Bất chấp lợi nhuận giảm mạnh, các Big Oil châu Âu tiếp tục chi trả hậu hĩnh cho các cổ đông
(PetroTimes) - Các tập đoàn dầu khí lớn của châu Âu chứng kiến lợi nhuận quý 3 sụt giảm, do giá dầu và biên lợi nhuận lọc dầu giảm trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu. Tuy vậy, các công ty này vẫn duy trì mức lợi nhuận tốt và tiếp tục chi trả hậu hĩnh cho các cổ đông.
Hình minh hoạ |
Đối với TotalEnergies, đây thậm chí còn là mức giảm lợi nhuận lớn nhất kể từ đại dịch. Lợi nhuận ròng của công ty đã giảm 65% trong quý 3 năm 2024, xuống còn 2,3 tỷ USD, gần bằng mức giảm 65,7% trong quý 4 năm 2020, thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát.
BP cũng gặp tình trạng tương tự. Gã khổng lồ dầu mỏ của Anh, chịu thêm ảnh hưởng từ việc giảm giá trị tài sản, công bố lợi nhuận quý 3 là 206 triệu USD, so với 4,9 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Danni Hewson, chuyên gia phân tích tại AJ Bell, nhận xét: “Đây là ba tháng khó khăn nhất mà công ty phải đối mặt kể từ đại dịch”.
Shell, một ông lớn dầu khí khác của Anh, tiết lộ lợi nhuận ròng trong quý 3 giảm mạnh, xuống còn 4,3 tỷ USD, so với 7 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái, do ảnh hưởng từ việc giảm biên lợi nhuận lọc dầu và giá dầu thấp.
Tình hình hiện tại khác xa so với năm 2022, khi các công ty dầu khí lớn hưởng lợi khủng nhờ giá dầu khí tăng cao trong bối cảnh phục hồi kinh tế hậu đại dịch và căng thẳng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Shell và TotalEnergies đã đạt mức lợi nhuận kỷ lục trong năm đó, lần lượt ở mức 42,3 tỷ USD và 20,5 tỷ USD.
Giá dầu hiện tại bị kiềm chế do nhu cầu yếu từ Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu, và dự báo sản lượng dồi dào vào năm 2025. Giá dầu đã tăng lên vào cuối quý 3 trước căng thẳng mới ở Trung Đông, làm tăng sự biến động của nhiên liệu.
BP tỏ ra không mấy lạc quan về quý 4 năm 2024, khi dự báo tỷ suất lợi nhuận từ lọc dầu sẽ “vẫn yếu” và sản lượng sẽ “thấp hơn” so với ba tháng qua.
TotalEnergies ước tính: “Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức khiêm tốn và căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, giá dầu không ổn định”.
Cuộc bầu cử Mỹ, yếu tố gây bất ổn
Keith Bowman, nhà phân tích tại Interactive Investor, nhấn mạnh: “Nhìn chung, bối cảnh kinh tế không chắc chắn, bao gồm cả những lo ngại về tăng trưởng của Trung Quốc, tiếp tục gây ra những bất ổn về nhu cầu đối với dầu mỏ”.
Tuy nhiên, “căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và khả năng gián đoạn nguồn cung đang hỗ trợ giá dầu”, ông nói.
Ngoài Trung Đông, các yếu tố kỹ thuật khác đang giúp giá dầu giữ vững, bất chấp kỳ vọng từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) về thị trường dầu mỏ dồi dào vào năm 2025.
Thêm vào đó là các yếu tố chính trị. John Plassard, nhà phân tích tại Mirabaud, cảnh báo: “Cuộc bầu cử ở Mỹ cũng là một yếu tố quan trọng dẫn đến sự biến động”. Ông giải thích rằng chiến thắng của ông Donald Trump, “người ủng hộ nhiên liệu hóa thạch”, có thể khiến giá dầu tăng trong ngắn hạn.
Dù có nhiều biến động, các tập đoàn dầu khí lớn vẫn tiếp tục thưởng hậu hĩnh cho các cổ đông.
Theo ông Patrick Pouyanné, TotalEnergies có kế hoạch mua lại cổ phiếu trị giá 2 tỷ USD vào quý 4 năm 2024, nhằm đạt tổng cộng 8 tỷ USD cho cả năm.
Về phần mình, Shell đã công bố chương trình mua lại cổ phiếu mới trị giá 3,5 tỷ USD trong ba tháng tới, đây là “quý thứ 12 liên tiếp chúng tôi công bố các khoản mua lại từ 3 tỷ USD trở lên”, gã khổng lồ Anh cho biết.
Cuối cùng, BP có kế hoạch “mua lại cổ phiếu ít nhất 14 tỷ USD từ nay đến năm 2025”. Tập đoàn đã hoàn tất việc mua lại cổ phiếu trị giá 1,75 tỷ USD trong quý 2 và đang chuẩn bị thực hiện điều tương tự trong quý 4.
Các Big Oil tăng tốc thăm dò dầu thô ở Namibia |
Khi dầu thô cạn kiệt, các Big Oil buộc phải vay để trả cổ tức |
Kế hoạch của OPEC+ bị đảo lộn khi Big Oil thúc đẩy sản lượng |
Nh.Thạch