08:18 | 04/06/2020   50,043 lượt xem
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, với phương châm hành động: “Tiếp tục đổi mới, chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn, giữ vững ổn định, giành nhiều thắng lợi trong thăm dò và khai thác dầu khí”, toàn Đảng bộ Liên doanh Việt – Nga (Vietsovpetro) đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu mà Đại hội X đã đề ra. Trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ Vietsovpetro lần thứ XI, PetroTimes đã có cuộc trò chuyên với Bí thư Đảng ủy Vietsovpetro Nguyễn Quỳnh Lâm để hiểu rõ hơn về công tác Đảng ở liên doanh dầu khí có lịch sử và quy mô lớn nhất nước ta hiện nay.
PV: Nhiệm kỳ 2015 - 2020 là nhiệm kỳ mà Vietsovpetro phải vượt qua rất nhiều khó khăn thử thách. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn rất thành công khi Đảng bộ Vietsovpetro đã có nhiều đổi mới trong công tác đảng, công tác cán bộ, công tác quản lý điều hành… từ đó từng bước đưa Liên doanh vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu mới. Xin đồng chí chia sẻ cụ thể hơn về những thành tựu đó, cũng như những bài học kinh nghiệm mà Đảng bộ Vietsovpetro đã tích luỹ được trong nhiệm kỳ vừa qua?
Bí thư Nguyễn Quỳnh Lâm: Mặc dù gặp thách thức rất lớn do giá dầu giảm thấp hơn nhiều so với biên độ giá dự báo để lập kế hoạch 5 năm, Đảng ủy Vietsovpetro đã kiên trì bám sát 5 nhiệm vụ chính Đại hội X đã đề ra để lãnh đạo Hệ thống chính trị phía Việt Nam phối hợp với phía Nga phấn đấu đạt kết quả sản xuất – kinh doanh cao nhất.
Trong nhiệm kỳ, hàng năm Vietsovpetro đã hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu sản xuất – kinh doanh do Hội đồng giao về gia tăng trữ lượng, khai thác dầu khí, khoan khai thác, xây dựng sửa chữa công trình biển và các chỉ tiêu tài chính; công tác quản trị doanh nghiệp về kinh tế, tài chính, kế toán, tổ chức, nhân sự, lao động, tiền lương được hoàn thiện theo hướng hiện đại; dịch vụ cho bên ngoài ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả cao; an ninh, an toàn hoạt động dầu khí được giữ vững; đội ngũ cán bộ kế cận, lực lượng lao động chuyên ngành, hệ thống cơ sở vật chất, tài sản được duy trì.
Tổng sản lượng khai thác dầu ước đạt 20,7 triệu tấn, trong đó: từ Lô 09-1 là 20,3 triệu tấn, từ Lô 09-3/12 là 404,7 ngàn tấn. Tổng sản lượng khai thác khí thiên nhiên ước đạt 1,32 tỷ mét khối. Tính cho toàn Vietsovpetro, gia tăng trữ lượng thu hồi giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 15,2 triệu tấn. Tổng lượng khí thu gom và nén về bờ từ tất cả các mỏ ước đạt 6,86 tỷ mét khối (đạt 127,3% kế hoạch). Tổng giá trị sản xuất ước đạt 10,74 tỷ USD. Trong đó doanh thu từ sản phẩm dầu, khí đạt 9,38 tỷ USD; doanh thu từ dịch vụ ngoài và các hoạt động khác 1,17 tỷ USD; nộp Ngân sách Nhà nước và lợi nhuận phía Việt Nam 5,62 tỷ USD (chiếm 59,9% tổng doanh thu, bằng 125,5% kế hoạch Hội đồng giao).
Trong công tác xây dựng Đảng, các cấp ủy duy trì nghiêm nền nếp sinh hoạt, phát huy tốt vai trò lãnh đạo toàn diện của tổ chức đảng tại các đơn vị, bộ phận. Các nghiệp vụ văn phòng cấp ủy, tổ chức, kiểm tra, tuyên giáo có nhiều cải tiến, nâng cao chất lượng, cập nhật kịp thời nhiều quy định mới của Trung ương và cấp ủy cấp trên. Các đoàn thể chính trị - xã hội trong điều kiện bị hạn chế nhiều về chi phí hoạt động, vẫn duy trì và thực hiện tốt nhiệm vụ của mỗi tổ chức, phát huy vai trò cầu nối giữa đảng, chính quyền với người lao động. Quan hệ hữu nghị với CBCNV phía Nga được duy trì tốt. Đảng bộ đã tiếp tục giữ vững khối đoàn kết, thống nhất hành động trong Hệ thống chính trị, góp phần quan trọng đưa Vietsovpetro vượt qua khó khăn.
Từ năm 2016 đến nay, Đảng bộ Vietsovpetro luôn được xếp loại “Trong sạch, vững mạnh” và “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên. Trong đó, năm 2016 được xếp loại “Trong sạch, vững mạnh” và năm 2019 được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Một số bài học kinh nghiệm mà Đảng bộ Vietsovpetro rút ra được là biết phát huy mặt mạnh của cơ chế Hiệp định dành cho Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro, tranh thủ sự quan tâm ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hai Chính phủ và hai Phía tham gia; luôn nỗ lực chủ động tổ chức thực hiện nhiệm vụ đảm bảo hiệu quả cao nhất trong chuỗi hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí và các hoạt động phụ trợ của Vietsovpetro cũng như trong cung cấp dịch vụ cho bên ngoài; tận dụng ưu thế của thương hiệu, uy tín và nguồn lực sẵn có.
Đảng bộ cần giữ vững vai trò hạt nhân đoàn kết, thống nhất ý chí, duy trì tốt nền nếp sinh hoạt cấp ủy, phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, kiên trì thực hiện mục tiêu Đại hội đề ra. Các nghị quyết lãnh đạo cần có trọng tâm, khả thi, phù hợp thực tiễn, vận động được cả hệ thống cùng thực hiện, được kiểm điểm đánh giá định kỳ. Đồng thời, phải coi trọng và biết tổ chức phát huy truyền thống, văn hóa doanh nghiệp của Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro đã được hun đúc gần 40 năm qua; vận động và tổ chức hoạt động dựa trên sự ủng hộ, sức mạnh, trí tuệ của Tập thể lao động; duy trì sự đoàn kết, đồng tâm, nhất trí cao, phát huy tinh thần lao động sáng tạo, tiết kiệm, sẵn sàng đối diện và vượt qua khó khăn.
PV: Hiện nay, dưới tác động kép của đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu, Vietsovpetro đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách để duy trì hoạt động SXKD, đảm bảo đời sống việc làm để duy trì lực lượng lao động chuyên ngành. Theo đồng chí, Đảng bộ, Đảng uỷ cũng như mỗi đảng viên có vai trò như thế nào để Vietsovpetro vượt qua những khó khăn, thách thức đó?
Bí thư Nguyễn Quỳnh Lâm: Trước tình hình giá xuống dầu thấp, khủng hoảng về tài chính, nhân sự trong Tập đoàn và Vietsovpetro, việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức, tối ưu biên chế lao động, việc cắt giảm lương, thưởng và một số chể độ phụ cấp có ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần cũng như đời sống CBCNV... Trước tình hình đó, Đảng ủy cùng với Ban Tổng giám đốc, thông qua các tổ chức đoàn thể, các đảng ủy cơ sở và các phòng ban đơn vị đã tích cực thông tin, tuyên truyền, giải thích cho CBCNV về định hướng, chính sách, chế độ của Vietsovpetro, thượng sách là đảm bảo đời sống, việc làm, giữ vững ổn định, duy trì đội ngũ lao động cốt lõi chuyên ngành sâu về dầu khí; thực hiện tốt việc nắm bắt tư tưởng và dư luận xã hội để có các giải pháp tuyên truyền, động viên cần thiết... Từ đó, hầu hết CBCNV đã có nhận thức và hành động chia sẻ khó khăn chung, tiếp tục yên tâm công tác, đảm bảo thực hiện liên tục, an toàn, hiệu quả nhiệm vụ sản xuất của Vietsovpetro.
Kết quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng đã tiếp tục duy trì và củng cố được khối đoàn kết trong toàn hệ thống chính trị, tập thể CBCNV phía Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, cùng với phía Nga trong Liên doanh, vượt qua được những khó khăn thách thức không nhỏ, củng cố đội ngũ tiếp tục vươn lên thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ được giao.
PV: Xin đồng chí cho biết chiến lược phát triển của Vietsovpetro trong giai đoạn tiếp theo, cự thể là nhiệm kỳ 2020-2025, cũng như những giải pháp cụ thể mà Đảng bộ Vietsovpetro đề ra để hoàn thành các mục tiêu chiến lược đó?
Bí thư Nguyễn Quỳnh Lâm: Trong nhiệm kỳ mới, Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro đứng trước yêu cầu tiếp tục hoạt động hiệu quả, ổn định, tạo cơ sở hướng tới phát triển bền vững và lâu dài. Đảng bộ Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro xác định phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2020 – 2025 với mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát là đẩy mạnh tìm kiếm, thăm dò và mở rộng vùng hoạt động; khai thác an toàn, hiệu quả, tận thu tài nguyên các mỏ dầu khí; tiếp tục hoàn thiện tổ chức và quản lý, sử dụng tối ưu các nguồn lực; mở rộng hợp tác đầu tư và cung cấp dịch vụ; duy trì lực lượng lao động; giữ ổn định, tạo cơ sở cho phát triển bền vững và lâu dài. Từ đó, Vietsovpetro đề ra 5 nhiệm vụ cụ thể.
Thứ nhất là xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển, mở rộng vùng, lĩnh vực hoạt động. Đẩy mạnh tận thăm dò và thăm dò dầu khí tại các lô hiện có, mở rộng vùng hoạt động, tăng cường liên doanh liên kết với các nước khác, đồng thời phát huy ưu thế trong lĩnh vực tổng thầu, xây dựng công trình biển, vận hành bảo trì các công trình khai thác dầu khí, chia sẻ nguồn lực về con người, vật tư, thiết bị... để mở rộng lĩnh vực hoạt động.
Nhiệm vụ thứ hai là vận hành khai thác an toàn, hiệu quả các mỏ, các công trình và cơ sở vật chất. Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ thông tin để tối ưu hóa chế độ khai thác nhằm kéo dài thời gian khai thác mỏ, tăng hệ số thu hồi dầu và tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên.
Thứ ba là tái cơ cấu, hiện đại hóa hệ thống quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Áp dụng các phương thức quản trị mới, hiện đại đối với các phòng ban, bộ phận có điều kiện quản lý, hạch toán tương đối độc lập, nhất là ở các bộ phận mới thành lập để tham gia các dự án ở các lô mới cũng như lĩnh vực cung cấp dịch vụ ngoài, đảm bảo tiêu chí phù hợp các cơ chế pháp lý riêng, tinh gọn, hiệu quả, linh hoạt, phản ứng nhanh và thích ứng với biến động của thị trường.
Thứ tư, hoàn thiện, phát triển các dịch vụ kỹ thuật cốt lõi phục vụ khai thác dầu khí và phát triển kinh tế biển. Mở rộng thị trường dịch vụ ngoài ngành, trong đó có công nghiệp điện gió do có thể chia sẻ và sử dụng chung một số hệ thống công nghệ, thiết bị với công nghiệp dầu khí.
Cuối cùng là chăm sóc phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo đời sống, việc làm cho CBCNV và thực hiện các trách nhiệm xã hội, cộng đồng. Duy trì, củng cố, phát triển văn hóa doanh nghiệp Vietsovpetro gắn với xây dựng hình ảnh, thương hiệu, là đơn vị có trách nhiệm cao với đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; làm tốt vai trò là đơn vị chủ lực của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Ngành Dầu khí.
Với những nhiệm vụ và mục tiêu đã đề ra, bên cạnh các nhóm giải pháp về khoa học, kỹ thuật, công nghệ, tổ chức, quản lý, kinh tế, tài chính... trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng ủy, Liên doanh Vietsovpetro còn tập trung vào một số giải pháp đột phá khác như: Nâng cấp khả năng nghiên cứu khoa học của Viện NCKH&TK Vietsovpetro đủ mạnh để có thể phục vụ phát triển và áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, gắn nghiên cứu và đào tạo với ứng dụng nhằm thực hiện được tối đa công tác thiết kế thi công trong lĩnh vực khoan tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ, khai thác; phát triển công nghệ mới nhằm tăng hệ số thu hồi dầu; tổ chức triển khai các dự án phát triển dầu khí.
Đầu tư và mạnh dạn áp dụng công nghệ mới hướng đến sự phát triển bền vững, giảm tiêu hao năng lượng và phát thải ra môi trường trong lĩnh vực khoan và địa vật lý, xây dựng và sửa chữa công trình biển, khai thác, vận chuyển và tàng trữ dầu khí. Tích cực liên danh, liên kết, hợp tác với các công ty nước ngoài có nhiều kinh nghiệm và công nghệ mới trong các lĩnh vực này để học hỏi, tiếp thu và chuyển giao được các công nghệ mới nhất hiện nay.
Tiếp tục khuyến khích, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, sáng kiến - sáng chế, áp dụng công nghệ mới, phát huy vai trò các Hội đồng khoa học, Hội đồng sáng kiến - sáng chế... của Vietsovpetro và các đơn vị cơ sở, nhất là vai trò của người đứng đầu. Nghiên cứu ứng dụng thành tựu mới của công nghệ thông tin và cách mạng công nghiệp 4.0 vào quản lý, điều hành và các hoạt động phục vụ tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí. Trong đó, nghiên cứu các công nghệ điện toán đám mây (Cloud), dữ liệu Bigdata, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ Internet vạn vật (IoT)…
Ngoài ra, chúng tôi sẽ đề xuất hoàn thiện cơ chế pháp lý nhằm gia tăng các nguồn lực (tài chính, nhân lực, vật lực) của Vietsovpetro cho công tác mở rộng vùng hoạt động và cung cấp dịch vụ ngoài từ Quỹ phát triển sản xuất và các cơ chế huy động nguồn lực khác. Trong giai đoạn tiếp theo, sau khi nhận được sự đồng thuận từ hai Phía và các cơ chế pháp lý từ Bộ ngành trong việc đầu tư trang bị trang thiết bị, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ cho mục đích phát triển hoạt động dịch vụ ngoài và dịch vụ lô từ Quỹ phát triển sản xuất, Vietsovpetro sẽ lập kế hoạch cụ thể để sử dụng có hiệu quả nguồn tài chính từ Quỹ phát triển sản xuất.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Nội dung: Thuận Thiên
Thiết kế: Duy Tiến