Nhịp đập năng lượng ngày 21/12/2023
(PetroTimes) - Sắp trình cơ chế, chính sách đặc thù cho khí LNG, điện gió ngoài khơi; Xuất khẩu dầu Nga sang Trung Quốc và Ấn Độ tăng mạnh; Mỹ mở cuộc đấu giá quyềnkhoan dầu khí lớn nhất kể từ năm 2015… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 21/12/2023.
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn |
Sắp trình cơ chế, chính sách đặc thù cho khí LNG, điện gió ngoài khơi
Bộ Công Thương mới ban hành kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án điện khí (bao gồm khí khai thác trong nước và LNG) và điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII.
Theo Bộ trưởng Công Thương, qua rà soát có một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ đối với việc phát triển dự án điện khí và điện gió ngoài khơi mà chưa được pháp luật hiện hành quy định rõ ràng. “Các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi cần kiến nghị Quốc hội có Nghị quyết đặc thù để triển khai đáp ứng tiến độ theo Quy hoạch điện VIII. Riêng dự án Điện gió ngoài khơi cần đưa vào danh mục dự án quan trọng quốc gia cần phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù”, kết luận nêu rõ.
Trên cơ sở ý kiến thống nhất cao tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tổng Công ty khí Việt Nam (PV Gas), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) khẩn trương rà soát các quy định của pháp luật và căn cứ vào tình hình thực tế triển khai, khó khăn, vướng mắc của các dự án, đồng thời tham khảo kinh nghiệm của các nước để có đề xuất, báo cáo cụ thể với Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, trước ngày 20/12/2023.
Bộ trưởng giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị: Cục Điều tiết điện lực, Vụ Dầu khí và Than, Vụ Pháp chế, trên cơ sở báo cáo của các đơn vị, tổng hợp báo cáo Chính phủ để kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết tháo gỡ những vướng mắc đối với quy định của pháp luật hiện hành trong triển khai các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII trước ngày 30/12/2023.
Xuất khẩu dầu Nga sang Trung Quốc và Ấn Độ tăng mạnh
Nikolay Tokarev, người đứng đầu công ty độc quyền đường ống dẫn dầu của Nga Transneft, nói rằng nước này đã tăng đáng kể xuất khẩu dầu thô sang Trung Quốc và Ấn Độ trong năm nay, với khối lượng sang Trung Quốc đạt 100 triệu tấn mỗi năm, tương đương khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày.
Trung Quốc và Ấn Độ đã trở thành những thị trường xuất khẩu dầu mỏ chủ lực của Nga trong năm nay sau lệnh cấm vận của EU đối với dầu thô và các sản phẩm dầu Nga, cũng như giới hạn giá do G7 dẫn đầu. Theo đó, các công ty bảo hiểm và tài chính phương Tây bị cấm cung cấp dịch vụ cho việc vận chuyển dầu của Nga. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều chứng kiến lượng dầu thô nhập khẩu từ Nga đạt mức cao kỷ lục vào một thời điểm trong năm 2023.
Theo Tổng giám đốc điều hành Transneft, Nga cũng đã đưa dầu thô tới các thị trường mới trong năm nay, như Ai Cập, Maroc, Myanmar, Pakistan…
Xuất khẩu dầu thô của Mỹ lập kỷ lục
Theo dữ liệu công bố ngày 20/12 từ Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), xuất khẩu dầu thô của Mỹ trong nửa đầu năm 2023 đạt trung bình 3,99 triệu thùng mỗi ngày. Con số này tăng 19% so với một năm trước và là mức cao nhất trong nửa đầu năm kể từ năm 2015, khi lệnh cấm xuất khẩu dầu thô của Mỹ chấm dứt.
Xuất khẩu dầu thô tăng vọt xảy ra khi Mỹ đang bơm ra thị trường một lượng dầu kỷ lục, lên tới 13 triệu thùng/ngày trong tháng 9 và củng cố vị thế là nhà sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới. Mặt khác, Ả Rập Xê Út vẫn là nước xuất khẩu dầu hàng đầu, với lượng xuất khẩu hơn 6 triệu thùng mỗi ngày, nhưng cơn lũ dầu từ Mỹ đã khiến Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) khó chiếm lĩnh thị trường dầu mỏ hơn.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), khối lượng sản xuất khổng lồ từ các nước như Mỹ, Brazil và Guyana đã làm giảm thị phần của OPEC trên thị trường dầu mỏ xuống mức thấp nhất trong gần một thập niên.
Mỹ mở cuộc đấu giá quyền khoan dầu khí lớn nhất kể từ năm 2015
Ngày 20/12, cuộc đấu giá quyền khoan ở Vịnh Mexico của Chính quyền Biden đã huy động được 382 triệu đô la. Theo một thống kê của Reuters, tổng giá của cuộc đấu giá lần này cao nhất, so với bất kỳ cuộc đấu giá cho thuê diện tích dầu khí ngoài khơi nào của liên bang kể từ năm 2015. Cuộc đấu giá này có thể sẽ là cơ hội cuối cùng để các công ty dầu khí đấu thầu diện tích Vịnh Mexico cho đến năm 2025, theo lịch trình 5 năm của Chính quyền.
Shell, Hess, Anadarko, BP, Chevron, Repsol và Equinor nằm trong số 26 công ty tham gia cuộc đấu giá này. Theo chương trình phát sóng trực tuyến về đợt bán đấu giá của Cục Quản lý Năng lượng Đại dương Mỹ (BOEM), Anadarko đã có giá thầu cao nhất trong cuộc đấu giá là hơn 25 triệu USD cho một lô ở khu vực nước sâu hẻm núi Mississippi.
Khoảng 2,4% diện tích dầu khí được đấu giá đã nhận được hồ sơ thầu, theo tài liệu thống kê trước khi đấu giá được đăng trên trang web của BOEM. Hơn 3/4 diện tích nhận được hồ sơ thầu nằm trong vùng nước sâu hơn 800 mét (2.625 feet).
Đan Mạch sẽ xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới
Ngày 20/12, tập đoàn năng lượng tái tạo Orsted của Đan Mạch thông báo sẽ xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới ở bờ biển miền Đông nước Anh. Trang trại điện gió Hornsea 3 có công suất 2,9 gigawatt nhằm cung cấp năng lượng cho hơn 3,3 triệu ngôi nhà ở Anh.
Công trình này dự kiến sẽ được hoàn thành vào khoảng cuối năm 2027, tạo ra tới 5.000 việc làm trong giai đoạn xây dựng. Orsted cũng cho biết khi đi vào hoạt động lâu dài, Hornsea 3 sẽ tạo ra 1.200 việc làm cố định, cả trực tiếp lẫn trong chuỗi cung ứng.
Đây sẽ là dự án xây dựng trang trại điện gió thứ ba của Orsted ở khu vực Hornsea, được vận hành ngoài khơi thị trấn Grimsby (Anh). Nhấn mạnh điện gió ngoài khơi là một thị trường toàn cầu mang tính cạnh tranh vô cùng lớn, Giám đốc Điều hành của Orsted Mads Nipper đã hoan nghênh chính sách thu hút đầu tư ở Anh đối với các dự án năng lượng tái tạo.
Nhịp đập năng lượng ngày 19/12/2023 |
Nhịp đập năng lượng ngày 20/12/2023 |
H.T (t/h)