Hạ tầng nghề cá Nghệ An đối mặt với thách thức bồi lắng nghiêm trọng
(PetroTimes) - Tỉnh Nghệ An, với hơn 3.400 tàu thuyền khai thác hải sản hoạt động trên biển, đã coi kinh tế biển là một trong những trụ cột chính để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng cảng cá và khu neo đậu trên địa bàn tỉnh đang đứng trước thách thức lớn do tình trạng bồi lắng nghiêm trọng, gây ra không ít khó khăn cho các ngư dân khi ra vào cảng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khai thác và đời sống của họ.
Quảng Ninh: Nỗ lực khôi phục hoạt động nuôi trồng thủy sản |
9 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đứng đầu trong nhóm thủy sản |
Cảng cá Lạch Vạn (thuộc xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, Nghệ An), nơi đây có hàng trăm người tập trung về để buôn bán, trao đổi hải sản mỗi ngày. |
Ngư dân lo sợ mỗi khi ra vào cảng
Anh Hoàng Văn Minh, một ngư dân lâu năm tại cảng Lạch Quèn (huyện Quỳnh Lưu), chia sẻ: "Cứ vào mùa khô từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm, nước ở cửa lạch cạn đi trông thấy. Những tàu thuyền có công suất lớn như của tôi không thể ra vào cảng như bình thường. Mỗi tháng, chỉ khoảng 10 ngày tàu tôi có thể cập cảng an toàn, phần còn lại tôi phải neo đậu tàu ở ngoài xa để tránh mắc cạn." Với tổng công suất lên tới 1.200 CV, tàu của anh Minh và nhiều tàu khác buộc phải đối diện với nguy cơ mắc cạn, đặc biệt là khi biển động và sóng lớn. Anh Minh nhớ lại vụ tai nạn đau lòng vào năm 2019, khi tàu của anh cố gắng vào cảng trong thời tiết xấu và không may bị sóng lớn nhấn chìm.
Không chỉ những tàu lớn mà ngay cả những tàu nhỏ hơn ở các xã ven biển như Tiến Thủy, An Hòa, Quỳnh Nghĩa cũng gặp tình trạng tương tự. Ngư dân tại đây phải thường xuyên đối mặt với các tai nạn do mắc cạn. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng vào mùa khô khi các tàu thuyền khó có thể ra vào cảng đúng lịch trình, làm gián đoạn các chuyến đi biển và ảnh hưởng đến sản lượng khai thác hải sản.
Tình trạng bồi lắng nghiêm trọng lan rộng
Cửa lạch Lạch Thơi, một trong những cảng cá trọng điểm của huyện Quỳnh Lưu, đã bị bồi lắng nghiêm trọng. Ngư dân tại khu vực này cho biết, đoạn từ Đồn Biên phòng Lạch Thơi ra đến cửa biển, kéo dài khoảng 800m, trở thành "điểm đen" cho các vụ mắc cạn, khiến hơn 300 tàu thuyền tại đây gặp khó khăn. "Nhiều khi chúng tôi phải chờ tới khi thủy triều lên cao mới dám cho tàu vào bờ," ông Nguyễn Văn Hải, một chủ tàu nhỏ, cho hay.
Không chỉ Lạch Thơi, cảng cá Quỳnh Phương cũng đối mặt với thách thức bồi lắng ngày càng trầm trọng. Đặc biệt, khi biển động, cửa lạch hẹp lại và luồng lạch không còn đủ sâu, buộc các tàu thuyền phải neo đậu bên ngoài, chờ biển lặng mới có thể vào cảng. Điều này không chỉ khiến thời gian đánh bắt kéo dài mà còn gây thiệt hại về kinh tế do chi phí vận hành tăng lên.
Cần giải pháp căn cơ để khắc phục
Trong những năm qua, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực để nâng cấp, cải thiện tình trạng này. Các dự án nạo vét luồng lạch tại các cảng cá lớn như Lạch Quèn, Lạch Thơi, Quỳnh Phương đã được triển khai với sự đầu tư lớn. Điển hình là dự án Khu neo đậu tránh trú bão Lạch Thơi có tổng vốn đầu tư hơn 96 tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, tình trạng bồi lắng vẫn tiếp tục tái diễn chỉ sau một thời gian ngắn. Nguyên nhân chính đến từ dòng chảy biến đổi liên tục, cùng với tác động của thời tiết khắc nghiệt khiến các luồng lạch nhanh chóng bị lấp đầy.
Ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, nhấn mạnh rằng việc nạo vét luồng lạch chỉ là giải pháp tạm thời. Để giải quyết triệt để vấn đề này, cần có các biện pháp kỹ thuật lâu dài như xây dựng các mỏ hàn và hệ thống kè hai bên bờ lạch nhằm ổn định dòng chảy, hạn chế sự bồi lắng. Ngoài ra, việc huy động nguồn lực từ Trung ương và các bộ ngành liên quan cũng là điều cần thiết để đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện các dự án lớn này.
Hệ lụy từ vấn đề bồi lắng không chỉ dừng lại ở ngư dân
Tình trạng bồi lắng không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động khai thác hải sản mà còn gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát khai thác IUU (khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định). Các cảng cá bị bồi lắng, tàu thuyền không thể cập bến kịp thời, gây ra tình trạng mất kiểm soát trong việc khai thác và đánh bắt, ảnh hưởng đến nỗ lực của cả nước trong việc ngăn chặn và xử lý khai thác IUU theo chỉ đạo của Trung ương.
Với những thách thức đang tồn tại, Nghệ An cần có sự đầu tư quyết liệt hơn vào hạ tầng nghề cá để không chỉ đảm bảo an toàn cho ngư dân mà còn góp phần vào việc phát triển bền vững kinh tế biển trong tương lai.
PV