn giữ được sức khoẻ". Sự thật quả đúng là như vậy. Một sĩ quan quân đội Anh được phân công tới mỏ dầu bị đau răng và phải vật lộn với chuỗi ngày đau đớn – không có cách nào để làm dịu cơn đau vì thực tế là, vị nha sĩ gần nhất cũng cách nơi này 1.500 dặm, ở Karachi. Chí ít, về mặt tình dục, các công nhân cũng tìm được sự giải tỏa ở một nơi gần hơn, tại Barsa, cách công trường 150 dặm, ở một nơi ngẫu nhiên được gọi bằng cái tên hoa mỹ là "nha sĩ".
George Reynolds là chất gắn kết cho tất cả mọi việc diễn ra ở nơi này. Đã khoảng 50 tuổi khi tới Ba Tư vào tháng 9 năm 1901, ông vẫn bắt tay thực hiện một dự án vô cùng khó khăn trong hoàn cảnh đầy thử thách. Cùng một lúc, ông đảm nhiệm vai trò kỹ sư, nhà địa chất, nhà quản lý, đại diện khu vực, nhà ngoại giao, nhà ngôn ngữ, nhà nhân chủng học. Ngoài ra, ông còn có một sở trường rất quý giá là lắp ráp máy móc khi các bộ phận của chúng bị hỏng hoặc thất lạc. Reynolds là người lầm lì, cứng rắn và kiên trì. Chính lòng quyết tâm và kiên trì đến cùng của ông đã duy trì dự án này trong khi người ta có đủ mọi lý do để từ bỏ nó – bệnh tật, sự đe dọa của dân bộ lạc, trang thiết bị hỏng hóc, cái nóng khủng khiếp, những cơn gió đáng sợ, nỗi thất vọng triền miên… Arnold Wilson, viên đại uý của lực lượng bảo vệ người Anh tại nơi này, coi Reynolds là người "có phẩm giá trong đàm phán, nhanh chóng trong hành động, và rất quyết tâm trong việc tìm dầu". Tóm lại, Wilson nói, Reynolds là "cây sồi vững vàng của nước Anh". Reynolds cũng là một đốc công nghiêm khắc. Ông ra lệnh cho người của mình hành động như những "động vật biết điều", chứ không phải là những "con quỷ nghiện rượu", và buộc họ phải tuân thủ một điều − tuyệt đối không được đụng đến phụ nữ Ba Tư.
Tuy nhiên, thử thách thật sự đối với Reynolds không phải là sa mạc hay những người dân bộ lạc, mà là nhà đầu tư mới – Công ty dầu mỏ Burmah. Ông lo sợ Burmah sẽ lấy mất sự quyết tâm của họ trong vụ làm ăn này. Dường như các nhà quản lý ở Glasgow không thể hiểu được những khó khăn to lớn mà Reynolds đang phải đương đầu. Họ luôn bình luận những sự đã rồi, cũng như nghi ngờ và bài bác những đánh giá của ông. Reynonds đáp lại bằng những lời mỉa mai cay độc và thiếu khôn ngoan trong các báo cáo hàng tuần ông gửi về Scotland. Ông viết cho đầu mối liên lạc của mình ở Glasgow: "Các ông thật sự khiến tôi tức cười khi hướng dẫn tôi cách điều hành hai kẻ, một kẻ theo Bái hỏa giáo ương ngạnh và một tay thợ khoan nghiện rượu". Phía nhận được những lời chua cay này cũng thể hiện thái độ không ưa gì Reynolds. Nhà quản lý Glassgo này còn từng nói: "Cái máy đánh chữ sẽ không thể sản sinh đủ những từ ngữ mà tôi muốn nói về người đàn ông này".
Cuộc cách mạng ở Tehran
Khó khăn vật chất và sự cách ly, cùng với những cuộc xung đột với các nhà quản lý ở Glasgow hoàn toàn không phải là những trở ngại duy nhất trên con đường tới thành công. Chính phủ của Quốc vương Ba Tư đang ở tình trạng rất mục nát, còn những hợp đồng nhượng quyền khai thác mỏ của người nước ngoài ở nước này là một nhức nhối chính trị lớn. Những đối thủ tôn giáo bảo thủ của chế độ Quốc vương đi đầu trong việc tấn công vào chủ nghĩa chuyên quyền. Họ gia nhập lực lượng với các thương nhân và các đảng phái nhằm tìm kiếm những cải cách tự do.
Tháng 6 năm 1906, chính phủ bắt giữ một nhà truyền giáo nổi tiếng, người tố cáo "sự xa xỉ vô độ của vua chúa, một số giáo sĩ, và những người nước ngoài" là nguyên nhân gây ra nỗi thống khổ của nhân dân Ba Tư. Ngay lập tức, những vụ bạo loạn đã nổ ra ở Tehran. Hàng nghìn người Ba Tư đổ ra đường do sự kích động của các giáo sĩ Hồi giáo. Các khu chợ bị đóng cửa, một cuộc tổng đình công bóp nghẹt thủ đô Ba Tư, và một đám đông khổng lồ, ước tính lên tới 14.000 người, phần lớn từ các khu chợ, phải trú ẩn tại khu vườn của tòa công sứ Anh. Kết quả là sự chấm hết của chế độ thống trị của nhà vua, nhường chỗ cho một hiến pháp mới, và sự thành lập Majlis, tức Quốc hội Ba Tư. Cơ quan này coi việc điều tra hợp đồng khai thác mỏ của D’Arcy là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong chương trình nghị sự. Tuy nhiên, hệ thống chính trị mới này cũng tỏ ra bất ổn định và không có mấy quyền lực tại những khu vực bên ngoài thủ đô. Vấn đề càng trở nên rắc rối hơn do những thủ lĩnh địa phương. Khu vực khoan tìm dầu mới là bãi chăn thả gia súc trong mùa đông của Bakhtiari, liên minh bộ tộc mạnh nhất ở Ba Tư, và là một trong những liên minh bộ tộc mà Tehran ít chi phối được nhất. Người Bakhtiari là dân du mục, họ chăn cừu, dê và sống trong những túp lều bằng lông dê.
Năm 1905, Reynolds thỏa thuận được với một số người Bakhtiari là họ cung cấp "lính canh" cho khu vực khoan tìm dầu để đổi lấy mức phí cao và lời hứa rằng họ sẽ có phần trong lợi nhuận thu được. Tuy nhiên, một trong số những mối đe dọa cũng xuất phát từ chính những người Bakhtiari, và thỏa thuận này đổ vỡ do những mối thù hận gia đình và những căng thẳng không thể giải quyết trong bộ lạc, cũng như một khuynh hướng thâm căn cố đế của người Bakhtiari là luôn muốn moi tiền của người khác. Reynolds mô tả một trong những thủ lĩnh của người Bakhtiari là "một người đầy mưu mô". Liên tục được thông báo về những rắc rối, D’Arcy chỉ có thể than vãn: "Dĩ nhiên, tiền là gốc rễ của mọi vấn đề". Tốc độ phá rối mỗi ngày một tăng và những mối đe dọa từ các bộ tộc địa phương đã ảnh hưởng đến sự an toàn của dự án. D’Arcy đề nghị Bộ Ngoại giao bảo vệ họ, và cuối cùng, một lực lượng bảo vệ cũng được phái tới. Bộ Ngoại giao Anh tuyên bố, họ làm điều này vì "tầm quan trọng của việc gìn giữ dự án của Anh tại phía tây nam Ba Tư". Tuy nhiên, đây không phải là một lực lượng đủ mạnh – toàn bộ chỉ có hai sĩ quan Anh và 20 kỵ binh Ấn Độ. Trong khi đó, cuộc xung đột giữa Anh và Nga đã dịu đi.
Năm 1907, theo Hiệp ước Anh – Nga, hai nước nỗ lực giải quyết bất đồng bằng cách thỏa thuận chia Ba Tư thành các vùng ảnh hưởng. Cả hai phía đều có lý do thích hợp để làm việc này. Nước Nga đã suy yếu do thất bại nặng nề trong Chiến tranh Nga – Nhật và tình trạng hỗn loạn của cuộc Cách mạng năm 1905. Lúc này, St. Petersburg nhận thấy việc đạt được một thỏa thuận với London là nên làm. Về phần mình, ngoài nỗi lo sợ kéo dài đối với "quá trình xâm nhập tự phát" của ảnh hưởng Nga về phía Ấn Độ, lúc này nước Anh còn lo ngại hơn về sự xâm nhập của Đức vào Trung Đông. Theo hiệp ước ký kết năm 1907, miền tây Ba Tư nằm dưới ảnh hưởng của Nga, còn vùng Đông Nam thuộc về ảnh hưởng của Anh. Ở giữa hai khu vực này là một vùng trung lập. Tuy nhiên, đây lại là khu vực của những địa điểm khoan tìm dầu mới. Theo nhận định của vị công sứ Anh mới tại Tehran, ảnh hưởng trước mắt của sự chia cắt Ba Tư thành những vùng ảnh hưởng như vậy sẽ tạo ra "một lực đẩy lớn" cho "phong trào bài ngoại vốn dĩ đã tồn tại". Sự chia cắt này cũng là một trong những bước đi dẫn tới sự hình thành một liên minh ba bên giữa Anh, Nga và Pháp − bảy năm sau, liên minh này sẽ tham gia một cuộc chiến tranh với Đức, đế chế Áo - Hung và đế chế Thổ Nhĩ Kỳ.
Chạy đua với thời gian
Khu vực khoan thăm dò ở Masjid-i-Suleiman là cuộc mạo hiểm cuối cùng trong dự án dầu lửa của D’Arcy. Ở đây họ cũng gặp phải nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên là không có lấy một con đường. Họ đã phải vạch đường đi trên sa mạc đầy rẫy khó khăn và nguy hiểm, chẳng hạn một trận mưa như trút đã quét sạch gần hết kết quả nửa năm trời nỗ lực của họ. Rốt cục, con đường cũng hoàn thành, thiết bị được chuyển tới, và vào tháng 1 năm 1908, việc khoan tìm dầu được tiến hành. Tuy nhiên, thời gian dành cho Nghiệp đoàn quyền khai thác dầu mỏ không còn nhiều. Công ty dầu mỏ Burmah tỏ ra thất vọng vì tiến độ chậm chạp của dự án và dòng tiền khổng lồ phải đổ vào đó. Phó chủ tịch của công ty này cho rằng, "toàn bộ dự án" có thể "phá sản". Tất cả những thực tế này khiến Burmah ngày càng bất hòa với D’Arcy, người dành toàn tâm toàn ý cho dự án và sốt ruột trước sự thận trọng của những người Scotland.
Tháng 4 năm 1908, Ban giám đốc Burmah nói thẳng với D’Arcy rằng tiền đầu tư đang cạn dần và nếu ông không bỏ ra một nửa số vốn bổ sung cần thiết thì công việc sẽ dừng lại. "Dĩ nhiên, tôi không thể kiếm được 20.000 bảng hay bất kỳ thứ gì, và tôi cũng chẳng biết phải làm gì", D’Arcy nói trong nỗi chua xót. Tuy nhiên, ông lại đưa ra một kết luận khôn ngoan rằng Burmah đang rất muốn thoái lui. Các giám đốc của Burmah yêu cầu D’Arcy trả lời trước 30 tháng 4, nhưng ông chỉ lờ đi, để cho ngày tháng trôi qua mà không thèm đáp lại. Ông đang chơi trò trì hoãn để Reynolds ở Ba Tư có thêm thời gian. Mối quan hệ giữa Burmah và D’Arcy đã đi đến chỗ tệ hại nhất. Không có được câu trả lời từ D’Arcy, Burmah tự mình hành động.
Ngày 14 tháng 5 năm 1908, từ Glasgow, công ty này gửi một bức thư tới Reynolds, nói rằng dự án đã kết thúc, hoặc gần như thế, và rằng ông nên sẵn sàng dừng hết mọi công việc lại. Họ chỉ cho phép Reynolds khoan hai giếng ở Masjid-i-Suleiman tới độ sâu không quá 190 mét. Nếu không tìm thấy dầu ở đó, Reynolds phải "từ bỏ các hoạt động khoan tìm, đóng cửa, và mang càng nhiều thiết bị càng tốt về Mohammerah" và từ đó, chở các thiết bị tới Miến Điện. Ngày cáo chung của Nghiệp đoàn quyền khai thác dầu xem ra đã đến rất gần. Giấc mơ về "sự giàu có khôn xuể" của D’Arcy những năm trước đó cũng sắp tiêu tan. Một bức điện được gửi tới Reynonds, báo cho ông chuẩn bị nhận một chỉ thị quan trọng. Tuy nhiên, phải mất nhiều tuần bức thư đó mới tới nơi. Sự chậm trễ này chính là điều mà một người cứng rắn như Reynolds mong muốn. Trong khi lá thư đang trên đường tới Ba Tư, thì tại khu vực thăm dò, mọi người mỗi lúc một thêm vui mừng. Họ đã ngửi thấy mùi của khí tự nhiên thoát ra từ một giếng khoan. Sau đó, mũi khoan không xoay được nữa và bị mất hút trong hố khoan, khiến họ mất nhiều ngày tìm kiếm, dưới nhiệt độ có lúc lên tới 43°C trong bóng râm. Lúc này, máy khoan đang khoan xuyên qua lớp đá cứng nhất. Dưới ánh nắng mặt trời, có thể nhìn thấy rõ khí lẫn hơi nước bốc lên từ hố khoan.
Đêm ngày 25 tháng 5 năm 1908, nhiệt độ lên cao đến nỗi Arnold Wilson, viên đại uý người Anh của đội kỵ binh bảo vệ, nằm ngủ ngay dưới đất bên ngoài căn lều của ông. Hơn 4 giờ sáng ngày 26, ông bị đánh thức vì tiếng la hét và vội vã lao tới chỗ hố khoan. Một giếng dầu phun, có lẽ phun cao đến 15 mét so với đỉnh của giàn khoan, che khuất những người thợ khoan. Khí đồng hành đang đe dọa làm đám công nhân ngộp thở. Cuối cùng, dầu cũng đã được tìm thấy ở Ba Tư. Chỉ còn hai ngày nữa là đầy bảy năm kể từ khi Shah nước này ký thỏa thuận nhượng quyền khai thác dầu. Có thể, chính báo cáo của đại uý Wilson là báo cáo về việc tìm thấy dầu đầu tiên về tới nước Anh. Ít nhất, theo những gì được truyền tụng, ông đã viết báo cáo này dưới dạng mật mã: "Xem Thi thiên 104, đoạn 15, câu thứ 3". Ở dòng đó, Kinh Thánh viết: "Người có thể đưa dầu lửa ra khỏi lòng đất để tạo nên sắc mặt tươi vui". D’Arcy biết được thông tin không chính thức tại một bữa tiệc tối. Ông rất vui mừng, nhưng vẫn cố kiềm chế và tự nhủ: "Mình sẽ không nói với ai trước khi thông tin được xác nhận chắc chắn". Tin tìm thấy dầu nhanh chóng được xác nhận. Chỉ một vài ngày sau, trong khi giếng dầu đầu tiên tiếp tục phun, dầu lại được tìm thấy ở giếng thứ hai.
Khoảng ba tuần sau đó, Reynolds nhận được lá thư đề ngày 14 tháng 5 của Công ty dầu mỏ Burmah, ra lệnh cho ông kết thúc các hoạt động khoan tìm dầu. Lá thư này giống như một lá thư từ nửa thế kỷ trước đó yêu cầu Đại tá Drake dừng công việc thăm dò dầu ở Titusville, cũng đến tay Drake khi ông vừa mới tìm thấy dầu. Nhưng lần này, trước khi nhận được thư, Reynolds đã kịp gửi một bức điện về Glasgow với nội dung mỉa mai rằng: "Những chỉ thị các ông bảo đang gửi cho tôi có thể được sửa đổi bằng sự thật là dầu đã được tìm thấy. Do đó, khi nhận được chỉ thị, tôi không thể tuân theo". Khi viết những dòng trên, hẳn Reynolds phải cảm thấy rất thỏa mãn.
Trong vòng hai năm sau khi phát hiện ra dầu ở Masjid-i-Suleiman, Reynolds vẫn ở lại Ba Tư với vai trò kỹ sư trưởng. Mặc dù tìm được dầu, quan hệ giữa ông với Burmah vẫn tiếp tục xấu đi. Cố gắng bảo vệ Reynolds, D’Arcy nói với các giám đốc của Burmah rằng, Reynolds là "một người sẽ không bao giờ khiến dự án khai thác dầu lâm vào cảnh hiểm nghèo bằng một hành động ngớ ngẩn". Tuy nhiên, cố gắng của D’Arcy không đủ mạnh để đánh tan sự thù địch của những người ở Glasgow, và vào tháng 1 năm 1911, Reynolds bị sa thải một cách thô bạo. Trong hồi ký của mình, Arnold Wilson đã trân trọng viết về Reynolds và những cống hiến của ông: "Ông có khả năng chịu được cái nóng và cái rét, nỗi thất vọng và sự thành công, và thu được những gì tốt đẹp nhất từ tất cả những người Ba Tư, người Ấn Độ và người châu Âu mà ông có quan hệ, trừ những ông chủ người Scotland của ông, những con người chi li, thiển cận và thiếu chút nữa đã phá hỏng một vụ làm ăn lớn… Sự phục vụ của G. B. Reynolds cho đế quốc Anh và nền công nghiệp Anh, cũng như cho Ba Tư không bao giờ được công nhận. Những con người được ông cứu thoát khỏi sự mù quáng của chính họ đã trở nên rất giàu có, và được thế hệ của họ tôn thờ". Khi sa thải Reynolds, các giám đốc của Công ty dầu mỏ Burmah miễn cưỡng dành cho ông vài lời ngợi ca và tặng ông 1.000 bảng để bù đắp cho những khó khăn ông gặp phải.
"Công ty lớn": Anh - Ba Tư
Ngày 19 tháng 4 năm 1909, chi nhánh Ngân hàng Scotland tại Glasgow chật ních những nhà đầu tư đang hết sức sốt ruột. Chưa bao giờ nơi này chứng kiến một cảnh tượng như vậy. "Chứng cuồng dầu" bỗng chốc bao phủ khắp thành phố công nghiệp nghiêm túc này. Đám đông xếp thành mười hàng trước quầy thu tiền, tay nắm chặt những tờ đơn đông kín lối ra vào tòa nhà. Công ty dầu mỏ Anh - Ba Tư mới thành lập sắp trở thành công ty đại chúng, và đây là ngày phát hành cổ phiếu ra công chúng của công ty. Trong vài tháng, việc phát hiện ra nguồn dầu lửa rất lớn ở Ba Tư đã trở nên rõ ràng. Tất cả những liên quan đều đồng ý rằng, phải thành lập một doanh nghiệp mới để quản lý nguồn dầu. Những cuộc tranh cãi liên tục xảy ra trong suốt quá trình thành lập này.
Bộ Hải quân Anh phản đối dự kiến "công khai" chuyện bộ này khuyến khích Công ty Burmah góp vốn vào vụ làm ăn ở Ba Tư trong bản cáo bạch. "Vì Bộ Hải quân là một khách hàng tiềm năng của chúng tôi, chúng tôi không thể dẫm vào chỗ đau của họ", Phó chủ tịch Công ty Burmah thừa nhận và chi tiết ấy bị gạch bỏ trong bản cáo bạch đến từ một nguồn hoàn toàn bất ngờ, bà D’Arcy. Với tính ưa thích sự khoa trương của người từng một thời là diễn viên, bà khiển trách chồng về việc không có tên ông trong tên của công ty. Mặc dù D’Arcy từ chối làm to chuyện, bà D’Arcy vẫn tỏ ra cương quyết. Bà viết thư cho luật sư của D’Arcy, nói rằng: "Tôi nghĩ, đây là một thiếu sót lớn khi mà tên tuổi của ông ấy đã gắn bó mật thiết với dự án ở Ba Tư này". Tuy nhiên, mặc dù Công ty dầu mỏ Burmah giữ đa số cổ phiếu, D’Arcy cũng có được một kết quả rất khả dĩ. Ông được bồi hoàn toàn bộ chi phí thăm dò, và nhận được lượng cổ phiếu với giá trị thị trường là 895.000 bảng (tương đương 30 triệu bảng hay 50 triệu đô-la ngày nay). Mặc dù vậy, D’Arcy vẫn nuối tiếc khi thấy dự án dầu mỏ này đã tuột dần khỏi sự kiểm soát của ông. Ngày đạt được thỏa thuận cuối cùng với Burmah, ông than phiền: "Tôi có cảm giác giống như đang nhường đi đứa con của mình vậy". Thực tế, mối ràng buộc giữa D’Arcy và dự án của ông không hoàn toàn bị cắt đứt. Ông trở thành một giám đốc của công ty mới và hứa sẽ tiếp tục mối quan tâm của mình – "Tôi vẫn luôn hăng hái như mọi khi". Tuy nhiên, ảnh hưởng của "nhà tư bản hạng nhất" này và tên tuổi của ông, như bà D’Arcy lo sợ, đã phai nhòa dần, thậm chí cả trước khi ông qua đời năm 1917. William Knox D’Arcy chỉ có được một sự an ủi nhỏ là Công ty Anh – Ba Tư vẫn giữ cái tên "D’Arcy" cho một chi nhánh thăm dò của công ty này. Một nguồn dầu lửa mới và lớn đã được tìm thấy, chí ít cũng nằm dưới sự bảo vệ dù là lỏng lẻo của nước Anh. Công ty Anh-Ba Tư nhanh chóng nổi lên thành một công ty quan trọng.
Tới cuối năm 1910, công ty này đã có tới 2.500 công nhân. Tuy nhiên, việc tổ chức các hoạt động của công ty ở Ba Tư vẫn là một vấn đề phức tạp và khó khăn, càng thêm phần nan giải bởi cuộc xung đột giữa doanh nghiệp và chính quyền sở tại. Arnold Wilson, khi đó là quyền lãnh sự của Anh tại khu vực, trên thực tế đã trở thành cố vấn về các vấn đề địa phương của công ty này. Ông nhận thấy, đây là một nhiệm vụ không hề dễ dàng một chút nào. "Tôi đã dành hai tuần đóng vai trò trung gian giữa những người Anh không phải lúc nào cũng nói ra những gì họ muốn và những người Ba Tư không phải lúc nào cũng nói thật những ý muốn của họ. Ý tưởng của phía Anh về một thỏa thuận được thể hiện trong một tài liệu bằng tiếng Anh sẽ phải chịu sự công kích của các luật sư ở một tòa án công lý. Ý tưởng của phía Ba Tư là một lời tuyên bố về những mục đích chung của cả hai bên, với một khoản tiền mặt lớn, thanh toán hàng năm hoặc trả luôn một lần".
Ít lâu sau, một mỏ dầu rộng ít nhất 10 dặm vuông được phát hiện và gây ra một vấn đề mới – làm thế nào để khai thác dầu thô và sau đó là lọc dầu. Một đường ống dài 138 dặm, đi qua hai dãy đồi và vùng sa mạc bằng phẳng, với đường đi ban đầu được đánh dấu bằng que cọc và những lá cờ in hoa, đã được xây dựng trong một năm rưỡi. Người ta phải dùng tới 6.000 con la phục vụ cho công trình này. Khu vực được chọn để xây dựng nhà máy lọc dầu là Abadan, một hòn đảo dài và hẹp với những đầm lầy và những cây cọ tại Shatt-al-Arab, vùng cửa sông mở rộng của các con sông Tigris, Euphrates và Karun. Các công nhân, chủ yếu là người Ấn Độ, được đưa tới từ nhà máy lọc dầu ở Rangoon của công ty Burmah, nên chất lượng xây dựng rất tệ hại.
Trong lần chạy thử đầu tiên vào tháng 7 năm 1912, nhà máy lọc dầu này đã ngay lập tức bị trục trặc, và sau đó, hoạt động ở mức rất thấp so với công suất có thể đạt được. Chất lượng của các sản phẩm cũng thật tồi tệ; dầu hỏa thì có màu vàng nhạt và làm mờ bóng đèn khi đốt. Tháng 9 năm 1913, một giám đốc của Burmah bực mình nói: "Đây lại là một chuyện không may tiếp sau một chuyện không may khác kể từ lần đầu chúng tôi cố gắng đưa nhà máy lọc dầu này vào hoạt động".
Tháng 10 năm 1912, Công ty Anh-Ba Tư có một bước tiến quan trọng nhằm bảo đảm thị trường cho mình thông qua việc thỏa thuận với Công ty châu Á, bộ phận thương mại của Royal Dutch/Shell. Ngoài các thị trường địa phương, Công ty Anh-Ba Tư sẽ bán dầu thô và toàn bộ sản phẩm xăng và dầu hỏa qua Công ty châu Á, nhưng vẫn có quyền đối với dầu nhiên liệu, sản phẩm mà công ty đang chuẩn bị đặt nền móng cho chiến lược phát triển trong tương lai. Trong giai đoạn này, Công ty Anh-Ba Tư không thể gánh nổi những chi phí để thách thức những người khổng lồ trong cuộc chiến giành giật thị trường. Về phần mình, Shell muốn kiềm chế bất kỳ mối đe dọa mới nào. Trong bức thư gửi các đồng nghiệp ở The Hague, Robert Waley Cohen viết: "Vị thế của những con người có nguồn cung rất lớn này đã khiến họ trở thành một hiểm họa đáng kể ở phía Đông". Tuy nhiên, nguy cơ này đã bị giảm bớt bởi sự thật rằng Công ty Anh-Ba Tư sẽ sớm phải đối mặt với những khó khăn tài chính. Một lần nữa, sự sống còn của dự án sản xuất dầu ở Ba Tư lại được đặt ra.
Cuối năm 1912, công ty đã cạn kiệt vốn lưu động. John Cargill, Chủ tịch của Công ty dầu mỏ Burmah, tỏ ra rất thẳng thắn. Ông viết: "Mọi việc ở Ba Tư lộn xộn đến mức không thể chịu được. Nói "đừng lo" thì dễ, nhưng tên tuổi và danh tiếng trong kinh doanh của tôi đã quá gắn bó với Công ty dầu mỏ Anh - Ba Tư, đến nỗi không thể không thừa nhận rằng tôi đang vô cùng lo lắng về tình hình tồi tệ lúc này". Cần hàng triệu bảng để phát triển công ty, nhưng không có cách nào để huy động vốn mới. Nếu không được rót vốn, dự án ở Ba Tư sẽ phải dừng lại, hoặc toàn bộ doanh nghiệp này có thể sẽ bị Royal Dutch/Shell nuốt chửng. Vài năm trước đó, Burmah đã giải quyết được vấn đề. Còn lúc này, cần phải tìm cho được một người mở đường mới.
(Còn tiếp)
Nam Hà (giới thiệu)