28 chuyến bay đặc biệt của Vinamilk
Nhớ lại chuyến nhập bò đầu tiên của 5 năm trước, đại diện Vinamilk chia sẻ, nếu đưa bò từ Australia, New Zealand... về nước bằng đường thủy sẽ mất khoảng một tháng. Đi đường hàng không thì chỉ 12 tiếng, bò đã được tập kết đầy đủ tại Việt Nam, nhưng chi phí lên đến cả tỷ đồng. Sau khi cân nhắc thiệt hơn, công ty thuê trọn chuyên cơ vận tải Boeing 747 chuyển bò về. Từ đó đến nay, doanh nghiệp này đã thực hiện 28 chuyến bay, đưa gần 6.000 bò sữa về Việt Nam.
Việc vận chuyển động vật sống cần kiểm soát tốt 3 yếu tố môi trường gồm nhiệt độ, độ ẩm tương đối và tỷ lệ khí CO2. "Chăm sóc những vị khách đặc biệt này rất vất vả, đòi hỏi kỹ lưỡng, tỉ mỉ từng chút một", đại diện Vinamilk kể.
Trước khi bò được bốc lên khoang, máy bay phải làm mát để tránh gây sốc nhiệt, tạo luồng không khí đối lưu giàu oxy. Trong suốt quá trình bay, chuyên gia thú y đi theo liên tục theo dõi sức khỏe đàn bò và kết hợp với phi hành đoàn để điều chỉnh thông số môi trường phù hợp giúp động vật thoải mái, tăng khả năng sống sót.
Bò vận chuyển đều là giống cao sản thuần Holstein Friesian hàng đầu thế giới, có khả năng cho sữa trung bình 8.000-10.000 lít một chu kỳ. Đàn bò trước khi lên máy bay đã kiểm tra y tế, dịch tễ kỹ lưỡng và chỉ cho uống nước. "Chúng được quan tâm còn hơn cả khách VIP của các hàng không", đại diện Vinamilk ví von.
Để có 28 chuyến bay thành công đến nay, công ty phải mất nhiều thời gian để đáp ứng đầy đủ quy định vận chuyển động vật sống của IATA (LAR) và quy định vận chuyển động vật sống của hãng bay đưa ra, chứng nhận kiểm dịch... "Đó là hành trình đầy khó khăn, nhưng cứ nghĩ đến việc sẽ có giống bò tốt, năng suất cao làm nguyên liệu sản xuất, cả tập thể cùng nỗ lực phấn đấu", lãnh đạo công ty nhớ lại.
Đàn bò nhập về phân bổ cho 7 trang trại Vinamilk. Bước đầu chuyên gia sẽ thực hiện biện pháp nuôi cách ly để theo dõi sau đó mới nhập đàn, đảm bảo cho bò sữa thích nghi với điều kiện khí hậu tại Việt Nam. Bác sĩ thú y khám bệnh và lấy mẫu sữa kiểm tra hàng ngày.
Trong những năm qua, bò nhập từ Australia cho năng suất trên 7.200kg một con một năm - tương đương với châu Âu và cao hơn các trại tại châu Á. Từ kết quả khả quan này, doanh nghiệp sẽ tiếp tục chi tiền tỷ để nhập bò giống từ Australia, Mỹ với số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu sản xuất sữa tươi nguyên liệu cho các nhà máy của công ty.
"Sợ nhất là khi về Việt Nam, bò sẽ chết vì không thích nghi nổi khí hậu, thổ nhưỡng vùng nhiệt đới, nên các bác sĩ thú y phải chăm sóc chúng 24/24, đặc biệt là giai đoạn mới đến", vị đại diện chia sẻ. Khẩu phần ăn của chúng là 4 lần mỗi ngày, gồm thức ăn thô xanh và thức ăn tinh hỗn hợp, không có thuốc bảo vệ thực vật, không chứa các nguồn nguyên liệu từ bột cá và bột thịt. Nguồn cỏ khô cho bò ăn nhập khẩu trực tiếp từ Mỹ, đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế.
Mỗi con được gắn chip điện tử gắn trên cổ, cập nhật thông tin chính xác và liên tục về những thông số sức khỏe. Hệ thống máy tính sẽ cảnh báo khi có các thông số biểu hiện bất thường. Dựa vào đó chuyên gia đưa ra biện pháp cách ly, điều trị hiệu quả. Việc kiểm soát này giúp đảm bảo nguồn sữa từ những "Cô" bò luôn đảm bảo chất lượng ở mức cao nhất.
"Khoảnh khắc mà tôi không thể nào quên là sự xuất hiện của thế hệ thứ 2, sau bao ngày nỗ lực chăm sóc. Những bê con sinh ra thành công từ bố mẹ 'nước ngoài' này sẽ ở khu riêng, nhằm phát triển đàn bò sữa kế cận", đại diện Vinamilk hồi tưởng lại. Khu vực nuôi bê thiết kế riêng biệt, thông thoáng. Ngoài quạt mát và vòi sen dành cho mùa hè, chuồng nuôi bê còn có thêm hệ hống đèn hồng ngoại sưởi ấm khi thời tiết lạnh.
Minh Trí
-
Lỗ hổng trong quy trình quản lý tài sản gửi của khách hàng
-
Giá vàng hôm nay (19/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Chân chạy VPI phá kỷ lục ở VPBank Hanoi International Marathon 2024
-
Tăng trưởng tín dụng đạt 9%, kỳ vọng bứt phá những tháng cuối năm
-
Giá vàng hôm nay (18/10): Tiếp đà tăng mạnh