Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

00:22 | 10/02/2024   23,896 lượt xem

Cờ ta bay giữa Cực Bắc địa cầu

Cờ ta bay giữa Cực Bắc địa cầu

Tôi đã từng trực tiếp được thấy quốc kỳ của đất nước ta tung bay tại nhiều sự kiện ở nhiều nơi trên thế giới. Tất cả đều đầy tự hào và cảm động. Nhưng hình ảnh lá cờ Việt Nam kiêu hãnh thắm đỏ trong mênh mông gió tuyết của một vùng đất thuộc Bắc Cực đã gợi nên những cảm xúc rất đặc biệt.

Khi Nguyễn Trí Dũng, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Liên doanh Dầu khí Nga - Việt (Rusvietpetro) chỉ cho tôi vị trí khu vực mỏ dầu mà liên doanh đang khai thác ở Khu tự trị Nenetskiy, Liên bang Nga, tôi đặc biệt phấn khởi khi thấy nó tuy vẫn thuộc đất liền vùng Siberia nhưng nằm gần sát ở bờ Bắc Băng Dương, lọt hẳn vào cái vòng đứt đoạn màu đỏ biểu thị Vòng cung Bắc Cực. Tôi không thể hiểu được vì sao trong đời mình lại có những cơ may hiếm có là đặt hai bàn chân ở hai bên đường xích đạo ở thủ đô Quito nước Ecuador, rồi cũng đứng như thế ở đường Kinh tuyến gốc Greenwich, Kinh tuyến số 0 ở Luân Đôn, Anh. Giờ đây là cơ hội được đặt chân lên một vùng đất Bắc Cực.

Thêm nữa, chuyến lên mỏ dầu ở vùng Bắc Cực lần này tôi được đi trực thăng, lần thứ hai trong đời, sau cái lần đi Trường Sa đáng nhớ.

Cờ ta bay giữa Cực Bắc địa cầu
Tác giả tại khu vực mỏ Nenetskiy

Tôi có được những cơ may gắn với Bắc Cực như vậy là nhờ mối lương duyên hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Tập đoàn Dầu khí Nga Zarubezhneft. Rusvietpetro nhắc đến ở trên chính là liên doanh giữa hai “chàng khổng lồ dầu khí” vừa kể.

Sự thực, nếu nói đến Liên doanh Dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro), ở Việt Nam không ai là không biết. Bởi Vietsovpetro thành lập từ 43 năm trước (1981) đã một thời và hiện nay vẫn là biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác vĩ đại giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây và nước Nga hiện nay. Còn hỏi về Liên doanh Dầu khí Nga - Việt thì rất ít người biết.

Là vì Rusvietpetro có lịch sử ngắn hơn nhiều so với đàn anh Vietsovpetro khi chỉ mới bước sang tuổi 16? Hay vì chưa được truyền thông nhiều? Có thể vì điều này, điều kia hoặc vì cả hai nhưng tôi thực sự kinh ngạc khi biết đôi ba năm gần đây, sản lượng dầu khai thác được trên 3 triệu tấn/năm của Rusvietpetro đã đuổi kịp và bắt đầu vượt qua người anh.

Nguyễn Trí Dũng là một người dầu khí giàu kinh nghiệm. Sau khi trải qua nhiều vị trí tại các doanh nghiệp thuộc Petrovietnam, anh từng lăn lộn tham gia khoan thăm dò nguồn dầu trong sa mạc ở Uzbekistan trước khi trở thành Phó Tổng Giám đốc thứ nhất của Rusvietpetro. Ở anh toát ra vẻ góc cạnh từng trải và đầy nhiệt huyết. Anh hào hứng và tự hào kể về khởi đầu và những thành tựu của Rusvietpetro. Tóm tắt gọn thành những con số: Thành lập ngày 27-7-2008, chỉ sau hơn 1 năm, đến năm 2010, liên doanh đã cho ra dòng dầu thương mại đầu tiên, nghe nói đây là kỷ lục thời gian mà chưa doanh nghiệp dầu khí nào ở Liên bang Nga đạt được. Sau 3 năm, sản lượng khai thác của liên doanh đã đạt mức 3 triệu tấn/năm. Tới nay, Rusvietpetro đã khai thác và tiêu thụ được 37 triệu tấn dầu thô và với điều kiện khắc nghiệt, khó khăn ở một vùng địa cực vẫn đạt đơn giá khai thác rất rẻ, khoảng 3 USD/thùng và giá dầu hòa vốn chỉ khoảng 25 USD/thùng.

Cờ ta bay giữa Cực Bắc địa cầu
Phó Tổng Giám đốc Rusvietpetro Lê Quang Khoa trò chuyện với người trực chỉ huy Khu xử lý trung tâm

Thành tựu trên đây dẫn đến hiệu quả và lợi nhuận vô cùng ấn tượng: Petrovietnam góp vào liên doanh 533 triệu USD (49% tổng vốn), cử gần 30 cán bộ sang làm việc ở các vị trí lãnh đạo, quản lý và sau 15 năm đã mang về cho đất nước gần 1,4 tỉ USD lợi nhuận. Tôi cộng trừ nhân chia trong đầu: 15 năm qua, trung bình mỗi năm liên doanh chia cho Petrovietnam gần 100 triệu USD lợi nhuận, tính trên tổng vốn đầu tư thì tỷ lệ lợi nhuận là gần 20%/năm! Thế nên hôm ở Mátxcơva, nói chuyện với chúng tôi, một nhà ngoại giao cao cấp nói Rusvietpetro là dự án đầu tư ra nước ngoài hiệu quả cao nhất của cả nước ta. Nguyễn Trí Dũng thì khiêm tốn nói nó là dự án đầu tư ra nước ngoài hiệu quả nhất của Petrovietnam. Nhưng tôi cho rằng nhà ngoại giao kia nói đúng.

Đời dự án còn kéo dài hàng chục năm và có thể được gia hạn thêm. Sắp tới lợi nhuận nhiều khả năng tăng rất mạnh vì Chính phủ Nga đã cơ bản đồng ý sẽ miễn giảm cho liên doanh một sắc thuế, dự kiến sẽ mang lại khoản lợi nhuận ròng khổng lồ 3 tỉ USD trong các năm còn lại của đời dự án.

Hôm được Lê Quang Khoa, Phó Tổng Giám đốc Rusvietpetro cùng một nhóm anh em Việt, Nga trong liên doanh dẫn bay trên trực thăng từ thành phố Usinsk - nơi đặt căn cứ của các hãng khai thác dầu Nga để khai thác vùng dầu phương Bắc - lên khu mỏ Nenetskiy, tôi mới càng thấy ý giá trị và ý nghĩa của những thành tựu liên doanh đạt được. Dưới trực thăng là mênh mang vô thủy vô chung băng tuyết. Bay gần tiếng rưỡi đồng hồ mà bên dưới là một màu trắng, thỉnh thoảng điểm những vệt đen hoặc thẫm màu của những cánh rừng hoặc dấu vết của sông hồ giờ đóng băng và phủ dày băng tuyết. Đúng là hứng khởi vì băng tuyết mà ngao ngán cũng vì băng tuyết. Tôi hỏi băng tuyết thế này thì đi lại, vận chuyển khó khăn quá nhỉ? Khoa lại nói, may mà mùa đông đóng băng nên mới vận tải được. Toàn bộ vùng này mùa hè khi băng tuyết tan là đầm lầy, không có cách gì vận chuyển vật tư, hàng hóa qua được. Mùa đông đầm lầy đông cứng lại mới có thể mở đường. Mỗi năm liên doanh phải vận chuyển khoảng 30 nghìn tấn vật tư, máy móc vào mỏ, do đó phải chi từ 5 đến 10 triệu USD làm khoảng trên dưới 250 cây số đường qua vùng đất nhão giờ đóng băng để xe tải lớn đi lại. Đến mùa hè, tất cả lại tan chảy hết…

Khắc nghiệt, khắc nghiệt và khắc nghiệt - đó là tất cả những gì có thể nói về khí hậu vùng mỏ Nenetskiy. Đông trường hè ngắn. Đông thì thời gian trời sáng chỉ khoảng 3-4 tiếng đồng hồ. Hè thì ngày lại dài đến trên 20 tiếng. Nhiệt độ mùa đông trung bình khoảng -250C, có khi xuống đến -500C.

Cờ ta bay giữa Cực Bắc địa cầu
Lãnh đạo Petrovietnam chụp ảnh lưu niệm tại mỏ của Rusvietpetro (ảnh: Nguyễn Anh Tú)

Thú vị là tuy gọi là “mỏ dầu Nenetskiy” nhưng thực tế Chính phủ Nga giao cho liên doanh khu vực khai thác rộng tới 3.000 cây số vuông, tức gần như gấp đôi diện tích tỉnh Thái Bình, tương đương tỉnh Thái Nguyên. Hôm ngồi trong phòng làm việc của Nguyễn Trí Dũng ở Mátxcơva, anh chỉ cho tôi khu vực mỏ trên bản đồ phân bổ dầu mỏ của cả nước Nga. Mỏ Nenetskiy nằm trong vùng được tô màu tím đậm nhất, tức là vùng có trữ lượng khai thác lớn nhất. Nhưng thực tế cũng không phải hoàn toàn thuận lợi. Ngoài hai mỏ khai thác lớn là Bắc Khosedaiu và Nam Khosedaiu thì còn hơn chục mỏ nhỏ nằm rải rác cách hai mỏ lớn từ 18 đến 50 cây số. Bài toán vận chuyển máy móc vật tư và thu gom dầu về các trung tâm xử lý là không dễ và rất tốn kém.

Khi trực thăng của chúng tôi đến phía bên trên của Khu xử lý trung tâm của mỏ Bắc Khosedaiu, tôi thấy những hệ đường ống từ nhiều hướng chạy về và chạy đi từ một khu như khu nhà xưởng rất lớn, đường ống chằng chịt nằm im lìm dưới lớp tuyết trắng xóa. Điểm sống động duy nhất là rừng rực trên cao, ngọn lửa đốt khí đồng hành kèm cái đuôi khói nổi bật trên nền trắng. Suốt 3 tiếng đồng hồ sau đó, ông Igor Poroshin - người trực chỉ huy Khu xử lý trung tâm cùng một số cộng sự đã giới thiệu với chúng tôi hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại cùng quy trình công việc ở nhiều bộ phận của trung tâm mà để vào được ta phải qua quy trình máy soi kiểm tra an ninh ngặt cẩn.

Cờ ta bay giữa Cực Bắc địa cầu
Toàn cảnh Khu xử lý trung tâm mỏ dầu Bắc Khosedaiu

Giếng dầu là một cấu trúc khung sắt có cầu thang sắt dẫn lên một sân nhỏ, được đỡ ở giữa là một đường ống cắm sâu khoảng 3-4 nghìn mét để hút dầu từ bể tự nhiên lên. Mỗi ngày, mỗi giếng hút lên tới 130 tấn dầu. Theo Lê Quang Khoa, liên doanh đang khai thác 47 cụm giếng với 250 giếng dầu như thế. Dầu hút lên được bơm về Khu xử lý trung tâm, xử lý sơ bộ rồi bơm đi tiếp…

Trên dãy cột cờ của Khu Xử lý trung tâm mỏ dầu ở Khu tự trị Nenetskiy, bên cạnh ba lá cờ của Liên bang Nga, Zarubezhneft và Rusvietpetro còn có cờ của Petrovietnam và đặc biệt là lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ của Tổ quốc Việt Nam.

Cờ ta bay giữa Cực Bắc địa cầu
Vị trí khu mỏ dầu Nenetskiy

Như đã nói, dự án rất hiệu quả về mặt kinh tế. Nhưng ngoài mặt kinh doanh thuần túy, còn một khía cạnh cũng nhất thiết phải nói đến là sự góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt - Nga. Trong mối quan hệ có phần rất đặc biệt giữa hai nước, có phần đóng góp rất đáng kể của dầu khí. Trong câu chuyện với nhà ngoại giao cao cấp của Nga ở Mátxcơva, khi chúng tôi hỏi có giải pháp gì để phát triển quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nga xứng với truyền thống và tiềm năng, ông đã nói rằng, mọi người cứ quen tách rời hợp tác dầu khí khi đánh giá mối quan hệ giữa hai nước chứ thực ra nếu tính gộp vào thì hợp tác là rất đáng kể và thực chất, nhất là góp phần giúp chúng ta vượt qua giai đoạn khó khăn mấy chục năm trước. Tôi ngẫm lại và thấy đúng là như thế. Ở tầm hẹp hơn, thì việc người Nga và người Việt làm việc với nhau trong những liên doanh như thế này cũng là một biểu hiện góp phần phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác.

Hôm trở lại Mátxcơva, Dũng, Khoa dẫn chúng tôi qua phòng Tổng Giám đốc Rusvietpetro Alexei Kulakov. Người đàn ông mới ngoài 40 tuổi, cao lớn, đẹp trai đó rất vui vẻ, cởi mở. Ông đánh giá rất cao năng lực và các phẩm chất của 28 cán bộ mà Petrovietnam cử sang làm việc tại liên doanh, nhất là các kiến thức, kỹ năng đặc thù của lĩnh vực và khả năng phối hợp, làm việc nhóm. “Có nhiều việc trong liên doanh mà chỉ chúng tôi thôi thì không làm được. Phải có các bạn Việt Nam chung sức”, ông nói. Tôi hiểu. Anh chị em cán bộ Việt Nam được Petrovietnam cử đi hầu hết đã trải qua nhiều vị trí trong Tập đoàn hoặc là người làm việc ở Nga lâu năm được tuyển dụng. Họ đều có đủ kinh nghiệm, bản lĩnh để đóng góp cho việc hình thành, phát triển liên doanh.

Cờ ta bay giữa Cực Bắc địa cầu

Nguyễn Trí Dũng cũng mời cả 28 anh chị em người Việt gặp mặt để chúng tôi nói lời cảm ơn và động viên. Đúng là động viên vì sống ở nơi đất khách thật không dễ dàng. Ở với anh em mấy ngày, tâm sự với họ mới thấy hết sự hy sinh của những người được Tổ quốc cử đi làm ăn ở nước ngoài. Ngoài môi trường, văn hóa khác lạ còn nhiều thứ khuất lấp khác nữa. “Mọi người thường không nhận thấy một điều là chúng tôi sang đây thì mất hết cơ hội tiềm năng lẽ ra có nếu làm việc ở nhà”. Đây là điều mà Dũng nói tôi mới ngộ ra. Hay như Nguyễn Anh Tú - người đã nhường cả hai phòng ngủ trong căn hộ của mình cho hai chúng tôi từ Việt Nam qua suốt mấy ngày: Vợ anh về nước sinh con và sắp tới là những ngày tháng dài không được bên cạnh đứa con còn trứng nước. Vợ con những người làm dầu mỏ ở nước ngoài đi theo cũng thiệt thòi nhiều, chịu hy sinh rất lớn…

Cờ ta bay giữa Cực Bắc địa cầu
Cụm giếng khai thác tại mỏ Siurkharatin

Nhưng bù lại những thiệt thòi, hy sinh là những thành quả, những điều lớn lao Liên doanh Rusvietpetro mang lại cho hai nước, cho Việt Nam. Tôi còn chưa nói đến một điều rất tự hào và quá đỗi thiêng liêng: Nhờ hợp tác của Petrovietnam với đối tác Nga, nhờ sự dấn thân của những Dũng, những Khoa, những Tú và những anh chị em khác mà chúng tôi được gặp, được thấy lá cờ Tổ quốc ta ngày đêm tung bay ở địa cực phương Bắc xa xôi. Trong thế giới ngày nay có một khái niệm quan trọng cả về chính trị, kinh tế và văn hóa là “biên giới mềm”. Nhà ngoại giao tôi đã nhắc đến trong bài cũng đã tới mỏ dầu Nenetskiy, cũng đã thấy cờ đỏ sao vàng Việt Nam tung bay ở đó. Ông lưu ý chúng tôi: “Cờ ta cắm đến đâu thì biên giới mềm của Tổ quốc ta đến đó”. Tôi nhớ câu nói của ông. Tôi cũng tận mắt thấy lá cờ đỏ thắm của Tổ quốc bay trong gió địa cực. Xúc động, tôi đã làm bài thơ để tặng những người làm dầu khí Việt trong Rusvietpetro:

Cờ ta bay giữa cực Bắc địa cầu

Cờ Tổ quốc đỏ như ngọn lửa

Cháy rực không trung giữa đất và trời

Trời xanh ngắt mà đất thì trắng xóa

Cực Bắc địa cầu băng tuyết nơi nơi

Những giếng dầu bơm không ngừng nghỉ

Lửa khí đồng hành ngụt cháy trên cao

Như tình bạn Việt - Nga thủy chung, giản dị

Như mặt trời, như vĩnh viễn trăng sao

Giữa địa cực mà trong lòng thấy ấm

Gặp mảnh hồn đất nước rực trời đông

Lửa trong mắt, lửa trong tim ta đó

Biên giới mềm nước Việt trải mênh mông.

Cờ ta bay giữa Cực Bắc địa cầu
Toàn cảnh mỏ Bắc Khosedayuskoye thuộc vùng Nenets cực Bắc của Nga

Nội Dung: Lê Xuân Sơn

Đồ họa: Quang Huy