4 rủi ro lớn đe dọa nền kinh tế toàn cầu 3 tháng cuối năm
Chi phí nhiên liệu và thực phẩm đang tăng cao trên toàn thế giới cùng với sự tắc nghẽn ở các cảng và chuỗi cung ứng căng thẳng đang khiến giá cả hàng hóa leo thang (Ảnh: Bloomberg). |
Sự lây lan của biến thể Delta đang tiếp tục làm gián đoạn hoạt động của các trường học và công sở. Các nhà lập pháp Mỹ vẫn đang tranh cãi về mức trần nợ công và kế hoạch chi tiêu. Còn Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu điện trầm trọng và tăng cường kiểm soát các lĩnh vực. Trong khi đó, thị trường toàn cầu vẫn thấp thỏm khi "bom nợ" hơn 300 tỷ USD Evergrande vẫn còn lơ lửng và công ty này đang vật lộn để sống sót.
Chi phí nhiên liệu và thực phẩm đang tăng cao trên toàn thế giới cùng với sự tắc nghẽn ở các cảng và chuỗi cung ứng căng thẳng đang khiến giá cả hàng hóa leo thang. Sự thiếu hụt lao động tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi.
Mặc dù tiềm năng tăng trưởng vẫn còn nhưng bối cảnh như vậy làm dấy lên những lo ngại về tăng trưởng yếu hơn và lạm phát tăng nhanh hơn. Điều đó có nguy cơ làm phức tạp những nỗ lực của các ngân hàng trung ương trong việc tung các gói kích thích trở lại mà không làm xáo trộn thị trường.
"Kỳ vọng thoát khỏi đại dịch nhanh chóng luôn không đạt được", ông Frederic Neumann - đồng trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC Holdings Plc ở Hồng Kông - nói và cho rằng: "Sự phục hồi hoàn toàn có thể sẽ phải tính bằng năm, không phải bằng quý".
Trong khi đó, các nhà kinh tế tại Barclays Bank cũng cảnh báo về những "cơn gió ngược" có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế toàn cầu.
Dưới đây là những rủi ro lớn mà nền kinh tế toàn cầu sẽ phải đối mặt trong quý cuối cùng của năm 2021:
Thiếu điện ở Trung Quốc
Thiếu điện trên diện rộng ở Trung Quốc đang buộc hàng loạt các nhà máy phải hạn chế sản xuất, thậm chí tạm dừng hoạt động. Điều đó khiến các nhà kinh tế phải hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Thiếu điện trên diện rộng ở Trung Quốc đang ảnh hưởng đến tăng trưởng vốn đang chậm lại của nước này (Ảnh: Getty). |
Bloomberg Economics cho rằng, thiếu điện ở Trung Quốc là ảnh hưởng lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế nước này kể từ sau đợt đóng cửa trên toàn quốc do dịch Covid-19 bùng phát lần đầu vào năm ngoái.
Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề do thiếu điện chiếm 2/3 nền kinh tế, bao gồm 5 tỉnh đứng đầu về tổng sản phẩm quốc nội như Quảng Đông, Giang Tô, Sơn Đông, Chiết Giang và Hà Nam.
Tình hình này cộng với cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande - nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới và sự suy thoái rộng hơn trong lĩnh vực nhà đất càng gây áp lực lên sự tăng trưởng vốn đang chậm lại của Trung Quốc.
Ngoài ra, việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc đẩy áp dụng các quy định chặt chẽ hơn đối với các ngành công nghiệp, trong đó đáng chú ý là lĩnh vực công nghệ, đang khiến giới đầu tư lo lắng.
Giá thực phẩm, năng lượng leo thang
Cuộc khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc cũng có nguy cơ làm giá lương thực thực phẩm trên thế giới leo thang. Điều đó có nghĩa nước này đang phải trải qua một mùa thu hoạch khó khăn từ ngô, đậu nành đến lạc và bông. Trong năm qua, Bắc Kinh đã nhập một lượng nông sản kỷ lục để bù đắp thiếu hụt trong nước, khiến cho giá thực phẩm trên toàn cầu lên mức cao nhất trong nhiều năm.
Chỉ số giá lương thực, thực phẩm của Liên Hợp Quốc đã tăng 33% trong 12 tháng qua.
Trong khi đó, giá khí đốt, than, carbon và điện cũng đang ở mức cao kỷ lục. Giá dầu lần đầu tiên đã vượt mốc 80 USD trong 3 năm. Giá khí đốt cũng đắt nhất trong 7 năm.
Ông Patrick Pouyanne - Giám đốc điều hành của TotalEnergies SE - cho biết cuộc khủng hoảng khí đốt đang ảnh hưởng đến châu Âu có thể sẽ kéo dài cả mùa đông năm nay.
Tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn. Các nhà phân tích của Bank of American cho rằng, giá dầu có khả năng đạt mốc 100 USD, gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế.
Sức ép nguồn cung
Ngoài biến thể Delta, kinh tế toàn cầu đang đối mặt với một nỗi lo khác khi mùa đông ở bắc bán cầu đang đến gần.
Điều đó giải thích tại sao tình trạng tắc nghẽn đang gia tăng tại các ngã tư quan trọng của thương mại quốc tế, từ các cảng ở Thượng Hải và Los Angeles, đến các tuyến đường sắt ở Chicago và các kho hàng ở Anh.
Trong khi, các nhà bán lẻ đang cố gắng đặt hàng mọi thứ có thể để đảm bảo đủ hàng cho mùa mua sắm cuối năm, các nhà sản xuất lại gặp khó trong việc tìm nguồn cung ứng cho các nguyên liệu quan trọng như chất bán dẫn, hóa chất và thủy tinh.
Dubai's DP World - một trong những nhà khai thác cảng toàn cầu lớn nhất - cho rằng, sự tắc nghẽn làm ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại toàn cầu này sẽ tiếp tục ít nhất trong 2 năm nữa.
Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt lao động ở một số ngành công nghiệp cũng là một vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp.
Các vấn đề chính sách và tiền tệ của Mỹ
Các vấn đề trong chính sách kinh tế của Mỹ, đầu tàu cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu, cũng có ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.
Trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nỗ lực ngăn chặn chính phủ liên bang đóng cửa bằng một đạo luật ngân sách ngắn hạn, các cuộc đàm phán về chương trình nghị sự kinh tế trị giá 4.000 tỷ USD của ông vẫn rơi vào bế tắc.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo chính phủ Mỹ sẽ cạn tiền mặt vào khoảng 18/10 nếu Quốc hội Mỹ không nâng trần nợ công. Theo bà Yellen, nếu không làm như vậy Mỹ sẽ vỡ nợ, đây là một sự kiện "thảm khốc", có thể gây ra một cuộc suy thoái và khủng hoảng tài chính.
Trên toàn cầu, các chính sách hỗ trợ tài chính sẽ chậm lại vào năm 2022 sau khi các chính phủ gánh khoản nợ công lớn nhất kể từ những năm 1970.
Trong khi đó, lạm phát đang tăng nhanh trên toàn cầu. Chỉ riêng ngày 1/10, lạm phát khu vực đồng euro đã ở mức cao nhất 13 năm. Lạm phát tại Mỹ cũng tăng cao nhất kể từ năm 1991.
Mặc dù, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde lạc quan cho rằng lạm phát sẽ giảm bớt, nhưng các nhà kinh tế vẫn hoài nghi liệu lạm phát tăng có trở thành một vấn đề dài hạn.
Theo Dân trí
-
Giá vàng hôm nay (20/11): Thị trường thế giới tăng mạnh
-
Giá dầu hôm nay (20/11): Dầu thô ổn định trong phiên
-
Áp thuế suất GTGT 5%, giá phân bón có dư địa giảm
-
Tin tức kinh tế ngày 19/11: Tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp
-
VPI dự báo giá xăng dầu tiếp tục giảm từ 0,3 - 1,6% trong kỳ điều hành ngày 21/11