Quảng Nam đề xuất điều chỉnh, bổ sung Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn
(PetroTimes) - UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đề xuất điều chỉnh, bổ sung Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã gửi Văn bản số 7453/UBND-KTN về việc đề xuất điều chỉnh, bổ sung Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn lên Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Quy trình 1865 (Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn năm 2019) cho phù hợp thực tế, hiệu quả trong công tác phòng, chống thiên tai.
Cụ thể, tỉnh Quảng Nam đề nghị rà soát, điều chỉnh về các nội dung, quy định có liên quan trong Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn để đáp ứng và phù hợp với Luật Phòng thủ dân sự ngày 20/6/2023.
Theo Quy trình 1865, tại khoản 1 điều 5 ( nguyên tắc vận hành các hồ giảm lũ cho hạ du) quy định “Việc thực hiện chế độ vận hành bảo đảm an toàn công trình được thực hiện theo quy trình vận hành của hồ đã được cấp có thẩm quyền ban hành, trừ các trường hợp bất thường quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 7 của Quy trình hoặc các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ hoặc Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai quyết định” và tại điểm điểm c, khoản 2, Điều 7 của Quy trình có nội dung “Các tình huống bất thường khác do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam hoặc Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng quyết định để đảm bảo an toàn cho hạ du”. Do đó, tỉnh Quảng Nam đề nghị "Với các quy định nêu trên thì chưa thống nhất về thẩm quyết định vận hành trong tình huống bất thường khác. Đề nghị điều chỉnh thống nhất về thẩm quyền quyết định vận hành trong tình huống bất thường khác".
Quảng Nam cũng đề nghị bổ sung quy định trường hợp xử lý sự cố, duy tu bảo dưỡng đường ống, tuyến năng lượng, hệ thống tuabin… dẫn đến không thể xả nước về hạ du trong thời đoạn ngắn và xem xét bổ sung kịch bản và thẩm quyền quyết định sử dụng phần dung tích từ mực nước dâng bình thường đến mực nước lũ kiểm tra để vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du khi có tình huống. Đồng thời, rà soát, hiệu chỉnh các thông số kỹ thuật và giá trị mực nước của các hồ chứa thuộc Quy trình 1865.
Tỉnh Quảng Nam đề nghị nghiên cứu điều chỉnh thời gian mùa lũ đến hết ngày 31 tháng 12, thời gian bắt đầu mùa cạn từ ngày 01 tháng 01. |
Văn bản số 7453/UBND-KTN của tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị tại Điều 1 trong Quy trình 1865 về việc rà soát, bổ sung các hồ chứa thủy điện đã đưa vào hoạt động trong những năm gần đây, nhưng có khả năng ảnh hưởng đến điều tiết, phân phối nguồn nước (như hồ chứa thủy điện Đăk Di 2, Tr’Hy…). Điều 2 (Thời gian vận hành mùa lũ và mùa cạn) đề nghị nghiên cứu điều chỉnh thời gian mùa lũ đến hết ngày 31 tháng 12, thời gian bắt đầu mùa cạn từ ngày 01 tháng 01 và điều chỉnh thời gian bắt đầu mùa cạn tại Điều 17 (các thời kỳ vận hành hồ trong mùa cạn).
Bên cạnh đó, tại Điểm a khoản 2 Điều 7 (Các chế độ vận hành hồ và thẩm quyền chỉ đạo, quyết định vận hành trong mùa lũ), đề nghị bổ sung thêm điều kiện về bản tin dự báo, cảnh báo gây mưa lớn, lũ cho từng lưu vực hồ chứa quy định tại Bảng 1 và 2 của Quy trình; và một số vấn đề vận hành giảm lũ cho hạ du ở Điều 8 (Vận hành giảm lũ cho hạ du đối với các hồ A Vương, Đắk Mi 4, Sông Bung 4 và Sông Bung 2) và Điều 9 (Vận hành giảm lũ cho hạ du đối với hồ Sông Tranh 2).
Tại Điều 11 (Vận hành bảo đảm an toàn công trình), tỉnh Quảng Nam đề nghị thống nhất các chủ hồ khi vận hành chế độ đảm bảo an toàn công trình phải báo cáo đến các cơ quan thẩm quyền như quy định tại điểm c khoản 6 Điều 34 (Trách nhiệm của Chủ hồ). Điều 15 (Vận hành các đập An Trạch, Hà Thanh, Thanh Quýt, Bàu Nít và Nhà máy nước Cầu Đỏ), đề nghị đánh giá hiện trạng cấp nước của thành phố Đà Nẵng để tính toán, phân phối lại nguồn nước cho phù hợp với thực tế.
Trong Khoản 4 Điều 18 (Thẩm quyền quyết định vận hành hồ trong mùa cạn), đề nghị xem xét sửa đổi cụm từ “bao gồm cả việc xem xét sử dụng một phần dung tích chết của các hồ thông qua việc xả nước qua các cửa van” cho phù hợp với thủy điện có cửa van xả trên mực nước chết và không có van xả đáy hoặc sử dụng lưu lượng này xả qua tổ máy để phát điện nhưng không đảm bảo điều kiện về an toàn thiết bị.
Ở Điều 19 (Vận hành đối với hồ A Vương) và Điều 20 (Vận hành đối với hồ Sông Bung 4), tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị chỉnh sửa cụm từ “vận hành xả nước liên tục không ít hơn 12 giờ/ngày” cho phù hợp thực tế. Khoản 2 Điều 24 (Vận hành đối với hồ Sông Bung 4A, Sông Bung 5 và Sông Bung 6), đề nghị chỉnh sửa phù hợp theo nội dung chỉnh sửa tại Điều 19, Điều 20.
Đặc biệt, tại Điều 28 (Trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng), Điều 30 (Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công Thương), Điều 31 (Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Điều 34 (Trách nhiệm của Chủ hồ) là xem xét, hiệu chỉnh cụm từ “xả lũ” thành cụm từ “vận hành, điều tiết xả nước” nhằm đảm bảo phù hợp thực tế việc vận hành điều tiết hồ chứa.
Đối với Điều 37 (Trách nhiệm về an toàn các công trình), tỉnh Quảng Nam đề nghị bổ sung trường hợp Chủ hồ không thực hiện theo Lệnh vận hành.
Hiện, tỉnh Quảng Nam hiện có khoảng 19 hồ thủy điện (A Vương, Đắk Mi 4, Sông Tranh 2, Sông Bung 4, Sông Bung 4A, Sông Bung 5, Sông Bung 2, Sông Bung 6, A Vương 3, Za Hung, Đắk Mi 2, Đắk Mi 3, Đắk Mi 4b, Đắk Mi 4c, Sông Tranh 3, Sông Tranh 4, Khe Diên, Sông Côn 2 bậc 1, Sông Côn 2 bậc 2) được tổ chức vận hành theo Quy trình 1865. |
Phúc Nguyên