Rao bán bất động sản thanh lý ngân hàng: Cẩn thận “cú lừa”
Cuối năm, trên các hội nhóm rao bán bất động sản thường xuất hiện những thông tin gấp gáp với lý do vỡ nợ, ngân hàng thanh lý nhằm câu khách, người mua phải hết sức thận trọng.
Chỉ cần vài click chuột, người mua có thể dễ dàng tìm thấy hàng ngàn thông tin rao bán kèm theo hình ảnh, số điện thoại liên hệ. Trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo... liên tục xuất hiện những bài quảng cáo bán đất với những lời giới thiệu hấp dẫn như “Ngân hàng bán BĐS giá tốt tại… Mua tài sản liên hệ ngay…”.
Nhiều trang web lấy danh nghĩa ngân hàng thanh lý để dễ tạo niềm tin cho người mua. Ảnh: KL |
Mượn danh ngân hàng rao bán khắp nơi
Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Văn B. (Hưng Yên) cho biết, anh là một trong những khách hàng đã mắc phải chiêu lừa đảo của môi giới. Anh B. kể lại, anh được môi giới quảng cáo có một miếng đất tại thành phố Hưng Yên đang được ngân hàng thanh lý với mức giá hời, dao động từ 700-900 triệu/1 nền khoảng 90m2. Nghe có thể mua được với giá hời tại trung tâm thành phố, lại có sổ đỏ nên anh vội vàng chớp lấy cơ hội trúng mánh.
Tiếp anh B. là một nhân viên với lời giới thiệu: “Lô đất này hiếm lắm đó anh, bọn em phải canh mãi, chờ đến lúc ngân hàng họ bung ra là mua số lượng lớn nên mới có giá hời như vậy để bán lại. Sau khi thanh toán 95%, anh sẽ được làm thủ tục sang tên, công chứng luôn. Anh yên tâm, đất này mua chắc chắn bán lại sẽ có lời ngon”, nhân viên này cam kết.
Nghe anh B. băn khoăn về giấy tờ nhà đất, nhân viên môi giới cũng khẳng định đây là đất do ngân hàng thanh lý nên anh yên tâm, đảm bảo khi thanh toán 95% sẽ được rút sổ. Vì nhẹ dạ nên anh cũng đặt cọc trước cho nhân viên, nhưng đến ngày lấy sổ, anh không thể liên hệ được cho nhân viên. Đến khi hỏi lại trực tiếp tại ngân hàng, anh mới biết rằng mình đã “mắc bẫy” của họ.
“Tôi đã lấy hết số tiền mình tích góp bao lâu nay, thậm chí tôi còn phải đi vay thêm ngân hàng một khoản, giờ tiền mất, tôi còn gánh thêm một khoản nợ hàng trăm triệu. Mong mọi người đừng nhẹ dạ mà tin người dễ dàng như tôi, hãy tìm hiểu thật kỹ trước khi mua những tài sản có giá trị lớn như vậy”, anh B. chia sẻ.
May mắn hơn anh B, chị Nguyễn Kim A. (Hà Nội) trước khi định rút ra 30 triệu để đặt cọc mua 1 lô đất tại quận Nam Từ Liêm cho môi giới. Để chắc chắn, chị đã yêu cầu nhân viên dẫn đi xem đất và hỏi thêm một số thông tin về lô đất mình sắp mua. Môi giới này chỉ lòng vòng diễn thuyết về những khoản lợi nhuận hấp dẫn của khách hàng khi mua đất ngân hàng thanh lý. Đồng thời, người này liên tục trình cho chị A. xem danh sách một loạt dài 4-5 trang về các khách hàng đã mua đất để tăng sự tin tưởng.
Tuy nhiên, khi chị yêu cầu môi giới dắt đi xem đất để chắc chắn đặt cọc, nhân viên môi giới đã dẫn chị A. đi lòng vòng khắp quận Nam Từ Liêm rồi dắt ra những địa chỉ xa nội thành hơn. Nhận thấy được điều không ổn từ nhân viên môi giới, chị A. quyết định không mua mảnh đất này.
Ông Nguyễn Mạnh - một chuyên gia bất động sản tại Hà Nội cho biết, đây thực chất chỉ là chiêu trò bán hàng của một số người làm môi giới nhà đất. Để bán được hàng, họ không ngần ngại sử dụng những chiêu trò để đánh vào tâm lý ham rẻ của khách hàng, kể cả mạo danh ngân hàng. Đây chủ yếu là những người môi giới tự do hoặc những công ty bất động sản có quy mô nhỏ.
“Điều này cũng rất dễ hiểu, bởi khi họ bán được hàng thì mới có doanh thu và hưởng lương, cộng hoa hồng. Vì thế, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là mạng xã hội, các trang rao vặt... có rất nhiều thông tin về nhà đất giá rẻ do ngân hàng thanh lý nhưng thực tế hoàn toàn không phải. Do đó, người mua cần phải hết sức cẩn trọng, tìm hiểu kỹ sản phẩm đó trước khi quyết định đặt cọc”- ông Mạnh chia sẻ.
Cẩn thận “cú lừa”
Trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, nhu cầu bán nhà, đất giảm giá là có thật. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng không ít môi giới lợi dụng bối cảnh thị trường để gom thông tin, dữ liệu của người có nhu cầu đầu tư bất động sản. Từ đó, dẫn dắt họ tham gia vào các dự án không rõ pháp lý.
Không ít môi giới lợi dụng bối cảnh thị trường để gom thông tin, dữ liệu của người có nhu cầu đầu tư bất động sản. Ảnh: KL |
Luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, theo quy định khi thanh lý tài sản, các ngân hàng thường phải đăng tải thông tin trên website và các phương tiện truyền thông chứ không sử dụng hình thức như telesale (gọi điện), chạy quảng cáo trên mạng xã hội hay thông qua cò đất. Do đó có thể khẳng định, thông tin trên tờ rơi, tin nhắn rao bán đất là tài sản thanh lý của ngân hàng đều là mạo danh và có dấu hiệu lừa dối khách hàng. Các cò đất hoặc công ty môi giới sử dụng chiêu này để dễ dụ được người mua hơn. Họ đánh vào tâm lý khách hàng như dùng từ “thanh lý” giá rẻ.
“Làm gì có chuyện đất ngân hàng thanh lý mà rao bán rầm rộ như bán rau. Năm nay thị trường khó khăn nên môi giới sẽ có rất nhiều chiêu để dụ khách hàng. Do đó, các nhà đầu tư cần cẩn trọng hết mức với những bài quảng cáo đất đai giá rẻ hơn nhiều lần so với thực tế”, Luật sư Cường bày tỏ.
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển cho rằng, về khía cạnh thị trường những mỹ từ như thanh lý, giá rẻ… chỉ là kỹ thuật quảng cáo nhằm lôi kéo khách hàng tới. Bằng thuật ngữ “ngân hàng thanh lý”, người môi giới nhà đất đánh vào tâm lý người dân nghĩ rằng cái gì thanh lý giá cũng rẻ và có “ngân hàng” đứng đằng sau thì sẽ an tâm hơn. Nhưng đa phần những đất nền này đều ở xa, thuộc loại kén người mua hoặc có vấn đề về pháp lý.
“Với những dự án đất giá rẻ, thấp hơn giá trung bình trên thị trường khu vực thì thường tiềm ẩn yếu tố rủi ro pháp lý: Hoặc là giấy tờ chưa hợp lệ, hoặc là khu vực đó chưa được phép phân lô tách thửa. Do đó, nhà đầu tư cần phải đặc biệt quan tâm để tránh mất tiền oan vì những loại tài sản không rõ nguồn gốc, pháp lý mập mờ” - ông Hiển khuyến cáo.
Một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản đưa ra lời khuyên, trước khi quyết định mua, khách hàng phải kiểm tra thật kỹ xem đất đã ra sổ chưa. Với hợp đồng mua bán, cần rà soát kỹ để tránh các điều khoản bất lợi cho mình. Đối với tài sản thế chấp cần phải quan tâm xem đã được giải chấp chưa. Ngoài ra, khách hàng cần kiểm tra kỹ xem dự án đó nằm trong khu quy hoạch chưa, cơ sở hạ tầng thế nào… Nếu không kiểm tra kỹ, lỡ dính vào một tài sản không rõ ràng thì sau này khách hàng sẽ rất phiền toái.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Thị trường bất động sản năm 2024 nhiều triển vọng hồi phục Thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, đang và sẽ ghi nhận những động thái tích cực, cho thấy nhiều triển vọng phục hồi. |