Giao 5 bộ sớm ban hành kế hoạch xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai
(PetroTimes) - Chính phủ vừa giao 5 bộ chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ trên là Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, theo nghị quyết phiên họp Chính phủ ngày 6/2.
Sẽ triển khai sớm các nghị định để Luật Đất đai (sửa đổi) đi vào cuộc sống |
Ban hành quy định mới về định giá đất theo 4 phương pháp |
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Tài chính tổng hợp kiến nghị của địa phương về điều tiết 10% nguồn thu từ đất để phục vụ quản lý, số hóa cơ sở dữ liệu đất đai. Hai bộ đề xuất phương án, báo cáo Thủ tướng trong tháng 3.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024, với tinh thần "không để khoảng trống pháp lý".
Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai gồm nhiều thành phần dữ liệu như tổng hợp về địa chính, không gian, thửa đất, biểu số liệu; hiện trạng sử dụng đất cấp quốc gia, vùng, tỉnh; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, vùng, tỉnh; khung giá đất, giá đất giáp ranh, bảng giá đất; dữ liệu điều tra cơ bản về đất đai như chất lượng, tiềm năng, thoái hóa, ô nhiễm đất...
Dữ liệu về thửa đất sẽ gồm loại đất, diện tích sử dụng, số tờ, số thửa, người sử dụng, tình trạng pháp lý, tài sản gắn liền với đất...
Trước đó, tháng 4/2021, Thủ tướng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất.
Ảnh minh họa///kinhtexaydung.gn-ix.net/ |
Giải trình trước Quốc hội tháng 11/2022, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà (trên cương vị là Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường) cho biết trên cơ sở thu thập đầy đủ cơ sở dữ liệu về giá đất, các cơ quan sẽ thống kê, tính toán để xác định vùng đất, thửa đất chuẩn và số lượng thửa đất... từ đó tính được giá đất. Người dân có thể thông qua cơ sở dữ liệu hoặc bản đồ địa chính, số hóa đất đai để tiếp cận giá đất. "Khi đã xây dựng được cơ sở dữ liệu giá đất thì ai cũng có thể biết và không ai có thể can thiệp bởi đó là giá thị trường", ông Hà nói.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Các địa phương như Hà Nội đang gặp vướng mắc trong triển khai dự án, với những thách thức như thông tin không đồng bộ, địa chỉ không chi tiết, và khó khăn trong việc thu thập thông tin từ người dân. Các chuyên gia cũng lưu ý rằng dữ liệu không được cập nhật đầy đủ và thường xuyên, đặt ra thách thức trong quản lý và đánh giá đất đai theo hiện trạng sử dụng.
Huy Tùng