Tích cực hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024
(PetroTimes) - Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, vừa ban hành kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024. Trong đó, hỗ trợ thông tin, tư vấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và tuyên truyền để các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt kịp thời, đầy đủ các quy định pháp luật lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
Ngày 26/4/2024, Bộ Công Thương có Quyết định số 1003/QĐ-BCT Ban hành Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024 của Bộ Công Thương. Cụ thể, Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024 của Bộ Công Thương được ban hành với mục đích cung cấp thông tin pháp luật cho doanh nghiệp; tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp; tiếp nhận vướng mắc và giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp; các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp thông qua đó giúp doanh nghiệp nắm bắt kịp thời, đầy đủ các quy định pháp luật trong lĩnh vực nhà nước của Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương luôn tích cực hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển. |
Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực; bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, không chồng chéo, trùng lặp và thực hiện đầy đủ nguyên tắc, nội dung hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (sau đây gọi là “Nghị định số 55/2019/NĐ-CP”); Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (sau đây gọi là “Nghị định số 80/2021/NĐ-CP”).
Gắn kết chặt chẽ giữa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Công Thương;
Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức đại diện của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về hình thức, nội dung hỗ trợ pháp lý trọng tâm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024, gồm: cung cấp thông tin; tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiếp nhận vướng mắc và giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp; tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật.
Theo Bộ Công Thương, các hoạt động, lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024 của Bộ Công Thương như sau: Cung cấp thông tin cho doanh nghiệp; Công nhận và công bố mạng lưới tư vấn viên pháp luật ngành Công Thương; Tiếp nhận, nghiên cứu các kiến nghị của doanh nghiệp, đề xuất sửa đổi, bo sung, ban hành mới hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài ra, phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Về kinh phí bảo đảm thực hiện các hoạt động tại Kế hoạch này được bố trí trong dự toán của cơ quan, đơn vị và được thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, Thông tư số 64/2021/TT-BTC ngày 29 tháng 7 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về tổ chức thực hiện, Bộ Công Thương yêu cầu Vụ Pháp chế chủ trì, đôn đốc, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch này; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Bộ Công Thương theo quy định.
Các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Tổng cục Quản lý thị trường (sau đây gọi tắt là các đơn vị thuộc Bộ) có trách nhiệm:
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và nội dung tại Kế hoạch này, các đơn vị thuộc Bộ chủ động, nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại đơn vị đảm bảo tiến độ đề ra. Đối với đối tượng không phải là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các đơn vị thuộc Bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ, khả năng, nguồn lực, quyết định áp dụng các quy định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định pháp luật;
Thực hiện báo cáo Bộ (qua Vụ Pháp chế) tình hình và kết quả thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của đơn vị mình định kỳ 06 tháng (trước ngày 15/6) và hàng năm (trước ngày 10/12).
Cán bộ đầu mối theo dõi công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành Công Thương theo Quyết định số 2436/QĐ-BCT ngày 29 tháng 10 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và tổ chức thực hiện Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của đơn vị mình.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Vụ Pháp chế duy trì Trang Thông tin pháp luật Công Thương phục vụ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành Công Thương.
Vụ Kế hoạch-Tài chính, Văn phòng Bộ bố trí kinh phí để thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Kế hoạch này theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP và các văn bản có liên quan.
Có thể thấy rằng, việc hỗ trợ về pháp luật cũng như tuyên truyền cho doanh nghiệp vừa và nhỏ là cực kỳ cần thiết. Đây là nền tảng để doanh nghiệp Việt Nam phát triển, tránh khỏi những bẫy rập lừa đảo trong thương mại quốc tế hoặc vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết về những quy định của các thị trường nước ngoài.
Tùng Dương