Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên. |
Trong Quyết định số 882/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ưu tiên phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển sản phẩm du lịch xanh. Đặc biệt, trong Nghị quyết số 82/NQ-CP về các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, Chính phủ đã chỉ đạo ngành Du lịch xây dựng và triển khai chương trình hành động du lịch xanh giai đoạn 2023-2025. Điều này cho thấy, việc chuyển đổi du lịch xanh là yêu cầu và nhiệm vụ cấp thiết.
Những mô hình hiệu quả
Hiện nay, du lịch xanh đang được nhiều địa phương thực hiện với nhiều mô hình hiệu quả. Điển hình như huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) khuyến cáo người dân và du khách không mang đồ dùng nhựa ra đảo. Tỉnh Quảng Nam ban hành nhiều chính sách phát triển bền vững như “Xây dựng thành phố Hội An - Thành phố sinh thái”; triển khai dự án “Nâng cao nhận thức đối với chất thải rắn. Tỉnh Ninh Bình xây dựng nhiều sản phẩm du lịch xanh, hướng đến trải nghiệm thiên nhiên...
Du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên và văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Từ năm 2017, ở Hội An xuất hiện tour du lịch chèo thuyền kayak du ngoạn kết hợp vớt rác trên sông Hoài do Công ty Du lịch Hội An Kayak giới thiệu đã rất thu hút du khách. Chi phí cho một tour như thế này là 10 USD/khách, chèo thuyền 4 giờ đồng hồ vừa ngắm cảnh vừa vớt rác. Nhiều du khách trong nước, quốc tế ban đầu vì tò mò mà tham gia, sau đó thực sự rất hào hứng. Hoạt động đầy ý nghĩa này cũng dần dần thu hút đông đảo người dân địa phương cùng tham gia vớt rác với du khách.
Ngày nay, du khách có xu hướng quan tâm hơn tới chất lượng trải nghiệm tại điểm đến. Khách sẽ lưu lại dài ngày hơn nếu điểm đến có nhiều trải nghiệm thú vị. Nếu trước đây, du lịch biển theo trào lưu là phổ biến thì những năm gần đây đã chuyển hướng sang nghỉ dưỡng ở núi, trải nghiệm văn hóa địa phương.
Khách du lịch thế hệ mới là những người yêu môi trường, tôn trọng và có trách nhiệm với môi trường, vì vậy xu hướng tìm về những giá trị văn hóa đặc sắc và sinh thái nguyên sơ cũng đang trở nên thịnh hành.
Với các điểm đến thân thiện môi trường, điểm đến gần gũi với thiên nhiên, con người tìm được về với cội nguồn cũng như nét văn hóa đặc sắc địa phương.
Các chuyến đi du lịch của những du khách tiên phong dẫn dắt trào lưu đó đã tạo ra xu hướng mới cho dòng khách du lịch xanh, du lịch thân thiện với môi trường. Điều này đòi hỏi các chính quyền địa phương, các doanh nghiệp phải bắt kịp được với du hướng đó trong việc phát triển du lịch xanh.
Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định: “Du lịch xanh phải hướng các yếu tố: Phát triển các hoạt động du lịch không sử dụng rác thải nhựa; xây dựng các tour du lịch sử dụng những phương tiện thân thiện môi trường; phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp và nông thôn; vận động dọn rác thải ở các điểm du lịch”.
Giải pháp đồng bộ
Du lịch xanh không chỉ là đến những điểm du lịch gắn liền với thiên nhiên, vận động du khách bảo vệ môi trường, hạn chế tác động đến nét đẹp nguyên bản của thiên nhiên mà còn là những giá trị, bản sắc cộng đồng cần được gìn giữ, tôn tạo và phát triển. Đây là biện pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng nghèo đói, tạo việc làm tại địa phương và đa dạng hóa kinh tế. Tuy nhiên cũng cần phải có những cơ chế ưu đãi, khuyến khích để phát triển du lịch xanh.
Mặc dù nhận định chuyển đổi du lịch xanh đã có sự chuyển biến nhưng theo các chuyên gia, việc phát triển du lịch xanh tại Việt Nam vẫn chưa đồng bộ. Nhiều địa phương thực hiện manh mún “mạnh ai nấy làm”. Vì thế, du lịch xanh tại Việt Nam chưa hình thành hệ thống.
Với xu hướng phát triển chung của thế giới hướng đến phát triển bền vững, ngành Du lịch đang nỗ lực vận động, tuyên truyền các địa phương, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh. Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu đề nghị, các địa phương, doanh nghiệp cần có sự liên kết để cùng thực hiện các tiêu chí của du lịch xanh; đưa các giải pháp về công nghệ, vật liệu thân thiện để xây dựng sản phẩm du lịch xanh hiệu quả và hấp dẫn.
Với những lợi ích đa dạng và toàn diện, du lịch xanh trở thành một hướng phát triển quan trọng cho ngành du lịch Việt Nam. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, như đã phê duyệt, đặt ra những định hướng cụ thể để phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Việc chuyển đổi sang các mô hình du lịch xanh của các doanh nghiệp giúp giảm tác động tiêu cực lên môi trường, đồng thời tăng cường ý thức và trách nhiệm của du khách về việc bảo vệ môi trường và duy trì tính bền vững của điểm đến. Đây là bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch xanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp và quy định du lịch bền vững cần được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo tính công bằng, an toàn và bền vững trong quá trình phát triển du lịch.
Quyết định số 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 có quan điểm: "Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh". Tại Quyết định số 882/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao chủ trì hai nhóm nhiệm vụ là "Hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững" và "Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh (du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng biển đảo gắn với phát triển kinh tế biển xanh, du lịch thể thao mạo hiểm bảo đảm các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh...), phát triển sản phẩm du lịch xanh". |
L.Trang (t/h) |