GS Trần Văn Khê - Người khám phá bí ẩn của đàn nguyệt
Trong một lần được trò chuyện cùng GS Trần Văn Khê trước đây, chúng tôi được ông tiết lộ thông tin về những bí mật được cất giấu trong cây đàn nguyệt Việt Nam mà ông là người đầu tiên đã tìm ra bí mật ấy.
Đàn nguyệt Việt Nam
Đàn nguyệt (nguyệt cầm) trong miền Nam gọi là đàn kìm. Hộp đàn tròn như mặt trăng nên mới gọi là đàn nguyệt. Không chỉ có ở Việt Nam, Trung Quốc và Campuchia cũng có nhạc cụ giống với đàn nguyệt Việt Nam về hình thức. Tuy nhiên, mỗi loại nhạc cụ của mỗi nước lại khác nhau ở cần đàn.
GS Khê bên đàn nguyệt
Đàn nguyệt Trung Quốc có cần ngắn trong khi đàn Chạpet của Campuchia rất dài, duy chỉ có cần đàn nguyệt của Việt Nam là không dài không ngắn. Vì thế mà người chơi đàn nguyệt Việt rất thoải mái trong các động tác của mình. GS Trần Văn Khê diễn tả với chúng tôi cách ngồi đàn của người Trung Quốc, Campuchia. Với người Trung Quốc GS dùng hai tay gãy ước lệ dưới ngực rất gần nhau, người Campuchia thì GS gãy ước lệ tay trái ở dưới bụng nhưng tay phải lại giơ lên quá đầu. Còn đàn Việt Nam thì GS đưa tay trái để dưới bụng, tay phải gãy khoan thai lên xuống trong khoảng bằng vai.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, GS Khê hết lời khen về âm nhạc dân tộc. Trong đó, có cái hay trong nhạc cụ, thang âm điệu thức, cách biểu diễn. Đây là những cái hay tinh túy mà người thưởng thức có thể nghe được, thấy được và cảm nhận được. Và ông chia sẻ, một trong những cái hay trong âm nhạc truyền thống Việt Nam đó là tiếng đàn nguyệt.
Vĩnh biệt giáo sư Trần Văn Khê! | |
Khám phá nhạc cụ dân tộc tại nhà GS-TS Trần Văn Khê | |
Giữ hồn cổ nhạc | |
Đàn nguyệt đã có lâu đời, khoảng từ thế kỷ XVIII. Nó là nhạc cụ đóng vai trò quan trọng trong các dàn nhạc dân tộc cùng với: tỳ bà, tranh, nhị, ống sáo… Tuy nhiên, vì sao cần đàn của Việt Nam lại dài hơn đàn Trung Quốc và ngắn hơn đàn Campuchia? Cũng chính đặc điểm này của đàn nguyệt Việt Nam khiến người chơi có thể khai triển nhiều kỹ thuật diễn tấu: Ngồi thấp, ngồi thẳng, đứng, kỹ thuật gãy đàn tay phải với nhiều lối đánh cổ truyền như: ngón phi, ngón vê, ngón gõ, ngón bịt… Rồi lại thêm kỹ thuật gãy đàn tay trái cũng với những lối đánh cổ truyền phát ra âm thanh say mê lòng người: ngón rung, ngón nhấn, ngón nhấn luyến…
Nhiều lần, GS Khê đi tìm câu trả lời nhưng không có kết quả. Ông nói: “Hồi trước tôi cứ đo cây đàn, đo thùng đàn, bề dài… không thấy cái gì hay hết”. Nhưng, trong một lần tình cờ, bí mật trong chiếc đàn nguyệt hé mở…
Bí ẩn con số 36
GS Trần Văn Khê kể lại với chúng tôi rằng, trong một lần trao đổi cùng một chuyên gia về thanh học người Pháp, ông mới biết được “ẩn số” 36 trong cây đàn nguyệt. Vị chuyên gia này hỏi GS Khê rằng: “Hồi trước anh nói thùng đàn là 36 phân (từ GS dùng, tức cm). Hôm rồi, tui đo dây đàn là 72 phân đấy!”. Thấy có liên hệ giữa hai con số này, GS Khê lập tức tự tay đo lại các kích thước của cây đàn. Và thế là một bí mật đã hé mở.
Đàn nguyệt và đàn tỳ bà trong nhà GS Khê
GS giải thích: “Tôi lấy thước tay đo thùng đờn được 36 phân, nhân cho hai chiều dài sợi dây đàn từ con bươm bướm đi tới con cóc. Lấy 36 phân chia cho 3 thì ta tìm ra được chiều dài của ba bộ phận là móc đàn, đầu đàn, trục đàn.
Đầu đàn có cái bè lớn rồi tóm xuống dưới, thấp nhỏ lại, bề rộng của nó ở trên 9 phân, tức là 36 chia cho 4, bề dưới 4 phân, tức là 36 chia cho 9. Đo bề dày thùng đàn thì tôi thấy là 6 phân, tức là 36 chia cho 6”.
GS kết luận: “Như vậy là tổ tiên ta đã lấy đơn vị này (36) nhân cho 2, chia cho 4, 9, 6 để làm ra kích thước các bộ phận của cây đàn”.
Song, GS Khê cũng cho biết là thật ra tất cả những “bí mật” đó đều có trong sách cổ nhưng do người làm đàn đã “giấu nghề”. “Học trò thì hỏi thầy: Thưa thầy, cái đàn này tại sao lại làm vậy? - Thầy thì trả lời: Thì thầy làm sao trò làm vậy đi!”, GS Khê nói. Và cứ như vậy mà từ đó đến nay hầu như không ai biết đến bí mật về cây đàn nguyệt Việt Nam cả” - GS Khê lý giải cho cái bí mật cất giấu hàng trăm năm trong nhạc khí cổ truyền của dân tộc.
GS nói, chính vì sự hài hòa trong nhạc cụ mà âm thanh từ chiếc đàn nguyệt Việt Nam mới đẹp và hấp dẫn đến lạ kỳ.
Thế giới ít biết về nhạc cụ Việt Nam
Bí mật từ trong cái đẹp của đàn nguyệt đã được GS Khê tìm ra nhưng theo ông, nhiều loại nhạc cụ khác cũng rất cần được khám phá, mở rộng để người đi sau có thêm kiến thức, thông tin mà yêu mến những điệu lý từ những bộ nhạc cụ dân tộc mình. Tuy nhiên, ông cho biết có điều buồn là thế giới lại ít biết đến nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Nếu có biết thì cũng với độ chưa sâu sắc, chính vì thế mà nhiều người nước ngoài những thế kỷ trước đã viết không đúng về âm nhạc truyền thống Việt Nam.
GS Khê vào thời điểm cuối năm 2014
GS Khê kể rằng, quyển sách đầu tiên trên thế giới viết về âm nhạc Việt Nam là của tác giả De Marini, người Ý, sách được dịch sang tiếng Pháp vào thế kỷ XVII. Tác giả đã có viết nhiều chương về các loại hình nghệ thuật của 3 nước Đông Dương. Theo GS, người viết sai nhiều nhất về nền âm nhạc truyền thống Việt Nam là một tác giả người Bỉ, ông ở Việt Nam 2 năm thời kỳ đầu thế kỷ XX.
“Ví dụ như tác giả người Bỉ đó lý giải rằng sở dĩ gọi là tì bà là bởi vì khi đàn, người ta phải tì vào người. Rồi ông ta nói, Việt Nam không phân biệt được đâu là ca trù đâu là dân ca. Ông còn nói âm nhạc Việt Nam không hay, thua xa âm nhạc Campuchia…”, GS Khê bức xúc.
Nếu như đầu thế kỷ XX, học giả phương Tây nhận định sai như vậy về âm nhạc dân tộc Việt Nam thì đến những năm 50 của thế kỷ XX, nhiều nhà báo ở Paris cũng không có gì khá hơn. “Nhiều đoàn hát ở Việt Nam đã qua Paris biểu diễn như đoàn của cô Năm Phỉ, cô Bảy Phùng Há, khi đó tờ báo nghiên cứu văn hóa Pháp đến nghe rồi viết bài nhưng phần nhiều viết sai hết…”.
Chính vì lòng tự ái của một người chuyên nghiên cứu âm nhạc Việt Nam, GS Trần Văn Khê đã cất công đánh giá lại hết lịch sử nghiên cứu của giới học giả phương Tây về âm nhạc truyền thống Việt Nam. Ông đã tích cực tìm hiểu, nghiên cứu, đào sâu vào tận cùng những tinh túy của âm nhạc Việt Nam mà một trong những cống hiến đó là tìm ra bí mật trong chiếc đàn nguyệt cổ truyền.
Và cũng từ những tìm tòi, nghiên cứu nghiêm túc đó của GS Khê mà những ý nghĩa, cái hay, cái đẹp của nền âm nhạc truyền thống Việt Nam đã dần phát lộ và trở thành kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng đi theo chiều dài lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam.
Thế nhưng, giờ đây, GS Khê đã đi xa. Cái hay của nền âm nhạc từ đây thiếu một con người cần mẫn khai phá…
Kỳ sau: Ai sẽ là người tiếp nối con đường của GS Khê?
L.Trúc - N.Dương