Nhật Bản trở thành nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư
Hiện tại, Nhật Bản đang ở thế thuận lợi về địa chính trị và tài chính. Nhưng sự ổn định vẫn cần được xem xét kỹ lưỡng trong trung và dài hạn.
Chứng khoán Nhật Bản tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1990 |
Khi một số cuộc khủng hoảng địa chính trị leo thang đáng kể và tình trạng bán tháo hỗn loạn trên thị trường nợ toàn cầu cùng với những hệ lụy từ việc lãi suất tăng mạnh, danh sách các nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư ngày càng ngắn hơn.
Ngay cả thị trường trái phiếu Kho bạc Mỹ được cho là ổn định cũng trở nên biến động khác thường. Kể từ ngày 31/8, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng từ 4,1 lên 4,9%, mức cao nhất kể từ năm 2007.
Mặc dù không có thứ gọi là an toàn tuyệt đối trong những thời điểm cực kỳ hỗn loạn, nhưng có rất nhiều nhà đầu tư đang xem xét Nhật Bản như một nơi trú ẩn an toàn.
Kể từ đầu năm nay, Topix - một trong những chỉ số thị trường chứng khoán chính của Nhật Bản - đã tăng 20%, con số này vượt trội hơn so với S&P 500 và vượt xa mức tăng của Nifty 50- chỉ số chứng khoán quan trọng nhất của Sở Giao dịch Chứng khoán Quốc gia Ấn Độ.
Trong khi có nhiều yếu tố trong và ngoài nước đang tác động vào thị trường Nhật Bản, có hai yếu tố đặc biệt nổi bật là sức hấp dẫn địa chính trị của Nhật Bản và vị thế của nước này trong chính sách tiền tệ toàn cầu.
BOJ vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng ngay cả khi đồng Yên giảm giá |
Khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, Nhật Bản đã tự định vị mình là một nền kinh tế ổn định, có liên kết chặt chẽ với phương Tây và có tầm quan trọng chiến lược, đồng thời được hưởng lợi từ việc định hình lại chuỗi cung ứng khi Mỹ và châu Âu đang nỗ lực tìm cách “giảm thiểu rủi ro” cho nền kinh tế của họ.
Kế hoạch của một số công ty bán dẫn lớn nhất thế giới nhằm tăng cường sản xuất tại Nhật Bản đã củng cố quan điểm quốc gia này được coi là an toàn về mặt chính trị và kinh tế.
Bên cạnh đó, chuyên gia Nicholas Spiro tại Lauressa Advisory cho biết, các nhà quản lý quỹ ở châu Á hiện đang tìm cách duy trì hoạt động gián tiếp với Trung Quốc mà không cần đầu tư trực tiếp vào nước này. Không chỉ là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, Nhật Bản còn là thị trường có chiều sâu, đáng đầu tư và tương đối an toàn ở châu Á.
Điều quan trọng không kém là Nhật Bản vẫn là quốc gia khá đặc biệt trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Trong khi các ngân hàng trung ương lớn khác ở các nền kinh tế phát triển đã tăng lãi suất một cách mạnh mẽ thì Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vẫn duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Mặc dù đang có cuộc tranh luận gay gắt về hậu quả của chính sách này, nhưng BOJ không vội tăng lãi suất.
Hơn nữa, chương trình chính sách thân thiện với nhà đầu tư là một điểm cộng cho thị trường chứng khoán Nhật Bản. Những cải cách quản trị doanh nghiệp do Sở giao dịch chứng khoán Tokyo khởi xướng nhằm buộc các công ty cải thiện lợi nhuận của cổ đông có thể sẽ dẫn đến một thị trường chứng khoán lành mạnh và có tính thanh khoản cao hơn.
Mặc dù Nhật Bản đang ở vị trí thuận lợi về địa chính trị và tài chính nhưng nước này cũng không tránh khỏi những tác động do tình hình bất ổn của nền kinh tế toàn cầu. Điều này được thể hiện qua các đợt bán tháo trái phiếu chính phủ Nhật Bản, đẩy lợi suất trái phiếu 10 năm của Nhật Bản lên mức cao nhất trong một thập kỷ.
Ngoài ra, tăng trưởng tiền lương vẫn ở mức thấp, nhưng lạm phát giá thực phẩm vẫn ở mức cao gần 9% và không có dấu hiệu chậm lại. Điều này cũng đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở Nhật Bản.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
Sau Trung Quốc, tới lượt Nga ngừng nhập hải sản Nhật Bản Vào hôm 16/10, Nga theo bước Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu tất cả sản phẩm hải sản từ Nhật Bản như một phản ứng trong bối cảnh lo ngại về nguồn nước thải ra biển từ nhà máy hạt nhân Fukushima. |