Thách thức phát triển điện gió ngoài khơi
Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi (ĐGNK) phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 MW; quy mô có thể tăng thêm trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý. Định hướng đến năm 2050 đạt 70.000 - 91.500 MW. Tuy nhiên, mục tiêu này đang đứng trước nhiều thách thức.
Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 MW. Ảnh: Quốc Tuấn |
Nhiều thách thức
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương cho hay, phát triển điện gió trên bờ và ĐGNK được quản lý và điều chỉnh bởi khung pháp lý và quy định chung. Hai khuôn khổ đầu tư hiện có để phát triển ĐGNK tại Việt Nam bao gồm: dự án điện độc lập (IPP) điều chỉnh bởi Luật Đầu tư và các quy định liên quan; đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) điều chỉnh bởi Luật PPP.
Theo ông Hùng, hiện thách thức lớn nhất đối với mục tiêu 6.000 MW ĐGNK vào năm 2030 là Quy hoạch không gian biển quốc gia chưa được phê duyệt, nên không có hướng dẫn chi tiết về quy trình nộp hồ sơ xin giấy phép khảo sát và các yêu cầu kỹ thuật; vấn đề chồng lấn khu vực biển chưa được giải quyết; các khu vực biển dành cho phát triển ĐGNK và tiêu chí liên quan chưa được công bố nên chưa thể thực hiện các bước tiếp theo.
Ngoài ra, một nghiên cứu của Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) chỉ ra, trong Quy hoạch điện VIII và Kế hoạch thực hiện chưa nêu rõ các đặc điểm hoặc dự án ĐGNK cụ thể được phát triển ra sao. Các khu vực phát triển ĐGNK chưa được xác định trong những tài liệu quy hoạch khác.
Liên quan đến hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư dự án ĐGNK, VEPG chỉ ra, các cơ quan Việt Nam, bao gồm Bộ Công Thương đã đề cập cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án, nhưng các điều kiện về tiếp cận về thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài chưa chi tiết, Đề án thí điểm ĐGNK đề xuất chưa được xây dựng và phê duyệt đầy đủ. Đối với lựa chọn nhà đầu tư, quy trình lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án ĐGNK chưa được quy định rõ. Các yêu cầu cụ thể đối với việc lựa chọn nhà đầu tư dự án ĐGNK chưa được xác định. Giá ĐGNK hiện cũng chưa rõ ràng …
Một nhà đầu tư điện gió ở khu vực phía Nam nhìn nhận, Việt Nam có tiềm năng ĐGNK lớn nhưng hiện cơ chế, chính sách phát triển nguồn điện này chưa đầy đủ, rõ ràng. “Việc đàm phán giá của các dự án điện gió gần bờ hay trên bờ đã hoặc đang triển khai vẫn rất khó khăn cho dù cấp thẩm quyền đã ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Nhà đầu tư phải đi lại nhiều lần để đàm phán với EVN nhưng chưa có kết quả cụ thể”, nhà đầu tư này thông tin.
Cần khơi thông “điểm nghẽn” pháp lý
Nhiều ý kiến cho rằng, để hiện thực hóa mục tiêu 6.000 MW ĐGNK vào năm 2030, việc xây dựng chiến lược phát triển tổng thể lĩnh vực ĐGNK là hết sức cần thiết.
Về phía Bộ Công Thương, ông Bùi Quốc Hùng cho biết, sau khi trình Thủ tướng ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, Bộ đang triển khai những danh mục dự án cần thiết để ban hành kế hoạch tiếp theo, bao gồm những giải pháp phát triển dự án điện, trong đó có ĐGNK.
Theo TS. Dư Văn Toán, Viện Khoa học Môi trường và Hải đảo thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường, trước hết, cần có giải pháp tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, chính sách. “Để sớm thực hiện các dự án thí điểm về ĐGNK đến 2030 (với 6.000 MW), cần xem xét nghiên cứu xây dựng và ban hành chiến lược quốc gia, kèm lộ trình về phát triển ĐGNK đến 2030, tầm nhìn đến 2050; quy hoạch không gian phát triển ĐGNK cho các dự án cụ thể gắn với Quy hoạch điện VIII… và Kế hoạch thực hiện”, ông Toán gợi ý.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu các chương trình, mô hình thử nghiệm kết hợp ĐGNK với sản xuất hydrogen xanh, đảo năng lượng ĐGNK và các dạng ngành nghề khác như: năng lượng sóng biển, năng lượng mặt trời, thủy triều, nuôi biển…
Ông Juan Frías, Trưởng bộ phận Tư vấn về đấu thầu và Ước tính chi phí dự án thuộc Công ty Tư vấn điện gió ngoài khơi (OWC) cho rằng, ĐGNK là dự án có vốn đầu tư lớn, thời gian thực hiện dài, nên một cơ chế, chính sách rõ ràng sẽ bảo đảm Việt Nam thu hút được nguồn lực đầu tư.
Ông Juan Frías đề xuất quy trình lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án ĐGNK cho Việt Nam theo mô hình 2 giai đoạn (giai đoạn 1: trao quyền khảo sát độc quyền; giai đoạn 2: ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN) với các tiêu chí lựa chọn minh bạch, hợp lý với một quá trình tuyển chọn cạnh tranh đơn giản. “Mô hình này sẽ tạo ra cuộc đấu thầu cạnh tranh và tăng khả năng huy động vốn phát triển dự án ĐGNK”, ông Juan Frías gợi mở.
Theo Báo Đấu thầu