19:28 | 10/05/2018   865 lượt xem
Những năm gần đây, khung pháp lý trong lĩnh vực quyền SHTT được sửa đổi theo hướng chặt chẽ hơn, buộc các doanh nghiệp (DN) phải thay đổi để phù hợp với những yêu cầu của thực tế. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm SHTT vẫn đang diễn ra trong nhiều lĩnh vực, từ văn học, nghệ thuật, phần mềm máy tính đến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại... Thậm chí, thương hiệu càng nổi tiếng thì tình trạng vi phạm quyền SHTT càng nhiều, từ đồng hồ, máy tính, giày dép, quần áo, mỹ phẩm, bánh kẹo...
Đánh giá về vấn đề này, ông Trần Văn Minh - Phó chánh Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cho biết, phần mềm máy tính là một trong những lĩnh vực bị xâm phạm nhiều nhất tại Việt Nam (chiếm tới 78%) và ngày càng gia tăng. Chỉ trong năm 2017, Bộ VH-TT&DL đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 63 DN, phát hiện có 54 DN có hành vi vi phạm, sao chép phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu; xử lý vi phạm hành chính 1,6 tỉ đồng. Còn trong 3 tháng đầu năm 2018, Thanh tra Bộ VH-TT&DL cũng thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật đối với chương trình máy tính tại 26 doanh nghiệp và xử phạt 750 triệu đồng.
Trong khi đó, ông Lê Ngọc Lâm - Phó cục trưởng Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay, Việt Nam đang hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, việc thực thi quyền SHTT, trong đó có thực thi bằng biện pháp hình sự là một trong những nội dung quan trọng trong đàm phán các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đặc biệt, các nước phát triển đang có xu hướng “hình sự hóa” các hành vi xâm phạm SHTT bằng cách mở rộng đối tượng áp dụng biện pháp hình sự, không chỉ nhãn hiệu, quyền tác giả, quyền liên quan, mà cả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp.
Tham gia vào sân chơi quốc tế, các DN Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với thị trường rộng lớn, đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như áp lực cạnh tranh và tuân thủ các quy định, luật chơi quốc tế, trong đó có vấn đề SHTT.
Vấn đề đáng lo ngại hiện nay là việc bảo hộ quyền SHTT có nhiều bất cập, các quy định về quyền SHTT ở Việt Nam còn khoảng cách khá xa với thế giới. Trong khi đó, các quy định về SHTT của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU không chỉ bao gồm nghĩa vụ bảo hộ, mà còn yêu cầu cao hơn, đó là bảo hộ một cách đầy đủ và hiệu quả.
Ông Lê Ngọc Lâm phân tích: Hiện nay, việc vi phạm quyền SHTT có thể bị xử lý hình sự với mức phạt lên đến 5 tỉ đồng và phạt tù tới 3 năm. Tuy nhiên, nhìn chung, quy định pháp luật về bảo hộ quyền SHTT còn chồng chéo, trùng lặp trong nhiều văn bản, dẫn đến có nhiều cơ quan thực thi áp dụng luật khác nhau đối với hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, các quy định về SHTT còn mang nặng tính nguyên tắc chung, thiếu tính cụ thể, chi tiết, chưa đáp ứng được đòi hỏi từ thực tiễn. Nhiều cơ quan thực thi quyền SHTT như thanh tra các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, VH-TT&DL, rồi Cục Sở hữu trí tuệ, Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương), Cục Bản quyền tác giả… khiến DN không biết phải trông cậy vào đâu. Mặt khác, tâm lý của các chủ quyền SHTT là cá nhân hay DN rất ngại ra tòa. Do đó, họ chủ yếu dựa vào cơ quan Nhà nước thực hiện các biện pháp hành chính.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ: Việt Nam đã chuẩn bị được hành lang pháp lý để thực thi quyền SHTT tương đối đầy đủ. Song, công tác này cũng còn gặp một số khó khăn cần khắc phục. Do đó, cần rà soát cơ chế chính sách, đề xuất với Quốc hội sửa đổi Luật SHTT để phù hợp với tình hình mới, tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin, có trọng tâm, trọng điểm và có quy chế phối hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin qua mạng, tăng cường công tác kiểm tra tại các địa phương…
Ngoài ra, DN cần nâng cao nhận thức về SHTT, hiểu rõ về quyền SHTT giúp DN có thể khai thác tối đa những lợi ích mà SHTT mang lại. Đồng thời, DN phải chủ động thay đổi, làm chủ công nghệ để chủ động hơn khi tham gia các sân chơi quốc tế.