|
Bước vào năm 2024, các nhà đầu tư và giới phân tích cho rằng việc đồng đôla Mỹ yếu đi và lãi suất giảm tại các thị trường tiêu thụ dầu chủ chốt có thể kéo nhu cầu nhiên liệu lên cao. Khi đồng đô la suy yếu, giá dầu thường trở nên hấp dẫn hơn đối với những người mua sử dụng các đồng tiền khác, do đó có thể tăng cầu. Đồng thời, lãi suất thấp có thể thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng, từ đó tăng nhu cầu năng lượng. |
Thị trường nhiên liệu toàn cầu giống như “hàn thử biểu” của nhiều yếu tố khác như chính trị toàn cầu, tình hình kinh tế vĩ mô và chính sách của các nước sản xuất dầu lớn. Thêm vào đó, những diễn biến trong xu thế chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng của các nguồn năng lượng sạch cũng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ. Sự phát triển của công nghệ năng lượng tái tạo, chính sách về giảm phát thải carbon và nỗ lực chống biến đổi khí hậu có thể thay đổi cách tiêu thụ năng lượng trên toàn cầu. Bên cạnh đó, các yếu tố như tình hình kinh tế thế giới, quan hệ quốc tế, và chính sách sản xuất của các quốc gia OPEC và các nước sản xuất dầu khác thường xuyên tác động mạnh đến giá dầu và nhu cầu nhiên liệu. Dự đoán sự biến động của thị trường dầu mỏ luôn được coi là thông tin HOT nhất trên các diễn đàn kinh tế & năng lượng. Dự báo giá dầu là một việc làm khó bởi phụ thuộc nhiều yếu tố bất định, thông thường phải được những cơ quan, tổ chức quốc tế uy tín đưa ra mới đủ sức thuyết phục. Những nguồn thông tin đáng tin cậy, có thể tham khảo như: Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). IEA thường cung cấp dự báo và phân tích thị trường năng lượng hàng tháng và hàng năm. Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) - OPEC thường công bố dự báo giá dầu và thông tin về thị trường hàng tháng. Các ngân hàng hàng đầu thế giới như Goldman Sachs, JP Morgan, và Morgan Stanley cũng thường cung cấp dự báo giá dầu trong báo cáo thị trường và nghiên cứu về năng lượng. Bên cạnh đó, nhiều trang web tin tức kinh tế hàng ngày như Bloomberg, Reuters, CNBC, hoặc Oil Price cũng thường đề cập thông tin về giá dầu và dự báo thị trường. Được biết, báo cáo từ nhiều tổ chức nghiên cứu độc lập chuyên về thị trường dầu mỏ như Energy Information Administration (EIA) ở Hoa Kỳ, Wood Mackenzie, IHS Markit, và nhiều tổ chức khác cũng thường xuyên công bố dự báo liên quan đến giá dầu. |
|
Dưới đây là một số dự báo mới được đưa ra: Theo Goldman Sachs, dự báo giá dầu sẽ dao động từ 70 USD đến 100 USD mỗi thùng. Ngân hàng này nhấn mạnh, mặc dù có một phạm vi giá ổn định, nhưng vẫn sẽ có những biến động giá ngắn hạn do tình hình kinh tế vĩ mô không chắc chắn và rủi ro địa chính trị cao. Ngân hàng JPMorgan dự báo giá dầu thô Brent sẽ trung bình khoảng 83 USD mỗi thùng trong năm 2024. Họ kỳ vọng nhu cầu dầu sẽ tăng do sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ từ các thị trường mới nổi và sự ổn định kinh tế ở châu Âu. Citigroup dự báo giá dầu Brent sẽ là 73 USD mỗi thùng vào quý 2 của năm 2024 và giảm xuống còn 68 USD mỗi thùng vào cuối năm. Họ cũng chỉ ra rằng có khả năng giá dầu tăng mạnh nếu có những biến động địa chính trị hoặc thời tiết cực đoan. Tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings dự báo giá dầu sẽ trung bình ở 75 USD mỗi thùng trong năm 2024. Họ cũng mô phỏng tác động của giá dầu cao hơn đối với tăng trưởng kinh tế và lạm phát toàn cầu. |
|
EIA cho rằng tăng trưởng sản xuất từ các nước ngoài OPEC sẽ bù đắp cho việc cắt giảm sản lượng đang diễn ra của OPEC, giúp duy trì “thị trường dầu mỏ toàn cầu tương đối cân bằng trong năm tới”. Nguồn cung này được cho là do Hoa Kỳ dẫn đầu, nhưng các nhà sản xuất khác như Guyana, Brazil và Na Uy cũng đang tăng sản lượng ngay cả khi các nhà lãnh đạo của họ đã đăng ký giảm sử dụng hydrocarbon tại COP28. Các dự báo nói trên dường như phản ánh sự không chắc chắn về kinh tế toàn cầu, các yếu tố địa chính trị và sự biến động của thị trường. Các thị trường tiêu thụ dầu chủ chốt sau sẽ là cán cân quyết định độ nghiêng của giá dầu. |
|
Hoa Kỳ - nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng là nhà tiêu thụ dầu hàng đầu, sử dụng dầu cho mục đích vận tải, công nghiệp và sản xuất năng lượng. Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai sau Hoa Kỳ, hiệu suất của nền kinh tế này vẫn được coi là chất xúc tác cho thị trường dầu mỏ. Trung Quốc có nhu cầu năng lượng cao để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của mình. Với nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, Ấn Độ cũng đang trở thành một trong những nhà tiêu thụ dầu lớn trên thế giới. Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia có nền kinh tế phát triển với nhu cầu năng lượng lớn, đặc biệt cho các ngành công nghiệp và vận tải. Các quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, và Italy đều là những nhà tiêu thụ dầu lớn, sử dụng dầu cho mục đích vận tải và công nghiệp. Nhu cầu và mức tiêu thụ dầu của các thị trường này thường sẽ ảnh hưởng lớn đến giá dầu toàn cầu và quyết định điều tiết sản lượng của các quốc gia và tổ chức sản xuất xuất khẩu dầu mỏ trên thế giới. |
Hải Minh Đồ họa: Hải Minh |