Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 6)
(PetroTimes) - Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, quá trình công nghiệp hóa đã biến một nền kinh tế phi tập trung và cạnh tranh với nhiều doanh nghiệp công nghiệp nhỏ thành một nền kinh tế bị những tập đoàn công nghiệp hợp nhất khổng lồ được gọi là tờ-rớt thống trị.
CHƯƠNG 5: SÁT THỦ GIẾT RỒNG
"Ngôi nhà cổ" đang bị vây hãm. Standard Oil không thể đánh bại các đối thủ thương mại của nó tại Mỹ cũng như trên thế giới. Ngoài ra, một cuộc chiến chính trị và pháp lý đang diễn ra trên khắp nước Mỹ nhằm chống lại Standard Oil và các hành vi kinh doanh tàn nhẫn của công ty này. Đây không phải là một thử thách mới, Rockefeller và các đối tác của ông đã bị chỉ trích và phỉ báng ngay từ những ngày đầu xây dựng tờ-rớt dầu lửa Standard.
Các lãnh đạo công ty không bao giờ thật sự hiểu được sự chỉ trích đó. Họ nghĩ rằng, đó là chính sách mị dân rẻ tiền, sự ghen tị dốt nát và một cách nài xin đặc biệt. Họ tin chắc rằng, trong cuộc theo đuổi không ngừng nghỉ những lợi ích của bản thân và sự giàu có, Standard Oil không chỉ ngăn chặn được tai họa của "tình trạng cạnh tranh không kiểm soát", mà công ty này có lẽ còn là, theo lời của chính Rockefeller, "những người dựng xây" vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ. Tuy nhiên, đó không phải là cách nhìn nhận của phần đông dư luận.
Những người phê phán Standard chỉ nhìn thấy một doanh nghiệp hùng mạnh, xảo quyệt, thô bạo, kiên cố, xâm nhập vào mọi ngóc ngách, và rất bí hiểm. Công ty này không chịu trách nhiệm trước một ai, trừ một vài vị giám đốc ngạo mạn, và dùng sự tàn bạo để cố gắng tiêu diệt những ai cản đường nó. Quan điểm này là một phần bối cảnh của thời kỳ đó. Sự lớn mạnh của Standard Oil không diễn ra tách biệt với những gì xung quanh. Đó là sản phẩm của quá trình công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng của nền kinh tế Mỹ trong vài thập niên cuối thế kỷ XIX.
Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, quá trình công nghiệp hóa đã biến một nền kinh tế phi tập trung và cạnh tranh với nhiều doanh nghiệp công nghiệp nhỏ thành một nền kinh tế bị những tập đoàn công nghiệp hợp nhất khổng lồ được gọi là tờ-rớt thống trị. Mỗi tờ-rớt ngồi chễm chệ trên một ngành công nghiệp và nhiều tờ-rớt có các nhà đầu tư và giám đốc đan xen lẫn nhau. Sự thay đổi nhanh chóng này là một hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ đối với nhiều người Mỹ.
Khi thế kỷ XIX kết thúc và thế kỷ XX mở ra, họ trông chờ chính phủ lập lại sự cạnh tranh, kiểm soát những hành vi bất lương và chế ngự sức mạnh kinh tế cũng như chính trị của các tờ-rớt, những con rồng to lớn và đáng sợ đang gầm rú quá tự do trên khắp đất nước. Dữ tợn và đáng sợ nhất trong số những con rồng này chính là Standard Oil.
Rockefeller |
Công ty mẹ
Những cuộc tấn công pháp lý chống Standard bắt đầu được nối lại từ các bang, với các vụ kiện chống độc quyền do bang Ohio và Texas khởi tố. Tại Kansas, thống đốc bang đưa ra kế hoạch xây dựng một nhà máy lọc dầu do bang sở hữu với công nhân làm việc tại đó là các phạm nhân đang cải tạo và công ty này sẽ cạnh tranh với Standard Oil. Có ít nhất bảy bang khác, cùng với vùng lãnh thổ Oklahoma, tiến hành các hành động pháp lý chống lại Standard ở dạng này hay dạng khác. Tuy nhiên, Standard chưa hề tỏ ra e ngại trước sự chống đối toàn diện của dân chúng đối với các hành vi kinh doanh của mình.
Năm 1888, trong một lá thư gửi cho Rockefeller, một lãnh đạo của Standard Oil viết: "Tôi cho rằng, cơn sốt chống tờ‑rớt này là sự loạn trí. Chúng ta nên nghiêm túc đối mặt với điều này và tránh mọi câu hỏi bằng những câu trả lời né tránh sự thật trong khi vẫn hết sức chân thực". Standard tiếp tục giữ bí mật tất cả kế hoạch của mình. Khi đứng trước tòa trong một vụ kiện mà bang Ohio là nguyên đơn, Rockefeller kín miệng đến nỗi, một tờ báo của New York đã giật tít: "John D. Rockefeller là một con hến". Để huy động mọi nguồn lực cần thiết cho cuộc chiến đang đến gần, Standard thuê một luật sư giỏi nhất và đắt giá nhất. Công ty này cũng tìm cách gây ảnh hưởng chính trị, đóng góp đúng lúc cho các hoạt động chính trị.
Khi đóng góp cho Đảng cộng hòa ở bang Ohio, Rockefeller viết: "Những người bạn của chúng tôi thật sự cảm thấy chúng tôi chưa nhận được sự đối xử bình đẳng từ Đảng Cộng hòa. Nhưng chúng tôi kỳ vọng những điều tốt đẹp hơn trong tương lai". Tuy nhiên, Standard Oil không dừng lại ở những khoản đóng góp như thế. Công ty ký hợp đồng thuê nghị sĩ Đảng Cộng hòa của bang Ohio làm luật sư cho mình khi cần, với mức phí riêng trong năm 1900 là 44.500 đô-la. Công ty còn cho một nghị sĩ rất có ảnh hưởng của Texas, được coi là "thủ lĩnh dân chủ ưu tú nhất tại Mỹ" vay tiền để thanh toán cho vụ mua lại một điền trang rộng 6.000 acre ở gần Dallas.
Ngoài ra, công ty quảng cáo mà Standard Oil thuê, trong quá trình mua lại vị trí quảng cáo trên các tờ báo, đã cho đăng những bài báo có nội dung liên quan đến Standard Oil. "Ngôi nhà cổ" cũng thành lập hoặc thôn tính "những con hổ mù", tức những công ty nhìn từ ngoài vào thì đúng là những nhà phân phối độc lập, nhưng sự thật thì không. Chẳng hạn, năm 1901, một công ty kinh doanh dầu lửa có tên Republic Oil được thành lập ở bang Missouri. Công ty này giương cao những lời quảng cáo như: "Không tờ-rớt", "Không độc quyền" và "Hoàn toàn độc lập". Tuy vậy, nó vẫn bí mật gửi báo cáo lên số 75 đường New Street ở New York, một cửa sau của số 26 đường Broadway.
Mặc dù một số bang đã giành được những chiến thắng tạm thời trước Standard, nhưng rốt cục không bang nào thành công trong các cuộc tấn công Standard. Ví dụ, sau khi các công ty con của Standard Oil bị trục xuất khỏi Texas và tài sản của họ bị chính phủ quản lý, tòa án đã tổ chức một buổi bán lại các tài sản này ở khách sạn Driskill tại Austin. Nhưng thực tế, họ bán lại những tài sản này cho người của Standard Oil. Mặc dù vậy, các cuộc tấn công pháp lý này cũng buộc Standard Oil phải có những thay đổi nhất định trong tổ chức của công ty. Năm 1892, theo quyết định của tòa án ở Ohio, tờ-rớt này bị giải thể và cổ phiếu của nó được chuyển giao cho 20 công ty. Tuy nhiên, quyền kiểm soát vẫn nằm trong tay những chủ sở hữu ban đầu. Các công ty này tập hợp lại với nhau thành "Những nhóm tư bản Standard Oil".
Trong tổ chức mới này, Ban Điều hành tại 26 Broadway được chuyển thành một cuộc gặp gỡ thân mật giữa các chủ tịch của các công ty thành viên khác nhau tạo thành "Những nhóm tư bản Standard Oil". Thư từ không còn được đề địa chỉ gửi tới Ban Điều hành nữa, mà chỉ là "các quý ngài tầng trên". Tuy nhiên, "các quý ông này" không lấy làm vui mừng với việc tổ chức lại tờ-rớt của họ thành "Những nhóm tư bản Standard Oil". Việc tiếp tục bảo vệ là cần thiết trong bối cảnh các áp lực vẫn tiếp diễn và để tạo cho công ty nền móng pháp lý vững chắc hơn. Họ tìm thấy giải pháp cho những vấn đề của mình ở New Jersey. Pháp luật của bang này đã được sửa đổi, cho phép việc thành lập các công ty mẹ –các công ty có thể sở hữu cổ phần ở các doanh nghiệp khác. Đây là một thay đổi có tính chất quyết định trong luật doanh nghiệp truyền thống ở nước Mỹ. New Jersey cũng nỗ lực trong việc tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn cho hình thức hợp nhất mới này.
Do đó, năm 1899, ban lãnh đạo của "Những nhóm tư bản Standard Oil" đã thành lập Standard Oil của New Jersey, một công ty mẹ cho toàn bộ hoạt động của họ. Giá trị vốn hóa của công ty này tăng từ 10 triệu đô-la lên 110 triệu đô-la và công ty nắm giữ cổ phần trong 41 công ty khác. Những công ty con này lại nắm quyền kiểm soát những công ty khác nữa, và những công ty bên dưới này còn tiếp tục quản lý những công ty nhỏ hơn. Trong suốt thời gian này, tại Standard Oil còn diễn ra một thay đổi lớn khác. Sau khi tích luỹ được một khối tài sản khổng lồ, John Rockefeller cảm thấy mệt mỏi và bắt đầu lên kế hoạch nghỉ hưu. Mặc dù Rockefeller mới 55 tuổi song những căng thẳng công việc liên tục và từ những cuộc tấn công nhằm vào ông và Standard Oil đã bắt đầu ảnh hưởng tới sức khỏe của ông. Từ sau năm 1890, Rockefeller thường phàn nàn về hệ tiêu hóa của mình. Ông nói rằng mình đang bị hành hạ và luôn đặt một khẩu súng lục cạnh giường khi đi ngủ.
Năm 1893, Rockefeller mắc chứng rụng tóc, một căn bệnh liên quan đến sự căng thẳng tâm lý, và phải đối phó với nó bằng mũ chỏm hay tóc giả. Kế hoạch nghỉ hưu của ông tạm thời bị trì hoãn do một loạt các cuộc khủng hoảng – thời kỳ Suy thoái nghiêm trọng của kinh tế Mỹ năm 1893 và tiếp đó là cuộc đại khủng hoảng, rồi cuộc cạnh tranh ngày càng quyết liệt ở cả thị trường trong nước và ngoài nước. Tuy nhiên, vai trò của Rockefeller cũng bắt đầu giảm dần và cuối cùng, năm 1897, khi chưa tới 60 tuổi, ông nghỉ hưu, chuyển giao quyền lãnh đạo John D. Archbold.
Người kế nhiệm: Nhân vật hăng hái trong ngành dầu lửa
Không ai nghi ngờ việc John Archbold kế nhiệm Rockefeller. Hơn bất kỳ nhà lãnh đạo cấp cao nào của Standard, ông là chuyên gia trong mọi lĩnh vực của ngành công nghiệp dầu lửa. Ông là một trong những nhân vật quyền lực nhất trong ngành dầu lửa tại Mỹ trong suốt hai thập kỷ trước đó. Và trong hai thập kỷ tiếp theo, có lẽ ông chính là nhân vật quyền lực nhất. Với dáng người thấp và vẻ bề ngoài trẻ hơn tuổi, Archbold là một người đầy ý chí và không biết đến mỏi mệt. Ông luôn hăng hái "đi tới cùng" và cống hiến hết mình cho những yêu cầu và tính đúng đắn của sự nghiệp mà ông theo đuổi.
Trong thời gian diễn ra chiến dịch bầu cử tổng thống năm 1860, khi còn là một cậu bé, ông đã đi bán những tấm huy hiệu in hình các ứng cử viên. Mặc dù anh trai ông bán tại một khu vực thuận lợi hơn, nhưng Archbold vẫn bán được nhiều huy hiệu hơn. Năm 15 tuổi, Archbold một mình lên chuyến tàu từ Salem, bang Ohio tìm kiếm vận may trong lĩnh vực dầu lửa ở Titusville. Ban đầu, ông làm thư ký cho một công ty vận tải biển với mức lương còm cõi đến nỗi ông phải ngủ trên một chiếc giường kê dưới quầy thu ngân ở văn phòng. Sau đó, Archbold trở thành nhà môi giới dầu lửa năng động và bị cuốn vào "sự hăng hái về dầu" trong suốt cuộc đời. Lòng nhiệt tình đó vô cùng cần thiết trong bối cảnh lộn xộn của Vùng đất dầu.
Một đối tác nhớ lại người môi giới dầu lửa trẻ tuổi này: "Khi đó, công việc hàng ngày của ông ấy thật vất vả. Trên những đường phố chính của Titusville luôn bao phủ một lớp bùn lẫn dầu dày khoảng 30 cm. Xung quanh những giếng dầu dọc theo Dòng sông Dầu, tình trạng cũng tương tự, thậm chí có lúc bùn còn lên đến ngang đùi. Nhưng John Archbold chẳng để ý đến điều đó. Ông vẫn cứ lội qua những con đường lầy lội đó, hát ngân nga khi sắp mua được dầu hoặc đang dự tính đến việc đó". Ngoài công việc, Archbold không có thú vui nào khác. Ông học cách sử dụng khiếu hài hước để giải tỏa những tình huống căng thẳng và điều này trở thành vũ khí lợi hại nhất của ông trong những cuộc tranh cãi và xung đột. Rất lâu sau, khi được hỏi có phải Standard Oil chỉ quan tâm đến những lợi ích của riêng mình hay không, ông trả lời khô khan: "Chúng tôi không phải lúc nào cũng là nhà từ thiện".
Ông cũng học được cách nhìn nhận các sự kiện, dù phức tạp đến đâu, theo chiều hướng phát triển. Ông biết cách khiến mình trở nên hữu ích với người khác – đặc biệt là John D. Rockefeller – và thể hiện cho họ thấy điều đó. Rockefeller sớm để mắt đến Archbold. Năm 1871, trong khi làm thủ tục đăng ký tại một khách sạn ở Titusville, Rockefeller đã nhìn thấy chữ ký của một nhà môi giới và lọc hóa dầu trẻ tuổi, với nội dung "John D. Archbold, 4 đô-la/thùng". Rất ấn tượng trước cách quảng cáo tự tin như vậy, vào một thời điểm mà người ta không thể mua dầu với mức giá gần con số này, Rockefeller đã ghi lại thông tin đặc biệt này. Là một nhà hoạt động, Archbold trở thành thư ký Sàn giao dịch dầu lửa Titusville.
Trong vụ Công ty South Improvement và Chiến tranh dầu lửa năm 1872, khi Rockefeller và các công ty đường ray tìm cách kiểm soát độc quyền sản lượng dầu lửa, ông nổi lên như một trong những nhà lãnh đạo của Vùng đất dầu, và tố cáo Rockefeller bằng những lời lẽ gay gắt nhất. Tuy nhiên, Rockefeller đã nhận ra một người nắm giữ những nguyên tắc cơ bản của Vùng đất dầu, một người cống hiến hết mình cho ngành công nghiệp dầu lửa, người vừa có thể hung hăng, tàn nhẫn, lại vừa có thể linh hoạt và có khả năng thích nghi. Điều này đã được chứng minh chắc chắn khi vào năm 1875, Rockefeller mời Archbold làm việc cho Standard và ông nhanh chóng nhận lời.
Nhiệm vụ đầu tiên của Archbold là bí mật mua lại tất cả các nhà máy lọc dầu dọc theo Dòng sông dầu. Ông nhận nhiệm vụ này với quyết tâm cao nhất. Chỉ trong vài tháng, ông đã mua hoặc thuê lại 50 nhà máy lọc dầu, và làm việc cật lực đến nỗi sức khỏe suy sụp nghiêm trọng. Archbold nhanh chóng thăng tiến lên nấc thang lãnh đạo cao nhất của Standard Oil. Tuy nhiên, Archbold vẫn phải giải quyết một trở ngại lớn với Rockefeller, trở ngại mà ông gọi là "nhược điểm không may" của mình. Ông rất mê đồ uống có cồn, nhưng Rockefeller nhất quyết yêu cầu ông ký vào bản cam kết không uống rượu và phải nghiêm túc thực hiện cam kết đó. Archbold đã làm điều mà Rockefeller muốn. Khi 50 tuổi, ông đã là một nhân vật kỳ cựu có thâm niên hơn ba thập kỷ trong ngành dầu lửa hoạt động. Đem thế mạnh và kinh nghiệm của mình vào vị trí mới, Archbold là nhân vật số một tại Standard. Mặc dù vẫn giữ liên lạc với trụ sở 26 Broadway, nhưng kể từ khi nghỉ hưu, Rockefeller dành toàn bộ thời gian cho các điền trang, làm từ thiện, chơi golf và quản lý khối tài sản ngày càng lớn của mình.
Trong khoảng thời gian từ năm 1893 tới năm 1901, Standard Oil đã trả cổ tức trị giá hơn 250 triệu đô-la. Phần lớn số tiền này thuộc về sáu người và Rockefeller giữ 1/4. Viết về núi tiền mà Standard bỏ ra này, một tác giả chuyên về các vấn đề tài chính nhận định, công ty này giống như "một ngân hàng thật sự của người khổng lồ vĩ đại nhất – một ngân hàng trong một cơ sở công nghiệp, cung cấp tài chính cho cơ sở đó trong cuộc cạnh tranh với mọi đối thủ". Sau khi ngừng tham gia điều hành công ty, sức khỏe Rockefeller đã hồi phục.
Năm 1909, bác sĩ dự đoán ông sẽ thọ tới 100 tuổi vì ông đã thực hiện ba nguyên tắc đơn giản: "Thứ nhất, tránh mọi lo lắng. Thứ hai, thường xuyên tập thể dục ở ngoài trời. Thứ ba, rời bàn ăn khi còn hơi đói". Rockefeller vẫn theo kịp diễn biến tình hình ở Standard, nhưng ông không tham gia quản lý công ty. Archbold cũng không cho ông làm điều đó. Archbold thường tới thăm Rockefeller vào các buổi sáng thứ bảy để thảo luận về hoạt động của Standard Oil. Rockefeller vẫn giữ danh hiệu chủ tịch công ty và điều này dẫn tới những đánh giá sai lầm về vai trò của Rockefeller trong thời kỳ này. Theo chính sách tuyệt đối bí mật của Standard, việc Rockefeller nghỉ hưu hoàn toàn được giữ kín, và như thế, Rockefeller vẫn phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với bất kỳ việc gì công ty này làm.
Bởi vậy, ông vẫn là trung tâm của mọi sự chỉ trích, mọi lời xúc phạm và mọi cuộc công kích. Vậy tại sao ông vẫn giữ danh hiệu chủ tịch? Có thể các cộng sự của ông nghĩ rằng cái tên Rockefeller khiến người ta phải nể sợ, là cần thiết để duy trì sự thống nhất của đế chế Standard. Cũng có thể đó là kết quả của lòng kính trọng mà Rockefeller được hưởng nhờ cổ phần mà ông nắm giữ trong công ty? Vài năm sau, một trong số những giám đốc cao cấp của công ty là H. H. Rogers đã đưa ra một lý do tương đối khác: "Chúng tôi nói với Rockefeller rằng ông ấy phải giữ danh hiệu này. Các vụ kiện chống lại chúng tôi vẫn đang treo ở tòa án. Và chúng tôi bảo ông ấy rằng, nếu bất cứ ai trong chúng tôi phải ra tòa, ông ấy sẽ phải đi cùng!"
Gia đình Rockefeller |
"Sự kiện nóng bỏng"
Cuối thế kỷ XIX, cuộc tấn công nhằm vào Standard Oil ngày càng mạnh mẽ. Một tinh thần cải cách mới và mạnh mẽ là thuyết tiến bộ đang phát triển tại nước Mỹ. Những mục tiêu chính của thuyết này là cải cách chính trị, bảo vệ người tiêu dùng, thực hiện công bằng xã hội, cải thiện điều kiện làm việc, và kiểm soát cũng như điều tiết hoạt động của các doanh nghiệp lớn. Mục tiêu sau cùng này đã trở thành một vấn đề cấp bách trong bối cảnh làn sóng hợp nhất lớn quét qua khắp nước Mỹ, với số lượng các tờ-rớt tăng lên nhanh chóng. Tờ-rớt đầu tiên tại quốc gia này là Standard Oil được thành lập năm 1882. Tuy nhiên, phong trào hợp nhất thật sự tăng tốc vào thập niên 1890.
Theo thống kê có 82 tờ-rớt với tổng giá trị vốn hóa là 1,2 tỷ đô-la được thành lập trước năm 1898. Từ năm 1898 đến năm 1904, có thêm 234 tờ-rớt được thành lập, với tổng giá trị vốn hóa hơn 6 tỷ đô-la. Theo quan điểm của một số người, tờ-rớt, hay sự độc quyền, chính là thành tựu lớn nhất của chủ nghĩa tư bản. Đối với những người khác, đây là sự đồi bại của một hệ thống đang đe dọa không chỉ giai cấp công nhân và nông dân, mà còn đe dọa cả tầng lớp trung lưu và giới doanh nhân, những người lo sợ bị tước đi các quyền lợi kinh tế.
Năm 1899, việc chống tờ-rớt được mô tả là "trận chiến lớn về đạo đức, xã hội và chính trị mà toàn bộ giới công đoàn phải đối mặt". Các tờ-rớt là một trong những chủ đề quan trọng nhất trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1900. Không lâu sau khi đắc cử, Tổng thống William McKinley nói với thư ký của ông rằng: "Vấn đề tờ-rớt phải được giải quyết sớm và nghiêm túc". Henry Demarest Lloyd, một trong số những người đầu tiên tham gia giải quyết vấn đề này, đã công kích quyết liệt Standard Oil bằng một cuốn sách có tựa đề Wealth again common wealth (Thịnh vượng chống lại thịnh vượng chung) xuất bản năm 1894.
Sau ông, một nhóm các nhà báo can đảm bắt đầu điều tra và công bố những hành vi mờ ám trong xã hội. Họ được gọi là "những người cào bùn" và trở thành trung tâm của phong trào tiến bộ. Một nhà sử học nhận định: "Thành tựu quan trọng cơ bản của thuyết tiến bộ ở Mỹ là việc vạch trần cái xấu". Tờ tạp chí khởi động cho toàn bộ chiến dịch cào bùn này có tên là McClure’s. Đây là một trong những ấn phẩm định kỳ hàng đầu ở Mỹ có số lượng phát hành lên tới hàng trăm nghìn bản. Chủ bút của McClure’s, Samuel McCluelà một người có tính khí thất thường, cởi mở và giàu trí tưởng tượng. Ông tập hợp được một đội ngũ phóng viên, biên tập viên tài năng về New York, và họ rất hăng hái tìm kiếm một đề tài lớn.
Năm 1899, trong bức thư gửi cho một trong số những người này, McClue viết: "Nhân vật lớn chính là các tờ-rớt. Đó sẽ là sự kiện nóng bỏng. Và tờ tạp chí có những bài viết về các giai đoạn khác nhau của chủ đề mà độc giả muốn biết này chắc chắn sẽ có lượng phát hành lớn". Các biên tập viên của tạp chí này quyết định tập trung vào một tờ‑rớt cụ thể để phản ánh quá trình hợp nhất. Nhưng sẽ là tờ-rớt nào? Họ bàn tới tờ-rớt Đường cũng như tờ-rớt Thịt bò, nhưng rồi lại gạt cả hai tờ-rớt này sang một bên.
Sau đó, một phóng viên đề xuất việc phát hiện dầu ở bang California nhưng thư ký tòa soạn Ida Tarbell không đồng ý. Bà nói: "Chúng ta phải vạch ra một kế hoạch tấn công mới. Trong đó, không chỉ cho thấy rõ tầm ảnh hưởng của các doanh nghiệp và sự phát triển thương mại cũng như những thay đổi mà họ tạo ra trên nhiều vùng khác nhau của đất nước, mà còn cho thấy rõ những nguyên tắc lớn mà các nhà lãnh đạo công nghiệp áp dụng để hợp nhất và kiểm soát những doanh nghiệp này".
"Bà bạn" của Rockefeller
Tại thời điểm đó, Ida Minerva Tarbell đã trở thành nữ nhà báo lớn đầu tiên của Mỹ. Người phụ nữ cao hơn 1,8 mét này có vẻ ngoài trang nghiêm và lạnh lùng đầy uy lực. Sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng Allegheny, bà tới Paris để viết tiểu sử của Roland, một nữ lãnh đạo của cuộc Cách mạng Pháp, người đã phải bước lên máy chém. Tarbell cống hiến tất cả cho sự nghiệp và không kết hôn, mặc dù về sau này, bà trở thành một người chủ trì các buổi lễ trong đời sống gia đình và phản đối việc phụ nữ đi bầu cử.
Đầu thế kỷ XX, ở tuổi 45, bà đã là một tác giả nổi tiếng với những cuốn tiểu sử rất thông dụng nhưng công phu về Napoleon và Lincoln. Phong cách và vẻ bề ngoài của Tarbell khiến bà trông có vẻ già trước tuổi. Một biên tập viên nữ của tờ McClue’s nhớ lại: "Một đặc điểm lớn của bà ấy là khiến mọi người cảm thấy khó gần. Đối với những người bình thường, có vẻ như bà ấy chẳng biết làm dáng chút nào". Sau khi McClue’s đã chắc chắn về chủ đề các tờ-rớt, Tarbell mới tính đến chuyện đảm trách nhiệm vụ điều tra của riêng bà. Mục tiêu của bà hiển nhiên là ông tổ của các tờ-rớt, John D. Rockefeller.
Được sự chấp thuận của ông chủ bút, bà bắt đầu một nghiên cứu mà rồi cuối cùng sẽ lật đổ Standard Oil. Cuộc đời luôn có những điều trớ trêu, và cuốn sách ra đời từ nghiên cứu của Tarbell sẽ là hành động báo thù cuối cùng của Vùng đất Dầu dành cho những kẻ chinh phục nơi này. Vì Ida Tarbell lớn lên trong những cộng đồng phát triển bùng nổ rồi lại vỡ tung của Vùng đất dầu. Cha của bà, Frank Tarbell, kinh doanh lĩnh vực sản xuất thùng chứa chỉ vài tháng sau khi Drake phát hiện ra dầu.
Trong thập niên 1880, ông làm ăn khá tốt và gây dựng được cơ ngơi tại thị trấn Pithole, nơi hoạt động khai thác dầu bùng nổ. Khi mỏ dầu đột ngột cạn và thị trấn nhỏ bé nhưng nhộn nhịp này tới hồi tiêu vong, ông bỏ 600 đô-la mua lại khách sạn hàng đầu trong thị trấn vừa mới được xây với giá 60.000 đô-la. Sau đó, ông phá khách sạn này và chất lên xe ngựa những cửa sổ kiểu Pháp, những cánh cửa đẹp, những bộ phận bằng gỗ và rầm thép, chở tới Titusville cách đó 10 dặm để xây một ngôi nhà mới xinh xắn cho gia đình.
Ida Minerva Tarbell |
Thời thơ ấu của Ida Tarbell trôi qua trong ngôi nhà đó. (Sau này, bà đã nghĩ tới việc viết một câu chuyện về Pithole – "không có gì kịch tính bằng lịch sử dầu lửa của Pithole", bà nói.) Năm 1872, Frank Tarbell liên minh với các công ty sản xuất dầu lửa độc lập ở Vùng đất dầu chống lại South Improvement. Sau đó, cũng giống như nhiều người khác vùng đất này, công việc làm ăn của ông bị sự phát triển của Standard Oil chèn ép. Sau đó, anh trai của Ida Tarbell là William trở thành một trong những người đứng đầu Công ty Pure Oil và thành lập bộ phận phát triển thị trường tại Đức. Từ người cha và anh trai, Tarbell đã hiểu được tính bấp bênh của hoạt động kinh doanh dầu lửa, một công việc mà như William nói cũng giống như "đánh bạc".
Năm 1896, ông viết: "Tôi thường ước mình được làm trong một công ty khác, và nếu tôi làm cho công ty đó trở nên giàu có, tôi sẽ giữ vững sự giàu có đó". Tarbell vẫn nhớ những gian nguy và khó khăn tài chính mà cha bà phải trải qua – ngôi nhà bị đem cầm cố, cảm giác về sự thất bại, cảnh đơn thương độc mã rõ ràng trong cuộc chiến chống lại Con bạch tuộc, nỗi cay đắng và sự chia rẽ giữa những người thỏa thuận với Standard Oil và những ai không chịu làm như vậy. "Đừng làm việc đó, Ida", người cha già của Tarbell khẩn khoản nói với con gái khi biết bà đang điều tra về Standard Oil cho McClue’s. "Họ sẽ hủy diệt tờ báo đấy".
Một buổi tối, trong bữa tiệc do Alexander Graham Bell tổ chức ở Washington, vị phó chủ tịch của một ngân hàng liên kết với Rockefeller đưa Tarbell đi cùng. Có vẻ như ông này đang lịch sự đe dọa về chính điều mà cha Tarbell cảnh báo trước đó khi đưa ra câu hỏi về tình hình tài chính của tờ McClue’s. Tarbell sẽ không dừng lại. Là một nhà nghiên cứu không biết mệt mỏi và luôn suy nghĩ thấu đáo, bà trở thành một thám tử say mê và bị cuốn hút vào vụ việc của mình, với niềm tin mình sẽ có được một câu chuyện tuyệt vời. Người trợ lý Tarbell cử xuống những khu phố nhỏ ở Cleveland tìm gặp những người có trí nhớ tốt đã viết về cho bà: "Tôi muốn nói với bà điều này, John D. Rockefeller là nhân vật kỳ lạ nhất, kín miệng nhất, bí hiểm nhất và thú vị nhất ở Mỹ. Người dân vùng này không biết gì về ông ta cả. Một nghiên cứu về nhân vật khác thường này sẽ là con át chủ bài cho McClue’s". Và Tarbell muốn chơi con bài đó. Nhưng làm thế nào Tarbell tiếp cận trực tiếp được Standard?
Một người mà Tarbell không ngờ tới đã hỗ trợ bà − đó là H. H. Rogers. Sau John Archbold, Rogers là giám đốc thâm niên lâu nhất và quyền lực nhất của Standard Oil, đồng thời cũng là một nhà đầu cơ độc lập xuất chúng. Ông phụ trách lĩnh vực đường ống và khí tự nhiên của Standard. Tuy nhiên, Rogers không chỉ quan tâm đến kinh doanh. Ông còn có đóng góp đáng kể cho nền văn học Mỹ. Trước đó một thập kỷ, ông từng giúp Mark Twain thoát khỏi khó khăn tài chính suýt dẫn tới vỡ nợ. Sau đó, ông trở thành bạn thân của Mark Twain, quản lý tài sản và đầu tư tiền cho Mark Twain để nhà văn nổi tiếng này, như lời ông nói, "không còn phải lo lắng về tài chính nữa". Rogers yêu thích các tác phẩm của Mark Twain và thường đọc chúng cho vợ con nghe. Tuy nhiên, trong kinh doanh, Rogers là một người rất cứng rắn và lạnh lùng.
Trong cuốn Who’s Who (Ai là ai), ông tự liệt mình vào hàng "tư bản". Những người khác gọi ông là "Rogers, kẻ đê tiện" vì những vụ đầu cơ vào phố Wall của ông. Rogers cho rằng Rockefeller không ủng hộ ông vì, theo như ông nói, ông là "một con bạc bẩm sinh". Và quả thực, mỗi khi thị trường chứng khoán đóng cửa vào cuối tuần, không có việc gì để làm, Rogers lại chơi bài poker. Chính Mark Twain đề nghị Rogers hỗ trợ chi phí học tập cho Helen Keller, một cô gái bị mù và điếc, để cô có thể tới Radcliffe. Bản thân Mark Twain luôn biết ơn Rogers, và gọi Rogers không chỉ là "người bạn tốt nhất mà tôi từng có", mà còn là "người tốt nhất tôi từng biết". Trớ trêu thay, trong thời kỳ làm nghề xuất bản sách, Mark Twain từng được đề nghị xuất bản cuốn sách Wealth against common wealth (Thịnh vượng chống lại thịnh vượng chung) của Demarest Lloyd.
Trong lá thư gửi vợ, ông viết: "Anh muốn nói rằng, người đàn ông duy nhất mà anh quan tâm trên thế giới này, người đàn ông duy nhất đã hào phóng đổ cả mồ hôi và máu của mình để cứu anh và người thân của anh khỏi chết đói và sự hổ thẹn, lại là một con quỷ của Standard Oil… Nhưng anh đã không nói như vậy. Anh chỉ nói rằng anh không muốn làm bất kỳ cuốn sách nào nữa; anh muốn từ bỏ việc xuất bản sách". Mark Twain tùy thích ra vào văn phòng của Rogers tại số 26 Broadway và thỉnh thoảng, ông còn dùng bữa trưa với "các quý ông tầng trên" trong phòng ăn riêng của họ.
Một ngày nọ, Rogers đề cập đến chuyện ông có nghe về việc McClue’s đang chuẩn bị xuất bản một cuốn sách về Standard Oil và đề nghị Mark Twain tìm hiểu thực hư việc đó ra sao. Vì cũng quen biết với McClue, Mark Twain đã nhận lời. Cuối cùng, Mark Twain sắp xếp cho Ida Tarbell gặp Rogers vào tháng 1 năm 1902. Tarbell cảm thấy e dè khi phải đối mặt trực tiếp với ông trùm quyền lực của Standard Oil. Tuy nhiên, Rogers đã dành cho bà sự tiếp đón nồng hậu. Ngay lập tức, Tarbell khẳng định, "trên mọi phương diện" Rogers chính là "nhân vật đẹp trai nhất và đạo mạo nhất ở phố Wall". Họ nhanh chóng thiết lập một mối quan hệ đặc biệt, vì hóa ra, khi Tarbell còn nhỏ, hai người không chỉ sống cùng thị trấn tại Vùng đất dầu, mà nhà máy lọc dầu nhỏ của Rogers khi đó còn nằm ở triền đồi ngay bên dưới nhà Tarbell.
Rogers kể với Tarbell rằng, hồi ấy ông sống trong một ngôi nhà thuê, mà vào thời điểm đó, việc thuê nhà để ở đồng nghĩa với "sự thú nhận thất bại trong làm ăn" để có thể có thêm tiền mua cổ phiếu của Standard Oil. Rogers nói ông vẫn còn nhớ rõ về cha Tarbell và tấm biển "Cửa hàng thùng Tarbell". Ông còn nói đó là những ngày tháng hạnh phúc nhất của ông. Có thể Rogers đã thể hiện cảm xúc chân thành song cũng có thể ông là một nhà tâm lý giỏi. Ông mê hoặc được Ida Tarbell. Nhiều năm sau, Tarbell vẫn thân mật gọi ông là "tên cướp biển đẹp trai với lá cờ mãi tung bay trên phố Wall".
Hai năm sau đó, Tarbell và Rogers thường xuyên gặp gỡ. Bà thường được đưa vào gặp ông qua một cửa và đi ra bằng một cửa khác, vì chính sách của công ty là cấm khách tới thăm chạm mặt nhau. Thỉnh thoảng, Tarbell thậm chí còn được sắp xếp một bàn làm việc ở số 26 Broadway. Bà vẫn đem các hồ sơ tới cho Rogers và ông lại cung cấp cho bà các tài liệu, số liệu, những điều chỉnh và giải thích. Rogers tỏ ra thật thà với Tarbell tới mức đáng ngạc nhiên.
Chẳng hạn, vào một ngày mùa đông, Tarbell mạnh dạn hỏi ông, Standard đã "thao túng pháp luật" bằng cách nào. "Ồ, dĩ nhiên là chúng tôi phải chăm sóc các cơ quan pháp luật rồi!" ông trả lời. "Họ tới đây và đề nghị chúng tôi đóng góp vào các quỹ phục vụ chiến dịch bầu cử của họ. Và chúng tôi làm điều này – Đó là, với tư cách cá nhân… chúng tôi cho tay vào túi và đưa cho họ vài món tiền lớn cho mục đích vận động tranh cử, rồi đến khi một đạo luật chống lại lợi ích của chúng tôi sắp ra đời, chúng tôi tới gặp nhà quản lý và nói: "Có một đạo luật như thế, như thế sắp sửa được ban hành đấy. Chúng tôi không thích thế và muốn ông quan tâm đến lợi ích của chúng tôi". Đó là cách mà mọi người vẫn làm".
Tại sao Rogers lại sẵn lòng giúp đỡ Tarbell như vậy? Một vài người cho rằng, đó là cách ông trả thù Rockefeller, người có mối quan hệ bất hòa với ông. Bản thân Rogers lại có cách giải thích thực tế hơn. Ông nói, tác phẩm của Tarbell "sẽ được coi là tác phẩm cuối cùng về Standard Oil," và dù thế nào Tarbell cũng sẽ viết tác phẩm này nên ông muốn làm mọi thứ có thể để câu chuyện về công ty được "hiểu đúng". Thậm chí, Rogers còn sắp xếp cho Tarbell gặp Henry Flagler, người đang chìm đắm trong hoạt động khai thác dầu quy mô lớn do chính ông làm chủ tại Florida. Tarbell phát cáu khi Flagler chỉ nói với giọng đạo đức giả rằng: "Chúng tôi giàu lên được là nhờ Chúa". Rogers cũng nói chung chung rằng ông có thể sẽ sắp xếp một cuộc phỏng vấn với Rockefeller, nhưng điều đó đã không bao giờ xảy ra. Rogers cũng không giải thích nguyên nhân.
Tarbell nói với một đồng nghiệp rằng, mục tiêu của bà là viết được "một câu chuyện lịch sử về Standard Oil". Bà "không có dự định" viết một câu chuyện "gây tranh cãi, mà là một bản tường thuật đi thẳng vào công ty độc quyền khổng lồ này, với sự sinh động và kịch tính mà tôi có thể tạo ra". Tự hào về những thành tựu của bản thân cũng như về công ty của mình, chắc hẳn Rogers cũng có cảm tưởng như vậy. Cho dù dự định ban đầu của Tarbell là gì đi nữa, thì loạt bài viết bắt đầu xuất hiện trên tờ McClue’s vào tháng 11 năm 1902 thực sự là một quả bom tấn.
Tháng này sang tháng khác, bà tung ra câu chuyện về những mưu đồ và hành vi thao túng, về việc hạ giá và sự cạnh tranh tàn bạo, về một Standard chỉ mỗi một ý đồ duy nhất và cuộc chiến bất tận mà công ty này giáng xuống đầu những công ty độc lập vốn đã mang đầy thương tích. Những bài báo này trở thành chủ đề bàn luận trên khắp cả nước và mở ra cánh cửa cho những nhà cung cấp tin tức mới. Sau một vài tháng đầu, Tarbell trở về Titusville thăm gia đình. Bà nói: "Thật thú vị khi thấy mọi việc đang diễn ra tốt đẹp và con vẫn chưa bị bắt cóc hay kiện ra tòa vì tội phỉ báng như một vài người bạn dự đoán. Mọi người sẵn sàng nói chuyện thoải mái với con". Ngay cả Rogers, bất chấp tất cả, vẫn dành cho Tarbell sự tiếp đón thân mật.
Nhưng sau đó, khi bà công bố một bài viết tiết lộ thông tin về cách thức hoạt động của hệ thống tình báo của Standard Oil thì Rogers nổi giận. Ông cắt đứt quan hệ và từ chối gặp bà. Tarbell vẫn không hề hối hận về những gì đã viết. Sau này, bà có nói, chính "sự sáng tỏ của những hoạt động gián điệp này… khiến tôi căm ghét Standard". Vì "có một sự đê hèn dường như vô cùng đáng khinh bỉ khi đem so sánh với những tài năng lớn gia nhập tổ chức này. Không một điều gì khác về Standard lại khiến tôi có cảm giác như vậy". Và chính cảm giác đó tạo cho các bài viết vạch trần những hành vi của Standard của Tarbell sức công phá mạnh mẽ.
Loạt bài của Tarbell được đăng liên tục trong 24 tháng và sau đó, vào tháng 11 năm 1904, được xuất bản thành một cuốn sách có tựa đề The History of Standard Oil Company (Lịch sử Công ty Standard Oil), với 64 phụ lục. Tác phẩm này có nội dung rất rõ ràng và có sức thuyết phục lớn. Tuy nhiên, ẩn dưới một văn phong được kiềm chế chính là sự giận dữ mãnh liệt và lời buộc tội sâu sắc đối với Rockefeller và những hành vi tàn bạo của tờ-rớt này.
Theo Tarbell, mặc dù có nhiều cống hiến thể hiện rõ những nguyên tắc xử thế của người Cơ đốc giáo, Rockefeller vẫn là một nhân vật tàn bạo, phi nhân tính. Bà viết: "Rockefeller đã chơi có hệ thống bằng một con xúc xắc gài bẫy, và từ năm 1872 chưa lần nào ông ta xuất phát công bằng trong cuộc đua với một đối thủ". Việc xuất bản cuốn sách của Ida Tarbell là một sự kiện lớn. Một nhà báo miêu tả cuốn sách lịch sử này là "tác phẩm xuất sắc nhất nước Mỹ về đề tài này". Samuel McClue nói với Tarbell: "Nói chung, bây giờ bà đã là người phụ nữ nổi tiếng ở Mỹ rồi… Đâu đâu người ta cũng nói về bà với sự sùng kính đến nỗi tôi đang cảm thấy e sợ bà đấy". Sau đó, từ châu Âu, McClue cho hay, thậm chí ngay cả những tờ báo ở đại lục này cũng "liên tục nhắc đến tác phẩm của bà".
Mãi tới thập niên 1950, các nhà sử học nghiên cứu về Standard Oil, những người vốn có thái độ không mấy thân thiện với cuốn sách của Tarbell, mới tuyên bố: "có lẽ cuốn sách này được nhiều người mua và nội dung của nó phổ biến rộng rãi trong công chúng hơn bất kỳ tác phẩm nào về lịch sử kinh tế và kinh doanh của nước Mỹ". Rõ ràng, đây là cuốn sách có ảnh hưởng nhất về chủ đề kinh doanh từng được xuất bản ở Mỹ. Tarbell giải thích: "Tôi không bao giờ phản đối quy mô và sự thịnh vượng của Standard, cũng như không bao giờ phản đối hình thức doanh nghiệp của họ. Tôi cũng cho rằng họ nên hợp nhất, phát triển lớn mạnh và giàu có ở mức họ có thể, nhưng chỉ bằng những cách thức hợp pháp. Tuy nhiên, họ chưa bao giờ chơi công bằng và điều đó đã hủy hoại sự vĩ đại của họ trong tôi". Tuy vậy, Ida Tarbell vẫn chưa thỏa mãn.
Năm 1905, bà tiếp tục theo đuổi đề tài này bằng cuộc tấn công cuối cùng – dựng lên một bức chân dung của Rockefeller. Người viết tiểu sử của Tarbell viết: "Bà phát hiện ông ta bị rụng tóc, có những cục u và là con trai của một người buôn dầu lửa xảo quyệt". Quả thực, Tarbell đã lấy hình dáng bên ngoài, bao gồm cả chứng rụng tóc do sức khỏe kém gây ra của Rockefeller để mô tả sự xuống cấp về đạo đức trong con người ông. Có lẽ, đó là sự báo thù cuối cùng của một người con gái thật sự của Vùng đất dầu. Vì khi Tarbell đang hoàn thành bài báo cuối cùng, cha bà, một nhà kinh doanh dầu lửa độc lập từng chống lại Rockefeller và bị đánh bại, qua đời ở Titusville.
Ngay khi kết thúc bài báo, bà vội vã trở về nhà, đến bên giường người cha quá cố. Vậy Rockefeller phản ứng thế nào? Khi những bài báo của Tarbell được xuất bản, một người hàng xóm già ghé thăm ông trùm dầu lửa đã đề cập tới nhân vật mà ông gọi là "bà bạn" của Rockefeller – Ida Tarbell. Rockefeller trả lời: "Tôi nói cho ông biết nhé, mọi thứ đã thay đổi kể từ khi ông và tôi còn là những đứa trẻ. Thế giới đầy những người xã hội chủ nghĩa và những người theo chủ trương vô chính phủ. Bất kỳ ai có được thành công lớn trong một lĩnh vực kinh doanh cũng sẽ bị họ nhảy bổ vào chê bai".
Sau đó, người hàng xóm trên đã gọi quan điểm của Rockefeller là quan điểm "của một chiến binh trong trận chiến, biết rằng thỉnh thoảng mình sẽ bị đánh vào đầu. Ông ấy không phải là người ít chịu đau đớn nhất vì bất kỳ đòn tấn công nào. Ông ấy vẫn cho rằng Standard làm được nhiều việc tốt hơn là những việc xấu". Vào dịp khác, có người tình cờ nghe thấy Rockefeller nói về "bà bạn" với cái tên thân mật – "Cô Thùng nhựa đường".
Bom phá tờ-rớt
Tarbell hoàn toàn không phải là một người xã hội chủ nghĩa. Nếu có một cương lĩnh cho cuộc tấn công của bà vào Standard Oil thì đó chính là lời kêu gọi tìm kiếm một lực lượng đối kháng để chống lại sức mạnh của doanh nghiệp này. Đối với Theodore Roosevelt, người trở thành Tổng thống Mỹ năm 1901, lực lượng đối kháng này chỉ có thể là Chính phủ. Theodore Roosevelt là hiện thân của phong trào tiến bộ. Ông là Tổng thống Mỹ trẻ tuổi nhất tính đến thời điểm đó, một con người luôn tràn đầy sinh lực và lòng nhiệt tình. Người ta gọi ông là "ngôi sao băng của thời đại". Sau cuộc gặp gỡ với Roosevelt, một nhà báo viết: "Anh hãy bộc lộ cá tính của mình".
Roosevelt theo đuổi sự nghiệp cải cách trên mọi phương diện, từ việc làm trung gian cho cuộc chiến tranh Nga – Nhật tới việc thúc đẩy cách viết chính tả đơn giản. Với việc thứ nhất, ông được trao tặng giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1906. Còn với việc thứ hai, cũng trong năm 1906, ông vận động Văn phòng in ấn Chính phủ Mỹ thích nghi với 300 cách viết giản tiện của những từ quen thuộc – ví dụ, viết "dropt" thay vì viết "dropped". Tòa án tối cao không chấp nhận những cách viết như vậy trong các văn bản luật, nhưng Roosevelt vẫn kiên quyết sử dụng cách viết này trong thư từ cá nhân của ông.
Chính Roosevelt là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ "người cào bùn" để chỉ các nhà báo và phong trào tiến bộ. Ông dùng từ này với nghĩa chế giễu vì cho rằng, những cuộc tấn công của họ vào các chính trị gia và các công ty là quá tiêu cực và quá tập trung vào "mặt xấu xa và việc hạ thấp" những đối tượng đó. Ông lo ngại những bài viết của các nhà báo này sẽ làm bùng lên ngọn lửa cách mạng và cuốn mọi người vào chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa vô chính phủ. Tuy nhiên, ông đã sớm lấy chương trình hành động của họ làm chương trình của mình – bao gồm việc chỉnh đốn các công ty đường sắt và ngành công nghiệp đóng gói thịt đang trong tình trạng khủng khiếp, cũng như bảo vệ các nhà sản xuất thực phẩm và dược phẩm.
Trọng tâm trong chương trình của Roosevelt là kiểm soát sức mạnh của các doanh nghiệp và mục tiêu này khiến ông có biệt danh là "Bom phá tờ-rớt". Ông không phản đối bản thân các tờ-rớt. Thực tế, ông coi việc hợp nhất là đặc điểm tất yếu và logic của sự tiến bộ kinh tế. Roosevelt từng cho rằng, việc dùng pháp luật để chống lại xu thế hợp nhất khó hơn cả việc chống đỡ những trận lụt vào mùa xuân trên sông Missisippi. Tuy nhiên, vị tổng thống này cũng nói: "Chúng ta có thể điều chỉnh và kiểm soát chúng bằng những con đê," có nghĩa là, bằng các quy định và giám sát của dư luận. Theo ông, việc cải cách như vậy rất quan trọng để tránh chủ nghĩa cấp tiến và cách mạng và duy trì hệ thống hiện tại của nước Mỹ. Roosevelt có sự phân biệt giữa tờ-rớt "tốt" và tờ-rớt "xấu", và chỉ những tờ-rớt "xấu" mới đáng bị giải thể. Trong sự nghiệp này, ông không bao giờ chịu dừng lại. Dưới thời Roosevelt có ít nhất 45 vụ kiện chống độc quyền.
Những trận chiến tiếp theo chĩa mũi nhọn chính vào, ông tổ của các tờ-rớt - Standard Oil. Công ty của Rockefeller trở thành con rồng mà hiệp sĩ dũng mãnh Roosevelt thích tấn công vì không có đối thủ nào tuyệt vời hơn cho trận đấu. Mặc dù vậy, Roosevelt vẫn tìm kiếm sự ủng hộ của khu vực doanh nghiệp lớn trong chiến dịch bầu cử của ông năm 1904, và ban lãnh đạo của Standard Oil đã cố gắng chìa tay ra với ông. Khi một nghị sĩ có quan hệ thân thiện với Standard Oil, đồng thời cũng là chủ tịch một công ty con của Standard, cho Archbold biết, Roosevelt nghĩ rằng công ty của Rockefeller đối lập với ông, Archbold đã trả lời: "Tôi luôn ngưỡng mộ ngài tổng thống và đã đọc mọi cuốn sách ông ấy viết." Vị nghị sĩ này có một ý tưởng rất hay.
Một tác giả là tổng thống, đặc biệt là một người sáng tác nhiều như Roosevelt, chắc chắn sẽ là đối tượng của những lời tâng bốc. Ông truyền đạt những lời nói trên của Archbold tới tổng thống và sử dụng cách mào đầu đó để sắp xếp một cuộc gặp gỡ. Đắc thắng, nghị sĩ này viết thư cho Archbold, nói: "Lĩnh vực sách" đã đem lại thành công trong trò chơi ngay từ phát bắn đầu tiên". Nhưng ông này cũng cảnh báo: "Ít nhất, ông nên đọc tựa đề của các cuốn sách đó để nhớ lại nội dung của chúng trước khi tiến hành bước tiếp theo". Sự tâng bốc có thể đưa Archbold tới được cánh cửa trước, nhưng không thể giúp ông tiến xa thêm.
Một vài năm sau, ông giận dữ nói: "Vùng Abyssinia (tên cũ của Ethiopia) cũng chưa từng chứng kiến bất kỳ điều gì giống như cách chính phủ đối xử với chúng tôi sau khi Roosevelt thắng cử năm 1904". Trước ngày bầu cử, Đảng Dân chủ đã đem chuyện những doanh nghiệp lớn đóng góp cho chiến dịch tranh cử của phe Cộng hòa, bao gồm 100 nghìn đô-la của Archbold và H. H. Rogers trở thành một chủ đề gây tranh cãi lớn. Roosevelt liền ra lệnh trả lại số tiền 100 ngàn đô-la kia và ngay sau đó, đột nhiên công khai hứa với mọi người Mỹ điều đã trở thành khẩu hiệu của ông, một "thỏa thuận sòng phẳng".
Liệu số tiền trên có thật sự được trả lại hay không là một vấn đề khác. Bộ trưởng Tư pháp Philander Knox kể với William Howard Taft[4], người kế nhiệm Roosevelt rằng, khi ông bước vào văn phòng Roosevelt vào tháng 10 năm 1904, ông nghe thấy tổng thống đang đọc cho thư ký viết một bức thư chỉ đạo việc trả lại số tiền 100 nghìn đô-la cho Standard Oil. "Tại sao vậy, thưa Tổng thống, số tiền đó đã bị tiêu hết rồi. Họ không thể trả lại số tiền đó được, họ không có số tiền đó". Knox nói. Roosevelt trả lời: "Ồ, nhưng dù sao, lá thư này cũng sẽ được lịch sử ghi nhận".
Ngay sau khi Roosevelt trúng cử năm 1904, chính quyền của vị tổng thống này mở một cuộc điều tra Standard Oil và ngành công nghiệp dầu lửa. Kết quả là một bản chỉ trích gay gắt việc tờ-rớt này kiểm soát lĩnh vực vận tải, được thổi phồng thêm bởi những lời tố cáo Standard của chính Roosevelt. Áp lực bất lợi cho Standard ngày càng tăng đến mức Archbold và H. H. Rogers phải vội vã tới Washington vào tháng 3 năm 1906 để gặp Roosevelt và xin tổng thống không cho tiến hành kiện Standard.
Sau cuộc gặp với Roosevelt, Archbold viết thư gửi cho một giám đốc khác của Standard là Henry Flagler, nói rằng: "Chúng tôi nói với ông ấy rằng chúng ta đã bị điều tra đi điều tra lại rồi, báo cáo đi báo cáo lại rồi. Nhưng chúng ta có thể chịu đựng được điều đó. Ông ấy kiên nhẫn lắng nghe tất cả những gì chúng tôi nói và tôi nghĩ là ông ấy cũng khá bị ấn tượng…. Không thể nào buổi làm việc với tổng thống lại không có kết quả tốt đẹp".
Vụ kiện
Archbold đang lừa dối bản thân và đồng nghiệp. Vì vào tháng 11 năm 1906, điều phải đến cuối cùng đã đến: Tại tòa án lưu động liên bang ở St. Louis, chính quyền Roosevelt đã tiến hành vụ kiện chống Standard Oil. Theo Đạo luật Chống độc quyền Sherman năm 1890, Standard bị buộc tội có âm mưu cản trở thương mại. Trong thời gian diễn ra vụ kiện này, Roosevelt thổi bùng ngọn lửa căm hận trong dư luận.
Tổng thống công khai tuyên bố: "Trong sáu năm qua, những con người này không hề trung thực trong kinh doanh". Ông còn nói riêng với Bộ trưởng Tư pháp rằng, các giám đốc của Standard là "những tên tội phạm lớn nhất của đất nước này". Bộ Chiến tranh (tên gọi cũ của Bộ Quốc phòng) thông báo sẽ ngừng mua các sản phẩm dầu của Standard Oil. Không muốn bị qua mặt, ứng cử viên lâu năm cho chức tổng thống của phe Dân chủ, William Jennings Bryan, cũng tuyên bố rằng điều tốt đẹp nhất có thể xảy ra cho nước Mỹ là việc đưa Rockefeller ra tòa. Standard Oil nhận ra rằng mình đang ở trong một cuộc chiến một mất một còn. Cục diện đã thay đổi và giờ đây, Chính phủ Mỹ đang đưa Standard vào tình huống "toát mồ hôi hột".
Một lãnh đạo của Standard viết cho Rockefeller: "Chính phủ đã bắt đầu một chiến dịch có tính toán nhằm hủy diệt Standard và tất cả những người có dính líu đến tờ-rớt này, cũng như sử dụng mọi nguồn lực để đạt được mục tiêu đó". Để phòng vệ, Standard huy động những luật sư tài năng nhất. Đứng đầu vụ kiện của Chính phủ Mỹ là luật sư Frank Kellogg, người 20 năm sau trở thành Ngoại trưởng Mỹ. Trong hơn 2 năm, 444 nhân chứng đã cung cấp lời khai và 1.371 vật chứng được đưa ra trước tòa. Hồ sơ đầy đủ của vụ kiện này dày tới 14.495 trang và được đóng thành 21 tập. Sau này, thẩm phán Tòa án tối cao đã miêu tả bộ hồ sơ này là "quá đồ sộ… chứa đựng một khối lượng lớn những lời khai trái ngược nhau có liên quan đến những giao dịch đa dạng, phức tạp, trải rộng trong một thời kỳ dài gần 40 năm".
Trong khi đó, các vụ kiện khác chống lại Standard cũng đang diễn ra. Thỉnh thoảng, Archbold lại cố gắng không chú ý tới cuộc tấn công ác liệt từ phía tòa án và chính quyền đó. Trong một bữa tiệc lớn có đông người tham gia, ông phát biểu: "Suốt gần 44 năm trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, tôi đã tham gia một nỗ lực có phần khó khăn để cản trở hoạt động thương mại của dầu lửa và các sản phẩm từ dầu, tại nước Mỹ, tại quận Columbia, và ở nước ngoài. Lời thú nhận tôi đưa ra với các bạn là một thông tin mật, và tôi tin chắc các bạn sẽ không giao tôi cho chính phủ". Tuy nhiên, dù có đùa tếu như vậy, Archbold và các đồng nghiệp vẫn vô cùng lo lắng.
Năm 1907, ông bí mật viết: "Chính quyền liên bang đang nỗ lực hết sức để chống lại chúng tôi. Tổng thống đã chỉ định các quan tòa, đồng thời cũng là ban hội thẩm xử những vụ kiện công ty này… Tôi không cho rằng họ có thể ăn thịt chúng tôi, cho dù họ có thể thành công trong việc xúi bẩy dân chúng thực hiện việc phá hoại. Chúng tôi sẽ cố gắng hết mình để bảo vệ các cổ đông. Còn xa hơn nữa thì cả tôi hay bất kỳ ai cũng chưa thể nói được điều gì". Cùng năm đó, trong một vụ kiện khác, Kenesaw Mountain Landis, một quan tòa liên bang đã phạt Standard Oil một khoản tiền lớn vì nhận những khoản chiết khấu trái pháp luật. Quan tòa này cũng lên án "thái độ xấc xược cố ý" của các luật sư bào chữa cho Standard Oil và lấy làm tiếc vì "chưa có sự trừng phạt đích đáng".
Khi Rockefeller đang chơi golf với vài người bạn ở Cleveland thì một cậu bé đưa tin xuất hiện, mang theo quyết định của tòa án. Rockefeller xé chiếc phong bì, đọc nội dung bên trong, rồi bỏ vào trong ví. Sau đó, ông cất lời, phá vỡ sự im lặng: "Ồ, các bạn, chúng ta tiếp tục chứ?" Một người có mặt khi đó không kiềm chế được và hỏi ông phán quyết đó ở mức độ nào. Rockefeller trả lời: "Tôi nghĩ không thể có hình phạt nào cao hơn được nữa – 29 triệu đô-la". Sau đó, ông nghĩ lại và nói thêm: "Còn rất lâu sau khi quan tòa Landis chết, khoản tiền phạt này mới được nộp". Rockefeller chỉ buông mấy lời như vậy rồi lại tiếp tục đánh golf, với thái độ dường như bình thản, và chơi một trong những trận golf hay nhất trong đời. Quả thực, phán quyết của Landis cuối cùng đã bị đảo lộn.
Nhưng sau đó, năm 1909, trong một vụ kiện chống độc quyền lớn, tòa án liên bang, với sự ủng hộ của chính phủ, đã ra lệnh giải thể Standard Oil. Lúc này, Theodore Roosevelt không có mặt tại Văn phòng tổng thống và đang trên đường trở về sau một chuyến đi săn thú lớn ở châu Phi. Ông nghe được tin này khi đang ở trên sông Nile Trắng và rất đắc chí. Ông nói, quyết định này "là một trong những chiến thắng nổi bật nhất dành cho sự khuôn phép từng thiết lập được trên đất nước này". Về phần mình, Standard Oil không bỏ phí thời gian kháng cáo lên Tòa án tối cao. Vụ kiện này được xử lại ở Tòa án tối cao tới hai lần do hai thẩm phán qua đời. Cả ngành công nghiệp dầu lửa và giới tài chính cùng bồn chồn chờ đợi kết quả vụ kiện.
Cuối cùng, vào tháng 5 năm 1911, cuối một buổi chiều hết sức buồn tẻ, Thẩm phán Edward White tuyên bố: "Tôi tuyên bố quan điểm của Tòa án tối cao, nước Mỹ phản đối Công ty Standard Oil". Những con người trong bầu không khí nóng bức, ngột ngạt và ảm đạm của phòng xử án đột nhiên bừng tỉnh và căng tai lắng nghe. Rồi các thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ lao vào phòng. Trong 45 phút sau đó, Thẩm phán White phát biểu, nhưng ông nói khó nghe đến nỗi vị thẩm phán ngay bên trái ông nhiều lần phải ngả người về phía trước và đề nghị ông nói to hơn để mọi người có thể nghe thấy những từ ngữ quan trọng.
Thẩm phán White giới thiệu một nguyên tắc mới, trong đó việc đánh giá của cơ quan pháp luật về hành vi hạn chế thương mại theo đạo luật Sherman sẽ dựa trên phương pháp phán xét trên cơ sở giải trình hợp lý tùy theo từng trường hợp. Nghĩa là, hành vi "hạn chế" sẽ bị xử phạt chỉ khi nào hành vi đó là không hợp lý và đi ngược lại lợi ích chung. Và, trong trường hợp này, hành vi "hạn chế" của Standard Oil rõ ràng đã vi phạm quy định. Thẩm phán White tuyên bố: "Không một người nào có quan điểm vô tư khi điều tra giai đoạn bị nghi vấn (từ năm 1870) lại không đi đến kết luận rằng chính khả năng phát triển thương mại và tổ chức thiên tài… đã sớm dẫn tới những dự định và mục đích nhằm loại bỏ người khác… ra khỏi quyền được buôn bán của họ và nhờ đó, đạt được quyền kiểm soát như đã thấy". Các thẩm phán tán thành quyết định của Tòa án liên bang. Standard Oil sẽ bị giải thể.
Tại 26 Broadway, các giám đốc của công ty buồn bã tập trung trong văn phòng của Rockefeller để đợi phán quyết của tòa. Hầu như không ai nói một lời nào khi biên bản của phiên tòa được chuyển về. Với vẻ mặt căng thẳng, Archbold cúi xuống chiếc máy điện báo và đọc lướt qua vài từ. Khi nghe tin, tất cả đều bị sốc. Chưa ai trong số họ chuẩn bị cho mức độ khủng khiếp của phán quyết này – Standard Oil có sáu tháng để tự giải thể. "Kế hoạch của chúng ta" sắp bị lệnh của tòa phá vỡ. Một sự im lặng chết chóc bao trùm khắp căn phòng. Archbold bắt đầu khẽ huýt sáo, như nhiều năm trước đây, cậu bé Archbold vẫn làm khi lội qua những con đường ngập bùn ở Titusville. Ông bước tới gần lò sưởi, suy nghĩ thêm một lát rồi nói: "Ồ, các bạn! Cuộc đời là hết điều tồi tệ này đến điều tồi tệ khác". Sau đó, ông lại tiếp tục huýt sáo.
Giải thể
Sau quyết định của tòa, các giám đốc của Standard Oil phải đối mặt với một vấn đề cấp thiết và quan trọng, đó là cách thức ra lệnh giải thể công ty. Chính xác hơn, đế chế vĩ đại và có mối liên hệ mật thiết giữa các bộ phận này sẽ bị phá vỡ như thế nào? Quy mô của cuộc giải thể này rõ ràng là quá lớn. Standard Oil là công ty vận tải tới hơn 4/5 sản lượng dầu sản xuất ở Pennsylvania, Ohio và Indiana. Công ty này còn lọc tới 3/4 lượng dầu thô của nước Mỹ; sở hữu hơn một nửa số xe téc chở dầu, cung cấp hơn 4/5 lượng dầu hỏa trên thị trường nội địa, chiếm hơn 4/5 lượng dầu hỏa xuất khẩu, và cung cấp hơn 9/10 lượng dầu nhờn tiêu thụ trong các công ty đường sắt của Mỹ. Ngoài ra, Standard Oil cũng là nhà cung cấp vô số các sản phẩm phụ của quá trình lọc hóa dầu – bao gồm 300 triệu cây nến với 700 loại khác nhau. Thậm chí, công ty còn có một hạm đội riêng gồm 78 tàu hơi nước và 19 thuyền buồm. Tất cả những thứ này sẽ bị chia cắt bằng cách nào? Tin đồn thì có rất nhiều nhưng ở số 26 đường Broadway chỉ có sự im lặng bao trùm.
Cuối cùng, tháng 7 năm 1911, Standard Oil cũng công bố kế hoạch phá hủy chính mình. Công ty này được chia thành nhiều tổ chức riêng rẽ. Trong số đó, lớn nhất là Standard Oil ở New Jersey – công ty mẹ ban đầu, chiếm gần một nửa toàn bộ giá trị ròng của tờ-rớt này. Rốt cục, Standard Oil ở New Jersey đã trở thành Exxon, và không bao giờ đánh mất vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực dầu lửa. Lớn thứ hai là Standard Oil của New York, chiếm 9% tổng giá trị ròng và cuối cùng trở thành Mobil.
Ngoài ra, Standard Oil ở California sau này trở thành Chevron, Standard Oil của Ohio trở thành Sohio và sau đó là bộ phận tại Mỹ của tập đoàn BP, Standard Oil ở Indiana trở thành Amoco, Continental Oil trở thành Conoco và Atlantic trở thành một bộ phận của ARCO và cuối cùng trở thành một phần của Sun. "Chúng tôi thậm chí còn phải cử một số nhân viên làm việc vặt ở văn phòng lãnh đạo những công ty này", một lãnh đạo của Standard chua cay bình luận.
Mặc dù bị chia tách và không có những hội đồng quản trị đan xen lẫn nhau, nhìn chung những công ty mới này vẫn tôn trọng thị trường của nhau và tiếp tục duy trì mối quan hệ thương mại cũ giữa họ. Mỗi công ty trong số này đều tăng mạnh nguồn cung trong khu vực của riêng họ và sự cạnh tranh ngày càng phát triển. Sự căng thẳng này càng nặng nề thêm bởi một sơ suất pháp lý trong quá trình giải thể.
Rõ ràng, không một ai ở 26 Broadway nghĩ tới vấn đề quyền sở hữu các thương hiệu bao gồm dầu Polarine, Perfection và xăng Red Crown. Thực tế này hạn chế tối đa khả năng một công ty có thể xâm nhập vào địa hạt của một công ty khác. Dư luận và hệ thống chính trị của Mỹ đã đẩy sự cạnh tranh vào lĩnh vực vận tải dầu lửa, lọc dầu và thị trường tiêu thụ của nhiên liệu này. Tuy nhiên, nếu như con rồng đã chết, phần thưởng cho việc tiêu diệt nó sẽ là rất lớn. Thế giới thay đổi quá nhanh vì Standard Oil, hệ thống kiểm soát của tờ-rớt này trở nên quá cứng nhắc, đặc biệt là đối với những người làm trong ngành công nghiệp dầu lửa. Với việc giải thể công ty này, họ sẽ có cơ hội thể hiện chính mình.
Nhân vật sau đó trở thành người đứng đầu Công ty Standard Oil ở Indiana nhớ lại: "Những người trẻ tuổi được trao cơ hội mà họ mong đợi bấy lâu". Đối với những người đứng đầu các công ty tách ra từ Standard Oil, đó là cả một sự tự do lớn khi họ không còn phải xin ý kiến những người ở 26 Broadway để được thông qua từng khoản chi tiêu giá trị từ 5.000 đô-la trở lên, hoặc từng khoản tài trợ cho bệnh viện trị giá từ 50 đô-la trở lên.
Cuộc giải phóng công nghệ
Một trong số những hệ quả khác của sự giải thể này là cuộc giải phóng công nghệ khỏi gọng kìm kiểm soát khắt khe của số 26 Broadway. Đặc biệt, Công ty Standard bang Indiana nhanh chóng đạt được một bước đột phá trong lĩnh vực lọc dầu để hỗ trợ cho ngành công nghiệp ôtô non trẻ vào một thời điểm vô cùng quan trọng. Nhờ vậy, công ty này giành được một nhánh thị trường có tiềm năng trở thành thị trường dầu lửa quan trọng nhất tại nước Mỹ.
Với bí quyết lọc hóa dầu đã có, lượng xăng tối đa sản xuất được từ một thùng dầu thô thường chiếm 15% đến 18% trong tổng sản phẩm lọc hóa, hoặc thậm chí có thể lên tới 20%. Điều này chẳng có nghĩa lý gì khi xăng gần như là một phế phẩm, một phân đoạn dễ gây cháy nổ của dầu mỏ mà hầu như không có thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, tình hình nhanh chóng thay đổi với sự gia tăng nhanh chóng của lượng xe hơi chạy xăng. Một số người trong ngành công nghiệp dầu lửa nhận thức rõ rằng, vấn đề nguồn cung xăng sẽ sớm trở nên rất căng thẳng.
Người nhận ra điều này sớm nhất là William Burton, phụ trách bộ phận sản xuất của Công ty Standard Oil bang Indiana. Ông là tiến sĩ hóa học của trường Johns Hopkins và là một trong số rất ít các nhà khoa học làm việc trong ngành công nghiệp Mỹ. Năm 1889, ông gia nhập Standard để giải quyết vấn đề loại bỏ mùi "nước đái chồn hôi" ra khỏi dầu thô Lima.
Năm 1909, hai năm trước khi Standard bị giải thể, lường trước được tình trạng thiếu xăng sẽ xảy ra, Burton chỉ đạo một nhóm nghiên cứu gồm các tiến sĩ của trường Johns Hopkins, tìm cách tăng sản lượng xăng. Ông còn đưa ra một quyết định rất quan trọng là bắt tay thực hiện nghiên cứu mà không cần các vị lãnh đạo ở trụ sở số 26 Broadway cho phép, và thậm chí không cần các giám đốc của chi nhánh Công ty Standard bang Indiana ở Chicago biết tới.
Ông nói với các nhà khoa học trong nhóm rằng, phòng thí nghiệm sẽ thử mọi ý tưởng, với mục đích là bẻ gẫy các phân tử hydrocarbon lớn hơn của những sản phẩm kém hấp dẫn thành những phân tử nhỏ hơn để tạo ra loại nhiên liệu dùng cho ôtô. Những nhà nghiên cứu này nhiều lần đi vào ngõ cụt. Nhưng cuối cùng, họ đã thử nghiệm phương pháp "cracking nhiệt" – đặt một sản phẩm có giá trị tương đối thấp là dầu gazoan cùng lúc dưới áp suất cao và nhiệt độ cao, lên tới 650 độ C và hơn thế. Từ trước đến giờ, chưa một ai thực hiện thí nghiệm này.
Mọi người trong nhóm của Burton rất thận trọng vì bất kỳ lúc nào họ cũng có khả năng gặp nguy hiểm. Họ có một chút kiến thức rất quý giá về việc dầu lửa sẽ phản ứng như thế nào trong điều kiện trên. Những nhà khoa học về lọc dầu có đầu óc thực tế này rất lo sợ. Khi tiến hành các thí nghiệm, họ phải trèo xung quanh thiết bị chưng cất nóng bỏng để bít những chỗ bị rò rỉ, khả năng gặp nguy hiểm rất lớn, vì các công nhân lò hơi từ chối làm công việc này. Ý tưởng của Burton đã thành công, dầu gazoan tạo ra một sản phẩm "xăng tổng hợp" với tỷ lệ 45% trên một thùng nguyên liệu đầu vào, cao gấp hai lần so với tỷ lệ xăng sản xuất được từ một thùng dầu thô.
Một nhà nghiên cứu ngành công nghiệp dầu lửa viết: "Phương pháp cracking nhiệt chắc chắn sẽ là một trong những phát minh vĩ đại nhất của thời kỳ hiện đại. Nhờ phát minh này, lĩnh vực dầu lửa trở thành ngành công nghiệp lớn đầu tiên được cách mạng hóa nhờ bộ môn hóa học". Bước tiếp theo là cần thương mại hóa phát minh đó. Burton đã đệ đơn lên trụ sở của Standard Oil xin cấp một triệu đô-la để xây dựng 100 lò chưng cất sử dụng phương pháp cracking nhiệt. Tuy nhiên, những người ở số 26 Broadway từ chối thẳng thừng mà không hề giải thích. Họ cho rằng, ý tưởng của Burton là điên rồ. Một giám đốc nói không công khai rằng: "Burton muốn thổi bay cả bang Indiana xuống hồ Michigan". Tuy nhiên, ngay sau khi tờ-rớt này bị giải thể, các giám đốc của Công ty Standard bang Indiana, lúc này đã là một công ty độc lập, những người biết rõ hơn nhiều về sự tự tin cá nhân của Burton, đã bật đèn xanh cho ông, mặc dù một giám đốc trong số này nói đùa rằng: "Ông sẽ hủy diệt chúng tôi cho mà xem!" Bước tiến này đã diễn ra đúng lúc. Với sự tăng trưởng phi thường của số lượng xe hơi, thế giới đã ở vào thời kỳ đỉnh điểm của tình trạng đói xăng.
Năm 1910, lần đầu tiên doanh thu từ xăng vượt doanh thu từ dầu hỏa và nhu cầu xăng tiếp tục "phi nước đại". Kỷ nguyên xăng đang tới gần, nhưng sự thiếu hụt nguồn cung của nhiên liệu này lại là mối đe dọa lớn đối với ngành công nghiệp ôtô vừa mới ra đời. Giá xăng tăng từ mức 9,5 xu/gallon vào tháng 10 năm 1911 lên mức 17 xu/gallon vào tháng 1 năm 1913. Tại London và Paris, những người sử dụng xe hơi phải mua xăng với giá 50 xu/gallon.
Tại những nơi khác ở châu Âu, giá xăng thậm chí còn lên đến 1 đô-la/gallon. Tuy nhiên, đến đầu năm 1913, một năm sau cuộc giải thể của Standard Oil, lò chưng cất đầu tiên của Burton đi vào hoạt động, và Standard bang Indiana công bố sản phẩm mới – "linh hồn của ôtô" – xăng sản xuất bằng kỹ thuật cracking nhiệt. Nhìn lại những gì đã qua, Burton nói: "Chúng tôi chấp nhận một vài rủi ro đáng sợ, và chúng tôi cũng rất may mắn khi không sớm bị hủy diệt trong trò chơi này". Phương pháp mới của ông tạo ra tính linh hoạt trong sản lượng lọc hóa dầu, điều chưa từng tồn tại trong ngành công nghiệp dầu lửa.
Sản lượng của nhà máy lọc dầu không còn bị tuỳ tiện trói buộc bởi nhiệt độ chưng cất khí quyển của các thành phần khác nhau trong dầu lửa nữa. Giờ đây, Burton có thể điều khiển các phân tử và tăng sản lượng của những sản phẩm được ưa thích. Ngoài ra, xăng sản xuất bằng kỹ thuật cracking nhiệt còn có đặc tính làm giảm tiếng ồn động cơ tốt hơn xăng tự nhiên và điều này đồng nghĩa với việc tạo ra nhiều năng lượng hơn và có thể sử dụng cho những động cơ có áp suất nén cao hơn.
Thành công của phương pháp mới này dẫn tới một tình huống tiến thoái lưỡng nan cho Công ty Standard bang Indiana. Một cuộc tranh cãi nội bộ gay gắt về việc có cấp bằng sáng chế cho kỹ thuật cracking nhiệt của Burton hay không đã nổ ra. Một số người lập luận rằng, làm vậy sẽ chỉ khiến các đối thủ cạnh tranh mạnh thêm. Mặc dù vậy, năm 1914, Standard ở Indiana cũng bắt đầu cấp phép cho các công ty hoạt động bên ngoài thị trường của mình sử dụng phương pháp của Burton, với giả thiết rằng, doanh thu có được từ việc áp dụng kỹ thuật này sẽ "hoàn toàn là lãi". Số tiền lãi đó có vẻ rất lớn, vì phí bản quyền đã đổ về từ 14 công ty trong suốt giai đoạn từ năm 1914 đến 1919.
Tuy Standard Oil ở Indiana cấp phép cho các công ty khác với cùng điều kiện, nhưng có một công ty đã cố gắng tìm cách có được thỏa thuận tốt hơn – đó là Standard Oil bang New Jersey. Công ty mẹ trước đây này cho rằng, mình xứng đáng được hưởng những điều khoản ưu đãi hơn, và rằng mình có thể buộc Standard Oil ở Indiana làm điều đó. Tuy nhiên, công ty của Burton không hề lay chuyển. Cuối cùng, năm 1915, Standard Oil bang New Jersey phải chịu thua và trở thành một công ty được cấp phép theo những điều khoản Standard Oil bang Indiana đưa ra. Nhiều năm sau đó, người ta đồn rằng, hàng tháng, chủ tịch của Standard Oil bang New Jersey phải làm một việc rất khó chịu là ký những tấm séc tiền bản quyền giá trị lớn để thanh toán cho Standard Oil bang Indiana.
Những người chiến thắng
Vào thời điểm chuyển giao giữa hai thế kỷ, một kỷ nguyên mới nhanh chóng mở ra trong ngành công nghiệp dầu lửa. Đây là kết quả của nhiều sự trùng hợp ngẫu nhiên, bao gồm tốc độ gia tăng nhanh chóng của lượng ôtô được đưa vào sử dụng, việc phát hiện những mỏ dầu mới ở Texas, Oklahoma, California và Kansas, sự xuất hiện của những đối thủ cạnh tranh mới và những tiến bộ kỹ thuật mới trong lĩnh vực lọc hóa dầu. Dĩ nhiên, thêm vào đó, sự giải thể của Standard Oil có ảnh hưởng to lớn, dẫn tới quá trình tái cấu trúc ngành công nghiệp dầu lửa. Ngay trước khi giải thể tờ-rớt dầu lửa khổng lồ này, một trong những cố vấn của John D. Rockefeller cho rằng, Rockefeller nên bán một phần cổ phiếu của Standard Oil ông sở hữu, với mức giá mà vị cố vấn này cho là đã ở mức đỉnh điểm và sẽ giảm xuống sau vụ giải thể. Nhưng Rockefeller từ chối, vì ông hiểu vấn đề rõ hơn. Cổ phiếu trong các công ty sau giải thể được phân bổ theo tỷ lệ cho các cổ đông của Standard Oil. Nhưng một khi con rồng đã bị chia cắt, những phần của nó chẳng mấy chốc sẽ có giá hơn bản thân nó khi nguyên vẹn.
Trong một năm sau vụ giải thể, giá cổ phiếu của các công ty con gần như tăng gấp đôi, riêng cổ phiếu của Standard Oil bang New Jersey còn tăng gấp ba. Không ai được hưởng lợi từ thực tế đó nhiều hơn người sở hữu 1/4 tổng số cổ phiếu của các công ty này, John D. Rockefeller. Sau vụ giải thể, nhờ cổ phiếu tăng giá mà tài sản cá nhân của ông tăng lên tới 900 triệu đô-la (tương đương 9 tỷ đô-la ngày nay).
Năm 1912, bốn năm sau khi rời ghế tổng thống, Theodore Roosevelt lại chạy đua tranh cử chức vụ người đứng đầu Nhà Trắng. Lần này, Standard Oil lại là mục tiêu của ông. Trong chiến dịch tranh cử, Roosevelt lớn tiếng nói: "Giá cổ phiếu đã tăng hơn 100%, do đó, tài sản Rockefeller và các đối tác của ông ta thật sự đã tăng gấp đôi. Không nghi ngờ gì khi lời cầu nguyện của Phố Wall bây giờ là: "Thượng đế nhân từ, xin hãy cho chúng con thêm một vụ giải thể nữa".
(Còn tiếp)
Nam Hà (giới thiệu)
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 1) |
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 2) |
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 3) |
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 4) |
Dầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực (Kỳ 5) |