An toàn thông tin cho nền tảng số quốc gia: Kiến tạo tương lai số bền vững
Vietnam Security Summit hướng tới mục tiêu trở thành diễn đàn uy tín giúp các nhà hoạch định chính sách và chiến lược, các chuyên gia đầu ngành, các nhà cung cấp giải pháp hàng đầu trong và ngoài nước gặp gỡ, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực ứng phó với các rủi ro an toàn, an ninh mạng phi truyền thống và bảo vệ các nền tảng số quan trọng trong quá trình chuyển đổi số.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Duy Dũng phát biểu khai mạc chương trình |
Phát biểu khai mạc chương trình, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Duy Dũng cho hay, Vietnam Security Summit 2022 với chủ đề mang tính thời sự, cấp thiết khi mà chương trình chuyển đổi số quốc gia, các chiến lược phát triển Chính phủ số, chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số được ban hành đã xác định phát triển nền tảng số quốc gia của Việt Nam là giải pháp đột phá để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Duy Dũng nhấn mạnh, nền tảng số là không gian diễn ra các hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân Việt Nam trên môi trường số. Các nền tảng số Việt Nam cũng chính là không gian mạng quốc gia. Bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các nền tảng số quốc gia cũng chính là bảo vệ không gian mạng quốc gia. Vì vậy, bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các nền tảng số phải được coi là trọng tâm, ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ gắn liền, không thể tách rời với việc thúc đẩy, phát triển, sử dụng các nền tảng số quốc gia.
Theo đó, thúc đẩy chuyển đổi số dựa trên nền tảng số mà không gắn liền vào bảo đảm an toàn thông tin cũng giống như xây một ngôi nhà trên một nền móng không vững chắc. Các nền tảng số sẽ không có khả năng chống chịu bền bỉ trước các cuộc tấn công với tần suất ngày càng tăng, quy mô ngày càng rộng ,kỹ thuật ngày càng tinh vi và gây ra hậu quả ngày càng lớn như hiện nay.
Các đại biểu trao đổi, tham quan triển lãm |
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Duy Dũng chia sẻ, nếu như trước đây, các tổ chức, doanh nghiệp coi việc phát triển các ứng dụng với tính năng theo yêu cầu của người dùng là chính, còn an toàn thông tin là tính năng bổ sung, tăng thêm. Thì nay, bảo đảm an toàn thông tin cho nền tảng phải được thực hiện ngay từ khâu thiết kế. Các nền tảng số quốc gia khi xây dựng, phát triển cần xác định cấp độ an toàn thông tin và triển khai phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
Nếu như trước đây, an toàn thông tin mới được nhắc đến nhiều khi có sự cố mất an toàn thông tin nghiêm trọng vừa xảy ra. Thì nay,an toàn thông tin luôn được chú trọng suốt vòng đời phát triển và vận hành nền tảng, bảo đảm tuân thủ theo quy trình phát triển - vận hành an toàn (DevSecOps). Nếu như trước đây, các chủ quản hệ thống thông tin vẫn “tặc lưỡi” chấp nhận đưa vào sử dụng các hệ thống chưa đáp ứng yêu cầu về an toàn thông tin. Thì ngay, chúng ta kiên quyết áp dụng nguyên tắc hệ thống chưa kết luận bảo đảm an toàn thông tin thìchưa đưa vào sử dụng.
Theo thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Duy Dũng để làm được điều này thì nhà phát triển nền tảng phải ưu tiên dành tỉ lệ kinh phí phù hợp (tối thiểu khoảng 20-30%) cho các tính năng về an toàn thông tin mạng. Có như vậy, việc bảo đảm an toàn thông tin mới được thực hiện một cách chuyên nghiệp, bài bản, không chắp vá. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đã và đang triển khai thúc đẩy, phát triển và sử dụng 35 nền tảng số quốc gia. Bộ TT&TT mong muốn các doanh nghiệp cung cấp nền tảng số cùng đồng hành, tham gia chương trình với tinh thần như vậy hướng tới phát triển một tương lai số bền vững.
Toàn cảnh Vietnam Security Summit 2022 |
Vietnam Security Summit 2022 thu hút hơn 800 đại biểu cấp cao phụ trách an toàn thông tin mạng, bảo mật, công nghệ thông tin đến từ khối Chính phủ và khối doanh nghiệp trong các lĩnh vực như: Tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, bán lẻ & thương mại điện tử, vận tải - Logistics, năng lượng,…
Sự kiện bao gồm các hoạt động: Phiên Báo cáo chính với chủ đề “An toàn thông tin cho nền tảng số quốc gia: Kiến tạo tương lai số bền vững”, với vai trò là diễn đàn uy tín để đại diện lãnh đạo các cơ quan có thẩm quyền chia sẻ những chủ trương, chính sách, tầm nhìn nhằm tăng cường năng lực bảo đảm an toàn thông tin cho nền tảng số quốc gia.
Ngoài ra còn diễn ra các phiên hội thảo chuyên đề với các chủ đề: hội thảo “Phát triển và vận hành an toàn nền tảng số” nhằm trao đổi về những khó khăn, thách thức trong việc triển khai chuyển đổi số tại địa phương; kinh nghiệm hợp tác công - tư trong lĩnh vực an toàn thông tin; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhận diện kịp thời nguy cơ tấn công vào hệ thống công nghệ thông tin; nguy cơ mất an toàn thông tin trong lĩnh vực ngân hàng; các mối đe dọa hàng đầu về an toàn thông tin và biện pháp đảm bảo an toàn cho dữ liệu người dùng.
Hội thảo chuyên đề với chủ đề “Tăng cường an toàn thông tin mạng cho Chính phủ số: Mục tiêu và thách thức” chia sẻ về kế hoạch nâng cao năng lực an toàn thông tin, phòng chống các cuộc tấn công mạng cho các cơ quan, tổ chức Chính phủ; hiệu quả triển khai diễn tập ứng cứu sự cố an ninh mạng; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu đảm bảo an toàn thông tin cho chính quyền điện tử.
Hội thảo chuyên đề với chủ đề “Bảo vệ dữ liệu doanh nghiệp trong kỷ nguyên số” tập trung trao đổi về các trường hợp vi phạm dữ liệu trên nền tảng số mà các doanh nghiệp gặp phải cũng như phương án khắc phục hạn chế tối thiểu các trường hợp này tái diễn; dấu hiệu nhận biết các cuộc tấn công lừa đảo giao dịch trực tuyến và các chương trình nâng cao nhận thức của khách hàng nhằm tự bảo vệ thông tin trong các giao dịch tài chính; giải pháp giúp doanh nghiệp chủ động bảo vệ dữ liệu cũng như biện pháp ngăn chặn vi phạm dữ liệu trên nền tảng số.
Hội thảo chuyên đề với chủ đề “Xu hướng công nghệ mới ứng phó các cuộc tấn công mạng trong tương lai” chia sẻ những khuyến nghị cho các doanh nghiệp trong việc xây dựng hệ thống quản lý dịch vụ và bảo mật thông tin doanh nghiệp theo hướng quản lý rủi ro; tác động của những công nghệ mới đến lĩnh vực an toàn thông tin mạng và hướng đi cho các doanh nghiệp trước các cuộc tấn công mạng gia tăng về tính chất cũng như số lượng hiện nay; giải pháp nâng cao năng lực đảm bảo an toàn thông tin mạng cho hệ thống điện lực; kiểm soát bảo mật với quy trình DevSecOps; kinh nghiệm ứng phó trước các mối đe dọa gia tang từ những cuộc tấn công tích hợp vào hạ tầng mạng và sản xuất của doanh nghiệp.
Song song phiên hội thảo cũng đã diễn ra triển lãm quốc tế về công nghệ an toàn và bảo mật thông tin với sự tham gia của hơn 30 nhà cung cấp giải pháp bảo mật hàng đầu khu vực và trên thế giới sẽ mang tới những phiên bản cập nhật và tiên tiến nhất của các giải pháp về an toàn mạng và bảo mật thông tin như: Phòng chống thất thoát dữ liệu, ngăn chặn cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) vào cơ sở hạ tầng quan trọng, tấn công giả mạo (phishing), mã độc tống tiền (ransomware), Bảo mật đám mây, SOC/SIEM, quản lý truy cập, IoT & Mạng 5G…
N.H
-
LPG Expo Châu Á - Thái Bình Dương 2024: Cơ hội hợp tác toàn cầu trong ngành công nghiệp LPG
-
Tiến bộ công nghệ khoan dầu khí tiên tiến trên đất liền và ngoài khơi (Kỳ 3)
-
Tiến bộ công nghệ khoan dầu khí tiên tiến trên đất liền và ngoài khơi (Kỳ 2)
-
IEAE 2024: Cầu nối mở rộng hợp tác cho doanh nghiệp điện tử và thiết bị thông minh
-
Tiến bộ công nghệ khoan dầu khí tiên tiến trên đất liền và ngoài khơi (Kỳ 1)