Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Áp trần lãi suất cứu doanh nghiệp

08:00 | 12/05/2012

394 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) đang phải đối diện với bộn bề khó khăn, NHNN vừa ban hành Thông tư số 14/2012/TTNHNN ngày 4/5/2012 và có hiệu lực kể từ ngày 8/5/2012 được kỳ vọng sẽ là “cú hích” giải cứu DN khỏi cơn bĩ cực.

Theo đó, Thông tư quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bằng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên do NHNN quy định cộng (+) 3%/năm. Các khoản vay này nhằm đáp ứng các nhu cầu vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Thực hiện phương án, dự án sản xuất – kinh doanh hàng xuất khẩu quy định tại Luật Thương mại; Phục vụ sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa; Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Việc áp dụng trần lãi suất cho vay sẽ tạo áp lực để đưa mặt bằng lãi suất tiền gửi xuống thấp hơn, phù hợp với xu hướng giảm của lạm phát hiện nay

Đại diện các DN thuộc ngành xuất khẩu cà phê chia sẻ, do khả năng tài chính hạn chế, ngay từ đầu năm 2012 nhiều DN thực hiện thu mua, tạm trữ cà phê trong thời gian dài hơn nhưng các TCTD chỉ xem xét cho vay trong thời gian 1-3 tháng nên DN kinh doanh cà phê gặp khó khăn trong thanh toán, hoàn trả nợ vay. Bên cạnh đó, lãi suất vay ngân hàng cao làm tăng chi phí, đẩy giá thành lên cao dẫn đến việc các DN trong nước kém khả năng cạnh tranh hơn so với các DN FDI trong thị trường cà phê.

Còn đại diện các DN thuộc ngành dệt may cho biết, họ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn đặt hàng trong quý 3, quý 4 ít dần­. Một số DN dệt may xuất khẩu đang thiếu đơn hàng xuất khẩu, tình hình hợp đồng xuất khẩu sang các thị trường chính đang giảm 10-15% so với đầu năm. Tuy nhiên, có DN thu xếp được đơn đặt hàng lại gặp khó khăn trong việc vay vốn từ ngân hàng để mua nguyên vật liệu….

Tại TP HCM, chủ một doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyên kinh doanh vải và sản phẩm may (quận Bình Tân) cho biết, khi đến ngân hàng X để làm thủ tục vay hơn 100 triệu đồng trong tổng hạn mức cho vay hơn 1 tỉ đồng mà ngân hàng này dành cho doanh nghiệp lâu nay. Thế nhưng DN này đã phải thất vọng ra về do không được vay vốn với mức lãi suất công bố.

Theo ông chủ này, khoản vay hơn 100 triệu đồng dù không nhiều, nhưng do công ty ông chuyên bán hàng cho các công sở Nhà nước nên việc trả chậm thường xuyên diễn ra vì vậy rất cần khoản vay này để không bị chôn vốn.

Còn đại diện Công ty Dịch vụ thương mại TH (Quận 9) cho hay, hồ sơ xin vay 2 tỉ đồng làm vốn lưu động của công ty đã bị ách lại khi ngân hàng thẩm định tài sản thế chấp thấp hơn rất nhiều so với thực tế. NHTM này chưa nói mức lãi suất cho vay là bao nhiêu nhưng cho biết, lô đất mà công ty thế chấp được định giá rất thấp, không thể đáp ứng tiêu chuẩn cho vay. Cũng theo đại diện công ty này, nhân viên tín dụng nói thẳng, ngay cả trong trường hợp công ty có vay được thì mức lãi suất cũng không phải là 15%/năm mà phải trên 18%/năm.

Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho rằng, dù ngân hàng có quy định hạ trần lãi suất cho vay xuống 15%/năm “nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, dù nằm trong tiêu chuẩn”.

Bình luận về việc NHNN áp trần lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên, ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó tổng giám đốc OceanBank đồng tình với các đề xuất và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Theo ông Hoàn, nếu DN gặp khó thì ngân hàng cũng sẽ gặp khó và quan trọng là các đối tượng nằm trong đề xuất này đều là những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Mặc dù các ngân hàng đã hạ lãi suất và hướng dòng chảy tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên nhưng khó khăn về vốn và thị trường của DN vẫn còn tồn tại.

Ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc HSBC Việt Nam nói: “Tôi tin NHNN sẽ làm những gì tốt nhất có thể cho nền kinh tế. Việc áp dụng trần lãi suất cho vay sẽ đưa lãi suất cho vay trên thị trường xuống đáng kể, từ mức trên 20% xuống 15% và giúp cho các DN hiện đang cần vốn mà không thể đi vay do mặt bằng lãi suất quá cao. Đây thực sự là điều đáp ứng nhu cầu bức thiết của DN, giúp họ có thể tiếp cận nguồn vốn. Bên cạnh đó, việc áp dụng trần lãi suất cho vay sẽ tạo áp lực để đưa mặt bằng lãi suất tiền gửi xuống thấp hơn, phù hợp với xu hướng giảm của lạm phát hiện nay.

TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank nhận định, đây là giải pháp ưu tiên cứu DN phù hợp, có định hướng cụ thể tạo điều kiện cho các ngân hàng đủ lực tài chính lôi kéo được, giúp đỡ được các bạn hàng là khách hàng tốt.

Hơn thế, hiện có một vấn đề là rất nhiều ngân hàng đã và đang triển khai các gói vốn với mức lãi suất ưu đãi bằng, gần bằng và thậm chí thấp hơn so với mức NHNN áp trần.

“OceanBank đã có các sản phẩm cho 4 nhóm đối tượng này với lãi xuất gần bằng mức lãi suất mà Thống đốc đề xuất nên OceanBank sẽ hưởng ứng và thúc đẩy mạnh việc này tháo gỡ khó khăn và tìm thêm khách hàng mới. OceanBank vẫn ưu tiên lựa chọn các DN hoạt động hiệu quả, cùng với DN tái cấu trúc lại tình hình tài chính và quản trị rủi ro một cách có hiệu quả nhất”, ông Hoàn nói.

Hay như BIDV, từ ngày 12/4 cũng đã áp dụng mức lãi suất 13,5-14%/năm đối với các lĩnh vực được ưu tiên và 14,5-15%/năm đối với các loại hình khác.

Ông Hải cho biết, HSBC gần đây đã có những bước đi hạ lãi suất để hỗ trợ cho khách hàng trong suốt thời gian qua nên động thái này của NHNN sẽ không có ảnh hưởng nhiều tới hoạt động của HSBC. Hiện nay điều HSBC quan tâm nhiều hơn là việc NHNN điều hành trần tăng trưởng tín dụng linh hoạt và hợp lý để các ngân hàng quản lý rủi ro tốt, có các khách hàng với chất lượng tín dụng tốt có thể tiếp tục cho vay, hỗ trợ các khách hàng đang thực sự có nhu cầu về vốn và tiếp theo là việc thực thi kế hoạch cải tổ hệ thống ngân hàng một cách nhanh chóng và toàn diện để tạo đà cho nền kinh tế tăng trưởng.

Tuy nhiên, ông Hải vẫn nhấn mạnh, hạ lãi suất cần đi đôi với những biện pháp khác để chữa bệnh cho DN. Gói giải cứu DN của Bộ Tài chính cũng là một biện pháp hỗ trợ. Bên cạnh đó, các biện pháp kích cầu nội địa cũng là điều Nhà nước nên cân nhắc để đẩy cầu, giúp DN có lối ra.

An Thu