Ảnh hưởng thế nào tới dầu khí?
Mỹ - Trung “khai hoả" chiến tranh thương mại: Việt Nam chịu tác động từ cả 2 phía | |
Quan hệ Mỹ-Trung đang xấu đi |
Từ đầu năm 2018 đến nay, Mỹ đã nhiều lần áp đặt thuế nhập khẩu với hàng hóa của Trung Quốc nói chung và ấn định hạn ngạch với các tấm pin năng lượng mặt trời, thép, nhôm... của Trung Quốc nói riêng. Để biện minh cho các biện pháp bảo hộ này, chính quyền Washington nêu lý do là “để bảo vệ an ninh quốc gia” và vì lợi ích của nước Mỹ.
Trong nhiều biện pháp trả đũa khác nhau, Trung Quốc dự định sẽ áp đặt 10% thuế quan với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Mỹ.
Trong nghiên cứu công bố ngày 24/9 của Trung tâm Năng lượng tại Viện Nghiên cứu chiến lược Pháp (IFRI), hai tác giả Sylvie Cornot-Gandolphe và Jean-François Boittin đã nêu ra toàn bộ các biện pháp bảo hộ khác nhau mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đang áp đặt đến quan hệ thương mại với Trung Quốc, từ đó tập trung phân tích các tác động về năng lượng của cuộc chiến thương mại này với nước Mỹ và Trung Quốc nói riêng và với nền kinh tế toàn cầu nói chung.
Tàu chở LNG của Mỹ tại Trung Quốc |
Cho đến nay, “căng thẳng thương mại Mỹ - Trung mới chỉ có tác động hạn chế đối với thị trường năng lượng”, hai nhà nghiên cứu lưu ý. Bắc Kinh gần đây đã từ bỏ ý định áp dụng thuế bổ sung đối với dầu thô nhập khẩu từ Mỹ. Tuy nhiên, các tác giả nghiên cứu chỉ ra những hậu quả gián tiếp của chính sách thuế đối với các sản phẩm phi năng lượng.
Chẳng hạn, việc áp thuế suất 25% với thép nhập khẩu từ Trung Quốc (có hiệu lực từ tháng 3/2018) ảnh hưởng lớn đến các nhà sản xuất và xây dựng đường ống dẫn dầu qua Đại Tây Dương. Các tác giả lưu ý rằng, 77% lượng thép của Mỹ được sử dụng trong những năm gần đây để xây dựng các tuyến đường ống này đều được nhập khẩu. Việc đình trệ các tuyến đường ống này sẽ làm giảm lượng dầu xuất khẩu của Mỹ từ lưu vực sông Permian, nơi cung cấp một lượng ngày càng lớn dầu đá phiến của Mỹ.
Do đó, các tuyến đường ống dẫn dầu là “một minh chứng hoàn hảo cho thấy sự mâu thuẫn giữa chính sách thương mại Mỹ và mục tiêu năng lượng thống trị của nước này”, theo các tác giả. Nhóm nghiên cứu cho rằng, lợi nhuận mà các nhà sản xuất thép của Mỹ thu được (nhờ chính sách thuế của nhà nước áp đặt với các nhà sản xuất nước ngoài) thấp hơn những chi phí bổ sung mà ngành dầu khí Mỹ phải gánh chịu.
Ngoài ra, đòn đe dọa trả đũa của Bắc Kinh với lượng LNG xuất khẩu của Mỹ có nguy cơ làm trì hoãn, thậm chí chấm dứt hoàn toàn một số dự án xây dựng trạm tiếp nhận LNG tại Mỹ (Delfin LNG, Texas LNG...). Tất cả các trạm này đều được xây để nhằm phục vụ cho việc xuất khẩu LNG sang Trung Quốc. Trong khi đó, nếu không mua khí đốt từ Mỹ, Trung Quốc sẽ có nhiều nguồn cung cấp khác thay thế (Qatar, Papua New Guinea, Australia, Nga).
Trung Quốc là nhà nhập khẩu LNG lớn thứ hai thế giới trong năm ngoái. Năm 2017, khoảng 15% LNG xuất khẩu của Mỹ được đưa sang Trung Quốc.
Tranh chấp hiện tại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là sự thay đổi lớn so với tình hình hồi đầu năm 2018, khi Bắc Kinh đề nghị mua nhiều hơn lượng năng lượng của Mỹ để giảm thâm hụt thương mại song phương khổng lồ. Hiện nay, khả năng này có vẻ như rất xa vời, vì các cuộc đàm phán cấp cao đã bị gián đoạn bởi những mối đe dọa về thuế quan và hành động trả đũa lẫn nhau.
Mặc dù vậy, một số chuyên gia phân tích vẫn cho rằng, sự bùng nổ của xuất khẩu khí đốt Mỹ là điều không thể ngăn cản, dù có Trung Quốc hay không. Hầu hết lượng LNG xuất khẩu của Mỹ đang được bảo đảm bằng các hợp đồng dài hạn, vì vậy ảnh hưởng sẽ không lớn. Tuy nhiên, thị trường LNG giao ngay sẽ bị tác động.
Về tổng quan, các chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Trump đang đặt ra vấn đề cơ bản về độ tin cậy trong các cam kết của Mỹ, theo Sylvie Cornot-Gandolphe và Jean-François Boittin. Hai nhà nghiên cứu người Pháp lưu ý rằng, niềm tin trong thương mại, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, có tầm quan trọng đặc biệt.
“Nga có thể nổi lên như là người chiến thắng trong sự suy giảm quan hệ thương mại Mỹ - Trung vì Nga là nhà sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới, có thể hưởng lợi từ khả năng xuất khẩu bổ sung sang thị trường Trung Quốc”, nhà phân tích Alexei Antonov thuộc Hãng Alor bày tỏ hy vọng.
“Khi xảy ra chiến tranh thương mại, các hợp đồng dài hạn về nguồn cung cấp khí đốt giữa Mỹ và Trung Quốc mất đi độ tin cậy. Lúc này vai trò nhà cung cấp dầu khí của Nga thay thế cho Mỹ đang tăng lên. Đối với Trung Quốc, Nga là một đối tác uy tín với các cam kết lâu dài”, ông Tamara Safonova, giảng viên tại Học viện Kinh tế và dịch vụ công cộng Nga cho biết.
Ông Alexei Antonov nói rằng, trong trường hợp leo thang xung đột thương mại, sang năm 2019, Mỹ có thể phải đối mặt với một số rào cản nghiêm trọng trong việc bán nhiên liệu của họ, gồm LNG và dầu.
Nga nổi lên như là người chiến thắng trong sự suy giảm quan hệ thương mại Mỹ - Trung vì Nga là nhà sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới, có thể hưởng lợi từ khả năng xuất khẩu bổ sung sang thị trường Trung Quốc. |
S.Phương
-
EVNHANOI đảm bảo điện phục vụ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Đóng điện nhánh rẽ đường dây 220kV đấu nối từ trạm biến áp 500kV Chơn Thành
-
EVNSPC thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa trong công tác an sinh xã hội
-
Trạm biến áp 220kV Kon Tum được nâng công suất lên gấp đôi để đảm bảo điện cho khu vực
-
Nhiều bài học kinh nghiệm quý sau thành công của Dự án đường dây 500kV mạch 3