Với những nỗ lực không ngừng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đang từng bước khẳng định vị thế là một doanh nghiệp năng động, tiên phong trong việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh. Những bước đi chiến lược của Petrovietnam không những góp phần vào mục tiêu phát triển của đất nước mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành năng lượng Việt Nam trong tương lai. |
Kinh tế xanh là một mô hình phát triển kinh tế bền vững, chú trọng đến việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Trong đó, các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) được xem là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần phát triển kinh tế xanh mà các doanh nghiệp đang theo đuổi, hành động theo hướng thực chất và hiệu quả. |
Đối với ngành Dầu khí, một ngành công nghiệp trọng điểm và có tầm ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế quốc gia, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh không những là xu hướng tất yếu mà còn là nhiệm vụ cấp bách, nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường. Định hướng này cũng đã được thể hiện rõ ràng tại Kết luận số 76-KL/TW ngày 24-4-2024 của Bộ Chính trị (về tình hình thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và một số định hướng cho giai đoạn mới), hướng tới sự phát triển bền vững của ngành dầu khí và của Petrovietnam.
Các giải pháp về môi trường
Những năm qua, các giải pháp về môi trường luôn được Petrovietnam xây dựng theo hướng tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của Việt Nam, các công ước quốc tế mà Việt Nam có tham gia, đồng thời không ngừng cải tiến công nghệ cũng như cập nhật các công nghệ mới giúp giảm thiểu phát thải ra môi trường và hạn chế tối đa các rủi ro không mong muốn.
Song song đó là việc thực hiện các giải pháp cải tiến công nghệ, tối ưu hóa vận hành, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Petrovietnam đã và đang hướng đến việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi tại nhiều khu vực, thực hiện chương trình “LNG - Hành trình năng lượng xanh” nhằm bảo đảm phát triển năng lượng, các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, đặc biệt là về nguồn năng lượng LNG, góp phần giảm thiểu phát thải khí CO2 và các khí nhà kính khác. Ngoài ra, Petrovietnam đã xây dựng các kế hoạch chi tiết để ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Ví dụ điển hình là việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Các giải pháp về xã hội
Về mặt xã hội, Petrovietnam luôn chú trọng đến yếu tố con người và cộng đồng, trước hết là chăm lo đời sống và bảo vệ quyền lợi của người lao động (NLĐ). Petrovietnam đã xây dựng một hệ thống bảo hộ lao động hiện đại, bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho NLĐ trong quá trình làm việc; NLĐ được thụ hưởng các giá trị văn hóa, đời sống vật chất, tinh thần thông qua bảo đảm chế độ lương, thưởng năm sau cao hơn năm trước (thu nhập bình quân năm 2023 tăng 34,8% so với năm 2019), các chương trình nghỉ dưỡng, chế độ bảo hiểm và các hoạt động văn hóa, thể thao… Đặc biệt, trong giai đoạn “khủng hoảng kép” do dịch bệnh Covid-19 và giá dầu giảm sâu, công tác chăm lo đối với NLĐ bằng những hình thức sáng tạo, phù hợp đã tạo dấu ấn sâu đậm giữa các thế hệ người dầu khí, các chế độ, quyền lợi, chính sách đãi ngộ, chăm lo cho NLĐ thực sự là nguồn động viên tinh thần, thể hiện “Nghĩa tình”, là nét văn hóa riêng của Petrovietnam, là chất keo gắn kết giữa các thế hệ NLĐ dầu khí cũng như với sự phát triển của Tập đoàn.
Bên cạnh đó, Petrovietnam cũng đặc biệt ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng. Tập đoàn thường xuyên có các chương trình đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ y tế và giáo dục, thực hiện an sinh xã hội nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân xung quanh địa bàn hoạt động và các địa phương khó khăn trên cả nước. Tiêu biểu như chương trình trồng 3 triệu cây xanh vào năm 2025, chương trình hiến máu nhân đạo “Nhiệt huyết người Dầu khí”; đi đầu trong việc phát động và triển khai thực hiện các cuộc vận động, phong trào xây dựng nông thôn mới, chung tay vì người nghèo, xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước với 3.373 nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết. Chỉ tính trong 5 năm (2019-2023), Petrovietnam đã hỗ trợ các tổ chức, địa phương trong cả nước với tổng kinh phí 2.845,7 tỉ đồng.
Các giải pháp về quản trị
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ, Petrovietnam đã chủ động tham mưu, tháo gỡ nút thắt, hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, tạo tiền đề cho chiến lược phát triển ổn định, bền vững. Trong đó nhóm giải pháp về quản trị và quản lý doanh nghiệp được ưu tiên hàng đầu.
Petrovietnam đang tập trung triển khai công tác tái cấu trúc doanh nghiệp theo Quyết định số 1243/QĐ-TTg ngày 25-10-2023 của Thủ tướng Chính phủ từ Công ty mẹ - Tập đoàn đến các đơn vị thành viên; củng cố và phát triển nguồn nhân lực vững mạnh cũng như xây dựng một hệ thống quản lý nhân sự theo hướng tinh gọn, chất lượng và chuyên nghiệp trong toàn Tập đoàn.
Để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Petrovietnam đã đầu tư vào các chương trình đào tạo chuyên sâu, hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu để nâng cao năng lực của đội ngũ nhân viên. Những năm gần đây, công tác đào tạo của Petrovietnam đã chủ động trong việc nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực quản lý và lãnh đạo nguồn nhân lực, qua đó, bảo đảm duy trì, phát triển ổn định nguồn nhân lực chất lượng cao, kết hợp xây dựng cơ chế lương, thưởng phù hợp nhằm thu hút và giữ chân nhân tài.
Trải qua hơn 6 thập niên xây dựng và phát triển, Petrovietnam đã xây dựng được đội ngũ lao động gần 60.000 người có trình độ, chuyên môn cao nhờ kinh nghiệm trong việc quản lý và vận hành các hoạt động khai thác dầu khí và các nguồn năng lượng truyền thống khác trong suốt nhiều năm. Đến nay, NLĐ dầu khí không chỉ được đào tạo và trang bị kiến thức về công nghệ, quản lý dự án, quản lý rủi ro, tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và môi trường, mà còn được trang bị các kiến thức về chuyển dịch năng lượng, phát triển kinh tế xanh. Tiêu biểu như các khóa đào tạo về ESG, biến đổi khí hậu, cắt giảm khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng, dầu khí được tổ chức hằng năm; giúp các cán bộ lãnh đạo của Tập đoàn và các đơn vị thành viên tiếp cận những giải pháp cụ thể, tích hợp vào chiến lược SXKD để tạo ra giá trị bền vững và thúc đẩy sự phát triển tốt hơn.
Những thành quả đạt được
|
Mặc dù phải đối diện nhiều khó khăn, song những năm trở lại đây, Petrovietnam đã luôn hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch; đặc biệt năm 2023 lập nhiều kỷ lục mới, khẳng định định hướng đúng đắn trong triển khai thực hiện hướng tới phát triển kinh tế xanh. Việc phát triển chuỗi liên kết giá trị trong hệ sinh thái Petrovietnam đã góp phần tích cực cho các đơn vị thành viên cùng nghiên cứu các giải pháp nhằm tối đa nguồn lực, đổi mới sáng tạo để phát triển các sản phẩm mới. Nổi bật như: Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã nghiên cứu, sản xuất và xuất bán thành công các sản phẩm mới như hạt nhựa PP TF4035, BOPP, RFCC Naphtha, MixC4 và tối đa chỉ số RON để tăng sản lượng xăng Mogas 95. Tổng công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí - CTCP (PVCHEM) phát triển các sản phẩm hóa chất, hóa dầu có giá trị cao, thân thiện với môi trường như sản xuất PP Filler Masterbatch/Compound từ bột PP.
Bên cạnh đó, Petrovietnam cũng đánh giá, nghiên cứu xu hướng chuyển dịch sang năng lượng xanh, trong đó tập trung hướng tới điện gió ngoài khơi để phát triển lĩnh vực công nghiệp năng lượng của Petrovietnam. Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã cụ thể hóa chủ trương phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, hợp tác với Công ty Sembcorp Utilities Ltd (SCU) đầu tư xuất khẩu điện sang Singapore từ nguồn năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam; tích cực mở rộng cơ hội hợp tác, xây dựng chuỗi cung ứng trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi nói riêng và năng lượng tái tạo ngoài khơi nói chung tại Đài Loan (Trung Quốc), tiến tới mở rộng ra các nước trong khu vực. Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) nghiên cứu sử dụng các sản phẩm khí làm nguyên liệu cho các tổ hợp hóa dầu, thu hồi và lưu trữ CO2, công nghệ sản xuất hydrogen và amonia “xanh” góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Viện Dầu khí Việt Nam tập trung nghiên cứu cứng hóa CO2…
Những năm qua, Petrovietnam và các đơn vị thành viên đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng cho quá trình chuyển dịch năng lượng bằng việc sản xuất và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo thay thế. Hiện Petrovietnam đã xây dựng chiến lược tổng thể phát triển bền vững đến năm 2045, chú trọng vào đổi mới công nghệ và chuyển dịch năng lượng. Xu hướng dịch chuyển sang năng lượng xanh của Petrovietnam thông qua nâng cao tỷ trọng khí, sản xuất hydrogen và phát triển điện gió ngoài khơi.
Những kết quả này cho thấy sự nỗ lực không ngừng của Petrovietnam trong việc duy trì và phát triển bền vững, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và đóng góp tích cực vào nền kinh tế đất nước. Những thành tựu này là minh chứng rõ ràng cho việc Petrovietnam đã và đang đi đúng hướng trong việc áp dụng các giải pháp kinh tế xanh.
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng khẳng định: “Tại Petrovietnam, chúng tôi nhận thức rõ rằng việc áp dụng các nguyên tắc kinh tế xanh sẽ không chỉ giúp đáp ứng được các yêu cầu pháp lý và xã hội mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh thị trường năng lượng toàn cầu đang biến đổi nhanh chóng. Việc chuyển đổi sang kinh tế xanh là một quá trình cần sự đồng lòng và nỗ lực từ tất cả các bộ phận trong Tập đoàn.
Petrovietnam cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực trong việc thực hiện các nguyên tắc kinh tế xanh, không ngừng đổi mới và sáng tạo để đạt được những mục tiêu phát triển bền vững. Với tinh thần “Một đội ngũ, một mục tiêu”, kinh nghiệm trong công tác quản trị biến động để vượt khó những năm gần đây sẽ là cơ sở để Petrovietnam thích ứng với xu hướng chuyển dịch năng lượng, phát triển kinh tế xanh, từng bước xây dựng và phát triển trở thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng quốc gia, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước”.
Nội dung: Trúc Lâm Đồ họa: Quang Huy |